Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

"Khoảnh khắc vàng" - Điểm nhấn của nhiếp ảnh báo chí


(07/10/2008 10:13:20)

Ngày 15/9/2008, nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày thành lập, TTXVN quyết định tổ chức Giải ảnh báo chí thường niên mang tên "Khoảnh Khắc Vàng". Giờ đây "Khoảnh Khắc Vàng" - 01 đã đi hết chặng đường đầu tiên. Đã lâu lắm người ta mới thấy TTXVN tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh báo chí hoành tráng như thế này.

            Con số 3.129 tác phẩm gửi tới cuộc thi của 409 tác giả từ khắp mọi miền đất nước đủ nói lên sự khao khát đợi chờ của những người làm báo bằng ảnh, phân nửa cuộc sống của làng báo vẫn hiện hữu trên thế giới. Hơn nữa TTXVN là một nơi có đội ngũ phóng viên ảnh báo chí chuyên nghiệp đông nhất cả nước. Kết quả đã chọn được 112 tác phẩm tham dự triển lãm, trong đó có 1 giải đặc biệt dành cho nhóm ảnh "Tùng Chỉn - Dâu bể một giờ", 2 giải nhất, 3 giải nhì, 6 giải ba và 9 giải khuyến khích.

Tại rốn lũ Tùng Chỉn, những người dân sống sót vẫn đang tiếp tục tìm kiếm tung tích của những người thân bị mất tích.

            Như ta đã biết, Ảnh báo chí là một loại hình đặc thù, minh chứng bằng hình ảnh một cách trung thực, nhanh nhạy, cụ thể và sinh động những hoạt động liên quan đến các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, nghệ thuật... Nó là bộ phận liên quan, gắn liền và không thể thiếu được của hoạt động báo chí hôm nay. Chụp ảnh báo chí là chụp cái thật đang xảy ra, người chụp phải có mặt tại chỗ, luôn bị động trong mọi tình huống, phải theo dõi, nắm bắt cho bằng được và chủ động bố cục ngay trên khuôn hình. Chính vì vậy mà phải có bản lĩnh để chớp thời cơ. Bộ ảnh 'Tùng Chỉn - Dâu bể một giờ" được đánh giá cao nhờ những yếu tố này.

            Hai mươi nóc nhà của khu dân cư ven suối Tùng Chỉn, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xá,t tỉnh Lào Cai, với 195 nhân khẩu hầu hết là người Dao, giờ chỉ còn một nóc nhà của ông Lý Kin Nùng nằm khuất sau hẻm núi là thoát khỏi cơn lũ khủng khiếp ngày 9/8/2008 vừa qua. Còn 19 căn nhà khác đã biến mất không còn để lại dấu tích gì. Một ngày sau cơn lũ, hai phóng viên Xuân Trường và Thông Thiện đã có mặt ở đây chứng kiến những gì còn lại. Trước những giọt nước mắt khóc than cho 19 người đã chết, trước sự hoang mang đến tột cùng của 100 người sống sót sau cơn lũ. Một phút chếnh choáng của con người qua đi rất nhanh, những người cầm máy trở về với sứ mệnh của mình, họ đã nhập cuộc như những người trong cuộc. Và tiếp đó là một câu chuyện bằng ảnh cảm động đã đến với bạn đọc:

Một khu nhà tìm thấy nơi hạ lưu suối Tùng Chỉn.

            Bãi đá mênh mông (do góc máy tương đối rộng), không có dấu hiệu của sự sống nơi đây, trước kia là một bản làng yên vui đầm ấm, được ghi lại một cách trung thực có dụng ý của người dẫn chuyện. Phía tiền cảnh là một người đàn ông của bản, người ta nhận thấy ông đã lấy lại được sự bình tĩnh nhưng vẻ mặt vẫn còn thất thần ngơ ngẩn. Đấy chính là cái khéo, cái chất nghề của người cầm máy. Một trong những cái khó của ảnh báo chí, nhất là ảnh thông tin, không chỉ đòi hỏi tính trung thực, mà còn đòi hỏi hiện thực có thể nhìn thấy cụ thể. Nhưng hiện tại tả thực, đứng quan sát và miêu tả sự vật  tách rời khỏi sự vận động không phải là cách duy nhất để diễn tả hiện thực. Còn hiện thực khác nữa là hiện thực nằm ngay ở cái lý sinh tồn hạnh phúc hay đau khổ của vạn vật trong đời sống. Những sự vật xảy ra quanh mình, nếu như không quan sát bằng sự vận động của nó thì chỉ nhìn thấy những vật thể trần trụi và vô cảm. Bởi lẽ, nhiếp ảnh không chỉ miêu tả sự việc bên ngoài, mà phải nói lên bản chất của sự thật được lí giải.

            Xuân Trường và Thông Thiện đã phát hiện rất nhanh và ghi lại hình ảnh một chiếc xe máy cũ, một đầu máy khâu và một chiếc ăng-ten vô tuyến, nửa thớt cối bằng đá của một chiếc cối xay đậu còn sót lại trên mặt đất. Một chiếc ảnh kẹt lại giữa đá và một con chó lủi thủi tìm về chốn cũ, đã tác động mạnh tới những người chứng kiến câu chuyện bằng ảnh này. Nỗi đau của người đàn bà mất người thân, sản nghiệp, những vết bầm tím trên mặt cô gái vừa thoát khỏi lươiõ hái của tử thần mà người ta vừa tìm được cô bị vùi lấp trong đống đổ nát đã nói lên tất cả.

