Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Giữ gìn sự trong sạch của tiếng Việt trên báo chí

Xây dựng một môi trường ngôn ngữ trong sáng, mẫu mực


(29/08/2008 09:13:26)

            1. Nhà báo cần chú ý lời ăn tiếng nói trong mọi hành vi giao tiếp.

            Trong giao tiếp hành chính, các nhà báo nên cố gắng sử dụng tiếng Việt theo đúng chuẩn mực. Các nhà báo làm cán bộ quản lý lại càng phải lưu tâm hơn, bởi chính sự gương mẫu của họ có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành thói quen nói đúng, viết đúng của cán bộ dưới quyền. Tất cả các văn bản hành chính xuất phát từ lãnh đạo đều phải được soạn thảo bằng một ngôn ngữ chuẩn mực, trong sáng, dễ hiểu. Những bài phát biểu của lãnh đạo trước mọi người cần được chuẩn bị kỹ để hạn chế đến mức thấp nhất các sơ suất không đáng có về tiếng Việt. Các văn bản từ dưới gửi lên, lãnh đạo cần duyệt kỹ từng câu chữ. Nếu phát hiện sai sót phải yêu cầu chỉnh sửa.

            Trong giao tiếp thông thường, không mang tính chính thức tại cơ quan, các nhà báo cũng phải cố gắng kiểm soát lời ăn tiếng nói của mình. Không nên nói năng quá dễ dãi, tuỳ tiện; tránh dùng những từ ngữ, cách diễn đạt mang tính thô tục, tự nhiên, thiếu thẩm mỹ. Cơ quan báo chí là nơi luôn có nhiều người đến giao dịch, các nhà báo là những trí thức, vì thế ngôn ngữ giao tiếp ở đây phải tuân thủ những chuẩn mực nhất định về văn hoá. Bên cạnh đó, cũng cần tạo dựng lời nói "thuần Việt" bằng cách loại bỏ những yếu tố vay mượn tiếng nước ngoài (trừ trường hợp không có từ tiếng Việt tương đương hoặc hoàn cảnh bắt buộc phải sử dụng tiếng nước ngoài vì lý do thẩm mỹ) như: OK, Bye, Game, Show, v.v.

            Trong hoạt động nghề nghiệp: Ban biên tập của các cơ quan báo chí phải gồm những người có kiến thức đặc biệt vững vàng về tiếng Việt. Khi biên tập bài cho phóng viên, cộng tác viên, người biên tập phải có khả năng nâng cao chất lượng của ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm. Mặt khác, anh ta cũng cần trao đổi thường xuyên với các tác giả về những hạn chế mắc phải, để họ có hướng khắc phục trong các tác phẩm sắp tới.

            Đối với tác phẩm mắc quá nhiều sai sót về sử dụng tiếng Việt, nên cương quyết trả lại để người viết chỉnh sửa cho đến khi đạt yêu cầu.

            2. Các cơ quan báo chí cần có một cơ chế thưởng phạt rõ ràng, nghiêm minh.

            Cơ chế thưởng phạt rõ ràng, nghiêm minh là điều kiện cần thiết để nâng cao trình độ tiếng Việt cho đội ngũ những người làm báo ở nước ta. Những tác phẩm chất lượng nổi trội cũng như những tác phẩm mắc nhiều sai sót trong sử dụng tiếng Việt cần được phân tích, đánh giá thấu đáo, sau đó đưa lên mạng nội bộ hoặc treo ở chỗ thuận tiện để các nhà báo học hỏi, rút kinh nghiệm. Đây là sự động viên tinh thần rất có ý nghĩa đối với nhà báo có tác phẩm hay và là sự nhắc nhở cần thiết với những người chưa đầu tư thời gian và công sức như mong đợi cho tác phẩm của họ. Bên cạnh đó nên có cả hình thức thưởng phạt vật chất thoả đáng đối với hai loại ấn phẩm này, chẳng hạn tác phẩm xuất sắc, trả nhuận bút gấp 3 lần; với tác phẩm mắc lỗi nghiêm trọng, không trả nhuận bút, v.v.

            3. Xây dựng hộp thư góp ý để "nhổ cỏ vườn nhà".

            Hiện nay, trên một số tờ báo có chuyên mục "Nhổ cỏ" hay "Dọn vườn". Ở đó, người ta phân tích, đánh giá, chỉnh sửa một số lỗi tiêu biểu (trong đó có cả những lỗi về sử dụng ngôn từ) được lấy từ các báo khác nhau. Theo chúng tôi, ban lãnh đạo mỗi cơ quan báo chí nên khuyến khích cán bộ tích cực "nhổ cỏ vườn nhà". Hình thức đơn giản nhất là lập một hộp thư góp ý trên mạng nội bộ, hoặc treo hòm thư ở vị trí thuận lợi trong cơ quan. Ai có nhận xét gì về sai sót nghiệp vụ của đồng nghiệp xin gửi vào đây. Người phụ trách hộp thư có trách nhiệm kiểm tra hàng ngày, nếu thấy ý kiến nào xác đáng sẽ chuyển ngay tới các đối tượng liên quan, tốt nhất không nên nêu tên người góp ý. Những phát hiện tinh tế, những ý kiến đánh giá sâu sắc nên được khen thưởng xứng đáng và công bố rộng rãi trong toàn cơ quan.

