Thứ năm, ngày 25/04/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Để TTXVN đoạt giải cao trong các giải báo chí

Đường còn dài mà chưa thấy đèn xanh


(04/11/2008 09:51:30)

Cải thiện chất lượng thông tin đối ngoại quả là một con đường còn dài. Nhưng để con đường đó có nhiều người đi và đến được những địa điểm hấp dẫn hay không là phụ thuộc vào chính những con người xây con đường đó. Không thể đổ lỗi cho cơ chế mà không vận động! Nhưng một điều quan trọng không kém để các phóng viên, biên tập viên thông tin đối ngoại có thể làm việc hiệu quả là một chiến lược tổng thể và cụ thể cũng như sự chấp thuận về một phương pháp làm việc mới từ các cấp lãnh đạo, bởi ai cũng biết rằng, muốn làm việc này phải thấy "đèn xanh".

            Tôi có một kỷ niệm về một lần làm "công tác dân vận" ngoài kế hoạch. Trong một buổi trực tối, chuyên gia tiếng Anh nhất quyết từ chối biên tập một tin nói về dịch vụ du lịch mới của một tỉnh Việt Nam là "du lịch Thiền". Hỏi lý do tại sao thì chuyên gia này giải thích: "Tôi thấy việc Việt Nam bắt giữ một số nhà sư là không thỏa đáng nhưng tôi vẫn biên tập tin bình thường theo đúng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, giờ đây một địa phương của Việt Nam lợi dụng tôn giáo cho mục đích thương mại. Điều đó thì tôi không thể chấp nhận được".

            Cắt hợp đồng với vị chuyên gia nọ vì "chưa thông chính sách" thì quá dễ, nhưng tôi chọn cách "thuyết phục", bởi nếu một người làm việc ngay tại TTXVN hiểu chưa đúng thì nghĩa là ngoài xã hội còn nhiều người hiểu sai hơn. Tôi đã mất hơn một tiếng đồng hồ để giải thích cho chuyên gia về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, về những rắc rối gần đây liên quan đến một số kẻ đội lốt tu hành muốn gây rối loạn cho xã hội, về việc người nước ngoài thiếu thông tin nên hiểu chưa đúng về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Sau khi tôi trình bày chán chê, chuyên gia gật gù nhất trí, nhưng lại "thả" một câu: "Nếu chỉ đọc tin trên báo thôi thì tôi không hiểu hết về vấn đề này!"

            Không phải đến khi nói chuyện với chuyên gia này, tôi mới thấy băn khoăn về vấn đề thông tin đối ngoại của chúng ta - của TTXVN và thậm chí là của Việt Nam nói chung. Tiêu chí quan trọng nhất của báo chí là phục vụ độc giả, nhưng rõ ràng là hầu như các thông tin đối ngoại của chúng ta chưa cung cấp cái mà độc giả cần mà chỉ là cái mà chúng ta muốn nói. Đương nhiên, việc tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước cho các độc giả người nước ngoài hoặc Việt kiều là cần thiết, nhưng kiểu "nói lấy được" không thể nào đạt hiệu quả. Cho đến tận bây giờ, khi Ban Biên tập tin Đối ngoại đã mạnh tay gạt bỏ nhiều tin lễ tân, vẫn còn rất nhiều tin tiếp khách của lãnh đạo nhà nước, tin hội nghị, hội thảo, tin ca ngợi Việt Nam và cả những tin... chẳng biết thực sự nhằm mục đích gì, nhưng vẫn đưa chỉ vì nó có dính líu đến "yếu tố nước ngoài". Cũng là một sự kiện công bố báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vào ngày 10/9 vừa qua, nhưng trong khi nhiều báo nhấn mạnh đến khía cạnh tụt hạng của Việt Nam thì phóng viên Ban Đối ngoại vẫn có thói quen lôi một điểm nhỏ tích cực lên tít. Cũng vì lý do này mà tin bài của Ban Đối ngoại dường như có tính "định hướng khen" rất cao, một tiêu chí phổ biến và dường như được hiểu ngầm là "chính thống" trong công tác thông tin đối ngoại, nhưng để thi giải báo chí ngay của cơ quan đã khó chiếm giải cao vì thiếu tính hấp dẫn.

            Thông tin đối ngoại về cơ bản đáp ứng đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác tuyên truyền nhưng đôi khi thông tin còn chậm hoặc khuôn mẫu. Nguyên nhân lớn nhất là trình độ hạn chế của các biên tập viên - cả về ngữ và kỹ năng báo chí, và việc thiếu kinh phí để thuê chuyên gia biên tập ngoại ngữ có kinh nghiệm lâu năm về báo chí nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm tin tức bằng tiếng nước ngoài. Do số lượng biên tập viên có hạn nên số lượng tin tức cũng chưa nhiều, trong khi nhu cầu của độc giả nước ngoài và Việt kiều hiện nay muốn tìm hiểu rất nhiều về Việt Nam, đặc biệt là về các hoạt động kinh tế, thương mại và du lịch. Chưa có những chương trình cụ thể đặc biệt nhấn mạnh vào việc tuyên truyền đối ngoại mà chỉ chú trọng vào những sự kiện cụ thể, thiếu một chiến lược tuyên truyền đối ngoại đa dạng và uyển chuyển hơn với kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật phù hợp. Những người làm công tác thông tin đối ngoại dường như chưa hiểu rõ về những đối tượng của mình, dẫn đến hậu quả là thông tin "không trúng" hoặc không truyền tải hết những thông điệp cần thiết.

