Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Biên độ "mềm" trong tác nghiệp - nên chăng?


(30/12/2008 15:24:10)

TXVN có một mạng lưới phóng viên thường trú đầy đủ và rộng khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đó là ưu thế vượt trội và tuyệt đối của chúng ta mà không cơ quan báo chí nào trong nước có được. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, chúng ta chưa phát huy hết hiệu quả của ưu thế không dễ gì có được đó. Bằng chứng là hầu hết các phân xã (PX) vẫn chưa có các tác phẩm báo chí xứng tầm; sự liên kết vùng trong tác nghiệp vì một thương hiệu chung còn khá mờ nhạt nếu không muốn nói là rất lỏng lẻo. Nên chăng, TTXVN cần "linh hoạt" hơn trong việc hoàn thiện một cơ chế tác nghiệp cho đội ngũ phóng viên thường trú?

Ranh giới "mềm" trong tác nghiệp

Mới đây, trong Hội thảo "Nâng cao chất lượng thông tin TTXVN khu vực các tỉnh phía Nam" được tổ chức tại Cà Mau (20-21/11), bản thân tôi là một phóng viên trẻ mới vào nghề đã vinh dự được bày tỏ ý kiến. Tại diễn đàn này, tôi đã mạnh dạn đề cập việc mở rộng phạm vi tác nghiệp cho phóng viên thường trú (giới hạn khi có "đơn đặt hàng" của các tòa soạn báo nhà). Dù biết là đã "múa rìu qua mắt thợ" nhưng trong không khí hội thảo hết sức dân chủ, cởi mở, tôi đã có dịp nói lên nguyện vọng của mình. