Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Để TTXVN đoạt giải cao trong các Giải Báo chí

Làm thế nào để tin, bài trong nước đoạt cao nhất Giải báo chí quốc gia?


(29/08/2008 09:17:02)

Qua hai lần tham gia dự thi Giải báo chí quốc gia (2006 và 2007), tin, bài Trong nước mới đoạt được giải C. Điều đó gợi lên cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ. Liệu Giải báo chí quốc gia năm 2008 và những năm tiếp theo, chúng ta có thể vươn lên chiếm lĩnh giải cao nhất (tức giải A) được không?

            Nhìn lại giải báo chí hàng năm của TTXVN cũng như Giải báo chí quốc gia, rất ít có tin, bài mang tính phát hiện đoạt giải. Những tác phẩm đoạt giải phần lớn là những chùm tin, bài phản ánh, phóng sự, ghi chép những sự kiện nổi bật trong năm hoặc nêu được vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Giải A giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép năm 2007 với tác phẩm "Một hạt thóc 40 khoản đóng góp" đăng nhiều kỳ trên báo Nông thôn ngày nay là một minh chứng nhận định nêu trên. Điều này khối tin Trong nước TTXVN hoàn toàn có thể làm được.

            Để vươn tới đoạt giải cao nhất, tức là phải đoạt giải A của Giải báo chí quốc gia, không ai có thể làm thay mà tự mỗi chúng ta là phóng viên, biên tập viên tin Trong nước TTXVN phải đổi mới tư duy thông tin, trước hết là sự năng động của đội ngũ phóng viên. Đương nhiên là phải có sự chỉ đạo, định hướng  nhưng dù chỉ đạo, định hướng có sát sao đến mấy cũng chỉ là những nét cơ bản nhất. Thực tế phong phú, phức tạp diễn ra ở cơ sở chỉ phóng viên mới kịp thời nắm bắt được. Chính sự năng động "săn tin", lăn lộn với thực tế kết hợp với sự nhạy bén của phóng viên mới có thể phát hiện hoặc tìm ra cái mới hoặc từ vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm tìm ra lời giải đúng định hướng, đề xuất cách giải quyết sát hợp. Sự thể này đối với tác nghiệp phóng viên của chúng ta hiện nay là rất yếu. Cách thức phóng viên "công chức" thụ động tác nghiệp theo giấy mời, làm tin chỉ "xào" lại báo cáo, văn phong dài dòng, diễn đạt không thoát. Nhiều phóng viên quá nhấn thực trạng khó khăn đến mức tự nhiên chủ nghĩa, không đề cập đến vai trò cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng trước thực trạng khó khăn đó phải vào cuộc để giải quyết. Nếu không giải quyết được thì kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ có biện pháp xử lý. Đã nhiều lần giải thích và trong kế hoạch thông tin hàng tháng của Ban Biên tập tin Trong nước (TTN) gửi các phân xã đều ít nhiều đề cập đến vấn đề nêu trên, nhưng vẫn có phóng viên "tức tối" cho rằng địa phương không làm gì cả thì làm sao viết được. Thế thì tại sao lại không chuyển chủ đề viết lãnh đạo địa phương không làm gì? Đó chính là điều cần thông tin. Việc chuyển chủ đề viết như thế sẽ phải lao tâm khổ tứ đi điều tra, săn lùng để đưa ra dẫn chứng rất cụ thể trên tinh thần xây dựng mà lãnh đạo địa phương phải "tâm phục, khẩu phục" tiếp thu. Nếu làm được điều đó chắc chắn tin, bài sẽ hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của xã hội, gửi đi dự thi nhiều khả năng đoạt giải cao.

            Thực trạng có những phóng viên khi trao đổi, phản ánh tình hình rất có vấn đề nhưng khi thể hiện thành tin, bài lại lủng củng rơi vào trạng huống "bỏ thì thương, vương thì tội". Điều đó chứng tỏ khâu thể hiện của phóng viên rất yếu. Tư duy và cách thể hiện vẫn theo lối mòn, "tứ thời bát tiết" thì làm sao có tác phẩm báo chí dự thi đoạt giải.

