Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Tác phẩm hay là tác phẩm Dễ Nhớ và Khó Quên


(19/01/2009 09:47:20)

Những tác phẩm có sức lay động lòng người là những tác phẩm người viết viết bằng trái tim, người đọc cũng đọc bằng trái tim. Đó là những tác phẩm Dễ nhớ và Khó quên. Tôi cho rằng khi nào TTXVN "đông" những tác phẩm như thế thì sẽ chiếm nhiều giải cao ở các giải báo chí.

     Sảnh tòa Nhà 11 Trần Hưng Đạo xưa nay vốn vắng vẻ. Nhưng từ mấy tháng nay có một sự thay đổi. Hai bên tả hữu sảnh xuất hiện hai chiếc bảng thu hút người qua lại, ngày ngày kể cho họ nghe hai câu chuyện trên đó. Các câu chuyện giữ chân tôi lại nhiều lần, thế rồi chúng trở thành nỗi ám ảnh trong tôi. Nhưng tôi không lạ, vì nghiệm rằng trong đời, hễ điều gì ám ảnh đều làm ta nhớ lâu và sau đó trở thành một phần cuộc sống của ta, để có lúc ta kể lại câu chuyện cho bạn bè hoặc thôi thúc ta làm điều gì đó.
     Đó là hai phóng sự ảnh đoạt giải cao của Giải ảnh báo chí "Khoảnh khắc vàng" lần thứ nhất của TTXVN tổ chức năm 2008: "Tùng Chỉn - dâu bể một giờ" của Xuân Trường, Thông Thiện (Lai Châu) - giải Đặc biệt; và "Tiếng kêu cứu từ khỉ đuôi dài" của Lê Hoài Phương (Bình Thuận) - giải Nhất.
     Để đoạt giải cao cho một tác phẩm báo chí là điều rất khó, vì điều đó phụ thuộc vào  nhiều yếu tố. Nhiều khi không làm được một việc gì đó, ta thường nói vì cái nọ, vì cái kia... Nhưng, nếu coi giải như một bài toán, mà giả sử tất cả các dữ kiện đều chuẩn và đáp ứng ở mức độ cao: có kế hoạch thông tin bài bản, máy móc phương tiện tốt, có một năm dồi dào sự kiện, Ban giám khảo giải đồng đều về chuyên môn, khách quan và công tâm..., thì liệu phóng viên - người giải bài toán có thực hiện được những tác phẩm có tiếng vang lớn hay không?
     Theo tôi, đáp án là CHƯA CHẮC. Vì ngoài tất cả ra, còn một yếu tố nữa vô cùng quan trọng, đó là CON TIM. Những phóng viên quăng mình vào sự kiện, sống cùng sự kiện, thở cùng sự kiện, bám đuổi sự kiện đến cùng. Xuân Trường và đồng nghiệp của anh  dám đi, dám quên mình, dám có mặt ở chiến trường khốc liệt của những cơn lũ ống, lũ quét. Những bức ảnh đặc tả của anh (những giọt nước mắt mất mát, hai bàn tay bện chặt dìu nhau vượt suối, những cử chỉ lá lành đùm lá rách...) cùng với những dòng chú thích đã cuốn người xem vào câu chuyện Tùng Chỉn: "Hàng cây số vuông đá ngút ngàn, sạch tinh. Đấng tạo hóa như muốn rũ bỏ, gột sạch mọi lầm lỡ khi chót, trong một phút giây loạn trí, mà xóa sạch một khu dân cư như thế. Chiều 10/8/2008, chúng tôi đi tìm những gì mà tạo hóa - kẻ thủ ác - còn để lại sau khi đã cố xóa sạch mọi dấu vết của tội ác đó...".

