Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Phóng viên thường trú nước ngoài cần trang bị những kiến thức gì trước khi đi?


(04/11/2008 09:01:57)

Trong những năm qua, hệ thống phân xã TTXVN ở nước ngoài không ngừng phát triển và hiện có tới 27 phân xã. Hiện nay một phân xã nước ngoài thường có biên chế từ 2 đến 3 người. Theo quy định cứ 3 năm thực hiện luân chuyển, như vậy số lượng phóng viên luân chuyển đi phân xã hàng năm cần từ 15 tới 20 người. Từ trước tới nay, nguồn cung cấp phóng viên cho các PXNN chủ yếu từ Ban biên tập tin Thế giới, ngoài ra có cả những người của một số đơn vị thông tin đối ngoại của ngành. Công việc đòi hỏi đội ngũ này phải có trình độ nghiệp vụ và chính trị vững vàng, kiến thức văn hóa - xã hội rộng rãi. Việc chuẩn bị hành trang cho họ trước khi tới địa bàn công tác mới là vô cùng quan trọng.

            Những hành trang cơ bản

            Thứ nhất, ngoại ngữcông tác phóng viên là hai yếu tố trước tiên cần tính đến khi phóng viên đi PXNN. Các biên tập viên của Ban Biên tập tin Thế giới có rất nhiều lợi thế về ngoại ngữ (ngoài những ngữ thông dụng như Anh, Pháp, Trung, Nga còn sử dụng cả tiếng Nhật, Triều, Tây Ban Nha). Họ được tiếp xúc với các nguồn thông tin phong phú, đa dạng do các Hãng thông tấn nước ngoài cung cấp, trong đó chủ yếu là tiếng Anh.

            Tuy nhiên, họ cũng có những nhược điểm như: Về ngoại ngữ, chủ yếu là đọc và viết, còn nghe và nói thì ít, trong khi khả năng nghe và nói lại rất quan trọng. Do trình độ nghe và nói yếu nên rất nhiều người khi tới địa bàn ngại tham gia các hoạt động lấy tin trực tiếp trong các cuộc họp báo, đi phỏng vấn hoặc tiếp xúc với quan chức, đồng nghiệp, dân chúng nước sở tại. Một số có tham gia các hoạt động, nhưng cũng rất ngại hỏi và phỏng vấn. Vì vậy, có tình trạng một số phóng viên chủ yếu ngồi tại văn phòng khai thác thông tin qua báo chí địa phương. Những tin họ gửi về Tổng xã tuy vẫn phản ánh được những sự kiện và tình hình địa bàn nhưng không phải là "thông tin đầu tay". Kinh nghiệm cho thấy các cơ quan báo chí nước ngoài đưa tin và biên tập theo quan điểm riêng của họ, còn những thông tin ta cần có khi họ lại không đưa. Ngoài ra, khi dự các cuộc họp báo và các hoạt động, phóng viên ta còn có điều kiện tiếp xúc và cảm nhận bầu không khí thực địa, giống như xem bóng đá qua tường thuật tivi với xem bóng đá tại sân vận động, không khí khác hẳn nhau.

            Đây cũng là nhược điểm của phóng viên nhiều nước không chỉ của riêng ta. Một số nước như Mỹ, Nhật đã khắc phục điểm yếu này bằng cách như: Đối với địa bàn Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, họ thường cử phóng viên người Mỹ gốc Hoa, người Nhật gốc Hoa vì những người này thạo tiếng địa phương. Một số nước thuê PV người bản xứ, thậm chí cho phép PV kết hôn với người bản xứ. Nhưng đối với chúng ta thì những biện pháp khắc phục hạn chế ngôn ngữ trên không được phép, hoặc chưa có khả năng làm được. Bởi vậy, cần tăng cường hai kỹ năng nói và nghe cho PV trước khi đi, cộng thêm bồi dưỡng nghiệp vụ phóng viên, nhất là nghiệp vụ phỏng vấn, tiếp xúc lấy tin thì mới khắc phục được nhược điểm hiện nay của chúng ta.

            Tóm lại, bản thân PV ngay từ khi bước vào làm việc ở TTXVN đã phải từng bước trang bị những kiến thức cần thiết cho mình. Những tư liệu có rất nhiều qua các bản tin của các hãng thông tấn lớn, của các PXNN điện về hàng ngày và qua nhiều ấn phẩm thông tin của chính TTXVN.

            Thứ hai là kiến thức địa bàn, yếu tố này rất quan trọng đối với PV trước khi đi thường trú ngoài nước. Kiến thức địa bàn rất rộng nhưng chủ yếu gồm một số điểm quan trọng như sau:

            Kiến thức chung về thể chế chính trị, chế độ kinh tế, luật pháp, nhất là các chế độ quản lý nhà nước, hành chính, an ninh trật tự, báo chí cùng những tình hình mới nhất về các mặt của nước đó trước khi phóng viên tới địa bàn. Hiện nay, việc biên soạn những tài liệu cơ bản này để cung cấp cho phóng viên vẫn còn nhiều bất cập.

