Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Nhớ cụ đồ - nhà báo Lê Lâm


(03/12/2008 13:06:50)

Thế mà đã sắp đến giỗ đầu nhà báo lão thành Lê Lâm. Ông về cõi người hiền ngày 27/12/2007, để lại một khoảng trống vắng trong đội ngũ những người làm công tác tổ chức cán bộ và đào tạo của ngành thông tấn.

Sau gần 20 năm "treo ấn từ quan", ông đồ Nghệ - nhà báo Lê Lâm vẫn canh cánh bên lòng bao nhiêu tâm sự về nghề giáo, nghề báo. Ông nghỉ hưu nhưng vẫn cập nhật thông tin nên đôi khi gặp chúng tôi ông không hề mũ ni che tai, lão giả an tri. Chuyện đời, chuyện cơ quan và nhất là chuyện nghề báo, nghiệp báo ông vẫn lắng nghe một cách hào hứng. Tôi chịu nhất là đức tính hiếu học của ông. Thế hệ ông đâu có  học Rutxki yazyk. Chỉ bằng tự học ông đã dịch được sách Nga, báo Nga khá thành thục. Giá mà trời để cho, nhà báo 86 tuổi này chắc vẫn đọc, vẫn dịch không ngưng nghỉ...

Lớp phóng viên chúng tôi về nhận công tác ở cơ quan thì ông từ phân xã Nghệ Tĩnh, Nghệ An trở về Tổng xã nhậm chức Phó trưởng Phòng tin miền Bắc. Ngày đó chúng tôi làm gì có cơ may về Hà Nội họp hành để được gặp ông, người vẫn xử lý tin bài của mình. Tôi nhớ lần ông về phân xã Nam Hà, khi dẫn ông đến Tỉnh ủy dự một cuộc họp về tổ chức Đảng, tôi đã không chịu để ông đi xe đạp mà nghe đâu ông mang từ Nghệ An ra. Nó "trần trụi giữa bày sói", không chắn bùn, chắn xích, cũ rích, chiếc ghi đông vểnh lên lạ hoắc, không ra dáng là xe của lãnh đạo. Tôi dựng chuyện cậu lái xe tranh thủ tạt qua nhà để lý giải việc không báo cơm lái xe. Nhưng đến khi cậu nhân viên văn phòng hỏi ông Lâm có phải đảng viên không thì tôi nổi nóng cãi cự ầm ầm. Tôi mắng cậu nhân viên rằng ông Lê Lâm là Phó Trưởng ban, là vụ phó và vào Đảng trước cả ông Phan Điền, Bí thư Tỉnh ủy, hắn mới chịu. Tuy nhiên, ông lại không tỏ ý hài lòng. Ông cằn nhằn tôi chuyện này mãi. Trước khi về Tổng xã, ông thân mật nhắc tôi cần chú ý đến ứng xử, cần gì phải gây chuyện với nhân viên văn phòng...

Sau này, năm 1972, được điều động về phân xã Hà Nội, gần Tổng xã hơn, tôi mới ngộ ra được vài nét chân dung một trong những người phụ trách Ban Biên tập Tin trong nước của mình qua những lần trò chuyện, bẩm báo. Cung cách ông đồ Nghệ Lê Lâm trong ứng xử, đối nhân xử thế ngày càng bộc lộ đầy đủ.

Không bao giờ thấy ông vồn vã, thăm hỏi chiếu lệ cánh phóng viên phân xã lảng vảng về cơ quan kiểu như: À mới về đấy à? Có khỏe không? Về thăm các cụ chưa? Các cụ khỏe cả chứ? Bao giờ đi...? Những câu hỏi đãi bôi kiểu này thường bị chúng tôi để bụng, thậm chí tránh mặt để khỏi phải nghe, phải trả lời. Có lần tôi với Bá Thành bị hỏi như vậy. Đến khi nghe Bá Thành trả lời "cám ơn anh, các cụ nhà em mất từ tám hoánh khi em còn ẵm ngửa" mà vẫn nghe câu tốt tốt sau cái gật đầu giả bộ. Còn ông Lâm, ông không bao giờ hỏi chúng tôi như vậy.