            Bộ ảnh "Tùng Chỉn - Dâu bể một giờ", không chỉ dừng lại ở tả thực mà vượt lên tất là tình người chỉ bằng một tấm ảnh "Bộ đội Trung đoàn 32, Quân khu II, giúp dân tìm kiếm người và đồ đạc" chỉ sau cơn lũ có vài giờ. Thực ra, ghi lại những hình ảnh này bây giờ không khó, cái khó là sự phát hiện và rung cảm trước thực tế của cuộc sống. Nhưng trong thực tế, đứng trước một hiện thực, không phải ai cũng có những tác phẩm thành công như nhau. Bởi lẽ, mọi người có một cách tư duy khác nhau. Vì vậy, sự khác biệt giữa người cầm máy này với người cầm máy kia là vậy.

Những chiếc xe máy, đầu máy khâu - vật dụng ít ỏi của cả 19 hộ dân còn sót lại sau cơn lũ.

            Trong lĩnh vực này chúng ta còn thấy giá trị của sự hài hòa những yếu tố tạo thành ảnh. Người cầm máy cần phát hiện và tìm kiếm những yếu tố không thể thiếu trong bối cảnh được lựa chọn, những yếu tố mang lại mầu sắc cho cuộc sống có hồn trong mỗi bức ảnh. Nó tạo cảm hứng, nâng cao sức sáng tạo và phong cách riêng của từng người. Ở đây, tâm hồn và sự nguyên mẫu được kết hợp.

            Có thể hiểu rằng ảnh báo chí là kể lại một câu chuyện bằng hình ảnh, ghi lại hình ảnh trong giây lát, cái thoáng chốc đúc kết lại một câu chuyện, đó là những khoảnh khắc quyết định. Trong từng trường hợp, thời gian, địa điểm có thể khác nhau nhưng nhiệm vụ của ảnh báo chí luôn như nhau. Đó là đưa thông tin, tường thuật sự kiện tới độc giả xa gần, giúp họ thấy được những điều mà họ không có cơ hội chứng kiến. Triển lãm Khoảnh Khắc Vàng của TTXVN lần này thành công có đóng góp một phần không nhỏ của những câu chuyên bằng hình ảnh mà các nhà nhiếp ảnh báo chí ghi được. Và một điều rất quan trọng giúp cho thành công chung là sự đóng góp rất lớn của các nhà tổ chức trong khâu biên tập ảnh, một khâu vẫn còn rất yếu ở những người cầm máy.

            Bám sát đề tài thời sự, những diễn biến lớn của đất nước, rất nhiều những bức ảnh trong triển lãm Khoảnh Khắc Vàng lần này đã làm được điều đó - Đó là đánh giá chung của Ban giám khảo cuộc thi. Trong đó có tác phẩm "Cháu Huyền Thương kể chuyện Bác Hồ" của tác giả Lan Xuân (Nghệ An). Những giọt nước mắt của cháu bé khi kể lại những giây phút cuối cùng của Bác Hồ trước lúc đi xa đã được thể hiện khá thành công. Trong ảnh chụp về con người, yêu cầu lớn nhất của tác phẩm là phải nói lên được điều gì và điều đó đặc biệt thể hiện ở đôi mắt của nhân vật. Nhưng đôi mắt lại biến đổi nhanh, nó chỉ có những khoảnh khắc nhất định. Tìm được, chớp được khoảnh khắc đó không dễ. Và để làm nổi bật điều chú ý cần chú ý tới cắt cúp (bố cục). Nó quan trọng, bởi chỉ bằng cách đó ta tước bỏ được những chi tiết thừa, không giúp được gì cho việc làm rõ ý đồ của tác giả.

            Trong thuật ngữ nhiếp ảnh, khoảng khắc đóng một vai trò lớn cho sự thành công hay thất bại của một bức ảnh. Bởi thế nên nhiều người đi chụp chỉ chú ý đi tìm khoảnh khắc mà quên mất chiều sâu. Để có được chiều sâu, phải gần gũi, nghiên cứu kỹ trước khi tiếp xúc, tìm hiểu mọi điều mà vấn đề đặt ra, hoàn thiện câu chuyện bằng hình ảnh của mình. Người ta đã hiểu ý nghĩa của KHOẢNH KHẮC "VÀNG" chính là ở chỗ này.

            Phóng viên nhiếp ảnh là những người cung cấp thông tin cho một thế giới khẩn trương. Cách diễn đạt nhanh chóng nhất, có tác dụng mạnh mẽ nhất là tiếng nói của nhiếp ảnh. Mỗi cú bấm máy là một lời kết luận về cái chúng ta đã nhìn thấy và phản ánh một vấn đề nghiêm túc của trí tuệ. Chúng ta làm việc bằng cách diễn đạt thực tế chứ không phải là lặp lại. Bởi vậy chúng ta phải khám phá, phát hiện chứ không phải sản xuất ảnh.

            Còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng Ảnh báo chí mà "Khoảnh Khắc Vàng" chỉ là một điểm nhấn mà TTXVN muốn góp phần vào sự nghiệp chung ấy.

Nguyễn Thành
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2008