Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Giải cao cho ảnh tham dự Giải Báo chí Quốc gia

Vô cùng khó!


(29/08/2008 09:20:55)

Xét về nhiều mặt, Ban BT-SX ảnh báo chí TTXVN là đơn vị lớn nhất cả nước về lĩnh vực ảnh báo chí. Có lẽ đây là đơn vị duy nhất đủ phóng viên ảnh để bao sân trên mọi lĩnh vực, mọi địa bàn, đủ lực để "đón lõng, theo, đuổi, bắt" mọi sự kiện thời sự diễn ra trong nước. Với truyền thống, với hiện tại, đáng lẽ những giải thưởng lớn nhất về ảnh báo chí phải liên tục "về" Ban BT-SX ảnh báo chí mới là phải. Nhưng với chúng tôi- những người cầm máy ở đây - giành được giải thưởng be bé đã là hạnh phúc lắm rồi. Nhìn lên những giải thưởng lớn nhất của giải báo chí Quốc gia thấy xa xôi lắm, muốn với tới thấy khó khăn như vô vọng.

            Lần đầu tiên được tham gia lớp học của Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF), một giảng viên, cũng là đồng nghiệp, còn ít tuổi hơn tôi đã nói thẳng "ảnh của bạn nghiệp dư lắm". Mười mấy năm cầm máy nghe câu nhận xét, tự ái, đau đến tái người mà vẫn phải cúi đầu tâm phục khẩu phục, cố nhịn đau để học thêm vài điều, mong bớt đi phần nào cái tính nghiệp dư ấy. Nghề ảnh không bạc nhưng mà nghiệt, nghiệt nhất là nó đòi hỏi một thứ không phải ai cũng có là món năng khiếu. Cầm máy, lắm khi cứ như đứng đối diện với bức tường trắng vậy, không biết chụp thế nào, vỗ đầu tự hỏi: mình có năng khiếu không, lại tự lắc đầu: chịu không biết được. Xách máy lên ai không muốn chụp tốt, nhưng còn chuyện sinh kế nữa, ai không phải nuôi mình và gia đình? Giằng xé giữa mưu sinh và nghề nghiệp mà không khỏi mong ước: Giá như cái cơ chế...

            Phóng viên ảnh... nghiệp dư

            Hàng ngày mở mạng ra xem, xem ảnh "Tây", xem lại ảnh ta, dù "văn mình" cũng không khỏi thấy chán. Cứ như xem bóng đá châu Âu trên ti vi rồi xem lại bóng đá Việt Nam vậy. Độc giả của chúng ta cũng vậy, không thể cấm họ xem ảnh Tây, sự so sánh dù rất vô thức song cũng luôn bị đặt ra. Ban giám khảo của giải báo chí cũng vậy, trước hết cũng là độc giả như mọi người. Trong số họ không phải ai cũng chụp được ảnh, nhưng nhận ra cái "khờ khờ" trong các tác phẩm dự thi thì thực là không khó.

            Vâng, thật buồn khi mưu sinh cả đời bằng cái nghề này mà phải nhận rằng mình nghiệp dư. Không biết bao nhiêu bạn đồng nghiệp của tôi đồng ý với ý kiến này? Với tôi thật tâm nghĩ rằng ảnh chúng ta mang nặng tính nghiệp dư.

            Xin được lạm bàn về cái gọi là chuyên nghiệp và nghiệp dư ấy. Trước hết phóng viên ảnh phải là người thợ thạo nghề ảnh, biết sử dụng thành thạo phương tiện, biết bố cục chặt chẽ một bức ảnh, trong đó thể hiện rõ công việc, hành động đang làm của người được chụp... giống như người viết một câu văn đúng ngữ pháp. Với dạng khuôn hình như thế tôi đã bị chê là "nghiệp dư". Là chuyên nghiệp nếu xét dưới góc độ người thợ, còn nếu là phóng viên, như vậy vẫn là nghiệp dư. Loại ảnh như thế thiếu đi sự tìm tòi, bình phẩm... để phản ánh, để đặt ra những vấn đề. Thiếu một chút "quái", cái "quái" làm nên tính chuyên nghiệp, để hút người xem vào bức ảnh, "buộc" người xem phải "nghe" mình "nói", qua đó truyền được cái ái, ố, hỉ, nộ về một sự kiện, một vấn đề xã hội đang quan tâm đến. Về tính chuyên nghiệp này thẳng thắn mà nói ngay từ khâu đào tạo chúng ta làm rất yếu. Yếu từ trường đại học, yếu khi đào tạo ở cơ quan. Khi hành nghề đành mò mẫm, tự học nhau chút nào hay chút đó.

Tiểu đội những cô gái ngã ba Đồng Lộc (Tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước năm 2006). (Ảnh: Văn Sắc).