            4. Cần quy chuẩn những cách viết và cách đọc thiếu thống nhất.

            Việc quy chuẩn này, trước hết, liên quan tới cách viết, cách đọc các tên riêng nước ngoài. Hiện nay, trên một số tờ báo có tình trạng viết tên riêng nước ngoài khá lộn xộn. Có báo sử dụng phiên âm, có báo dùng cách viết chuyển tự và giữ nguyên dạng. Lại có báo vừa sử dụng cách viết theo lối phiên âm, vừa sử dụng cách viết chuyển tự và giữ nguyên dạng. Và ngay trong cùng một lối phiên âm, nhiều tên riêng nước ngoài cũng được viết không giống nhau ở các nhà báo khác nhau.

            Theo chúng tôi, trong khi Nhà nước chưa có văn bản chính thức quy định cách viết tên riêng nước ngoài nhằm tạo sự thống nhất trên toàn quốc, mỗi cơ quan báo chí nên có quy định riêng liên quan tới việc này. Trong quy định cần nêu rõ cách viết (hay cách đọc nếu là đài phát thanh hay truyền hình) những tên riêng nước ngoài tiêu biểu nhất, gồm tên người, tên địa danh, tên các cơ quan, tổ chức, v.v). Đây là văn bản hướng dẫn quan trọng, mang tính pháp lý đối với các nhà báo làm việc tại cơ quan. Trong quá trình soạn thảo văn bản đó, cần huy động sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà báo và các đối tượng khác có liên quan trong xã hội.

            Mới đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã biên soạn cuốn cẩm nang nghiệp vụ phát thanh "Quy định cách đọc tên nước, thủ đô và tên một số tổ chức quốc tế trên Đài Tiếng nói Việt Nam". Đây là một công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn rất cao, vừa giúp các nhà báo tiết kiệm thời gian, công sức,  vừa đạt được sự thống nhất trong việc viết và đọc các tên riêng nước ngoài thường gặp.

            5. Những nhân vật tham gia các chương trình của các đài phát thanh và truyền hình cần có năng lực tốt về sử dụng ngôn từ.

            Xin nói rõ ngay: đây là những người được các cơ quan báo nói, báo hình mời tham gia các chương trình (giao lưu, toạ đàm, phổ biến kiến thức, v.v.), chứ không phải là các nhân vật xuất hiện với tư cách nhân chứng trong các tác phẩm phóng sự, phản ánh, tường thuật, v.v. Nếu điều kiện cho phép, chỉ nên chọn các khách mời có năng lực ngôn ngữ tốt. Họ nói năng trôi chảy, phát âm chuẩn xác, dễ nghe (nếu có chất giọng truyền cảm thì càng tốt), diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng, dễ hiểu. Khi tiếp xúc và làm việc với những người như vậy, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên của đài phát thanh hay đài truyền hình ít nhiều sẽ có liên hệ bản thân, giúp họ nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt của mình.

            Được sống và làm việc trong một môi trường ngôn ngữ trong sáng, mẫu mực, chắc chắn các nhà báo sẽ phải nỗ lực để hoà nhập, mà trước hết là có thái độ cẩn trọng hơn trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ. Đây là điều kiện hết sức quan trọng giúp họ hạn chế được sai sót trong nghề nghiệp của mình.

Tiến sĩ Hoàng Anh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Săn tin và... chép tin! (29/08/2008 09:11:56)

Yomiuri Shimbun nhật báo lớn nhất thế giới (01/08/2008 11:01:55)

"ChiáỨƯn" háỨƯt mÃểnh vÃể thẳồẳắng hiáỪẬu cáỪậa TTXVN và TT&VH (01/08/2008 10:58:41)

3 tiêu chí cần thiết của ảnh tham dự giải báo chí (01/08/2008 10:52:30)

Đoạt giải ảnh báo chí dễ hay khó (01/08/2008 10:49:07)

Vì sao ảnh báo chí TTXVN chưa giành được giải cao nhất tại các cuộc thi báo chí quốc gia? (01/08/2008 10:07:17)

Tin phát... lúc nào cũng được! (01/08/2008 10:00:48)

Những đề xuất góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên báo chí (01/08/2008 09:59:24)

Một vài góp ý với báo Tin Tức về biên tập (01/08/2008 09:45:30)

Một vài góp ý với báo Tin Tức về biên tập (01/08/2008 09:44:59)