            Kiến thức về tình hình hoạt động báo chí, thông tin đại chúng, nhất là chế độ kiểm duyệt báo chí và quản lý phóng viên nước ngoài. Đối với những nước và khu vực có tự do báo chí thì PV hoạt động tương đối thoải mái, còn những nước có chế độ quản lý và kiểm duyệt báo chí nghiêm ngặt thì sẽ bị hạn chế nhiều, nhất là sự theo dõi của các cơ quan an ninh. Ngoài ra, PV cần lưu ý tìm hiểu về các địa điểm thường diễn ra các cuộc họp báo như Trung tâm báo chí, Câu lạc bộ báo chí, Trụ sở các cơ quan chính quyền sở tại, các tổ chức báo chí, các tờ báo quan trọng có ảnh hưởng cũng như khuynh hướng chính trị của các tờ báo lớn. Sự qua lại nơi đây giúp phóng viên mới sang nhanh chóng định hướng được nguồn tin cần thu thập.

            Kiến thức về giao thông và thông tin liên lạc: Hiện nay các PX đều được trang bị ôtô, vì vậy việc hiểu rõ luật giao thông là điều quan trọng cho PV khi điều khiển phương tiện trên đường. Tuy nhiên có một số địa bàn như Hồng Công, Nhật Bản, phương tiện giao thông công cộng rất phát triển nên không cần trang bị ôtô riêng cho PX. Trong trường hợp này, việc tìm hiểu và truyền đạt kinh nghiệm đi lại của người tiền nhiệm đối với người mới tới là rất quan trọng. Có nắm bắt được các đầu mối giao thông thì PV mới có thể tham gia các hoạt động đúng thời gian và đúng địa điểm.

            Kiến thức về công nghệ thông tin liên lạc viễn thông của nước sở tại là điều rất quan trọng vì mọi thông tin PV thu thập phải được gửi về Tổng xã một cách nhanh nhất và an toàn. Nắm được trình độ thông tin viễn thông của nước sở tại sẽ giúp PV chọn được kênh thông tin chính và có các kênh thông tin dự bị (như vừa có Internet, vừa có Fax, vừa có kênh truyền file). 

            Kiến thức về kinh tế tài chính: Trong thời buổi hợp tác kinh tế toàn cầu - Bắc Kinh, Hồng Công, Tokyo, Niu Yóoc, Luân Đôn đều là các Trung tâm kinh tế tài chính quốc tế lớn - nếu các PV được trang bị thêm kiến thức kinh tế, tài chính nhất là kiến thức về kinh tế thị trường, thị trường chứng khoán thì họ sẽ cung cấp tin một cách toàn diện hơn.

            Kiến thức về phong tục tập quán, cách giao tiếp của nước sở tại cũng vô cùng cần thiết, nhất là đối với những nước theo đạo Hồi, nhằm tránh sơ xuất trong giao tiếp với quan chức và dân chúng địa phương.

            Thứ ba là hành trang về máy tính và thông tin liên lạc của Tổng xã. Nhìn chung hiện nay, các PV đều có trình độ máy tính đảm bảo được công tác hàng ngày. Tuy nhiên, trước khi đi công tác địa bàn, máy tính trang bị cho PV cần được cài đặt lại chương trình. Tại những địa bàn có công nghệ thông tin và trình độ tin học phát triển cao, thường xảy ra tình trạng máy móc của ta lạc hậu hơn của họ, nhưng ở những địa bàn công nghệ tin học chưa cao thì PX lại khó mua linh kiện và các chương trình cần thiết khác. Hiện nay, máy ảnh số khá phổ biến, vì vậy PV ở địa bàn điều kiện cho phép có thể truyền file ảnh về nước làm cho tin của mình phong phú và hấp dẫn hơn.

            Yếu tố cuối cùng là kinh nghiệm của người tiền nhiệm. Đây cũng là một hành trang quan trọng đối với PV khi đi thường trú nước ngoài. Bởi vì, những người tiền nhiệm qua thời gian công tác tương đối thông thạo địa bàn về các mặt, đồng thời có thể rút ra được những bài học thành công và chưa thành công. Người tiền nhiệm biết rất rõ những hỗ trợ cũng như những rào cản đối với PV mới sang công tác. Đối với những người đã quen thuộc địa bàn thì người tiền nhiệm cũng cung cấp những tư liệu và thông tin mới nhất để người thay thế không bị lúng túng, giúp tự tin, tránh được những sai sót không cần thiết.

            Tóm lại, hành trang trước khi tới địa bàn càng đầy đủ, càng phong phú thì PV sẽ rút ngắn thời gian làm quen, nhanh chóng hòa nhập vào guồng làm việc của PX, tăng hiệu quả công tác.

Kiều Tỉnh
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2008