Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng lần thứ nhất

Chuyên nghiệp và tính báo chí cao


(07/10/2008 10:07:10)

Ngày 15/9 vừa qua, Hội đồng giải ảnh báo chí thường niên do TTXVN tổ chức mang tên Khoảnh Khắc Vàng lần thứ nhất đã tổ chức lễ tổng kết, trao giải và triển lãm tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội. NSTT có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Vinh Quang, Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng giải Khoảnh Khắc Vàng xung quanh giải thưởng này.

Cháu Huyền Thương kể chuyện Bác Hồ (giải Nhất). (Ảnh: Lan Xuân).

            * Xin ông cho biết đôi điều về giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng lần thứ nhất?

            Sau nhiều năm thai nghén trong giới nhiếp ảnh Thông tấn, năm nay, giải Khoảnh Khắc Vàng lần đầu tiên được tổ chức và đã đạt được những thành công nhất định. Hiện nay, đời sống nhiếp ảnh ở Việt Nam rất sôi động nhưng ảnh báo chí, nhìn từ góc độ nghề nghiệp, lại chưa được quan tâm đúng mức. Sự phát triển của ảnh báo chí chưa được như chúng ta mong muốn. Vì thế, khi tổ chức giải Khoảnh Khắc Vàng, chúng tôi muốn trả lại vị thế đích thực cho ảnh báo chí.

            Giải năm nay thu hút được hơn 3.100 tác phẩm của 410 tác giả trong và ngoài ngành dự thi. Chúng ta đã chọn được nhiều tác phẩm xứng đáng để trao giải. Tất nhiên, để đánh giá chất lượng một cách khách quan còn phụ thuộc vào cuộc triển lãm trước công chúng tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Sự cảm nhận, đánh giá tích cực của công chúng sẽ là yếu tố quan trọng cho thành công của Giải nói chung và của từng tác phẩm nói riêng.

Các Hoa hậu Hoàn vũ tập thể hiện: 'Tôi yêu Việt Nam' bằng tiếng Việt (giải Nhì). (Ảnh: Minh Quốc).

            * Lần đầu tiên tổ chức giải, chắc hẳn Ban tổ chức phải đối mặt với nhiều khó khăn?

            Đúng vậy. Vì là lần đầu tiên nên mọi thứ đều rất mới mẻ. Cái tên "Khoảnh Khắc Vàng" còn cần nhiều thời gian để in dấu ấn trong lòng công chúng cũng như trong giới nhiếp ảnh. Công cuộc xây dựng thương hiệu bắt đầu từ những viên gạch đầu tiên.

            Hơn nữa, Khoảnh Khắc Vàng được tổ chức trong bối cảnh ở Việt Nam đã có rất nhiều cuộc thi về nhiếp ảnh và khái niệm về các loại ảnh cũng chưa rõ ràng. Việc phân định cụ thể thế nào là ảnh báo chí còn có nhiều tranh cãi. Trong khi đó, cuộc thi của chúng ta lại đòi hỏi các tác phẩm phải có tính chuyên nghiệp, tính báo chí cao.

            Thêm vào đó, do yêu cầu khắt khe về tính thời sự, thể lệ của giải Khoảnh Khắc Vàng yêu cầu tác phẩm dự thi phải là "những tác phẩm mới chưa từng được sử dụng dưới bất cứ hình thức nào ở các cơ quan báo chí khác" đã làm hạn chế số lượng tác giả tham gia. Vì với các phóng viên ảnh chuyên nghiệp, nhiệm vụ trước hết là phải phục vụ đơn vị quản lý. Thật khó nếu những tác phẩm đẹp nhất, chất lượng nhất không phải đăng trên các sản phẩm báo chí nơi họ đang công tác mà lại gửi về cho TTXVN. Trong khi đó, những phóng viên ảnh tự do lại không nhiều. Những người cầm máy nghiệp dư khó có điều kiện xâm nhập sâu vào thực tế để có thể phản ánh sâu sắc và toàn diện các khía cạnh đời sống xã hội.

Đừng về Mẹ ơi (giải Ba). (Ảnh: Vũ Thị Thái Bình).

            Mặc dù có khá nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của Ban tổ chức trong việc quảng bá, khuyếch trương, Giải đã thu hút được khá đông tác giả là các phóng viên ảnh các báo, các phóng viên tự do, những tay máy chuyên nghiệp đến từ các chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng như nhiều người chụp ảnh nghiệp dư  từ Bắc chí Nam tham dự. Vì thế, với vai trò là năm mở màn, tôi cho rằng giải  Khoảnh Khắc Vàng lần thứ nhất đã thành công.

