Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Phép cộng của chất lượng


(30/12/2008 15:14:49)

Đồng nghiệp này, lại một năm nữa sắp qua, vậy mà mục tiêu "đột phá, nâng cao chất lượng thông tin" của TTXVN còn nhiều điều cần phải bàn.

- Có thế thật, bởi theo chỗ đồng nghiệp được biết thì số lượng tin phát mỗi ngày như vậy là ổn rồi, nhưng cái thiếu ở đây là thiếu những tin nhanh, cập nhật thời sự, nêu trúng vấn đề xã hội đang quan tâm và tin hay để hấp dẫn người đọc.

- Vậy trách nhiệm thuộc về đâu?

- Ồ, câu hỏi không khó nhưng để trả lời cho thấu đáo cũng không đơn giản chút nào. "Nói có sách, mách có chứng" đây này. Mình thấy trong các cuộc họp bàn về nâng cao chất lượng thông tin của các phân xã trong nước, trên diễn đàn, phóng viên thì "kêu" ông biên tập ở Tổng xã chưa biết trân trọng sản phẩm trí tuệ (tin, bài, ảnh) của anh chị em phóng viên phân xã trần lưng ra làm; đã xử lý tin chậm lại tùy tiện cắt xén, thậm chí vứt bỏ không dùng tin. Nhiều tin qua tay biên tập, "lợn lành hóa lợn què".v.v... Còn đại diện các ban biên tập lại "trách" cánh phóng viên vẫn đưa về những sản phẩm thông tin thiếu hoàn chỉnh, đã thông tin chậm các vấn đề thời sự trên địa bàn mà cách viết lại ẩu, sơ sài, văn phong kém hấp dẫn...

- Một số ý kiến khác lại ca thán tin chậm, chưa chất lượng là do "lỗi" trong công tác quản lý, chỉ đạo thông tin, do cơ chế chính sách, do cách tính định mức còn một số điểm chưa phù hợp, do điều kiện kỹ thuật  không đáp ứng yêu cầu và do cả... thường trú ở địa bàn ít sự kiện, do vậy ít tin, không có tin "nóng" v.v...

- Thì đồng nghiệp còn lạ gì những lý do muôn thủa ấy. Đành rằng đấy là những bất cập có thật, tồn tại trong một bộ máy quản lý quá lớn nhưng mình nghe mà thấy buồn. Đồng nghiệp hỏi vì sao ư? Buồn là chẳng mấy ai dám nhìn thẳng vào sự việc, mạnh dạn nói về chính bản thân mình trước đã: Làm phóng viên, khoan hãy bàn đến chuyện năng lực chuyên môn, mà sức ì như vậy đã đáp ứng được yêu cầu công tác chưa, phương thức làm việc như thế nào, thái độ làm việc ra sao... Các cụ chẳng dạy, trước khi trách người, ta phải trách mình trước đã. Hãy tự vấn xem mình đã làm được gì, làm được đến đâu, phải nghiêm khắc với bản thân thì mới biết mình đang ở vị trí nào, hay-dở ra sao mà tránh. Các ban biên tập cũng vậy, đừng vội trách cứ phóng viên. Trước tiên, hãy rà soát lại bộ máy của mình, biết nó yếu ở khâu nào để mà khắc phục, nâng cấp. Cơ quan thông tin nào cũng vậy, biên tập viên phải tinh thông hơn phóng viên là chuyện đương nhiên. Không giỏi hơn, thông thạo chuyên môn hơn thì tài thánh cũng chẳng thể chữa bài phóng viên cho tốt được. Trong khi đồng nghiệp nghe láng máng rằng, đội ngũ biên tập viên ở Ban biên tập tin Trong nước vừa yếu lại vừa thiếu!

- Nếu theo phương pháp luận mà suy: Anh chê phóng viên viết ẩu, sai chính tả hoặc chụp ảnh chưa đạt yêu cầu, vậy tại sao làm nhiệm vụ gác gôn mà anh vẫn để lọt lưới những sản phẩm thông tin dở và nhiều sạn như vậy, khách hàng không kêu mới là chuyện lạ. Thiết nghĩ, trong trường hợp này, lỗi biên tập viên và người hiệu đính nặng hơn.

- Hãy khoan phân định lỗi đúng sai ở đây. Đồng nghiệp trộm nghĩ, con người của chúng ta là thế, năng lực như vậy, kèm thêm công tác quản lý và cơ chế chính sách có thể còn chưa thật phù hợp thì mục tiêu đột phá thông tin còn là cái đích cần tiếp tục phấn đấu.

- Dĩ nhiên. Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, với tinh thần cầu thị, mình nghĩ rằng đột phá, nâng cao chất lượng thông tin chỉ có được khi đó là phép cộng, cộng từ nhiều phía: Phóng viên + Ban biên tập + Công tác điều hành, quản lý, chỉ đạo thông tin  và cuối cùng là cơ chế chính sách phù hợp, đủ sức kích thích phóng viên lao động thật sự, tất cả vì thương hiệu TTXVN.

Đức Linh
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2008