Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Đoạt giải ảnh báo chí dễ hay khó


(01/08/2008 10:49:07)

Tại sao các tác phẩm báo chí của TTXVN chưa một lần đoạt giải cao trong hai lần trao Giải báo chí quốc gia, trong khi chúng ta có nhiều thế mạnh không thể phủ nhận? Câu hỏi này được đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TTXVN đặt ra trong bài viết "Công tác thông tấn nhìn nhận qua Giải báo chí quốc gia", đăng trong NSTT số ra tháng 6/2008.

            Ngay lập tức, NSTT đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các đồng chí phụ trách các đơn vị thông tin; các phóng viên tin, ảnh đã từng giành được giải báo chí trong và ngoài ngành cũng như tại các cuộc thi báo chí thế giới cùng một số phóng viên TTXVN đang trực tiếp tác nghiệp tại các ban biên tập, toà soạn báo... luận bàn một cách nghiêm túc nhằm tìm ra câu trả lời cho vấn đề này, đồng thời "hiến kế" với chung mong muốn cái tên TTXVN luôn được xướng lên tại các lễ trao giải của Giải báo chí quốc gia cũng như các giải báo chí trong nước và quốc tế.
            NSTT xin trân trọng lần lượt giới thiệu cùng bạn đọc.
            Phải khẳng định ngay rằng không dễ!

            Song điều đó không có nghĩa là không thể thực hiện được. Nhưng thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố: trước hết từ phóng viên ảnh; tiếp theo là người sử dụng những tác phẩm ảnh báo chí đó. Ở đây là những người biên tập ảnh, thư ký tòa soạn, các ban biên tập, các nhà quản lý báo chí, những người quyết định để sản phẩm ảnh báo chí trở thành các tác phẩm ảnh báo chí khi nó được hiện diện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp đó là năng lực thẩm định đánh giá, sự công tâm của các Ban giám khảo. Và cuối cùng là một phần may mắn không thể thiếu đối với người phóng viên ảnh. Sự may mắn mang tính quyết định là phóng viên ảnh phải có mặt đúng các thời điểm quan trọng nhất của sự kiện.

            Trước hết bàn về chủ thể sáng tạo - phóng viên ảnh. Những yếu tố chủ quan cần có dù đã nói nhiều nhưng vẫn muốn nhắc lại: phương tiện kỹ thuật tốt, chắc về kỹ thuật thể hiện, kỹ năng tác nghiệp, nhạy cảm với những vấn đề xã hội, năng động và dấn thân vì nghề. Thực tế trong những năm qua, những tác giả, tác phẩm được giải cao trong các cuộc thi trong và ngoài nước đều thể hiện điều đó: Giải B báo chí toàn quốc lần I-2006 cho phóng sự "Cô gái Australia hát chèo" của Trọng Chính (Báo ảnh Việt Nam) bên cạnh kỹ thuật thể hiện tốt, Ban giám khảo đã đánh giá cao công phu, sự đeo bám nhân vật trên địa bàn rộng và ở nhiều thời gian, địa điểm khác nhau, thể hiện được nhiều màu sắc, khía cạnh của đời sống nhân vật. Giải C báo chí toàn quốc 2007 - phóng sự "Nỗi đau Bản Vẽ" của Ngọc Hà (Ban Biên tập-Sản xuất ảnh báo chí) thể hiện sự dấn thân vào nơi khó khăn nguy hiểm, nếu có thêm khả năng, tìm kiếm khai thác nhiều ý ảnh hơn nữa với kỹ thuật tốt hơn về góc độ, bố cục... chắc chắn phóng sự này có thể đoạt giải cao hơn bởi phóng viên có lợi thế là đã có mặt đúng điểm rơi của sự kiện. Qua thực tế của các giải ảnh báo chí cho thấy, các tác phẩm dự thi thường mắc vào những hạn chế sau: kỹ thuật thể hiện chưa cao, thậm chí nhiều tác phẩm gửi đến dự thi mắc những lỗi rất cơ bản. Phóng viên không khai thác hết được các khía cạnh của sự kiện do thiếu kiến thức về lĩnh vực đó, không đi tới cùng nên thể hiện thường đơn điệu, sơ sài, ý ảnh nghèo, rơi vào những lối mòn trong cách tiếp cận và thể hiện.

            Yếu tố quyết định thứ hai đến chất lượng các tác phẩm ảnh báo chí phải kể đến những người sử dụng, xử lý hình ảnh sau lao động của phóng viên ảnh. Xưa nay, mọi phán xét hay dở về tác phẩm đều cho là tại  phóng viên ảnh, đành rằng cái gốc là vậy, tuy nhiên trong thực tế, chất lượng của một tác phẩm ảnh báo chí hoàn chỉnh khi hiện diện trên các phương tiện thông tin đại chúng còn phụ thuộc không nhỏ, nhiều khi mang tính quyết định vào khâu xử lý hình ảnh, đặc biệt với những thể loại phức tạp của ảnh báo chí như các nhóm ảnh, bộ ảnh, cao hơn nữa là phóng sự ảnh, ký sự ảnh. Được biết, có nhiều tác phẩm được hoàn chỉnh, tôn lên rất nhiều qua khâu xử lý của những con mắt tinh đời từ việc lựa chọn hình ảnh, cắt cúp đến dàn dựng, trình bày... Ngược lại, tiếc cho những sản phẩm ảnh mặc dù được phóng viên thực hiện công phu, có chất lượng nhưng qua khâu xử lý lại vô tình làm mất đi cái hồn tinh tuý nhất của tác phẩm. Trong các cơ quan báo chí hiện đại, việc tồn tại các vị trí chuyên gia biên tập viên hình ảnh từ lâu đã trở thành không thể thiếu, đó là những người có kiến thức về nhiếp ảnh sâu sắc, có kinh nghiệm, hiểu biết sâu rộng về nghiệp vụ báo chí, và nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Ở ta tiếc rằng chức danh, vị trí này lại chưa có, điều này tất nhiên ảnh hưởng đến chất lượng lựa chọn, biên tập hình ảnh. Thực tế không khỏi có những hình ảnh tốt bị bỏ lọt và ngược lại không tránh khỏi những hình ảnh chưa tốt lọt lên các trang báo, trang web. Một điều đáng nói nữa là cần có kế hoạch đầu tư cho các sản phẩm chất lượng tốt. Một trong những kinh nghiệm ở Báo ảnh Việt Nam, khi có một đề tài, một vấn đề hay, lãnh đạo đơn vị sẽ cân nhắc giao cho một hoặc một nhóm  phóng viên nghiên cứu thật kỹ về đối tượng, sau đó tổ chức trao đổi bàn bạc với hội đồng biên tập về mọi phương án thực hiện. Khi công việc được tiến hành xong, hội đồng biên tập lại một lần nữa cùng phóng viên xem xét phương án sử dụng trên mặt báo hay trên website. Với phương thức này, chất lượng các bài báo, các chuyên đề của BAVN trong thời gian qua tăng lên rõ rệt. Phần lớn các tác phẩm của BAVN được giải báo chí trong và ngoài cơ quan đến giải quốc gia đều được thực hiện với phương thức này: có đầu tư về người, phương tiện kỹ thuật và quan trọng hơn cả là, kích hoạt sáng tạo cá nhân, đầu tư chất xám tập thể nhằm có được những sản phẩm ảnh báo chí chất lượng cao.

Nguyễn Vinh Quang
Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2008