            * Vậy, theo ông, điều gì quan trọng nhất làm nên thành công của Giải?

            Chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo một tiêu chí quan trọng, đó là sự khách quan: Khách quan từ khâu vận động người tham gia, khách quan trong thẩm định, đánh giá đến khâu sử dụng các tác phẩm ảnh... Riêng trong khâu thẩm định, Ban giám khảo chấm làm hai vòng sơ khảo và chung khảo với các thành viên là những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí, có khả năng thẩm định, đánh giá tốt, khách quan và công tâm. Trong Hội đồng chấm chung khảo, chúng tôi đã mời đại diện Hội nhà báo Việt Nam (ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch thường trực) và Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (ông Vũ Nhật, Trưởng ban Sáng tác - Triển lãm).

Hồn theo biển (giải KK). (Ảnh: Ngọc Hà).

            * Đánh giá của riêng ông về tác phẩm đoạt giải đặc biệt?

            Vâng, cuộc thi đã tìm ra những tác phẩm xuất sắc để trao giải. Thậm chí hơn cả dự kiến còn chọn được một giải đặc biệt, đó là phóng sự ảnh "Tùng Chỉn - dâu bể một giờ" của đồng tác giả Thông Thiện và Xuân Trường. Phóng sự phản ánh trận lũ lịch sử tháng 8/2008 vừa qua tại xã Tùng Chỉn, một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Tác phẩm này đáng được gọi là "cột cờ" bởi chất lượng, kỹ thuật tốt và đặc biệt là những xúc cảm mạnh mẽ đem lại cho người xem.

            Tuy nhiên, nếu tác giả biết khai thác ý ảnh phong phú hơn, góc độ tốt hơn, cô đọng, súc tích hơn nữa, tôi tin tác phẩm sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ hơn. Chúng tôi đánh giá cao sự có mặt của các tác giả tại thực địa. Tuy nhiên, thời điểm bấm máy chưa phải là cao trào của sự kiện. Nhìn từ góc độ chuyên môn đây là điều hơi tiếc.

Cú đá ghi 2 điểm của Nguyễn Trọng Cường trong trận Chung kết Taekwondo SEA Games 24 (giải Ba). (Ảnh: Trần Ngô Nguyên Khôi).

            * Thể loại ảnh nhóm nhận được khá nhiều giải thưởng trong khi số lượng giải thưởng giành cho ảnh đơn lại ít hơn. Phải chăng những tác phẩm đồ sộ dễ ăn giải hơn?

            Hoàn toàn không phải. Giải thưởng được trao cho những tác giả biết tận dụng tối đa những thế mạnh của nhiếp ảnh và thế mạnh của thể loại để xử lý tình huống.

            Để được coi là một tác phẩm ảnh hoàn chỉnh, ảnh đơn và ảnh nhóm đều khó như nhau. Xét về thể loại, làm một phóng sự ảnh còn khó hơn nhiều so với thực hiện một bức ảnh đơn. Tuy nhiên, khi thẩm định tác phẩm, chúng tôi không đặt vấn đề khó mà quan tâm đến chất lượng của tác phẩm. Ở lần dự thi này, chất lượng thể loại ảnh nhóm rất mạnh, tốt hơn rất nhiều so với thể loại ảnh đơn.

            * Thưa ông, một tác phẩm ảnh báo chí muốn đoạt giải Khoảnh Khắc Vàng cần hội tụ những yếu tố gì?

            Về nội dung, tác phẩm phải đề cập đến những sự kiện lớn, những vấn đề nóng đang được nhiều người quan tâm. Trong cuộc thi lần này, hàng loạt các sự kiện, vấn đề nóng được đề cập như: Thiên tai lụt bão ("Tùng Chỉn - Dâu bể một giờ", "Hồn theo biển", "Trong cơn lũ dữ"); thảm họa môi trường ("Tiếng kêu cứu từ khỉ đuôi dài"); Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ("Cháu Huyền Thương kể chuyện Bác Hồ"); những sự kiện lớn thể hiện đường lối đối ngoại của đất nước, vấn đề tâm linh tôn giáo ("Đại lễ Phật đản LHQ 2008")...

