Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Vì sao ảnh báo chí TTXVN chưa giành được giải cao nhất tại các cuộc thi báo chí quốc gia?


(01/08/2008 10:07:17)

TTXVN - nơi được coi là có lực lượng phóng viên ảnh hùng hậu nhất cả nước, nơi mà tên tuổi của không ít phóng viên cầm máy thế hệ chiến tranh đã vượt xa biên giới quốc gia với không ít giải thưởng báo chí trong nước và quốc tế- lại chưa một lần giành được giải cao nhất tại các cuộc thi báo chí toàn quốc trong thời gian gần đây. Điều này làm day dứt không ít những người đã và đang nặng lòng với sự nghiệp ảnh báo chí của chúng ta.

            Trong khi cơ bản hoàn thành nhiệm vụ thông tin bằng hình ảnh về mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội một cách kịp thời và đúng định hướng, chúng ta vẫn còn thiếu hụt những tác phẩm đỉnh cao và cần phải có một sự bứt phá quyết liệt để đưa ảnh báo chí TTXVN lên ngang tầm những đòi hỏi của một thời kỳ mới. Trong phạm vi diễn đàn này xin được nêu lên một góc nhìn riêng, một cảm nhận riêng (có thể là còn nhiều điều chưa thật chính xác) đúc rút từ thực tế để trao đổi cùng các bạn đồng nghiệp.

            Tiêu chí để đánh giá, xét giải cho một tác phẩm báo chí bao giờ cũng được căn cứ trên hai yếu tố chính: Nội dung và chất lượng thể hiện hình ảnh. Một thuận lợi là phóng viên TTXVN có mặt trên khắp rộng, dài của đất nước, phản ánh hầu hết những sự kiện quan trọng trong đời sống xã hội. Thế nhưng, có cảm giác rằng, ống kính của chúng ta hình như mới chỉ lướt qua những sự kiện và "chạm nhẹ" vào những vấn đề của cuộc sống. Chúng ta chưa thật sự "đào sâu, lật xới" sự kiện. Ống kính của chúng ta mới dừng ở bề mặt mà chưa len vào cốt lõi, bản chất và cả ngóc ngách của vấn đề, hiện tượng để tìm, phát hiện những chi tiết đắt giá nhất. Dường như ảnh về đề tài nào chúng ta cũng có, diễn biến nào cũng không bỏ qua, song tất cả những sự kiện, diễn biến mà chúng ta thể hiện bằng hình ảnh ấy có bao cái đọng lại trong lòng người xem, để lại những xúc cảm và trăn trở? Thiếu một cái gì đó thật quyết liệt, thật ấn tượng trong ảnh báo chí thông tấn ngày nay. Những thành tựu đổi mới mà chúng ta giành được là kết quả của một cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt và cam go. Mỗi hạt gạo xuất khẩu là mồ hôi của bao người nông dân. Mỗi ki-lô-mét đường mới mở, mỗi nhịp cầu mới bắc là sự xả thân trong nắng cháy, gồng mình trong giá buốt của bao người công nhân. Sau mỗi thành tích, mỗi chiến công là những sự hy sinh vô giá. Đằng sau thành tích xuất khẩu thủy sản của nước nhà là những giọt nước mắt của những người dân nuôi cá tra, đằng sau những khu công nghiệp bề thế là những cuộc di dân, dời nhà đầy xót xa... Nếu gọi phóng viên nhiếp ảnh là những người chép sử bằng hình thì thế hệ mai sau, khi giở đến những trang sử về cuộc xây dựng vĩ đại hôm nay, thấy được bao nhiêu những giọt mồ hôi của những người nông dân trên ruộng lúa, đồng muối, những khuôn mặt gan góc, những bàn tay chai sạn của những người thợ trên công trường, nơi mỏ đá chênh vênh hay cuộc sống lầm lũi của những thợ trẻ khi chen chúc nhau trên một chiếc giường trọ chật hẹp ngay cạnh  khu công xưởng đồ sộ?

            Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phóng viên TTXVN đã để lại không ít những bức ảnh trở thành biểu tượng của cả một thời oanh liệt: Mẹ con ngày gặp mặt, La Thị Tám đếm bom thù, Nữ dân quân Ngư Thủy, Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Đánh chiếm Dinh Độc Lập... Thế nhưng, bây giờ, thật khó khăn để chọn cho được một bức ảnh "đinh" cho cả một giai đoạn. Giá trị của một bức ảnh nhiều khi không chỉ đơn thuần ở chỗ nó thể hiện  vấn đề, sự kiện gì mà ở chỗ nó để lại những gì trong lòng người xem. Trong các cuộc thi ảnh báo chí thế giới, những bức ảnh đoạt giải thường là những bức ảnh đậm tính nhân văn, những bức ảnh biết tạc vào ký ức người xem một hình tượng, biết truyền cho họ một niềm vui hay khía vào lòng họ một nỗi đau, một trăn trở rõ ràng... Trong khi đó, ảnh của chúng ta mới phản ánh cuộc sống mà chưa khắc được cuộc sống vào  lòng người xem.

Giải vô địch quốc gia V-League 2008 (Giải B - Bình chọn ảnh tốt 6 tháng đầu năm 2008 - Ban BT-SX ảnh báo chí). (Ảnh: Quang Nhựt).

            Về kỹ thuật thể hiện, ở nhiều bức ảnh thông tấn, cái chất "động" và "mới" dường như còn rất thiếu. Ảnh phản ánh cuộc sống mà hơi thở của cuộc sống trong ảnh lại thường rất mờ nhạt. Ảnh của ngày hôm nay không khác mấy về đường nét, bố cục và tư duy hình tượng so với ảnh của nhiều chục năm trước. Những người trong ảnh hình như không phải đang sống, đang hành động, làm việc mà là đang "diễn" và tệ hơn, nhiều khi họ diễn dưới những bàn tay đạo diễn vụng về, đôi lúc đến thô bạo. Hàng ngày, xem những bức ảnh báo chí của chúng ta và ảnh của các hãng thông tấn nước ngoài gửi đến, có thể dễ dàng nhận thấy một sự khác biệt cơ bản là: Ảnh của các nước, phóng viên rất thoáng và chủ động trong cách chọn bố cục. Điểm mạnh của ảnh, không gian phía trước và phía sau nhân vật chính có thể linh hoạt chuyển đổi, cắt cúp bạo tay... miễn là bức ảnh phải làm nổi bật được ý đồ của tác giả và chủ đề của tác phẩm. Bởi thế, ảnh của họ luôn đa dạng và sôi động như cuộc sống vẫn diễn ra hàng ngày. Trong khi đó, chúng ta vẫn bám theo những nguyên tắc bố cục được hình thành từ cách đây gần trăm năm. Chúng ta cố nhào nặn, dồn ép hiện thực vào những công thức gò bó đã định hình từ trước. Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là cổ súy cho sự tùy tiện và cẩu thả. Cần phân biệt hai phương thức tác nghiệp khác nhau: Một đằng là săn đuổi, đeo bám hiện thực để tìm ra những chi tiết đắt giá nhất trong một góc độ đắt giá nhất, một đằng là đặt sẵn một bố cục, một khuôn mẫu tạo hình, một công thức tư duy sáo mòn để "ấn" hiện thực vào đó. Bởi vậy, có thể dễ dàng thấy cùng một nội dung, một chủ đề, ảnh của nhiều người trong chúng ta năm này giống năm khác, người này giống người khác. Trong khi ảnh báo chí của nước ngoài là những lát cắt của cuộc sống (chưa bàn đến lát cắt ấy có chuẩn hay không chuẩn theo định hướng nghề nghiệp của ta), nó hừng hực những cái thực thì dưới ống kính của không ít phóng viên chúng ta, ảnh báo chí là những cảnh đầy những chi tiết thật mà như giả. Bởi vì ảnh của chúng ta  tĩnh quá. Chúng ta thường chụp khi sự kiện đang ở điểm "lặng" nhất. Xem những bức ảnh được chọn gửi dự giải, chúng ta thấy rất nhiều những bức ảnh "đèm đẹp", song vô hồn. Chúng ta quá thiên về toàn cảnh và nặng về bối cảnh. Ảnh về hội nghị thì phải đầy đủ biểu ngữ, khẩu hiệu, ảnh về công nhân làm việc thì phải thấy rõ máy móc... trong khi cái mà bạn đọc quan tâm là nhân vật chính trong hội nghị, họ hành động và biểu lộ tình cảm ra sao trước vấn đề đang bàn đến, người công nhân đang căng thẳng và dồn sức cho công việc thế nào? Chính vì mải mê cho những "cái chung", những chi tiết không hẳn cần thiết mà chúng ta bỏ qua đi những cú đặc tả rất dễ gây truyền cảm cho người xem. Chúng ta thiếu những bức ảnh cận cảnh, đặc biệt là thiếu những bức ảnh ghi được cái khoảnh khắc cao trào nhất của niềm vui, nỗi buồn, sự đau đớn, căng thẳng và hết mình trong từng động tác, cử chỉ của nhân vật. Sự cẩn trọng và cầu toàn thái quá đã làm chúng ta không dám mạnh tay khi sử dụng tốc độ chậm hay sáng tạo hơn khi dùng đèn Flash để tạo nên một bức ảnh "động" hơn, "sống" hơn, hay chọn những góc độ, thời điểm mà nhân vật bộc lộ tính cách rõ ràng, quyết liệt hơn. Tuy nhiên, ở đây, cùng phải nói thêm rằng, sức ép đối với những người chụp ảnh thời sự là rất lớn. Sự kiện diễn ra chỉ trong khoảnh khắc và không lặp lại. Người phóng viên chỉ được phép lựa chọn giữa hai khả năng: An toàn với một hình ảnh đạt yêu cầu bằng một góc độ quen thuộc, một thủ pháp tạo hình chắc chắn hoặc mạo hiểm với một hình ảnh có thể tốt hơn, hấp dẫn hơn nhưng cũng có thể sẽ không đạt yêu cầu hay không đúng "chuẩn mực" bằng những thủ pháp tạo hình công phu và chuyên nghiệp. Thái độ cẩn trọng mang tính truyền thống của những người làm báo thông tấn đã khiến cho, trong hầu hết trường hợp, phóng viên lựa chọn con đường an toàn. Khác với những người cầm máy khác, người phóng viên làm ảnh thời sự không có thời gian và cũng không có điều kiện để lựa chọn bối cảnh, cân đo, đong đếm cho từng chút ánh sáng, khoảng cách và phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng. Dù trong bất kể tình huống nào: Mưa bão và sóng gió, chen chúc, giành giật nhau từng góc độ, cự ly bấm máy trong một rừng phóng viên, đối tượng được chụp có đàng hoàng, đĩnh đạc hay không... người phóng viên thời sự cũng phải có mặt đúng lúc, ghi được hình, đảm bảo sự chuẩn mực, truyền phát kịp thời... Một tác phẩm thông tấn đạt đỉnh cao đòi hỏi người phóng viên phải hội tụ được trong đó những yếu tố tưởng chừng khó kết hợp: nhanhđẹp, chuẩn mực hấp dẫn, sinh động. Trong hầu hết các trường hợp, con người bao giờ cũng là yếu tố quan trọng nhất trong ảnh. Một bức ảnh báo chí đắt giá là bức ảnh biết lôi cuốn người xem bằng những động tác mạnh mẽ của nhân vật và làm xúc động  họ bằng chính những biểu cảm của nhân vật hay những gì xảy ra với nhân vật ấy.

