Thứ năm, ngày 02/05/2024

Tìm hiểu báo chí

Giải nhất phóng sự ảnh báo chí khoảnh khắc vàng - 01

Tác phẩm ấn tượng của một tay máy có nghề


(04/11/2008 09:59:00)

Được là người đầu tiên xem tác phẩm "Tiếng kêu cứu từ khỉ đuôi dài" của Hoài Phương gửi về ban tổ chức, tôi tự nhủ: không nghi ngờ gì nữa đây là một phóng sự ảnh tuyệt vời của một tay máy có nghề.

            Giới báo chí nói chung, giới nhiếp ảnh nói riêng và gọn hơn nữa là giới nhiếp ảnh báo chí vừa được chứng kiến sự ra đời của một cuộc thi và triển lãm ảnh báo chí CHẤT LƯỢNG CAO. Chẳng phải vì đông đảo khách dự, chẳng phải vì giải thưởng thuộc hàng TOP TEN trong giới ảnh từ trước đến nay mà tất cả chỉ vì đúng chất ảnh báo chí và thật chuyên nghiệp. Chẳng thế mà mấy đài truyền hình ngoài việc đưa tin thời sự họ còn đều làm chương trình dạng chuyên mục và có lẽ hầu như các báo đều điểm tên Khoảnh khắc vàng 01. Sự khởi đầu thế là quá đẹp!

            Ai đến xem triển lãm cũng bị cuốn hút ngay vào hai tác phẩm choán gần hết phần tiền sảnh chính, đó là hai phóng sự ảnh cỡ lớn 2m x 1,2m đậm chất thời sự và đậm chất ảnh báo chí. Một đoạt Giải đặc biệt, còn một đoạt Giải nhất. Tôi cảm phục hai đồng tác giả trong phóng sự "Tùng Chỉn - dâu bể một giờ". Thông Thiện và Xuân Trường đã dám đi, dám có mặt và còn dám quên mình ở chiến trường khốc liệt của những cơn lũ ống và lũ quét. Sự kiện mà các anh mang về dự thi vừa mới xảy ra trước đó chỉ vài ngày, còn nóng hổi, cả nước còn đang bàng hoàng. Họ xứng đáng được trao Giải đặc biệt. Tuy nhiên về góc nhìn chuyên môn thì những cú bấm máy của các anh tiếc là chưa ở đỉnh của sự kiện.

            Tôi muốn nói nhiều hơn về phóng sự đoạt giải nhất "Tiếng kêu cứu từ khỉ đuôi dài". Tác phẩm cuốn hút người xem ở xâu chuỗi những hình ảnh tàn nhẫn của đám thợ săn trước động vật rừng - Khỉ đuôi dài. Xem tác phẩm này không ít người rùng mình. Đó chính là thành công của tác giả Hoài Phương cũng như sức hút mãnh liệt và hiệu quả tức thì của thể loại ảnh báo chí.

            Trước hết, Hoài Phương không phải là dân ảnh chuyên nghiệp, anh đang làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận. Nhưng xem ảnh biết anh là dân "máu" ảnh, gặp anh lại biết anh là dân "máu" cả phim nữa mà nhất là về đề tài động vật hoang dã. Đến cả chục năm nay, cứ những ngày nghỉ cuối tuần hay ngày nghỉ phép anh đều... vào rừng. Bộ ảnh này của anh từ lúc nảy ra ý tưởng đề tài đến lúc hoàn thành mất cả năm trời. Nhìn thấy một chú khỉ con đáng yêu mắt tròn xoe, cổ mang xích lấm lét nhìn con người khiến anh nảy ra ý tưởng về một bộ ảnh săn bắt loài khỉ này. Lâu nhất là dò la khắp nơi tìm hiểu xem dân thợ săn ấy ở đâu? Là ai? Vài tháng anh mới tìm ra. Rồi tiếp theo là làm quen và thuyết phục mất vài tháng nữa vì chẳng dễ gì mà vừa được "bám càng" vào rừng lại được mang máy ảnh theo chụp đám thợ săn hành nghề.

            Phát hiện ra một đề tài hay, hấp dẫn đồng thời tác giả còn quyết tâm theo đuổi đề tài đến cùng. Đây chính là tiêu chí đầu tiên để có một phóng sự ảnh tốt, rồi sau đó mới đến phần thể hiện.

            Cả tuần trong rừng cùng đám thợ săn, Hoài Phương đã cho chúng ta những bức ảnh ấn tượng, chân thực đến dã man, lạnh lùng của những tay thợ săn chuyên nghiệp và cùng với đó là thảm cảnh của lũ khỉ đuôi dài.

