Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Vài suy nghĩ về vấn đề viết tắt trên báo chí


(03/12/2008 13:02:07)

Trước hết, cần phải nói rằng viết tắt là việc làm hết sức cần thiết trong soạn thảo văn bản phục vụ hoạt động giao tiếp, đặc biệt là ở thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Đối với các từ hay cụm từ được sử dụng lặp lại nhiều lần trong một văn bản, viết tắt không chỉ giúp tiết kiệm được thời gian và công sức mà còn giúp đáp ứng yêu cầu về trình bày văn bản do hoàn cảnh thực tiễn đặt ra (chẳng hạn, diện tích hạn chế hoặc cần đảm bảo sự hài hoà, cân xứng giữa các thành tố ngôn ngữ trong một bối cảnh giao tiếp nhất định v.v.).

Tuy nhiên, xung quanh vấn đề viết tắt, nhất là viết tắt trên báo chí - phương tiện có lượng người sử dụng đông tới mức không xác định được và do vậy ngôn ngữ ở đó có ảnh hưởng quan trọng tới việc sử dụng ngôn ngữ của toàn xã hội - vẫn đang tồn tại không ít khía cạnh cần được làm rõ.

1. Kiểu viết tắt phổ biến nhất hiện nay (ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới) là viết theo các chữ cái đầu tiên của các âm tiết có trong tên gọi. Ví dụ: xã hội chủ nghĩa -> XHCN; ủy ban nhân dân -> UBND; Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa -> CNH, HĐH; World Trade Organization -> WTO (Tổ chức Thương mại thế giới); World Bank -> WB (Ngân hàng thế giới), v.v.

Ở đây, cần lưu ý:

- Kiểu viết tắt này chỉ được dùng cho các tên gọi được cấu tạo bởi các từ thuộc về cùng một thứ tiếng mà chủ yếu là tiếng Việt và  tiếng Anh.

- Chỉ được sử dụng hình thức viết tắt trên sau khi đã viết dạng đầy đủ có kèm dạng tắt được đặt trong ngoặc đơn đứng ngay bên cạnh, ví dụ: Đài Truyền hình Việt Nam (ĐTHVN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), v.v.

Thực tế cho thấy, việc viết tắt không báo trước có thể gây ra những khó khăn đáng kể đối với việc lĩnh hội thông tin của công chúng. Chẳng hạn, dạng tắt CN có thể khiến người ta liên hệ tới khá nhiều từ khác nhau như chi nhánh, công nhân, công nghiệp, công nghệ, công nguyên, cử nhân; rồi dạng tắt ĐHKT có thể hiểu là Đại học Kinh tế mà cũng có thể hiểu là Đại học Kiến trúc hay Đại học Kĩ thuật, v.v. Đặc biệt, dạng tắt của những tên gọi ít gặp trong giao tiếp hàng ngày như LLCSBVBVN (Lực lượng Cảnh sát bảo vệ biển Việt nam), TCTCĐLCL (Tổng cục Đo lường chất lượng), VTTTTC (Vụ Thể thao thành tích cao) là một sự thách đố không nhỏ đối với đông đảo công chúng.

- Không nên viết tắt theo kiểu trên ở tít (đầu đề) bài. Vì việc này có thể làm phương hại đến tính rõ ràng, dễ hiểu của tít-thành tố tạo ấn tượng đầu tiên cho công chúng khi tiếp xúc với tác phẩm. Trong trường hợp bất khả kháng, chỉ nên viết tắt những từ hay cụm từ xuất hiện với tần số cao trong giao tiếp mà hầu hết mọi người đều biết như XHCN, UBND, ASEAN, NATO, v.v.

- Với văn bản phát thanh và truyền hình cần hạn chế tới mức thấp nhất việc viết tắt theo lối này. Tuyệt đối không viết tắt nếu điều đó gây khó khăn cho người trình bày văn bản trên sóng cũng như người tiếp nhận thông tin. Chỉ nên viết tắt với những từ vừa thông dụng vừa dễ đọc như ASEAN, UNESCO, v.v. Ngay cả với trường hợp Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)-một cái tên hết sức quen thuộc hiện nay, cũng chỉ nên viết tắt sau khi thống nhất được cách đọc (hiện đang có ít nhất 3 cách đọc là vê-kép-tê-ô, vê-đúp-tê-ô, đắp-bliu-ti-âu nhưng theo chúng tôi, nên chọn cách đầu tiên).

- Từ Trung ương xuất hiện với tần số rất cao trên báo chí, thế nhưng nó lại được viết tắt theo 3 kiểu khác nhau: TW, TƯ, T.Ư. Sự thiếu thống nhất trong việc viết tắt từ quan trọng này đang gây băn khoăn cho không ít người.

Trong ba chữ tắt nói trên, TW có lẽ xuất hiện sớm hơn cả và hiện vẫn được sử dụng khá phổ biến trong nhiều loại hình văn bản, nhất là văn bản báo chí và hành chính-công vụ. Chữ tắt này, theo chúng tôi, bắt nguồn từ quy tắc điện báo của ngành bưu điện, ở đó, ký hiệu W được dùng sau chữ cái U để biểu thị chữ Ư (UW = Ư) và sau các chữ cái A, O để biểu thị các chữ A , Æ  trong tiếng Việt (AW = A , OW = Æ ). Chính quy tắc này đã khiến người ta dùng chữ W (không có dấu phụ) thay cho Ư (có dấu phụ, thao tác phức tạp hơn) khi viết tắt âm tiết ƯÆ NG trong từ TRUNG ƯÆ NG. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy là kiểu viết tắt này không phù hợp với nguyên tắc chung, bởi lẽ: W không phải là chữ cái đầu của âm tiết ƯÆ NG nên nó không thể làm đại diện cho âm tiết này khi viết tắt. Có lẽ, vì lý do ấy, thời gian gần đây, trên báo chí tiếng Việt dạng chữ tắt TW đã ngày càng ít được dùng hơn.

Kiểu viết tắt từ TRUNG ƯÆ NG thành TƯ ngày càng khẳng định vị thế của mình trên báo chí cũng như trong các phạm vi giao tiếp khác. Nguyên do là bởi kiểu viết này phù hợp với nguyên tắc chung về cấu tạo chữ tắt: viết theo các chữ cái đứng đầu âm tiết. Và cần nói thêm là chính chữ cái Ư cũng đã được dùng để đại diện cho âm tiết ƯU trong cụm từ NGHỆ SĨ ƯU TÚ (NSƯT).

Nếu viết TƯ là đúng thì tại sao lại còn tồn tại cả dạng viết T.Ư? Sự khác biệt giữa hai cách viết này, như chúng ta thấy, chỉ là dấu chấm ngăn cách hai chữ cái. Vậy dấu ngăn cách này có vai trò như thế nào?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết là hầu hết các tờ báo (các tờ báo như vậy không nhiều) hiện dùng chữ tắt T.Ư trước đây đều đã dùng dạng TƯ. Sỡ dĩ họ chuyển từ TƯ sang T.Ư là vì có ý kiến cho rằng dạng tắt TƯ dễ bị đọc nhầm thành từ nguyên khối là "", từ đó gây ra sự hiểu sai nghiêm trọng.

Theo chúng tôi, đây không phải là lý do thuyết phục. Một khi đã có nguyên tắc chung thì không nên tạo ra một ngoại lệ thiếu căn cứ xác đáng về mặt khoa học. Nếu viết T.Ư thì ít nhất phải viết N.S.Ư.T (Nghệ sĩ Ưu tú), T.U (Thành uỷ). Hơn nữa, chữ tắt bao giờ cũng chỉ xuất hiện trong bối cảnh có những dấu hiệu giúp người ta tri nhận nó một cách dễ dàng (chẳng hạn, được viết in hoa; trước đó được viết đầy đủ; sự quen thuộc về vị trí xuất hiện; sự tương hợp về ý nghĩa của các thành tố ngôn ngữ đứng trước và sau chữ tắt với chính nó, v.v.). Và có thể khẳng định rất khó tìm ra người nào đủ trình độ để đọc hiểu sách báo mà lại đọc sai và hiểu sai chữ  tắt TƯ trong các tổ hợp như BCHTƯ, UBTƯMTTQVN, TƯ Đoàn, Nghị quyết TƯ.