Khả năng ngoại ngữ thực sự là một hạn chế. Việc thể hiện bằng tiếng nước ngoài chưa phù hợp, thậm chí nhiều khi đơn điệu và chỉ giống như những bản dịch thô. Trong khi đó, thông tin về đấu tranh chống quan điểm thù địch, quan điểm sai trái chưa thường xuyên, tính thuyết phục chưa cao. Một thực tế rõ ràng là thông tin đối ngoại của Việt Nam hiện nay đến được với số lượng độc giả đông đảo hơn, nhưng hiệu quả thông tin chưa được như mong muốn.

            Đơn cử những tin ngoại giao rất được người nước ngoài quan tâm như tin Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lần đầu tiên đi thăm CHDCND Triều Tiên tháng 10/2007, các chuyến công du nước ngoài liên tục của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng cũng được viết theo kiểu gặp gỡ ngoại giao thuần túy, đầy những ngôn từ lễ tân và không làm nổi bật được những vấn đề then chốt của mỗi chuyến thăm. Ngay cả các hội nghị về xúc tiến đầu tư, thương mại cũng được viết theo kiểu khá công thức với những lời hứa hẹn chung chung của các quan chức có thẩm quyền. Chẳng hạn độc giả Việt Nam có thể hài lòng với câu "sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư" nhưng người nước ngoài luôn đặt câu hỏi tiếp theo rằng "những điều kiện đó là gì?" Họ thậm chí không bao giờ để ý đến lối nói "hai bên nhất trí mở rộng quan hệ lên tầm cao mới" hay "tốc độ phát triển rất ngoạn mục" nếu bài viết không chỉ rõ mục tiêu mở rộng cụ thể là gì hay tốc độ phát triển sắp tới là bao nhiêu và so sánh với các nền kinh tế khác như thế nào.

            Cách thức thể hiện của thông tin đối ngoại thực sự là một vấn đề nan giải hiện nay, và đó cũng là tình trạng chung của công tác thông tin đối ngoại của cả nước. Nhiều tin tức đối ngoại của TTXVN được viết theo kiểu "tiếng nước ngoài cho người Việt đọc" - từ văn phong cho đến cấu trúc tin bài và thậm chí cả một số từ vựng không phù hợp. Có một thực tế nữa là khi trích dẫn lời nói của người nước ngoài đánh giá về một vấn đề nào đó của Việt Nam, các tin tức của TTXVN thường chỉ trích dẫn những câu khen ngợi mà bỏ đi những ý kiến phê bình hoặc được cho là "không có lợi". Tuy nhiên, trong thời đại internet hiện nay, việc tìm ra bài nói, bài viết gốc hoàn toàn không khó khăn, và khi đó, người đọc không còn thấy tin tưởng ở những bài báo đối ngoại của chúng ta nữa. Đó là chưa kể việc một số đài phát thanh nước ngoài nổi tiếng là chống cộng sản quyết liệt như RFA, RFI khi có một vài bài viết ca ngợi thành tựu kinh tế của Việt Nam liền được dẫn lại. Việc làm này là "lợi bất cập hại" bởi vô hình trung dẫn độc giả đến với những nguồn tin luôn tìm cách chống phá nhà nước Việt Nam.

            Trong thời gian tới, cần phải thay đổi tư duy về thông tin đối ngoại bởi hiện nay lối suy nghĩ phân biệt riêng tin đối nội và đối ngoại là không còn phù hợp - người nước ngoài cũng có thể đọc tin tiếng Việt, và tin phát bằng tiếng nước ngoài không có nghĩa là người Việt ở trong nước không đọc tham khảo được. Tin tức dù phục vụ đối tượng nào cũng phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của báo chí thì mới đến được với bạn đọc, trong khi việc tuyên truyền về những vấn đề cụ thể hoặc trong cả chiến lược thông tin đối ngoại nói chung cũng cần phải có kế hoạch rõ ràng và khả thi với mục tiêu cao nhất là độc giả phải cảm thấy thuyết phục khi đọc tin.

            Trong hoạt động đấu tranh chống các lực lượng thù địch, ví dụ như vụ xử một loạt những kẻ chống phá chính quyền xã hội chủ nghĩa, kêu gọi đa nguyên đa đảng, việc lợi dụng hoạt động tôn giáo nói xấu chính quyền, một biện pháp tiếp cận mới cho những tin bài đối ngoại rõ ràng cũng vô cùng cần thiết. Những bài xã luận, bình luận vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các cá nhân, tổ chức phản động cũng như sự can dự của các tổ chức, chính phủ nước ngoài vào công việc nội bộ của Việt Nam đòi hỏi sự thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung.

Lê Quốc Minh
(Ban Biên tập tin Đối ngoại)
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2008