Chính vì thế mà chúng tôi thêm nể trọng ông. Sau này khi về làm phóng viên-biên tập của Ban Biên tập tin ảnh Trong nước, có dịp tiếp xúc nhiều hơn, va chạm nhiều hơn với ông, tôi càng có dịp quan sát, chứng kiến sự điều hành của ông trong công việc. Hóa ra ông không bao giờ quan trọng hóa bất cứ điều gì dù với người này phải sôi sùng sục, với người kia phải gấp gáp tức thì. Năn nỉ, kêu cầu với ông đều khó lay chuyển. Anh Trần Sơn, phóng viên ảnh đi chụp ảnh công nhân Nhà máy dệt 8/3 được đi nghỉ mát tắm biển Đồ Sơn. Cả một sêri ảnh đẹp đáo để nhờ bố trí công phu. Trần Sơn là phóng viên ảnh công nghiệp cùng Tiểu ban Công thương. Không biếât lần này anh bốâ trí thế nào mà chụp được mấy kiểu ảnh công nhân tắm biển, chị em mặc áo tắm một mảnh, khá bắt mắt. Gần như cả Tiểu ban dựng mẫu và nhất trí chọn ảnh áo tắm để xin duyệt phát báo. Ông Lâm không duyệt. Ông nói đại ý rằng ăn mặc thế này lên báo Đảng khó trông lắm. Việc nhà Nho Lê Lâm nói không với ảnh hở hang là điều dễ  hiểu cho dù đó là ảnh chăm lo đời sống cho nữ công nhân ngành dệt. Sau Trần Sơn "bán" chui được  ảnh này cho báo khác, thích ra mặt khoe mãi với tôi. Hồi đó có một phóng viên mắc "tội" chê cơm nhà, đã có "phòng nhì" ồn ĩ lắm. Suốt ngày, nhất là khi vắng sếp, chuyện cứ râm ran, đoán già đoán non về án kỷ luật. Đã có tin rỉ tai rằng anh sẽ bị sa thải. Thế nhưng xem ra ông Lâm không mấy vội vàng. Ông yêu cầu Trưởng Tiểu ban, tổ trưởng Đảng, tổ trưởng công đoàn nắm thật kỹ vụ việc, đánh giá đúng mức sai phạm của đương sự và đề xuất hình thức kỷ luật. Sau này khi cơ quan quyết định hạ hai bậc lương, không cho làm phóng viên, anh cũng không mấy oán giận, chấp thuận về làm nhân viên đếm gạch đo cát ở bộ phận kiến thiếât cơ bản xây dựng khu nhà tập thể Mai Hương. Sau này gặp lại ông, anh vẫn quý trọng dù biết ông có vai trò lớn trong việc kỷ luật mình...

Làm Trưởng phòng Đào tạo Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn, Phó ban, rồi Trưởng ban Tổ chức Cán bộ, ông càng có dịp thể hiện đức tính cẩn trọng, chu toàn của người phụ trách. Mấy khóa phóng viên cho ngành sau ngày thốâng nhất đất nước đều có phần công sức của ông. Ông không lên lớp nhiều, không giảng lắm, nhưng xem ra cung cách vận hành công tác tổ chức cán bộ, đào tạo bồi dưỡng của ông đều đúng nhịp. Ông có cách nhìn nhận, đánh giá lớp phóng viên cỡ tuổi con cháu mình rất khoan dung độ lượng. Có chuyện một cán bộ bực mình vì xin cho con vào cơ quan chưa được, trong cơn nóng giận hồ đồ nhất thời đã chống gậy lên tận Ban Tổ chức-Cán bộ để... chửi. Thế nhưng vẫn chừa ông Lâm ra. Bởi lẽ ông đàng hoàng, đúng mực và bất khả mua chuộc.

Nhớ về ông Lê Lâm nhân ngày giỗ đầu, xin gửi nén tâm hương về một nhà giáo, nhà báo giầu tâm huyết và nghị lực. Cầu chúc ông an nhàn, vui thú ở bên kia bầu trời khi được gặp Lê Linh, con trai liệt sĩ của ông.

Trần Đình Thảo
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2008