            Câu chuyện bằng ảnh của anh dẫn dắt chúng ta vào rừng, khuôn hình của anh vừa đủ chứng kiến những tay thợ săn đang treo mồi nhử và dàn bẫy đám khỉ. Rồi sau đó là những ngày chờ đợi, tất cả mọi sinh hoạt chỉ còn diễn ra trong chiếc thum làm bằng lá cây rừng sao cho lũ khỉ không nghi ngờ gì. Yên lặng tuyệt đối từ tờ mờ sáng nếu không con khỉ đầu đàn vốn tinh ranh chỉ chợt nghe hoặc chợt thấy bất cứ động tĩnh nào thì chỉ một tiếng hú của nó là mất toi công sức mấy ngày chờ đợi. Hoài Phương đã chuẩn bị rất kỹ, ống kính tele của anh đủ cho chúng ta thấy con khỉ đầu đàn quái đến mức nào? Nó ngồi trên cây cao và quan sát rất "nghề". Thế nhưng đám thợ săn và ông nhiếp ảnh còn nghề hơn nhiều vì thế mà chúng ta được chứng kiến những hình ảnh chi tiết của quá trình lũ khỉ sập bẫy. Những hình ảnh như dùng kìm bẻ răng, bẻ quặt tay khỉ nhét vào túi được bố cục rất chặt chẽ, ánh sáng vừa đủ cho thấy trung tâm hành động đang xảy ra. Tuy nhiên bức ảnh đinh của phóng sự này đặc biệt mạnh về ánh sáng cũng như khuôn hình, gây xúc động cho mọi người là thảm cảnh của mẹ con khỉ đuôi dài trong tay kẻ đi săn. Ánh sáng mạnh được tập trung làm phơi trắng ra toàn bộ khuôn mặt, bụng, chân tay của khỉ mẹ. Nét điểm gây cảm xúc là hình ảnh khỉ mẹ như đã gần với cái chết, còn khỉ con bíu chặt vào bụng mẹ sợ hãi thảm thương. Phần tối của bức ảnh là một phần người thợ săn với khuôn mặt chỉ hé lộ chút xíu nhưng lạnh lùng đáng sợ.

            "Đau xót, khủng khiếp và ám ảnh" là cảm giác của Hoài Phương khi thực hiện bộ ảnh này.

            Phóng sự ảnh là chuyển tải trung thực sự kiện xảy ra, vì thế người cầm máy phải có mặt tại chỗ, tham gia vào sự kiện, nắm bắt sự kiện và chủ động trong mọi tình huống của sự kiện cũng như việc làm chủ được phương tiện kỹ thuật để thể hiện thành công sự kiện. Đó là chất nghề của người cầm máy, Hoài Phương được đánh giá cao là thế. Ngoài ra, Hoài Phương còn là một tay máy rất kinh nghiệm. Người thợ săn xuất hiện rất nhiều trong các khuôn hình, góc máy của phóng sự, nhưng chúng ta khó có thể thấy rõ mặt họ ngay cả trong bức ảnh cận cảnh nhất mà tôi vừa nêu trên đây. Hoài Phương đã thuyết phục đám thợ săn để anh xuất hiện trong cuộc săn với tư cách là nhà nhiếp ảnh chứ không phải đi thi hành công vụ. Và còn một lý do nữa, anh xác định mình sẽ dùng hình ảnh để nói lên sự thật với mong muốn làm thay đổi nhận thức và hành vi của người thợ săn. Vì theo anh  chừng nào còn thợ săn thì nguy cơ thú rừng bị tiêu diệt vẫn còn.

            Một đặc trưng của nhiếp ảnh là khoảnh khắc, với ảnh báo chí khoảnh khắc đó càng phải mạnh hơn, chân thực hơn. Mỗi bức ảnh trong phóng sự ảnh "Tiếng kêu cứu từ khỉ đuôi dài" của Lê Hoài Phương là một khoảnh khắc chân thực giúp cho tác phẩm của anh gây ấn tượng cao trong lòng công chúng.

Nguyễn Thắng
Theo Nội san Thông tấn số 10/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Yomiuri Shimbun nhật báo lớn nhất thế giới (01/08/2008 11:01:55)

Những kỷ lục thế giới về Báo chí (07/07/2008 09:51:32)

2007 năm có nhiều nhà báo bị thiệt mạng (07/07/2008 09:50:22)

Tác nghiệp của phóng viên ngoài nước trong các sự kiện ngoại giao (02/06/2008 09:58:19)

Sôi động giải Ảnh báo chí thế giới  (13/05/2008 11:01:07)

Blog trong cỳằ™c sỏằ‘ng hiỏằ‡n Ä‘ỏºĂi (09/01/2008 10:04:12)

Báo chí hiện đại và xu hướng "co" khổ báo (06/12/2007 16:11:58)

AFP Hãng thông tấn lâu đời nhất thế giới (06/11/2007 11:26:43)

Tân Hoa xã Mô hình sử dụng và bồi dưỡng phóng viên hiệu quả (09/10/2007 09:24:39)

Một số tiêu chí của ảnh báo chí (09/10/2007 09:16:24)