Phóng viên ảnh Xuân Trường (thứ hai bên phải) gian nan trên đường vào vùng lũ quét Tà Hộc (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)

     Tác phẩm "Tiếng kêu cứu từ khỉ đuôi dài" của Lê Hoài Phương làm người xem rùng mình trước những hình ảnh tàn nhẫn của đám thợ săn đối với động vật rừng, là một lời cảnh báo trước thái độ ứng xử phi nhân tính đối với thiên nhiên. Người xem cảm phục sự dũng cảm của anh khi đi vào thế giới của lâm tặc, giống như một người lính đầy bản lĩnh, tin mãnh liệt vào chính nghĩa, tay không vũ khí đi vào giữa trại giặc để thuyết phục chúng đầu hàng. Các tác phẩm trên gây ấn tượng mạnh với người xem, và nếu như còn khuyếm khuyết nào đó, họ sẵn lòng bỏ qua (theo ý kiến của một số nhà chuyên môn thành viên Ban giám khảo giải Khoảnh khắc vàng, thời điểm bấm máy của "Tùng Chỉn - dâu bể một giờ" chưa phải là "đỉnh" của sự kiện).
     Tiếng Pháp mượn nhiều từ về săn bắn (chasse), rượt đuổi (meute), đánh hơi (flair), con mồi (proie) để nói về nghiệp vụ báo chí. Làm báo giống như đi săn, nhà báo đánh hơi sự kiện, săn đuổi sự kiện, nhân vật. Máu nghề nghiệp nổi lên trước một sự kiện nào đó và alê hấp... lên đường. Họ có khác chi đám thợ săn say máu khi nghe tiếng tù và, tiếng la hét, tiếng vó ngựa, tiếng chó sủa, càng hăng tiết khi tưởng bắt được con mồi đến nơi mà để vuột tay sổng mất. Đã bao lần, trong cuộc đời làm báo, ai trong chúng ta chẳng đã để vuột mất sự kiện, rồi tiếc nuối do sơ suất, do chậm chạp, thiếu nhạy bén, tắc đường, mất liên lạc, hỏng xe, mất sóng điện thoại, do đồng nghiệp khác nhanh chân hơn...?
     Mỗi bức ảnh trong các phóng sự của Xuân Trường - Thông Thiện, của Lê Hoài Phương là một khoảnh khắc chân thực, đầy cảm xúc. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Tổng biên tập báo Hà Nội mới (ông thường xuyên được mời làm giảng viên cho các lớp báo chí của TTXVN), là một chuyên gia hàng đầu về viết bình luận quốc tế của nước ta. Ý kiến sau đây của ông cũng đúng cho cả những thể loại báo chí khác: Sự bay bổng của cảm xúc và độ sâu sắc của tư duy phải gặp nhau thì mới làm rung cảm người đọc. Đó chính là đôi cánh nâng tầm tác phẩm, chiếm lĩnh nhận thức và tình cảm người đọc.
     Phóng sự là một câu chuyện và phóng viên là người kể chuyện. Ngày nay, những phóng sự "nặng ký" không hẳn phải là những chuyện lạ xứ xa, những điều ít người biết, mà là những câu chuyện về những con người bình dị, với những việc hết sức bình thường trong cuộc sống của họ. Các phóng sự của Xuân Trường - Thông Thiện, Lê Hoài Phương là sự hòa quyện của tất cả những điều mới lạ, xa xôi, của những điều bình dị và nhất là của lương tri, của lòng nhân ái. Tác phẩm của các anh là những tác phẩm dễ nhớ và khó quên. Xin gọi các anh là những người-kể-chuyện-rong-hay-nhất-của-năm 2008.
     Những tác phẩm có sức lay động lòng người là những tác phẩm người viết viết bằng trái tim, người đọc cũng đọc bằng trái tim. Tôi cho rằng khi nào TTXVN "đông" những tác phẩm Dễ nhớ và Khó quên thì sẽ được giải cao ở nhiều giải báo chí quốc gia và cả giải quốc tế.

Phùng Minh Trang
Theo Nội san Thông tấn, số 1&2/2009.