Thứ năm, ngày 25/04/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Để TTXVN đoạt giải cao trong các Giải Báo chí

Chính sách và... cuộc sống!


(29/08/2008 09:19:34)

Để trả lời câu hỏi vì sao TTXVN không đoạt được giải cao trong các cuộc thi báo chí một cách thấu đáo, có thể làm được hẳn một cái luận văn tiến sĩ, hoặc chí ít cũng là thạc sĩ. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ xin trao đổi vài suy nghĩ tản mạn.

            Về nhân lực, không ai có thể phủ nhận năng lực của đội ngũ phóng viên của TTXVN (trong bài này dùng để chỉ chung những người viết báo của ngành). Bởi đây là lực lượng được đào tạo, tuyển chọn, rèn luyện một cách bài bản, toàn diện, có kinh nghiệm và đặc biệt là có vị thế của một hãng Thông tấn quốc gia. Lực lượng phóng viên TTXVN cũng có lợi thế là có điều kiện sống ở đầu nguồn tin tức, có mặt rộng khắp 64 tỉnh thành trong cả nước và 27 quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực trên thế giới.

            Về sản phẩm, tin bài của TTXVN đã đề cập được nhiều vấn đề có tầm, mang tính thời sự cao, có những vấn đề mang tính phát hiện, thu hút sự chú ý của dư luận xã hội.

            Thế nhưng tại sao chúng ta lại không đoạt được giải cao trong Giải báo chí quốc gia?

            Qua công việc xử lý tin bài hằng ngày và đọc các tin bài tham gia giải báo chí trẻ và giải báo chí của ngành, tôi cảm thấy không ít các tin bài của ta còn thiếu "lửa" và thiếu chiều sâu.

            Khác với các văn bản pháp quy, nghị quyết, chỉ thị mang tính mệnh lệnh, bắt buộc phải thực hiện, tác phẩm báo chí muốn đến được với bạn đọc và phát huy tác dụng phải hấp dẫn và có tính thuyết phục. Muốn vậy, nó phải mổ xẻ vấn đề một cách thấu đáo, phân tích một cách khoa học trên cơ sở cả lý luận và thực tiễn. Và một điều không thể thiếu, nó phải được truyền tải thông qua cảm xúc của người viết để đủ sức lôi cuốn, thuyết phục bạn đọc bằng cách trình bày có lý có tình.

            Trong khi đó, tôi thấy không ít bài viết đề cập được những vấn đề lớn mà xã hội đang quan tâm, dư luận đang bức xúc nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở mức nêu vấn đề, phản ánh hiện tượng mà không đi sâu phân tích, lý giải để từ đó rút ra những điểm cốt lõi, đề xuất giải pháp hoặc hướng xử lý vấn đề.

            Có những loạt bài viết nhiều kỳ, đề cập những vấn đề mang tính thời sự cao và "tầm" của nó không phải chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn là vấn đề của thời đại, vấn đề mang tính toàn cầu; nhưng rất tiếc, những loạt bài như thế thiếu sự liên kết hữu cơ, thiếu một cái mạch để kết nối, thâu tóm các bài viết lại và nâng lên một tầm mới. Do đó những bài viết này chỉ là một sự kết nối mang tính cơ học, là những mảnh ghép rời rạc chứ không phải là một chỉnh thể, vì vậy nó không thể tạo nên sức mạnh tổng hợp của một hệ thống để làm nên chất lượng của một tác phẩm báo chí có tầm.

            Lại có những tin bài mang tính phát hiện cao nhưng tác giả lại chỉ phản ánh thông tin ban đầu rồi buông, không theo đuổi đến cùng hoặc chỉ phản ánh theo kiểu tin bài thông tấn đơn thuần, thiếu hơi thở của cuộc sống nên bài viết thiếu tính truyền cảm, vì vậy mà sức thuyết phục giảm đi và hiệu quả cũng vì thế mà giảm sút.

            Thế nhưng, nguyên nhân là tại đâu?

            Ngoại trừ một bộ phận phóng viên hiện nay còn yếu về nghiệp vụ, nhất là năng lực phát hiện vấn đề và kỹ năng thể hiện thì không ít phóng viên không phải không biết những điều này nhưng vẫn rơi vào tình trạng trên. Nguyên nhân của nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có lý do từ cách tính định mức, cách thẩm định, đánh giá tin bài. Cách làm như hiện nay đã vô tình khiến cho phóng viên chỉ quan tâm đến việc hoàn thành định mức mà ít chú trọng đến hiệu quả, tác dụng của những tin bài ấy.

