Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Để TTXVN đoạt giải cao trong các Giải Báo chí

Tin đối ngoại chưa trúng cũng chưa hay


(30/12/2008 15:19:30)

Điểm qua những bài được giải, ta thấy thông tin đối ngoại của nước ta nói chung và của TTXVN nói riêng mang mục đích phục vụ tuyên truyền là chính. Nếu tin, bài đối ngoại được giải thì cũng là "ăn" giải ở điểm này. Và không cứ tin đối ngoại, tin đối nội cũng nhiều lần đoạt giải cao sau những chiến dịch tuyên truyền (mang tính thời vụ), ví như các vấn đề người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nhân quyền, tôn giáo.

Diễn đàn "Để TTXVN đoạt giải cao trong các giải báo chí" là một dịp, một lý do để chúng ta bàn về nghiệp vụ thông tin. Và là một dịp tốt để chúng ta nói đến những điều chưa đạt, những vướng mắc ngăn cản tin TTXVN đoạt giải cao ở các giải báo chí. 

Là người từng tham gia làm tin đối ngoại, tôi đặt vấn đề về lĩnh vực tôi quen: Làm thế nào để tin đối ngoại TTXVN có hiệu quả cao hơn, có sức lan tỏa xã hội lớn hơn hiện nay.

Trong bản hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí quốc gia, tiêu chí hàng đầu là tác phẩm phải nêu được vấn đề mới có tính phát hiện, có tính định hướng dư luận cao, có tính thuyết phục cao đối với độc giả  và dư luận xã hội. Nếu đem các tiêu chí này mà xét thì là một khó khăn lớn cho tin đối ngoại khi bình xét giải. Độc giả tin đối ngoại và độc giả tin đối nội rất khác nhau về nhu cầu thông tin. Có những sự việc mang tính phát hiện trong nước lại không làm độc giả nước ngoài mấy quan tâm hoặc ngược lại. Tuy nhiên, thông tin đối ngoại của TTXVN hoàn toàn có khả năng đoạt giải cao và thực tế đã là như vậy. Một ví dụ điển hình: Năm 2003, tờ báo tiếng Pháp Le Courrier du Vietnam đoạt giải A với chùm tác phẩm "Vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam". Đây là giải A đầu tiên của TTXVN tại Giải báo chí toàn quốc trong vòng mười năm trở về trước, và là giải A đầu tiên cho thể loại tin, bài đối ngoại. Đó là kết quả của một phương án có chủ đích rõ ràng với những bước thực hiện cụ thể của tòa soạn báo thời kỳ đó, nhằm phản bác lại luận điệu vu cáo Nhà nước ta hạn chế tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Nỗ lực của nhóm phóng viên trẻ thực hiện chùm tin, bài này là rất lớn và giải A họ mang lại là niềm tự hào chung của toàn ngành. Và còn những giải khác thấp hơn cho tin, bài xuất khẩu cá da trơn, xóa đói giảm nghèo... năm này, năm khác.

Điểm qua những bài được giải, ta thấy thông tin đối ngoại của nước ta nói chung và của TTXVN nói riêng mang mục đích phục vụ tuyên truyền là chính. Nếu tin, bài đối ngoại được giải thì cũng là "ăn" giải ở điểm này. Và không cứ tin đối ngoại, tin đối nội cũng nhiều lần đoạt giải cao sau những chiến dịch tuyên truyền (mang tính thời vụ), ví như các vấn đề người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nhân quyền, tôn giáo, v.v... Ở đây tôi chia sẻ ý kiến với đ/c Lê Quốc Minh, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Biên tập tin Đối ngoại kiêm Tổng biên tập báo điện tử Vietnam Plus. Trong bài viết "Đường còn dài mà chưa thấy đèn xanh" đăng trên Nội san Thông tấn số tháng 10/2008, đ/c Lê Quốc Minh nói: "... tin Ban Đối ngoại có tính định hướng "khen" rất cao, một tiêu chí phổ biến và dường như được hiểu ngầm là "chính thống" trong công tác thông tin đối ngoại, nhưng khi đến thi giải báo chí ngay của cơ quan đã khó chiếm giải cao vì thiếu tính hấp dẫn".

 

Tại sao tin đối ngoại khô khan?