            Trong khi rất hiếm có tin, bài mang tính phát hiện thì việc chỉ đạo, định hướng những chủ đề thời sự "nóng" tạo thành tuyến thông tin dài hơi nêu được vấn đề xã hội quan tâm để từ đó chọn ra những chùm tin, bài dự thi mới có thể đoạt giải là hết sức cần thiết. Trong năm 2007 và từ đầu năm 2008 đến nay, Ban Biên tập TTN đã hình thành các chuyên đề "Đấu tranh với những quan điểm sai trái..."; "Thu hồi đất để công nghiệp hóa - những tác động đối với nông dân"; "Xã hội hoá giáo dục trong tiến trình CNH, HĐH đất nước"; "Biến đổi khí hậu toàn cầu - Những tác động đối với Việt Nam- Biện pháp ứng phó"... Chùm tin, bài "Đấu tranh với những quan điểm sai trái..." đã được giải B Giải báo chí TTXVN năm 2007, đồng thời đoạt giải C Giải báo chí quốc gia năm 2007. Để hình thành những chuyên đề này phải xây dựng kế hoạch công phu, không chỉ huy động phóng viên các phòng tin chuyên đề tham gia mà có yêu cầu các phân xã tham gia viết. Nhưng tiếc rằng nhiều phân xã được đề nghị tham gia đã không hưởng ứng hoặc có tham gia nhưng chưa đạt yêu cầu. Đơn cử như chuyên đề "Biến đổi khí hậu toàn cầu - Những tác động đối với Việt Nam - Biện pháp ứng phó". Thực hiện chỉ đạo của Ban lãnh đạo cơ quan, ngay từ 18/2/2008, Ban Biên tập TTN đã có điện gợi ý gửi các phân xã (qua mạng), trong đó yêu cầu 8 phân xã viết bài với chủ đề cụ thể gửi về Tổng xã trước ngày 25/3/2008. Trong điện nêu rất rõ: Trường hợp không viết được, phân xã điện thoại về báo cho Phòng Khoa học - Công nghệ - Môi trường biết để chuyển yêu cầu sang phân xã khác. Đến thời điểm 25/3/2008, chỉ có 3 phân xã viết bài gửi về Ban là Khánh Hòa, Nam Định, Thừa Thiên-Huế nhưng bài "Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với nâng cao đời sống khu vực của hành lang xanh" của phân xã Thừa Thiên-Huế gửi về ngày 14/3/2008, nội dung không đạt yêu cầu để đưa vào chuyên đề. Còn 5 phân xã: Quảng Ninh, Bình Thuận, Quảng Ngãi, TP.Hồ Chí Minh, Cà Mau không chịu viết bài theo đặt hàng và cũng không báo trước lý do không tham gia viết được để Ban chuyển yêu cầu cho phân xã khác như trong điện gợi ý. Như vậy, nếu chỉ trông chờ vào sự đặt bài đối với những phân xã nêu trên thì chuyên đề "Biến đổi khí hậu..." thiếu tin, bài nghiêm trọng so với dự kiến. Ban buộc phải ra tay "tự biên, tự diễn" để chuyên đề vẫn tiếp tục theo kế hoạch. Rõ ràng loạt tin, bài trong chuyên đề "Biến đổi khí hậu toàn cầu - Những tác động đối với Việt Nam - Biện pháp ứng phó" có tác dụng tốt, đã gây được sự chú ý của dư luận xã hội trước hiểm họa biển rất nguy hại đối với Việt Nam. Ban Biên tập TTN đã tuyển chọn một số bài trong chuyên đề này dự thi Giải báo chí TTXVN năm 2008.

            Ngược dòng thời gian, tiền thân của Giải báo chí quốc gia là Giải báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam cũng chấm thi và trao giải hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), TTXVN cũng đã từng có lần đoạt giải A viết về sự kiện Tây Nguyên tháng 4/2004. Chùm tin, bài  phát trên bản tin Trong nước mang hơi thở đời sống xã hội Tây Nguyên lúc đó được nhiều báo sử dụng đã góp phần làm sáng tỏ sự thật, phản bác những luận điệu tuyên truyền sai trái của các thế lực thù địch, khẳng định "Việt Nam không có đàn áp dân tộc thiểu số và đàn áp tôn giáo", "Tin lành Đề Ga" là mưu đồ chính trị từ bên ngoài... Năm đó, có 6 cơ quan báo chí đoạt giải viết về sự kiện Tây Nguyên nhưng chỉ có một giải A duy nhất thuộc thể loại phản ánh, phỏng vấn, ghi chép dành cho nhóm phóng viên khối tin Trong nước. Đây là sự ghi nhận, đánh giá của đồng nghiệp về chất lượng thông tin, tuyên truyền của TTXVN trước một sự kiện thời sự nổi bật trong năm. Chùm tin, bài này cũng đã từng đoạt giải A Giải báo chí TTXVN năm 2004.  Như vậy, để đoạt giải A Giải báo chí quốc gia không dễ nhưng không phải là không vươn tới được.

Vũ Xuân Bân
Trưởng Ban biên tập tin Trong nước
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2008