Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Mục tiêu và thực tế


(07/10/2008 10:25:44)

Là phóng viên thường trú ở một tỉnh miền núi với "tầm nhìn tỉnh lẻ" và cũng chưa có tên trong danh sách đoạt Giải báo chí Quốc gia trong hai năm qua nên việc tham gia bàn luận "Làm gì để tin bài của TTXVN đoạt giải cao trong Giải báo chí Quốc gia" thực sự là "múa rìu qua mắt thợ".

            Qua đọc một số bài trao đổi đã đăng trên Nội san thông tấn trong những số vừa qua, tôi thống nhất cao về "những cái thiếu" trong các tác phẩm báo chí của TTXVN hiện nay mà đồng chí Phó Tổng Giám đốc Hà Minh Huệ đã nêu ra và tôi cũng đồng quan điểm với cái nhìn thực tế của đồng chí Bùi Văn Doanh - Phó Tổng biên tập báo Tin Tức. Rõ ràng một tác phẩm báo chí được ra đời phải trải qua rất nhiều "công đoạn" tác nghiệp của tác giả và phụ thuộc rất lớn những yếu tố khách quan khác. Vì vậy phải làm đồng bộ và giải quyết thật tốt mối quan hệ hữu cơ giữa các yếu tố mới hy vọng có được một tác phẩm đạt chất lượng cao xứng tầm.

            Chúng ta đều biết tính phát hiện là yếu tố đầu tiên để có một tin, bài hay và thực tế cuộc sống quyết định đời sống báo chí. Báo chí không phải là văn chương nên không thể ngồi tưởng tượng ra. Do đó nếu không có sự kiện, vấn đề nổi bật (hay nổi cộm) có tầm quốc gia, ảnh hưởng đến toàn xã hội hoặc một cộng đồng lớn (cùng sự việc, mức độ... nhưng xảy ra ở các tỉnh lẻ thì tính chất, tầm ảnh hưởng khác với xảy ra ở Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh), có sự quan tâm đặc biệt của xã hội... thì dù nhà báo có tài đến đâu cũng không thể có tác phẩm hay. Do đó muốn có tin, bài chất lượng thì trước tiên phải có sự kiện, vấn đề hay, nổi bật đủ sức thu hút sự quan tâm của hàng triệu, hàng triệu người. Thực tế tất cả những tác phẩm đoạt giải báo chí trong và ngoài nước chứng minh rất rõ điều này. Tuy nhiên sự kiện, vấn đề mới chỉ là điều kiện cần còn tất cả những cái thuộc về người làm báo mới là điều kiện đủ.

            Điều kiện đủ đầu tiên đó là kỹ năng nắm bắt sự kiện, phát hiện vấn đề và theo đuổi sự kiện, vấn đề đó của mỗi người làm báo. Kỹ năng này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: trình độ học vấn, vốn sống, kiến thức về lĩnh vực chuyên ngành của vấn đề cần thông tin, năng khiếu làm báo, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, độ nhạy và kinh nghiệm nghề nghiệp... Thực tế hiện nay cho thấy đội ngũ phóng viên phân xã tuy bám sát địa bàn, hiểu rõ địa phương, nhiệt tình với công việc... song lại gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp như: tầm bao quát vấn đề còn hạn chế (so với các nhà báo ở Tổng xã) phải duy trì mối quan hệ hữu hảo với địa phương (nhất là các tỉnh lẻ) nên phóng viên thường khó đụng đến những chuyện bức xúc, nổi cộm, trong khi đây là những chủ đề thường gây được sự chú ý và dễ được sử dụng, đạt điểm cao... Do vậy, phóng viên trong nước muốn có những tác phẩm có thể đi thi thố được ngoài việc giỏi nghiệp vụ còn phải đủ nghị lực và dũng cảm vượt qua được những trở ngại vốn rất khó vượt qua này. Tuy nhiên, nếu chỉ phóng viên phân xã không thì chưa đủ mà ở đây còn có vai trò, trách nhiệm rất lớn của Ban Biên tập tin Trong nước (BBT TTN). Với các lợi thế (có tầm bao quát toàn quốc, có đội ngũ biên tập viên trình độ cao...) thì BBT TTN nên phối hợp tốt với các phân xã trên tinh thần "định hướng, hợp tác, hỗ trợ, cùng lăn vào sự kiện, theo đuổi thông tin đến cùng" chứ không chỉ nặng về chỉ đạo như thời gian qua. Hơn nữa, không có những hạn chế giống như phóng viên các phân xã và với đủ các lợi thế đã có, BBT TTN cần khẳng định mình là những "con át chủ bài" cho cuộc đua giành giải cao nhất Giải báo chí Quốc gia hằng năm.