            Nhưng không thể trách cứ phóng viên, vì "định mức" là phẩm chất, là đạo đức, là năng lực, là danh dự và là cuộc sống áo cơm hàng ngày của mỗi người. Thiếu định mức nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ, là thiếu trách nhiệm, cuối năm bình bầu sẽ không được xếp loại đảng viên tốt, sẽ không đạt các danh hiệu thi đua. Thiếu định mức nghĩa là năng lực yếu kém, là thua bạn kém bè. Và sát sườn hơn, thiếu định mức sẽ tác động đến ngay túi tiền của tháng đó, là sẽ phải cắt bớt chi tiêu vốn đã eo hẹp.

            Điều đó cộng thêm với rất nhiều tác động, mang cả tính chất chủ quan và khách quan dần dần bào mòn lòng yêu nghề, hăng say nghề nghiệp, tâm huyết với nghề để không ít người có lúc, có giai đoạn trở thành "thợ" báo.

            Một bài hoặc một loạt bài viết sâu về một vấn đề đòi hỏi phóng viên phải thâm nhập tìm hiểu để am hiểu vấn đề. Lại phải đi sâu điều tra, xác minh, thu thập thông tin từ nhiều phía, nhiều nguồn. Do đó phải mất hàng tuần, hàng tháng, thậm chí là nhiều tháng. Lại phải lăn lộn với thực tế, nhiều khi rất gian khổ, vất vả, thậm chí là tốn kém và nguy hiểm nữa. Thế nhưng điểm của một bài viết như thế cùng lắm cũng chỉ gấp 3 lần một cái tin ngồi hội nghị hay viết từ báo cáo ra thì thử hỏi sẽ có mấy phóng viên dám "hy sinh" vì nghề nghiệp?

            Đó là chưa nói đến việc trong một thời gian dài chúng ta không khuyến khích viết bài, trong khi đó các giải cao và tạo được ấn tượng hầu như đều thuộc về "bài". Thế rồi, có tòa soạn báo cũng không khuyến khích cán bộ viết báo, trong khi đó những bài viết sâu thường đòi hỏi phải được tích lũy kinh nghiệm và kiến thức bằng nhiều năm và bằng cả những thất bại đã phải trả giá. Những điều đó chỉ những người làm báo lâu năm và nhiều kinh nghiệm mới có. Những điều đó cộng với nhiều điều khác đã góp phần làm thui chột cảm hứng sáng tạo, hứng thú viết bài của phóng viên.

            Không có bó đũa, lấy gì để chọn cột cờ!

            Ở đây, tôi không muốn hạ thấp vai trò của tin về hội nghị hay viết từ báo cáo; tôi cũng không có ý phê phán việc áp dụng định mức mà chỉ muốn nhấn mạnh đến khía cạnh thẩm định, đánh giá tin bài.

            Tôi cũng rất muốn nhắc lại một thực tế: Trong một thời gian dài, đất nước ta lâm vào cảnh thiếu lương thực triền miên. Thế nhưng cũng vẫn con người ấy, đồng đất ấy, bằng chính sách khoán 100, khoán 10, lập tức nước ta không những đủ ăn mà dần dần còn trở thành nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới.

            Trong một bài viết tôi có nhắc lại một mệnh đề: "Chính sách chính là sự định hướng cuộc sống". Kết quả thẩm định, đánh giá tin bài là sự cụ thể hóa một chính sách và cũng là một cách định hướng trong nghiệp vụ. Chính sách thế nào thì cuộc sống sẽ phát triển theo hướng như thế ấy.

            Tuy nhiên, cuộc sống lại là cơ sở để hình thành và điều chỉnh các chính sách và cuộc sống cũng có sự độc lập tương đối của nó. Vấn đề là làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và cuộc sống để chính sách thực sự là động lực thúc đẩy cuộc sống phát triển theo hướng tích cực.

            Vì tâm huyết với ngành với nghề, có đôi điều lạm bàn, rất mong lãnh đạo, các đồng nghiệp thể tất và cùng trao đổi.

Bùi Văn Doanh
Phó Tổng biên tập báo Tin Tức
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2008