Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Đất rộng mà hóa hẹp


(03/12/2008 12:38:19)

Tại sao các tác phẩm báo chí của TTXVN chưa một lần đạt giải cao trong hai lần trao giải Báo chí quốc gia, trong khi chúng ta có nhiều thế mạnh không thể phủ nhận? Nếu như câu hỏi mà đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TTXVN đặt ra trong bài viết đăng trên NSTT số tháng 6/2008, khiến các phóng viên, biên tập viên tin trong nước hay phóng viên ảnh băn khoăn một, thì có lẽ các biên tập viên mảng thông tin quốc tế phải băn khoăn gấp mười.

Bởi lẽ, chưa một tác phẩm nào thuộc lĩnh vực thông tin quốc tế của TTXVN được là một trong số 80 tác phẩm báo chí được vinh danh trong mỗi kỳ trao giải.

Nhìn rộng ra thông tin quốc tế của cả làng báo Việt Nam cũng thấy một tình trạng tương tự. Tìm mỏi mắt trong danh sách các tác phẩm đoạt giải báo chí quốc gia năm 2006 và 2007 mới thấy vài tác phẩm thuộc mảng thông tin quốc tế, đếm chưa hết đầu ngón tay của một bàn tay.

Trong khi đó, cánh phóng viên trong nước vẫn thường "ghen tị" với cánh biên tập viên mảng thông tin quốc tế rằng "đề tài mênh mông như biển cả" bởi thế giới có hàng trăm quốc gia cùng vô số những điểm "nóng", vấn đề "nóng", thiếu gì chuyện để nói. Ấy là chưa kể mảng thông tin quốc tế của TTXVN có một ưu thế hơn hẳn tất cả các cơ quan báo chí ở trong nước là có hệ thống gần 30 phân xã ở nước ngoài.

Cái sự "vắng bóng" trong giải báo chí quốc gia của thông tin quốc tế đối nội của TTXVN nói riêng và của làng báo Việt Nam nói chung có thể được lý giải phần nào bởi nguyên do: đất đai tưởng rộng mà lại hoá hẹp.

Thứ nhất "hẹp" ở chỗ thông tin quốc tế, dù "bao phủ" hàng trăm quốc gia, hàng tỷ con người trên khắp hành tinh, cũng không thể được ưu tiên về "đất đai" hơn mảng tin trong nước, "bao phủ" hơn 80 triệu dân của Việt Nam. Đơn cử như với các tờ báo in, trang quốc tế nhiều nhất cũng chỉ dành được 20% diện tích của tờ báo. Đối với báo hình và báo tiếng, tình trạng cũng tương tự. Đất đai ít đương nhiên thu hoạch không thể được nhiều.

Cái "hẹp" thứ hai nằm ở thể lệ của Giải Báo chí quốc gia. Thể lệ quy định: Nội dung tác phẩm báo chí đề nghị xét giải phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương, có tính phát hiện, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Các vấn đề quốc tế thì có nhiều nhưng không có nhiều vấn đề liên quan sát sườn đến tình hình trong nước. Hai tác phẩm liên quan mảng thông tin quốc tế đạt giải cao nhất trong hai kỳ trao giải báo chí quốc gia cũng đã cho thấy điều này. Năm 2006 là giải A dành cho tác phẩm "Phản bác những luận điệu sai trái của một số thế lực phương Tây", nhóm tác giả Hồ Quang Lợi, Hà Mạnh Tường, Nguyễn Quang Thống và Lê Phúc Nguyên - báo Quân đội nhân dân và năm 2007 là giải B dành cho tác phẩm 'Thái độ bá quyền lạc lõng trong quan hệ quốc tế' của tác giả Trịnh Kim Anh - báo Nhân Dân. Vậy nên, thông tin quốc tế mênh mông nhưng phần có thể tham gia Giải báo chí quốc gia thì lại nhỏ hẹp.

Tuy nhiên, "đất hẹp" không phải là câu trả lời duy nhất cho sự không thành công của thông tin quốc tế TTXVN tại giải báo chí quốc gia. Chắc chắn còn nhiều những lời giải đáp khác mà người viết bài này rất mong được tham khảo từ chính những người làm thông tin quốc tế và cả những người "ngoại đạo" trong cơ quan.

Trần Thị Thắng
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2008