            Để có những tác phẩm ảnh báo chí đỉnh cao có rất nhiều vấn đề cần bàn đến: Tư duy, phương thức tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, trình độ nghề nghiệp, phương tiện máy móc... song yếu tố quan trọng và quyết định hơn cả vẫn là sự đam mê, lăn lộn và hết  lòng với nghề. Công bằng mà nói, chúng ta đang có những phóng viên mà trình độ tay nghề không thua kém bất cứ phóng viên báo chí bên ngoài nào. Họ  hết lòng và sẵn sàng xả thân với nghề, đam mê, trăn trở với từng "góc hình","con chữ"... Họ cũng từng đoạt không ít giải ở các cuộc thi có tiếng tăm (mặc dù chưa đạt đến giải cao nhất của cuộc thi báo chí quốc gia). Song họ chưa phải là số đông. Sự nỗ lực của riêng họ chưa đủ để tạo ra một diện mạo mới, một sự bừng khởi mới cho ảnh báo chí thông tấn. Điều đáng lo ngại là, những con người như vậy đang có xu hướng trở nên đơn độc trước cơn hối hả làm ảnh vượt định mức hôm nay.

            Để thực sự nâng cao chất lượng ảnh báo chí của chúng ta, để tên tuổi của Thông tấn xã được khẳng định ở vị trí cao nhất trong các cuộc thi báo chí quốc gia, điều cấp thiết là phải biết nuôi dưỡng và nhân rộng những con người như vậy.

Phạm Đình Quyền
Phó Trưởng ban Biên tập - Sản xuất ảnh báo chí
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG: