Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Trao đổi

Sự đan xen khuôn mẫu và biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí


(08/04/2009 09:41:03)

Vậy phải làm thế nào để cho ngôn ngữ báo chí có tính biểu cảm ? Hay nói cụ thể hơn, là làm thế nào để tăng cường giá trị biểu cảm cho các thành tố ngôn ngữ được dùng trong tác phẩm báo chí

          Một giấy chứng nhận sáng chế:

          "Chiếc đèn nháy điện tử có tên gọi là "Electron" do nhà máy điện quang Washington sản xuất là một dụng cụ có trọng lượng 250g, có khả năng phát sáng với công suất 20j  và làm việc nhờ hệ thống ắc qui".

          Song, vẫn thông tin nói trên, khi được đưa trên một tờ báo, lại có dạng thức như sau:

          "Một trong những nhà máy điện quang của Washington đã tạo nên một sự bất ngờ thú vị cho những người yêu thích chụp ảnh. Ngọn đèn nháy điện tử "Electron" nặng chỉ vẻn vẹn có 250g. Tia chớp xinh xắn này làm việc nhờ hệ thống ắc qui có thể nạp được điện từ những ổ cắm thông thường".

          Dễ dàng nhận thấy là thông tin trên báo sinh động và hấp dẫn hơn nhiều so với những gì được ghi trên giấy chứng nhận sáng chế.

          Nguyên nhân thật đơn giản: Trong ngôn ngữ báo chí, người ta đã đan xen một cách hài hoà các thành tố khuôn mẫu với các thành tố biểu cảm; còn trong ngôn ngữ có tính chất kê khai của một giấy chứng nhận sáng chế, người ta chỉ dùng thuần nhất các thành tố khuôn mẫu mà thôi.

          Nếu so sánh các phong cách chức năng trong ngôn ngữ về phương diện quan hệ giữa khuôn mẫu và biểu cảm, chúng ta nhận thấy: Trong phong cách hành chính - công vụ và phong cách khoa học, tính khuôn mẫu của cách thức diễn đạt đạt tới mức tối đa, nghĩa là không còn chỗ cho các thành tố biểu cảm. Trong phong cách văn học nghệ thuật, tính biểu cảm chiếm ưu thế so với tính khuôn mẫu; đặc biệt, trong một số tác phẩm thơ, tính biểu cảm có thể đạt tới mức tối đa. Riêng trong phong cách báo chí - chính luận, tính khuôn mẫu và tính biểu cảm của ngôn từ nằm trong quan hệ tương đối hài hòa, cân bằng.

          Các trường hợp đan xen khuôn mẫu và biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí, nhìn chung, có thể chia thành 3 kiểu chính như sau:

          1. Đan xen trong phạm vi câu

          Đây là sự đan xen (chủ yếu là giữa các từ) trong nội tại câu. Ví dụ:

          "Không giống như nhiều tập đoàn khác bỏ hàng núi tiền để giành một suất quảng cáo trên truyền hình hay các phương tiện thông tin đại chúng, Piaggio chơi kiểu khác "độc" hơn và "cao tay" hơn: Đổ tiền vào sản xuất các bộ phim hay và khéo léo lồng thương hiệu của mình vào. Sau khi bộ phim "Kỳ nghỉ lãng mạn" được trình chiếu (1954) với hai ngôi sao Gregory và Hepburn luồn lách ngang dọc trên các đường phố Rôma cùng con ong xinh xắn (Vespa - tiếng Ý có nghĩa là con ong), thì Vespa trở thành biểu tượng của nước Ý" (Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, 10/7/2001);

          "Nhưng "chảo dầu sôi" trên sân Vinh với gần 3 vạn khán giả cuối cùng cũng "nấu chín" đội Công an Hà Nội" (Lao động, 31/3/2000);

          "Công - coóc từ trước đến nay vẫn được coi là phi cơ quý tộc vì những tiện nghi và các ưu thế kỹ thuật "độc nhất vô nhị" của nó (Quân đội nhân dân, 3/ 9/2000);

          "Faustino asprila, "mũi tên đen" hay gây tranh cãi của Columbia mới đây thổ lộ rằng... anh sẵn sàng từ chối một bản hợp đồng hàng triệu đô la tại một vương quốc dầu lửa và muốn kết thúc sự nghiệp của mình tại đội "thường thường bậc trung" Tutu của thành phố quê hương" (Thể thao&Văn hóa, 12/9/2000);

          2. Đan xen trong phạm vi đoạn văn

          Đây là sự đan xen giữa các câu với nhau. Ví dụ:

          "Trước hết, nợ của Chính phủ Nhật Bản rất cao, khoảng 9,3% GDP hàng năm. Đây là một quả bom nổ chậm đang ẩn trong nền kinh tế Nhật" (Hà Nội mới cuối tuần, 21/12/1998);

          "Đảo đèn Long Châu đã được phong danh hiệu Anh hùng năm 1972. Người ta gọi nó là "con mắt ngọc" của biển Đông" (Lao động, 11/4/1998);

          "Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, mọi sự nói vậy mà không hẳn đã là vậy. Trong chương trình làm việc mới được đưa ra kèm theo khoản viện trợ cả gói cho kế hoạch "Cô-lum-bi-a", Oa-sinh-tơn thực chất đã thay đổi một cách căn bản nguyên tắc phối thuộc cùng Bô-gô-ta trong cuộc đấu tranh chống lại nạn buôn bán ma tuý. Từ nay trở đi, người Mỹ không chỉ đứng đằng sau quân đội Cô-lum-bi-a, mà với vai trò cố vấn huấn luyện, sẽ thực sự và trực tiếp nhúng tay vào công việc nội bộ của Cô-lum-bi-a" (Quân đội nhân dân, 10/9/2000).

