Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Để có được chữ "Cần"


(30/12/2008 15:12:37)

Được Đoàn Thanh niên yêu cầu viết một bài về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cho Nội san Thông tấn, cho dù đã tham gia viết một số bài nhưng quả thực đây là một chủ đề thuộc loại khó đối với những người làm công nghệ thông tin như tôi.

Một buổi tối thứ Bảy, Minh - người mới vào làm việc được một thời gian và là đoàn viên trẻ nhất Trung tâm Kỹ thuật - đến tìm tôi. Minh hỏi về một số vấn đề chuyên môn trong thực tế. Khi Minh ra về, tôi ngồi lại và nghĩ rằng sao mình không viết một bài về việc làm thế nào để trở thành một thanh niên cần cù, chăm chỉ công việc? Bài viết có thể có ích cho những người mới vào nghề và mong muốn được làm việc. Cho dù chưa chắc hiện tại bản thân đã đạt được điều này, nhưng tôi mạnh dạn thử nêu một số cách để làm người chăm việc nhé!

Theo tôi, trước hết, chúng ta cần một cách thức tiếp cận công việc đúng. Lấy ví dụ về Minh, do mới rời giảng đường đại học để đi làm nên Minh chăm chỉ tìm hiểu những kiến thức thực tế đằng sau những lý thuyết đã học. Trong công việc Minh cũng chịu khó phụ việc hay quan sát những người có kinh nghiệm hơn thao tác kỹ thuật. Nếu vẫn duy trì được sự chịu khó học hỏi và mong muốn làm việc, Minh sẽ được giao nhiều việc hơn, với chuyên môn cao hơn và như vậy là đã có điều kiện để làm "một người chăm chỉ". Đấy chỉ là một ví dụ. Chắc chắn còn nhiều cách tiếp cận khác đối với riêng mỗi người. Chẳng hạn mạnh dạn đưa ra được một ý tưởng của bản thân hay sẵn sàng nhận một công việc khó mà nhiều người khác chưa dám nhận ngay. Đó cũng là một ý tôi muốn nói đến: Chủ động tìm việc và sẵn sàng thể hiện mong muốn được làm việc. Thật không nên nếu cứ thụ động chờ giao việc hay đơn giản là chỉ biết ngoan ngoãn hoàn thành công việc của mình. Trên thực tế, ở Chi đoàn Trung tâm Kỹ thuật chúng tôi, không ít lần các đoàn viên, thanh niên đến thẳng Giám đốc để "xin" cho thanh niên được làm việc này việc nọ. Có khi kéo nhau đi thật đông để "gây áp lực" và cũng đã không ít lần được chấp thuận. Một số việc chúng tôi thực hiện còn được khen là tốt hơn các đơn vị chuyên trách vì với một đội hình trẻ chúng tôi làm nhanh, hiệu quả và... vui vẻ. Đấy chỉ là một ví dụ trong nhiều ví dụ khác của cách thức chủ động tìm việc. Trên thực tế cũng có những việc ta có thể chủ động làm mà không phải chờ giao việc và cũng không phải đề nghị. Việc thể hiện mong muốn, nguyện vọng được làm việc và làm tốt công việc được giao là rất quan trọng. Đó không chỉ là thiện chí của chính mình mà còn vì như thế bạn sẽ có thêm sự tin tưởng và có cơ hội được giao nhiều việc khác.

Một điều quan trọng hơn, theo tôi đó là tạo cho mình niềm vui với công việc. Một số người cho rằng không thể chăm làm việc khi được giao những việc quá chán hoặc chưa phù hợp. Nhưng "cứ làm việc nhiều sẽ yêu việc và đó lại là động lực để làm việc nhiều hơn, bất kể đó là việc gì", đó là một ý tôi nhớ lại trong cuốn "Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm" của Kim Woo Choong-người sáng lập tập đoàn Daewoo. Một trong những cuốn hồi ký bán chạy nhất thế giới mà khi còn học phổ thông, đọc xong tôi vội đi ... quét nhà. Bản thân tôi mỗi khi ngại việc gì cũng thấy việc mình làm giảm hiệu quả đi, không chỉ là việc "công" mà cả việc "tư". Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, thói quen làm việc phụ thuộc khá nhiều vào tính cách của mỗi người. Nếu mình không thật sự thoải mái thì cũng khó mà hoàn thành tốt được.

Còn một điều kiện để có thể làm người chăm việc mà tôi không muốn nhắc tới, đó là cần có thêm các yếu tố khách quan. Tôi không bàn sâu về phần này bởi vì tôi vẫn cho rằng mọi sự ở mình và tuổi trẻ phải biết hy sinh. Nhưng nghĩ lại cũng thấy có một số câu hỏi thực tế như làm sao để chăm chỉ khi không được giao việc? Làm thế nào để chăm chỉ công việc quá khác với chuyên môn được đào tạo? Hay làm thế nào để chăm chỉ khi cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập?... Đây là những câu hỏi thực sự khó trả lời và tôi nghĩ rằng đó là những câu hỏi mà chúng ta chỉ được phép hỏi khi đã làm hết những điều trên. Điều kiện khách quan trong công việc ở mỗi nơi, môi trường làm việc thế nào chính là không gian mở để mỗi người lựa chọn cho mình công việc thích hợp.

Để đạt được một chữ "cần" trong "cần, kiệm, liêm chính ..." như lời Bác dạy, để là một thanh niên chăm chỉ công việc quả thực là rất khó nhưng nếu có quyết tâm chúng ta sẽ làm được. Đó cũng là ý tôi muốn dành cho phần kết của bài viết này.

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

Mạnh Hưng
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2008