Vậy thì tính hấp dẫn của một tin, bài đối ngoại nằm ở đâu? Tôi nghĩ nó cũng giống như cái duyên của người phụ nữ, duyên nằm ở dáng điệu, nụ cười, đi đứng, nói năng, ăn mặc của người đó. Nhiều khi có thể chỉ ra được cái duyên nhưng cũng nhiều khi thật khó tả, chỉ biết là ai đó rất có duyên và ta thích được nhìn, được nói chuyện. Còn khi gặp phải người vô duyên thì chỉ muốn quay đi. Tin tức nói chung và tin đối ngoại TTXVN cũng vậy, nhiều khi khô khan, thiếu hấp dẫn ở nhiều khía cạnh. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Vốn là dòng chủ lưu, mang tính chính thống, tính định hướng nên tin TTXVN đòi hỏi phải được xử lý hết sức cẩn thận. Người Việt ta có câu "sai một ly đi một dặm", nhưng tin đối ngoại mà sai một ly thì đi... nhiều ngàn dặm. Mà phương châm làm tin TTXVN là "nhanh, đúng, trúng, hay". Nhiều tin của ta chưa nhanh, chưa đúng, chưa trúng lại cũng chưa hay. "Hay" là yếu tố cuối cùng, hay ở góc tiếp cận, cách diễn đạt. Là dân làm tin đối ngoại, đã bao nhiêu lần chúng ta bảo nhau, đại loại: "Dùng từ này thì hay thật đấy, viết thế này cảm xúc hơn đấy nhưng thôi bỏ đi, dùng chữ quen thuộc cho chắc ăn, hay chưa chắc được khen mà lỡ bị "thổi còi" thì chết". Thế là lại tiếp tục viết tin theo lối mòn để "bảo đảm tính chính thống", bảo đảm an toàn cho cơ quan và cho bản thân những người làm tin. Vậy thử hỏi làm sao tin hấp dẫn được?

Tôi nhớ mãi câu đùa của anh bạn đồng nghiệp vào nghề trước tôi nhiều năm. Anh nói: "Ai hút thuốc đừng bật lửa cạnh người tôi nhé, làm tin TTX  lâu riết người cũng khô khan theo, bật lửa lên là tôi cháy đấy". Làm tin theo khuôn mẫu, diễn đạt một lối, biết là khô, muốn "ướt" cũng không ướt được nữa.  Lãnh đạo cũng kêu tin TTX khô khan. Phóng viên, biên tập viên cũng biết mình khô khan, khô trong lối viết, khô cảm xúc. Làm thế nào bây giờ?

Hồi nhỏ có lần đi qua phố Nhà Chung gần Nhà thờ lớn Hà Nội, thấy một cửa hàng bày đồ lưu niệm về đạo Thiên Chúa, tôi hỏi mua một cây thánh giá nhỏ. Tuy nhiên, do nhỏ tuổi chưa hiểu gì và là dân "bên lương", tôi nói nhầm thành cây thập ác. Bà bán hàng không những không bán mà còn bực tức đuổi tôi đi. Câu chuyện thời thơ ấu đó vẫn là bài học cho tôi khi trở thành phóng viên tin đối ngoại TTXVN. Mỗi lần gặp những khái niệm mới lạ, những từ ngữ mới trong những vấn đề thuộc về tâm linh, tôi lại cảnh giác tự nhủ "cẩn thận nhé, không khéo lại gọi thánh giá là thập ác đấy" và thế là dù vội mấy tôi vẫn phải tra cứu (mặc dầu vậy đôi khi tôi vẫn không tránh được sơ suất, vụng về). Tôn giáo, tín ngưỡng, nhân quyền là những vấn đề cực kỳ nhạy cảm, ẩn sâu trong tiềm thức mỗi con người. Kinh nghiệm cá nhân cho tôi thấy, làm tin về tôn giáo mà thiếu hiểu biết, thiếu từ vựng cần thiết thì sự ngô nghê có thể dẫn đến điều báng bổ, người ngoài đạo nhiều khi cũng không "tiêu hóa" được, chưa nói chi đến người trong đạo. Nói bằng tiếng Việt mà người Việt cũng chưa lọt tai thì độc giả nước ngoài làm sao chấp nhận? Sự tuyên truyền của chúng ta sẽ lập tức thành phản tuyên truyền. Tương tự, viết tin văn hóa nghệ thuật cũng viết như tin kinh tế, viết tin tôn giáo cũng như tin tư pháp, vậy làm tin sao có sức thuyết phục?

 

Tiếng Việt và ngoại ngữ phải là một cặp bài trùng

Những tác phẩm báo chí được giải cao, dù là của trong ngành hay ngoài ngành, đều gây cảm xúc mạnh nơi người xem. Dường như phóng viên rút ruột ra để viết, gồng mình rút sự kiện vào ống kính máy ảnh. Trình độ chính trị và nghiệp vụ tốt sẽ làm cảm xúc của phóng viên đi theo mạch logic. Những tác phẩm đoạt giải cao là sự thăng hoa tổng hòa những yếu tố trên. Phóng viên, biên tập viên mảng tin đối ngoại, ngoài kiến thức chung còn phải nắm vững ngoại ngữ. Và càng học ngoại ngữ tốt thì càng "ngấu" tiếng mẹ đẻ, hai quá trình này gắn bó hữu cơ với nhau. Có như vậy mới có thể chuyển tải nhuần nhuyễn thông tin tới bạn đọc. Nếu trình độ chung chưa cao, ngoại ngữ và tiếng Việt chưa vững, thiếu cảm xúc, thiếu sức sống thì làm sao tin hấp dẫn được?