          3. Đan xen trong phạm vi kết cấu toàn văn bản

          Ở đây, các thành tố biểu cảm được sử dụng để xây dựng những mảng màu đối lập ở bậc kiến trúc của toàn bài. Đó có thể là:

          a, Đối lập giữa tiêu đề với nội dung, ví dụ:

          Nắm người có tóc

          Trong vòng vài ngày qua, Đà Nẵng gần như chấm dứt hẳn nạn ùn tắc giao thông vào các giờ tan học, tan tầm. Hiệu lực chỉ thị nghiêm cấm học sinh không được đi học bằng xe gắn máy, mô tô của chính quyền, nhằm vãn hồi trật tự giao thông trên đường phố có tác dụng thấy rõ. Gần chục ngàn học sinh của 7 trường phổ thông trung học đã tự giác đến trường bằng xe đạp thay vì xe máy như trước đây. Có thể nói đây là hiện tượng tích cực mà mà Đà Nẵng là một trong số rất ít đô thị trong cả nước hiện nay làm được nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ trên khắp các địa phương trong cả nước... (Lao động, 13/1/2003).

          Khôn ngoan chẳng lọ thật thà

          Hai vợ chồng giàu có vào bậc nhất phố tôi, dạo này buồn  rười rượi, rất năng đi chùa lễ Phật. Hàng xóm thạo tin kháo nhau: Nhà ấy phất nhờ đánh hàng lậu biên giới, vừa bại quả lớn, may mà không phải vào tù. Trời có mắt cả, được cái này mất cái kia, lắm tiền "đen’ nên thằng con đầu đi xe máy ngã, cưa mất một chân, thằng thứ hai, nghiện hút đang đi cai... (Hà Nội ngày nay, số 8/1999).

b, Đối lập giữa phần mở đầu và phần triển khai, ví dụ:

"Lại nói Tôn Sách là con Tôn Kiên muốn nối chí cha xưng hùng xưng bá ở Giang Đông, nhưng hiềm một nỗi là không có binh mã. Thủ hạ của Sách hiến kế rằng: "Tướng quan nên đem ngọc tỷ của Tôn Phụ để lại, thế chấp cho Viên Thuật, lấy quân mà thu phục Giang Đông". Sách nghe theo. Viên Thuật giao cho Sách 3000 quân và 500 ngựa chiến để đổi lấy ngọc tỷ truyền quốc. Có quân mã trong tay, lại được Chu Du giúp mẹo mực, chẳng bao lâu Tôn Sách đã làm chủ cả một vùng Giang Đông rộng lớn".

Nay trở lại quy chế lên bán chuyên nghiệp do LĐBĐVN đề ra cho các đội bóng muốn tham dự..." (Lao động, 21/7/2000).

c, Đối lập giữa phần triển khai và phần kết thúc, ví dụ:

"Thiết nghĩ, Kodak là một công ty lớn, việc kinh doanh đã có uy tín, thương hiệu sản phẩm nổi tiếng trên toàn thế giới, nhưng qua kiểu làm ăn "đánh trống rồi... cất luôn dùi với VAFACO như vừa nêu gây thiệt hại cho đối tác hàng chục tỷ đồng, đã tự hạ uy tín của mình và chứng tỏ "ông chủ lớn" đôi khi chỉ vì muốn thu lợi cho nhiều mà tính toán rất "nhỏ"...

          Rõ là:

"Kinh doanh có ba, bảy đường

Anh chơi kiểu ấy khó lường về sau

Nên lấy chữ tín làm đầu

          Giữa đường phản phé thì mau... sụp hầm" (Công an Thành phố Hồ Chí Minh, 26/8/2000).

          Thực tế khảo sát cho thấy, hầu hết các tác phẩm báo chí, dù bất cứ thể loại nào, đều sử dụng sự đan xen khuôn mẫu và biểu cảm như là nguyên tắc cấu tạo về ngôn ngữ, song, tất nhiên là với mức độ và cách thức không giống nhau. Chỉ trong một số dạng tin thời sự phản ánh các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng (hoạt động của các nhà lãnh đạo, các cơ quan quyền lực cao cấp của đất nước) là có vẻ thiếu vắng các thành tố biểu cảm. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì ở ngay các tin kiểu này cũng không nên phủ nhận hoàn toàn vai trò của việc đan xen khuôn mẫu và biểu cảm, mà ngược lại, phải biết hướng tới nó, biết vận dụng nó một cách mềm mại, sao cho vừa không làm phương hại đến tính khách quan của thông tin, vừa giúp cho độc giả phần nào bớt được cảm giác là mình đang phải đọc một thông báo khô khan.

TS. Hồng Anh
Theo NSTT số 3/2009