            Ban biên tập và cuộc ma-ra-tông ... định mức

            Xin được quay trở lại một sự kiện diễn ra cách đây 5 năm, SEA Games 23 tổ chức tại Việt Nam 2003. Đợt ấy Ban ảnh huy động mấy chục phóng viên chúng tôi đi chụp Đại hội thể thao này. Dù không chuyên về thể thao nhưng đợt ấy chúng tôi chụp khá tốt. Khí thế làm việc sôi nổi lắm, sau này nghĩ lại vẫn bâng khuâng. Một sinh viên, bây giờ cũng là đồng nghiệp cùng Ban với chúng tôi, ngày ấy về thực tập, đến giờ vẫn nhắc "hồi ấy nhìn các anh làm việc em thèm lắm". Đợt SEA Games qua đi như một cơn gió, rồi chúng tôi lặng lẽ trở lại với cuộc mưu sinh. Dùng từ này bởi lẽ việc chạy định mức bây giờ ở Ban ảnh nghĩa mưu sinh mang tính trội. Nói ra thì hèn hèn, nhưng mấy ai thoát được nó đâu. Anh em phóng viên chúng tôi, cái quan tâm nhất bây giờ là cuốn sổ ghi điểm định mức. Làm ảnh tốt ư, không ai chê đâu nhưng cũng chỉ là... vui vui thôi, hoa lá cành, phù phiếm lắm.

            Bàn về điểm, cái thiết thực nhất với mọi người, xin được nói thẳng, nặng về tính bình quân. Tốt xấu hơn nhau không bao nhiêu. Có tìm tòi, đi sâu, đi xa làm cho thỏa mãn cái gọi là lương tâm nghề nghiệp, về nhìn vào cái sổ điểm mà lặng buồn. Tự mình đẩy mình vào cái thế của kẻ dại, liệu mấy ai muốn. Chưa kể đến thụt thu nhập, chịu được mấy hồi như thế?

            Cách chấm điểm hiện tại lợi cho ai? Lợi cho xu thế dễ làm khó bỏ, lợi cho kiểu chặt, chẻ chủ đề và cho kiểu làm, như anh em trong ban vẫn nói "vơ bèo vạt tép", có lẽ thêm cái lợi là cán bộ đỡ phải đau cái đầu. Hại ở đâu? Hại trước hết ở chất lượng chung của ảnh trên mạng. Thứ đến hại cho những người làm việc nghiêm túc, bởi "phong trào" chạy định mức càng cao thì thu nhập họ càng giảm. Thứ ba, tạo thói quen làm việc hời hợt cho phóng viên. Có những ý kiến đã nói: song hành với cuộc ma-ra-tông định mức là quá trình thợ hóa phóng viên ảnh.

            Bàn đến chuyện làm giải...

            Chụp được bức ảnh tàm tạm để gọi là tác phẩm không dễ, có thể may mắn mà có được. Trong nghề ảnh cái may vẫn tồn tại, nhưng không nhiều, người ta cũng không ai sống được bằng may mắn cả. Để có một tác phẩm ảnh tốt người chụp cần có trình độ, kinh nghiệm, một chút năng khiếu trời cho và quan trọng hơn cả là mồ hôi, rất nhiều mồ hôi. Với ảnh báo chí có lẽ phải có thêm một yếu tố nữa là Ban biên tập (BBT). BBT đóng vai trò rất lớn để giúp phóng viên có những tác phẩm tốt. Từ việc thẩm định đánh giá, định hướng đề tài đến hỗ trợ trực tiếp cho phóng viên... Trong những vấn đề lớn BBT càng có vị trí đặc biệt khi tổ chức cho phóng viên, nhóm phóng viên đeo bám sự kiện. Để có những tác phẩm lớn trước hết phải có hệ thống những tác phẩm tốt. Điều đó chỉ có thể có được khi có môi trường làm việc tốt, khuyến khích phóng viên theo xu thế trọng chất lượng. Đòn bẩy lớn nhất, quan trọng nhất trong xu thế hiện tại là kinh tế. Nếu trình độ tay nghề, lòng yêu nghề được nuôi dưỡng bằng vật chất thì có lẽ phóng viên nào mà không yêu và say nghề? Nếu đẳng cấp, chất lượng được khẳng định bằng những bậc thang dài về thu nhập có lẽ chuyện chẻ chủ đề, vơ bèo vạt tép sẽ tự biến mất không cần phải nhắc. Quả bóng này trong chân BBT. Ban BT-SX ảnh báo chí trong quá khứ đã có không ít những tác phẩm lớn vượt qua sự bào mòn của thời gian. Những tác phẩm như lời nhận xét của một nhà phê bình nhiếp ảnh "có tầm vóc lớn hơn nhiều so với chính tác giả". Bên cạnh yếu tố lịch sử, còn một yếu tố nữa rất quan trọng: ngày ấy Ban BT-SX ảnh báo chí có bộ máy lãnh đạo mạnh và rất "máu" nghề.

            Chúng tôi có muốn làm những tác phẩm lớn không, có muốn có những giải thưởng lớn không? Chắc chắn ai cũng muốn, nhưng mỗi cá nhân, sự cố gắng đều là hữu hạn. Tự mình không thể tóm tóc nhấc mình lên được.

Xùn Trường
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2008