Thứ hai, ngày 29/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Nhà báo Đặng Kiên hơn 50 năm miệt mài


(30/12/2008 18:58:37)

Cùng với Ban Giám đốc KPL, anh trăn trở tìm phương thức làm việc sao cho "được lòng, được việc và được cán bộ". Không chỉ chăm lo công việc chung, anh còn là cây bút giỏi đảm đương những bài tổng hợp tình hình, những bài bình luận, xã luận qua mỗi mùa chiến dịch.

Nhà thơ, nhạc sĩ, Giám đốc Thông tấn xã và Đài phát thanh Lào Xi-xa-na Xi-xan khi ấy đang bế ru con nhỏ ngủ trong một hang sâu tại Phu Khe - Na Cai thì nhận được tin của nhà báo Đặng Kiên từ chiến trường gửi về cho biết: Liên quân Lào - Việt đã đập tan cứ điểm bất khả xâm phạm của Mỹ, ngụy tại Nậm Bạc. Ba trung đoàn cơ động của địch đổ bộ đến đã bị đánh tan, 2.000 tên bị bắt sống. Cả một vùng rộng lớn phía đông bắc Kinh đô Luông-Pha-bang, nơi có Vua Xi-xa-vang Văt-tha-na đang trị vì, đã hoàn toàn giải phóng. Đặt con nhỏ xuống giường, ngồi trước cây đàn Nalat, ông trầm ngâm 15 phút, rồi những nốt nhạc cứ thế tuôn trào qua đôi bàn tay của người nghệ sĩ lão thành - tác giả "Phêng Xat"- Quốc ca Lào.

Trong lần làm việc với Tổng biên tập TTXVN Đào Tùng tại trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, ông Xi-xa-na Xi-xan vẫn nhắc tới những dòng tin nóng hổi của nhà báo Đặng Kiên từ mặt trận Nậm Bạc gửi về. Qua Tổng biên tập Đào Tùng, ông cảm ơn nhà báo Đặng Kiên, một chiến sĩ dũng cảm, năng động trên mặt trận thông tin đã đem đến cho ông nguồn cảm hứng mãnh liệt, thôi thúc ông viết "Nậm Bạc thì mi xay", một bài hát sống mãi với thời gian, với lịch sử đấu tranh cách  mạng Lào. Đối với nhà báo Đặng Kiên thì những ngày tham gia chiến dịch giải phóng Nậm Bạc đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm đẹp, gắn bó suốt cuộc đời làm báo ở TTXVN.

Quê ở Cự Khê (Thanh Oai, Hà Tây), Đặng Kiên chào đời ở Hải Phòng, học tập và trưởng thành tại thành phố Hoa phượng đỏ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm trường, chàng thanh niên sôi nổi này là cán bộ thông tin tại Mặt trận Hải Phòng-Kiến An. Có chút ít kinh nghiệm làm công tác thông tin trong vùng địch hậu, sau hòa bình năm 1954, anh được điều về công tác tại Phòng tin Miền Nam (VNTTX), phụ trách khối tin đấu tranh chính trị, quân sự và xây dựng vùng giải phóng. Mười năm ở Hà Nội trong căn nhà gỗ ọp ẹp bên bờ sông Hồng, được sống bên mẹ già và vợ con, anh đã tìm thấy nguồn hạnh phúc và say mê với công việc. Chiến tranh phá hoại leo thang ra miền Bắc, Hà Nội thường xuyên trong còi rú báo động có máy bay Mỹ xâm phạm, anh đưa mẹ già và vợ con sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên, còn anh đến bám trụ tại phòng làm việc ở cơ quan, "giường - bàn, chiếu - báo, gối - bản tin". Tư trang chỉ có một quần dài, hai áo sơmi, một "soóc" được tái chế từ quần dài rách gối không thể vá túm được nữa. Điều kiện sống kham khổ, nhưng mọi tin, bài từ chiến trường miền Nam gửi ra được anh biên tập rất nhanh và tung lên sóng kịp thời.

Cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam bước vào giai đoạn quyết liệt và cam go. Nhiều cán bộ, phóng viên tin, ảnh ở Tổng xã đã viết đơn xin được vào Nam chiến đấu. Sau khi Phạm Nho Nghĩa, bạn nối khố trong cơ quan, cùng sống chết ở mặt trận tả ngạn sông Hồng với anh, đã vào Nam chiến đấu, nguyện vọng đi B của anh càng cháy bỏng. Phiên phát tin buổi sáng vừa xong, Phó Tổng biên tập Lê Chân gọi anh vào phòng làm việc. Ông Lê Chân nói như có ý thăm dò: "Đồng chí phóng viên thường trú của ta ở Nga giỏi tiếng Anh, không biết tiếng Nga, khó làm việc với  Bạn. Anh Trần Lâm, Giám đốc Đài Phát thanh, tiến cử anh Phạm Quế Lâm giỏi tiếng Nga, từng làm việc ở Nga 10 năm, hiện đang ở Lào. Cơ quan đã cử một đồng chí khác sang thay anh Quế Lâm, nhưng mới đây, cậu ấy trình lãnh đạo giấy bệnh viện chứng nhận không đủ sức khỏe làm việc ở chiến trường ác liệt. Lãnh đạo cơ quan trông ở Kiên". Nghe đồng chí lãnh đạo cơ quan nói, anh giật mình, vì nguyện vọng không được thực hiện và cảm thấy tự ái vì phải cử đi thay một người mà đã được chuẩn bị từ nhiều tháng nay. Lặng đi một lát, bỗng trong anh vẳng lên lời căn dặn của Bác Hồ phải luôn coi trọng và chăm lo vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Tại Hội nghị đại biểu Liên minh ba nước Đông Dương tháng 9/1952, Bác Hồ nói "Sự thực chưa tìm ra chữ gì để thay thế chữ giúp, nên ta dùng chữ giúp. Thực ra không phải là giúp mà là làm nhiệm vụ quốc tế... là bổn phận của mỗi chúng ta". Bĩnh tĩnh lại, anh trả lời: "Tôi đi được". "Bao giờ cậu có thể đi?"."Đi ngay bây giờ" - Kiên trả lời.

Tính anh sôi nổi, thẳng thắn, đã nói là làm. Anh gấp gáp lên Đại Từ thăm mẹ già, vợ và con, hôm sau đến thẳng trường học chính trị thuộc CP38. Học chữ Lào được một buổi, chưa thuộc hết mặt chữ cái, anh đã được điều tham gia chiến dịch giải phóng Nậm Bạc, phối hợp với cuộc tổng tiến công của quân dân miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Cùng đi với anh còn có Sơn, người Hải Phòng, đi chiến trường C trước anh, thông thạo tiếng Lào. Ngồi trong xe com-măng-ca đít vuông bạt bịt kín, lèn chặt cá hộp, mắm, muối phóng ngược lên phía Bắc, rồi xuôi thuyền độc mộc trên những chi lưu thuộc thượng nguồn Mê Công. Rời thuyền tiếp đến leo rừng, lưng đeo ba lô tư trang, phải lách cây rừng mà đi, tập kích sâu vào khu vực địch vừa đổ quân tới. Trên trời máy bay Mỹ quần đảo, đánh phá ác liệt. Bám sát các mũi tiến công, anh kịp thời phát tin về Phu Khe hỏa lực Liên quân Lào - Việt trút bão lửa xuống sân bay Nậm Bạc, địch chạy tán loạn vào các lõm có các đơn vị của ta đón sẵn; tin một đại đội ta bắt sống hơn 400 tên; tin một trung đoàn ta bắt gọn cả trung đoàn địch...

Từ Nậm Bạc trở về, anh được điều thẳng đến Phu Khe đảm nhận trọng trách Trưởng Đoàn chuyên gia Thông tấn xã và Đài phát thanh với hai nhiệm vụ chính: nhận tin bài phổ biến, tham khảo từ Tổng xã phát sang cung cấp cho các đồng chí lãnh đạo Lào và lãnh đạo Đoàn chuyên gia ta; cùng với KPL lo có đủ tin, bài phản ánh cuộc đấu tranh quân sự, chính trị, xây dựng kinh tế vùng giải phóng Lào cung cấp cho Đài phát thanh Lào sơ tán ở Nho Quan, Ninh Bình và cung cấp tin, bài cho các bản tin của TTXVN.