Tất nhiên để được giải còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như quan điểm ban giám khảo, cách chấm thi, điểm rơi của sự kiện,v.v... Theo tôi được biết, hiện nay, việc chấm tin, bài dự thi cũng chưa thật khoa học, chặt chẽ. Ở các giải báo chí của TTXVN, thành viên Ban giám khảo đều là những người có trình độ, nhưng hầu như chỉ xem các bài dự thi đã dịch sang tiếng Việt, tuy có bài "gốc" gửi kèm nhưng không thể đánh giá cặn kẽ được chất lượng ngữ sản phẩm của các đơn vị khác (ví dụ vị ở Việt Nam News chấm bài của Le Courrier du Vietnam hoặc ngược lại; người tiểu ban Tây Ban Nha chấm bài tiếng Nga của Báo ảnh Việt Nam hoặc ngược lại). Việc chấm thi thể loại tin, bài đối ngoại ở Giải báo chí quốc gia chắc cũng diễn ra như vậy. Các vị giám khảo chỉ xem xét bản dịch sang tiếng Việt là chính, mà dịch sang tiếng Việt thì văn vẻ trở nên nuột nà hơn nhiều, và vì nuột nà nên có sức thuyết phục (thuyết phục ban giám khảo chứ chưa chắc đã thuyết phục độc giả). Đã từng tham gia chấm thi một vài Giải báo chí trẻ của cơ quan, tôi thấy trong những chùm bài gửi dự thi, bên cạnh những bài có chất lượng thật sự có cả những bài "non"- cả nghiệp vụ và ngữ. Những bài này làm hiệu đính (cả ta và Tây) tốn nhiều sức và thời gian chỉnh sửa mới "hòm hòm" để cho ra. Những sản phẩm đó chắc chắn không hiệu quả, chưa nói đến việc giá thành cao vì mất nhiều tiền hơn trả cho chuyên gia nước ngoài chữa, vì thời gian là tiền. Vậy mà khi dịch sang ra tiếng mẹ đẻ mang dự thi thì câu cú đâu ra đấy, đọc lên có cảm xúc chứ không còn ngô nghê như khi còn ở tiếng "Tây", bài nọ kèm bài kia phụ trợ cho nhau đứng thành một chùm rất hoành tráng khó phân biệt đối với các vị giám khảo không rành ngoại ngữ đó. 

Quay trở lại tính định hướng của thông tin tuyên truyền. Tôi cho rằng để thực hiện được tiêu chí hướng dẫn dư luận xã hội là một việc rất khó. Trong thông tin đối nội, mỗi bản tin, mỗi tờ báo là một diễn đàn của một lớp độc giả nhất định, nhưng đối tượng của thông tin đối ngoại rộng bao la và khó xác định tâm lý, lứa tuổi, vùng miền... Họ còn "khó tính" hơn độc giả trong nước, đa phần là những người có trình độ, những người có nhiệm vụ theo dõi tình hình Việt Nam. Bạn có, thù có, thậm chí bạn ít địch nhiều, vì vậy nói cho "trúng" đối tượng, cho người ta nghe được là điều vô cùng khó.

Có một thời gian tôi được giao nhiệm vụ trả lời thư độc giả, tôi thấy ít có phản hồi, nếu có thì chủ yếu là những ý kiến liên quan đến văn hóa, lịch sử, xã hội, tìm người thân... Hiếm có những phản hồi về những thông tin loại A - quan điểm, đường lối mang tính chính thống cao. Mà chúng ta cũng rất ít khi tổ chức thăm dò ý kiến độc giả. Như vậy, sức lan tỏa của tin đối ngoại của chúng ta là không đo đếm, không định lượng được. Cũng trong bài viết của mình, đ/c Lê Quốc Minh cũng đã thừa nhận: "...hầu như các thông tin đối ngoại của chúng ta chưa cung cấp cái độc giả cần mà chỉ là cái chúng ta muốn nói. Đương nhiên, việc tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước cho các độc giả nước ngoài hoặc Việt kiều là cần thiết, nhưng kiểu "nói lấy được" không thể nào đạt hiệu quả".

Đến đây, chắc thế nào cũng có bạn hỏi: Làm thế nào được khi trình độ chung có hạn trong lúc luôn phải chạy ngược chiều kim đồng hồ? Đúng là khó. Nhưng chúng ta đừng quên rằng nhiều khi hình thức diễn đạt, trình bày lại quan trọng ngang nội dung. Trên thị trường hiện nay, các tòa báo chả đang đầu tư bao tiền của, công sức để trình bày sản phẩm cho ngày càng bắt mắt đó sao? Chúng ta càng ngày càng thiếu thời gian, nhưng vẫn phải làm tin, bài cho tốt thì mới hiệu quả. Chẳng có cách nào khác là phải rèn luyện không ngừng: Chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tiếng Việt. Nếu tất cả những yếu tố đó kết hợp nhuần nhuyễn với nhau thì chắc chắn tin TTXVN sẽ có hiệu quả cao.  

Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta hãy tập trung vào làm tin cho có chất lượng, sau đó mới có thể tính tới việc đem đi thi. Nếu tin có tính thông tin cao, có nhiều ý kiến phản hồi tích cực, được nhiều hãng, báo chí nước ngoài đăng tải lại thì hiệu quả sẽ mang lại uy tín đích thực cho tin đối ngoại của TTXVN.

Phùng Minh Trang
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2008