Sự tồn tại của ba cách viết tắt đối với từ TRUNG ƯÆ NG đã tạo ra sự thiếu nhất quán không đáng có về chính tả trên báo chí; và điều này làm giảm sút giá trị văn hoá-thẩm mỹ của cả tờ báo nói chung cũng như của từng tác phẩm báo chí nói riêng.

Dựa trên những lý lẽ trên đây, chúng tôi đề nghị: Nên chọn phương án TƯ để viết tắt từ TRUNG ƯÆ NG trong chính tả tiếng Việt.

2. Kiểu viết tắt thứ hai là lược bớt các yếu tố theo xu hướng giữ lại ít nhất 2 chữ cái trong mỗi âm tiết của tên gọi (trong đó thường có một chữ cái là ký hiệu ghi nguyên âm). Ví dụ: HABECO (Công ti Bia Hà Nội), XUNHASABA (Công ti Xuất nhập khẩu sách báo), VINATABA (Công ti Thuốc lá Việt Nam), LIXEHA (Liên hiệp các xí nghiệp xe đạp Hà Nội), v.v.

Đối với các tên gọi tiếng Anh, nếu bộ phận chính của tên (tức bộ phận giúp nhận diện được ngay đặc thù về phạm vi chức năng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay loại hình dịch vụ của đối tượng có tên viết tắt) chỉ có một âm tiết thì trong nhiều trường hợp nó được giữ nguyên, ví dụ: HABUBANK (Ngân hàng Xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội), SILKTEXTCO (Công ti Xuất khẩu tơ tằm), FAFILM (Công ti Phát hành phim và chiếu bóng Trung ương), VINAMILK (Công ti Sữa Việt Nam), v.v.

Những chữ tắt này, do vừa có khuôn vần lại vừa có các thành tố giúp định hướng về nội dung thông tin nên thường dễ đọc và dễ đoán ý nghĩa hơn so với những tên gọi viết tắt theo chữ cái đứng đầu âm tiết. Tuy nhiên, do chúng là sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân cho nên người ta buộc phải thuộc lòng cách viết do cá nhân quy định trong từng trường hợp cụ thể chứ không thể tự viết trên cơ sở nguyên tắc chung đã có sẵn như kiểu viết theo chữ cái đứng đầu âm tiết.

So với kiểu viết tắt theo các chữ cái đứng đầu âm tiết, kiểu viết tắt này có thể sử dụng rộng rãi hơn trên báo phát thanh và truyền hình. Song vẫn phải lưu ý là chỉ nên đọc theo dạng tắt những tên gọi hết sức quen thuộc với nhiều tầng lớp công chúng như VINATABA, VINAMILK, VINAFONE, v.v.

3. Kiểu viết tắt thứ ba là kết hợp một âm tiết của từ này với một âm tiết của từ khác để tạo nên một từ ghép mới rồi gán cho nó ý nghĩa của các từ nguyên gốc, chẳng hạn: KIỂM NGHIỆM + CHỨNG MINH = KIỂM CHỨNG; QUAN TÂM + LO NGẠI = QUAN NGẠI; QUYỀN NA NG = QUYỀN LỰC + KHẢ NA NG; TƯÆ NG ỨNG + THÍCH HỢP = TƯÆ NG THÍCH, v.v.

Khác với 2 kiểu viết tắt nói trên, đây không phải là viết tắt tên gọi mà là viết tắt khái niệm. Và theo chúng tôi, không nên khuyến khích hướng viết tắt này, nhất là trong địa hạt báo chí. Vì sự mới lạ, chưa từng gặp trước đó của những chữ tắt như vậy có thể gây cản trở đáng kể đối với việc tiếp nhận thông tin của công chúng. Thực tế cho thấy, không ít người đã thực sự ngỡ ngàng khi bắt gặp trong giao tiếp những từ như QUAN CHIÊM (quan sát + chiêm ngưỡng), ĐIỀU NGHIÊN (điều tra + nghiên cứu); CỤ TỈ (cụ thể + tỉ mỉ). Riêng với người nước ngoài, kiểu viết tắt này là một sự đánh đố khó có thể được chấp nhận. Nếu cần thiết, chúng ta chỉ nên dùng những chữ tắt đã có sẵn, thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và ý nghĩa của chúng có thể được tiếp nhận một cách dễ dàng.

TS. Hồng Anh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2008