Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Để TTXVN đoạt giải cao trong các Giải Báo chí

Đi tìm những tác phẩm đặc thù Thông tấn


(03/12/2008 12:34:21)

Những tác phẩm báo chí đoạt giải trong những năm gần đây phần lớn gắn với bình luận quốc tế. Trong xã hội thông tin tự do, đa dạng hóa, dấu ấn cá nhân hoặc một nhóm người có khả năng tác động dư luận hay dự báo, dự đoán chính xác ngày càng được chú ý. Tuy nhiên, trong tương lai những bài viết từ hiện trường, mang hơi thở cuộc sống, dấu ấn cá nhân dần dần sẽ xuất hiện nhiều hơn trong hệ thống giải báo chí.

Cách đây vài năm, chúng ta đã vinh dự đạt giải cao cho chùm tin, bài về cuộc chiến Ko-so-vo (Liên bang Nam Tư cũ) và Irắc. Khi ấy, các biên tập viên TTXVN khai thác triệt để sự kiện, diễn biến của cuộc chiến được cả thế giới theo dõi. Những sự kiện lớn mang lại yếu tố thuận lợi khách quan "bề nổi" cho thông tin quốc tế đối nội. Đã thành truyền thống, các biên tập viên tác nghiệp trong bối cảnh bộn bề thông tin khá thành thục với cường độ làm việc 24/24 giờ. Thời điểm chiến sự Ko-so-vo, phóng viên chúng ta ở Bê-ô-grát đã mang lại cho độc giả trong nước khói bom từ chiến sự, giúp chùm tin, bài của TTXVN nổi bật hơn bao giờ hết. Có nhiều cách tiếp cận, nhưng trong phần tham gia diễn đàn này, tôi chỉ xin nêu ra suy nghĩ về khai thác thế mạnh của hệ thống phân xã ngoài nước trong mục tiêu giành giải báo chí uy tín.

Với đội ngũ phóng viên ở 27 phân xã ngoài nước, được sự hỗ trợ của những biên tập viên từng nhiều năm thường trú nước ngoài và nhiều nguồn tin mua của các hãng nước ngoài, tin quốc tế đối nội là "mỏ vàng" cho các kỳ dự giải. Tuy nhiên các bài báo của phóng viên thường trú vẫn chưa thật sự có ảnh hưởng mạnh đến dư luận, mang dấu ấn cá nhân bằng những thủ pháp nghề nghiệp. Nhiều phóng viên chỉ khai thác phần lộ thiên hoặc hụt hơi trước các sự kiện, vấn đề lớn. Khắc phục được nhược điểm này, tổ chức phối hợp bài bản, chúng ta có thể hy vọng sự xuất hiện của những chùm bài đoạt giải mang chất của phóng viên thường trú nước ngoài. Tôi xin trình bày một vài điểm để cùng bàn luận:

1 - Chọn đề tài lớn, bao quát: Một nước Mỹ chìm đắm hay hồi sinh trong cơn bão khủng hoảng tài chính hiện nay và tác động của nó đến Việt Nam? Một Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ đa màu, đa sắc như thế nào trong cuộc sống từ Đông sang Tây, từ Bắc tới Nam? Cộng đồng người Việt tại Mỹ như thế nào sau những biến cố lịch sử?  Con đường đi và "đời sống" của hàng hóa Việt Nam tại Mỹ?... Đó là một số trong nhiều câu chuyện về nước Mỹ ít nhiều liên quan Việt Nam có thể xây dựng thành loạt bài ấn tượng. Rồi còn những chuyện dài kỳ về trí thức Việt Nam bôn ba và thành đạt tại Đông Âu. Vẫn còn đó Lào, Campuchia, Cuba hay châu Phi xa xôi sâu đậm dấu ấn các thế hệ chuyên gia Việt Nam trong từng làng xóm, ngôi trường. Vẫn đó - đất nước CHDCND Triều Tiên ít được biết đến hay rộng ra là cả bán đảo Triều Tiên trong giấc mơ thống nhất mảnh đất cuối cùng bị chia cắt bởi Chiến tranh lạnh. Và có bao nhiêu cộng đồng người Việt đang lao động ở Hàn Quốc, Malaixia, Nhật Bản và trên những tàu đánh cá lênh đênh giữa đại dương mênh mông. Ngoài những tác phẩm mang tính phát hiện, đặc thù hoặc chất thời sự, không ít đề tài đủ tầm lớn để triển khai theo tuyến.

Đề tài trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan Việt Nam, số phận con người trong bộn bề cuộc sống và biến cố lịch sử của đất nước có lẽ là những mảnh đất màu mỡ, không quá sức đối với một số cây bút của ta. Đó cũng là cách khai thác nguồn lực sẵn có hơn là những chuyến đi công tác dài ngày thực hiện đề tài.

2 - Tổ chức bài bản: Có đề tài nhưng khâu triển khai thực hiện cần đồng bộ. Hiếm khi giải báo chí tầm cỡ quốc gia lại trao cho tin, bài quốc tế đơn lẻ, đứng độc lập. Tổ chức chùm tin, bài đòi hỏi phóng viên phải phân bố nội dung dài hơi, đa dạng, kết hợp nhiều nguồn tin, kết nối nhiều địa danh, ảnh minh họa phong phú. Thực hiện công việc này đòi hỏi sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, phối hợp giữa phóng viên thường trú nước ngoài, biên tập viên trong nước, báo in, bản tin.

Nội dung phong phú, đa dang thể loại báo chí, cùng với cách trình bày nổi bật, dài hơi trên trang báo sẽ tạo ấn tượng về đề tài cũng như tác phẩm, tác giả. Có thể nói là xây dựng "kế hoạch tác chiến" này không mới đối với các tòa soạn báo nhưng chưa quen đối với phần đông đội ngũ phóng viên, biên tập viên quốc tế đối nội. Chúng ta quen làm tin bài thông tấn nhưng để đứng chân trong các giải báo chí danh tiếng, yếu tố cá nhân và "mặt tiền" rất quan trọng. Về diện tích đất để thể hiện tác phẩm có lẽ ưu tiên báo in và báo điện tử VietnamPlus.

Để sớm có thêm giải báo chí quốc gia và tác phẩm hay mang dấu ấn của phóng viên thường trú TTXVN, lãnh đạo cơ quan và các đơn vị liên quan có thể tính đến khả năng xây dựng kế hoạch tổ chức tuyến tin bài hoặc một dạng tổ công tác mỗi khi có "vấn đề". Đề tài cũng có thể đề nghị các phân xã hoặc chuyên gia giàu kinh nghiệm khởi xướng, đề xuất.

Lãnh đạo cơ quan cũng xem xét biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện để phóng viên thường trú nước ngoài thâm nhập thực tiễn, có nhiều hơn tin bài mang hơi thở cuộc sống, thời đại.

Vào thời điểm này, TTXVN có nhiều cơ hội khách quan và chủ quan để giành thêm giải báo chí quốc gia, khẳng định vị thế thuộc mặt trận hàng đầu trong lĩnh vực báo chí. Nhưng quan trọng hơn là giải báo chí ghi nhận chặng đường đổi mới, phát triển của Hãng thông tấn nhà nước nhận hai danh hiệu Anh hùng cao quý.

Vũ Duy Hưng
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2008