Sau ngày nước Lào hoàn toàn giải phóng 1975, anh được Ban lãnh đạo cơ quan cử làm Trưởng Phân xã TTXVN tại Viêng Chăn. Thuận lợi có nhiều do được làm việc với các đồng nghiệp KPL từng đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau ở Phu Khe. Khó khăn cũng không ít. Bọn thám báo, biệt kích vẫn lẩn khuất hoạt động. Bọn phản động Thái Lan được Mỹ hỗ trợ thường xuyên quấy phá, hoạt động vũ trang lấn chiếm dọc biên giới; bọn người xấu có nhiều thủ đoạn tuyên truyền chia rẽ Lào-Việt. Không chịu giam mình trong phòng đọc báo, khai thác tư liệu qua báo chí Lào, anh mở rộng quan hệ tiếp xúc với cả những nhân sĩ, trí thức từng làm việc trong chính quyền Viêng Chăn cũ, tiếp xúc với các phóng viên nước ngoài để có những thông tin đa chiều gửi về Tổng xã. 

Hết nhiệm kỳ ở Viêng Chăn, anh về nhận công tác ở Ban Biên tập tin Thế giới. Được lãnh đạo cơ quan cử đi dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ tại Niu Yoóc do Liên hợp quốc tổ chức dành cho những người làm công tác thông tin các nước Á-Phi, anh có dịp trang bị thêm kiến thức mới về nghề báo mà cả đời tâm huyết và theo đuổi. Khi luồng gió đổi mới trong lĩnh vực thông tin nhen nhóm, tin bài, ảnh TTXVN cần phong phú, đa dạng, phản ảnh kịp thời những sự kiện mà người đọc cần. Nhân sự kiện Giải bóng đá quốc tế tại Tây Ban Nha năm 1982, anh đảm nhận việc tổ chức anh em làm thử Bản tin nhanh bóng đá Espana 82, mỗi ngày phát hành một triệu bản, bán trực tiếp cho người đọc. Từ cuộc tập dượt Espana 82 thành công, tháng 8/1982 tờ Văn hóa thể thao (sau đổi thành Thể thao&Văn hóa) ra đời đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội.

Nay tuổi đã cao, được Nhà nước cho nghỉ chế độ nhưng nhà báo lão thành Đặng Kiên vẫn đam mê đọc và viết. Sự hiểu biết rộng, nguồn tư liệu phong phú, không có điều kiện làm tin như những năm tháng làm việc ở cơ quan, ông chuyển sang viết sách. Ông đã cho ra mắt hai tác phẩm văn học: Truyện "Đất Mỹ, người Việt", Nhà xuất bản Lao Động xuất bản và tiểu thuyết "Đêm giao thừa năm 2000", Nhà xuất bản Thanh Niên. Cho đến hôm nay, trái tim, khối óc ấm nóng của nhà báo Đặng Kiên vẫn miệt mài, nhẫn nại "nhả tơ", vấn vương, trăn trở với nghề, với đời.

Nguyễn Thế Nghiệp
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ba Dân - Nhà báo của chiến trường (30/12/2008 18:55:34)

RIA Novosti - Một cỗ máy truyền thông hùng mạnh của nước Nga (03/12/2008 13:14:12)

Tôi đã chớp được "Khoảnh khắc Vàng" (03/12/2008 13:03:49)

Tác phẩm ấn tượng của một tay máy có nghề (04/11/2008 09:59:00)

Yomiuri Shimbun nhật báo lớn nhất thế giới (01/08/2008 11:01:55)

Những kỷ lục thế giới về Báo chí (07/07/2008 09:51:32)

2007 năm có nhiều nhà báo bị thiệt mạng (07/07/2008 09:50:22)

Tác nghiệp của phóng viên ngoài nước trong các sự kiện ngoại giao (02/06/2008 09:58:19)

Sôi động giải Ảnh báo chí thế giới  (13/05/2008 11:01:07)

Blog trong cỳằ™c sỏằ‘ng hiỏằ‡n Ä‘ỏºĂi (09/01/2008 10:04:12)