            Vấn đề thứ hai ở đây là kỹ năng thể hiện tin, bài. Nhìn chung phóng viên của TTXVN đều có năng lực làm báo không thua kém các báo đài trong nước thế nhưng kỹ năng thể hiện tin, bài  (phát trên mạng TTXVN) lại ít được các báo, đài bạn đánh giá cao. Theo tôi đó là không hợp gu về cách viết. Rất nhiều đồng nghiệp các báo đài nói "tin TTXVN hay nhưng viết không hay". Vì vậy việc thay đổi cách thể hiện tin bài là điều bức thiết để phù hợp với nhu cầu độc giả và cũng chính là để tạo năng lực cạnh tranh. Trách nhiệm này trước tiên thuộc về các phóng viên phân xã. Tuy nhiên, chủ thể mang tính quyết định lại là các Ban biên tập ở Tổng xã. TTXVN những năm gần đây đã mở nhiều lớp bồi dưỡng viết báo hiện đại cho phóng viên thế nhưng cách viết ấy lại gần như không được chấp nhận ở không ít người biên tập. Điều này thể hiện trong các bản tin và cũng đã được phản ánh trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị ngành. Việc đổi mới tư duy thông tin là việc của mọi người nhưng phải làm và làm quyết liệt ở khâu cuối cùng cho ra thành phẩm. Gu viết của Ban biên tập thế nào thì phóng viên tất phải chạy theo thế đó. Vấn đề ở đây là Ban biên tập phải làm cho phóng viên "tâm phục khẩu phục" về cách biên tập của mình như ở nhiều báo khác, xóa bỏ tình trạng "Sư nói Sư phải, Vãi nói Vãi hay". Hiện nay, không ít khi người biên tập cho rằng phóng viên viết "Dài dòng, diễn đạt không thoát, tự nhiên chủ nghĩa..." và thậm chí còn phê "viết lảm nhảm" nên phải biên tập lại hoặc bỏ đi. Về phía phóng viên lại phản đối việc một số biên tập viên thiếu kiến thức về lĩnh vực thông tin của tin bài phải biên tập, biên tập sai ý, chữa tin theo kiểu "lành thành què", biên tập tin không hiện đại... Một điều cần quan tâm nữa ở đây là "Qua các tác phẩm được giải A năm nay cũng như năm ngoái thì các tác phẩm được giải của các báo bạn hầu hết là các chùm bài đăng nhiều kỳ", đồng chí Hà Minh Huệ - Phó Tổng Giám đốc cho biết. Thế nhưng rất nhiều phóng viên các phân xã trong hơn hai năm qua đã bị thui chột kỹ năng viết bài do "Chỉ được viết bài khi BBT TTN đặt hàng" (?). Vẫn biết thể loại chính của thông tấn là tin chứ không phải bài song không nên cứng nhắc một cách máy móc vì thực tế việc lựa chọn thể loại để thể hiện một tác phẩm báo chí phụ thuộc vào nội dung thông tin, tính chất thông tin, mục đích thông tin... Với việc hạn chế viết bài như thế nên phóng viên có loạt bài hay dự thi đã là khó thì nói chi đến chuyện đoạt giải cao.

            Đúng là không thể "đổ hết tội" cho định mức về việc ít có tác  phẩm chất lượng và đạt đỉnh cao song thực tế đây cũng là điều cần xem lại. Ai cũng biết quy luật của cuộc sống là "cần ăn no rồi mới tính đến ăn ngon". Trong khi định mức là cái bắt buộc phải thực hiện của mỗi phóng viên (vì nghĩa vụ, trách nhiệm, danh dự... và nỗi lo canh cánh cuộc sống hằng ngày), còn giải báo chí cao là việc "được càng tốt mà không được cũng chẳng sao" thì rõ ràng không mấy phóng viên lại đi "bỏ hình bắt bóng" cả. Đây là tâm sự của hầu hết phóng viên ở các phân xã. Cùng đó, vì lý do khách quan mà TTXVN không thể "đầu tư có trọng tâm, trọng điểm" cho một vài phóng viên nào đó hàng chục hoặc hàng trăm triệu đồng, trong thời gian vài tháng, một năm... để theo đuổi một đề tài nặng ký như các báo khác nên phóng viên càng khó có điều kiện cả vật chất và thời gian dồn tâm huyết, công sức, trí tuệ để cho ra đời những tác phẩm xứng tầm.

            Mục tiêu đặt ra phải gắn liền với điều kiện thực tế thì mục tiêu đó mới mang tính khả thi. Với những gì hiện có, theo tôi giải cao nhất của Giải báo chí Quốc gia hiện đang "nằm mút tầm tay" của phóng viên trong nước chứ không phải "nằm ngoài tầm tay". Vì vậy  cái cần làm là đẩy điểm đứng "chất lượng tin bài" tiến nhanh về phía Giải bằng cách kiên quyết khắc phục những hạn chế đã được nhìn thấy, tạo môi trường làm việc thỏa mái hơn cho phóng viên phân xã, cần thiết có thể đầu tư có trọng điểm cho những cây bút tập trung vào sự kiện, vấn đề cụ thể nào đó khi thấy có triển vọng đoạt  giải cao trong các cuộc thi.

Phan Văn Đông
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2008