Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Để TTXVN đoạt giải cao trong các Giải Báo chí

Cần có chiếu riêng cho Thông tấn!


(03/12/2008 12:35:55)

Tôi là người "yêu Thông tấn" lắm! Phải tự khẳng định ngay từ đầu như vậy vì sau đây có thể bị hiểu ngược lại. Là bởi, không như một số đồng chí khác, trên cương vị "phóng viên thường trú ngoài nước", tôi không quá áy náy về việc mấy năm gần đây tin quốc tế đối nội của ta không với tới vòng chung kết Giải báo chí quốc gia. Nhưng giả sử giải thưởng ùn ùn kéo về thì tôi mới thấy... lạ.

Lâu rồi, một số lần chúng ta từng được trao giải báo chí toàn quốc ở thể loại tin thế giới. Còn nhớ năm 1991, tôi cũng có tên trong nhóm phóng viên, biên dịch viên của Ban biên tập Tin thế giới được đề cử giải cao nhất. Chùm tin, bài về sự tan rã của Liên bang Xô viết. TTXVN giật giải thật, nhưng riêng tôi thì chỉ được nhận tiền thưởng chứ không được "nêu danh". Theo cách lý giải chính thức, hồi đó tôi còn... quá trẻ. Giải nhất này, tôi nhìn nhận khách quan chứ không vì lấn cấn chuyện riêng tư, chủ yếu là "ăn theo sự kiện". Đúng là nhóm chúng tôi làm việc miệt mài thật, không kể đêm ngày. Song như vậy thì mới đạt được hai chữ "tích cực" mà thôi. Tuy nhiên, hồi đó TTXVN còn giữ thế độc quyền trên thị trường tin quốc tế đối nội.

Bây giờ, năm này năm kia cũng có một số sự kiện ở nước này nước kia làm chấn động thế giới. Nhưng "ăn theo" chúng không còn dễ nữa. Chúng ta chẳng còn thế độc quyền. Các báo trong nước dễ dàng khai thác thông tin thế giới trên mạng, rất nhanh và sử dụng theo gu của họ, của độc giả.

Chúng ta thường nói về "chất Thông tấn". Cái "chất" này quả là rất đậm đặc trong cả bản tin thế giới lẫn bản tin trong nước. Xin không nói về mặt tích cực của nó trong khuôn khổ bài viết này, song một khi nó quá mạnh thì tin của ta lên được trang các báo bạn đã khó, mong gì đến chuyện thi thố. Nói cách khác, khá lâu rồi từ tiêu chí lựa chọn chủ đề đến cách thể hiện, "tin Thông tấn" dường như đã xa với "khẩu vị" của phần lớn các tờ báo và của bạn đọc.

Vậy, vấn đề đặt ra: Chúng ta nên giữ "chất Thông tấn" đến đâu? Nếu viết phóng quá liệu có bị coi là "mất chất", "chạy theo thị hiếu" hay không, có bị thổi còi không? Còn nếu kiên quyết giữ thì nảy sinh hai vấn đề:

Một, có nên đặt ra mục tiêu phải đoạt giải hay đừng. Ông cha ta vẫn nói "bế em thì thôi giã gạo". Dĩ nhiên, về mặt lý thuyết, tin thế giới của ta vẫn có thể vừa nghiêm túc, đúng định hướng, vừa sâu sắc, vừa đáp ứng thị hiếu của các báo và độc giả. Nhưng để được vậy thì lại buột ra câu hỏi: Lấy đâu ra nhiều người vừa có tài, vừa tâm huyết? Riêng với cá nhân tôi, một phóng viên khá lâu năm, lương cao (đồng nghĩa với khoán định mức cao) nhưng không phải là Trưởng phân xã (có nghĩa là không được giảm định mức) thì cố cho đủ điểm sau bao nhiêu công việc "trời ơi" ở phân xã đã mệt lắm rồi. Mục tiêu là đủ định mức, làm càng nhiều, càng nhanh càng tốt bởi Ban BT Tin thế giới không có hệ thống điểm chất lượng. Làm nhiều, làm nhanh thường không tỷ lệ thuận với "làm hay".

Hai, nếu đoạt giải thưởng vẫn là điều bắt buộc phải phấn đấu thì có lẽ chúng ta sẽ đề đạt với Hội nhà báo Việt Nam dành cho Thông tấn một "sân chơi" riêng. Giải thưởng vẫn chia theo các loại hình báo chí - báo viết, báo nói, báo hình, ảnh. Vậy thì tại sao lại không có giải cho loại hình Thông tấn? Chúng ta vẫn hay nhấn mạnh tới tính đặc thù của tin Thông tấn cơ mà. Chứ còn ngồi chung một chiếu thì chúng ta tránh sao khỏi thiệt thòi. Bởi trong thành phần ban giám khảo đông đúc, cùng lắm Thông tấn chỉ có một đại diện, "đấu" làm sao nổi...

Trần Quang Vinh
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2008