            Về hình thức thể hiện, tác phẩm phải cho thấy tác giả là người có kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực mình phản ánh; có kỹ năng thể hiện tốt, xử lý được những tình huống phức tạp về bố cục, ánh sáng, thời cơ, thời điểm bấm máy; đeo bám đến cùng, quá trình diễn biến của sự kiện...

            * Là giải ảnh báo chí hội tụ các tay máy giỏi trên toàn quốc, ông đánh giá thế nào về vị trí của các phóng viên ảnh TTXVN trong sân chơi này?

            Xét về góc độ nhiếp ảnh, TTXVN hiện là đơn vị có lực lượng phóng viên ảnh đông nhất trong làng báo Việt Nam, có cơ hội tiếp cận với hầu hết các lĩnh vực, hầu hết các địa bàn, hầu hết các ngóc ngách trong đời sống xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một cách khách quan, không phải lúc nào chúng ta cũng khai thác triệt để được các thế mạnh ấy.

            Số lượng phóng viên ảnh trong nước hiện khá đông và có rất nhiều tay máy giỏi. Tuy nhiên, do ít có cơ hội thâm nhập thực tế nên việc có được những tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc không dễ. Trong cuộc đua này, nếu biết tận dụng cơ hội, đội ngũ phóng viên ảnh thông tấn sẽ có ảnh hưởng lớn nhất, có khả năng đoạt giải nhất. Mà theo tôi, với rất nhiều thế mạnh vốn có, TTXVN phải trở thành ngọn cờ đầu trong lĩnh vực này. Không có lý do gì  để TTXVN không làm được điều đó.

            Ở giải Khoảnh Khắc Vàng lần thứ nhất này, nhiều giải thưởng lớn không rơi vào tay phóng viên thông tấn. TTXVN không độc tôn. Nhìn cục bộ, đó là điều đáng tiếc nhưng nhìn toàn cục thì Khoảnh Khắc Vàng đã khẳng định được vị thế, có sự đánh giá khách quan, công tâm và vì thế càng thu hút được nhiều tay máy trong cả nước tham gia, vị thế của giải Khoảnh Khắc Vàng càng được nâng cao. Bất kỳ ai có tác phẩm xuất sắc đều có thể đoạt giải.

            * Theo ông, còn điều gì phải rút kinh nghiệm cho những giải tiếp theo?

            Thể lệ cuộc thi còn một số điều làm hạn chế giải như tôi đã nói ở trên. Vì thế, điều đầu tiên phải hoàn thiện chính là thể lệ sao cho phù hợp với thực tế và hướng tới mục tiêu tạo một sân chơi rộng lớn, tập hợp được mọi tay máy giỏi trong toàn quốc. Và khi Khoảnh Khắc Vàng phát triển cả về chất và lượng, đó sẽ là một hoạt động nghiệp vụ cần thiết, có khả năng tác động nghề nghiệp mạnh từ người quản lý tới đội ngũ phóng viên, từ đó kích hoạt, biến thông tin ảnh trở thành kênh thông tin chính và phát huy hiệu quả cao nhất.

 

NHỮNG CON SỐ CỦA KHOẢNH KHẮC VÀNG

- 3.129 tác phẩm của 409 tác giả tham dự giải.

- 116 tác phẩm được chọn trưng bày tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội.

- 11 nhóm ảnh đoạt giải (1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 khuyến khích).

-  10 ảnh đơn đoạt giải (1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến  khích).

Hiền Anh (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Mong có một đường phố ở Thủ đô mang tên Trần Kim Xuyến (07/10/2008 09:50:26)

Trình độ ngoại ngữ của phóng viên ảnh còn kém (29/08/2008 09:24:15)

Vô cùng khó! (29/08/2008 09:20:55)

Chính sách và... cuộc sống! (29/08/2008 09:19:34)

Làm thế nào để tin, bài trong nước đoạt cao nhất Giải báo chí quốc gia? (29/08/2008 09:17:02)

Về thể thao và khoa học cần viết thật chính xác (29/08/2008 09:14:59)

Xây dựng một môi trường ngôn ngữ trong sáng, mẫu mực (29/08/2008 09:13:26)

Săn tin và... chép tin! (29/08/2008 09:11:56)

Yomiuri Shimbun nhật báo lớn nhất thế giới (01/08/2008 11:01:55)

"ChiáỨƯn" háỨƯt mÃểnh vÃể thẳồẳắng hiáỪẬu cáỪậa TTXVN và TT&VH (01/08/2008 10:58:41)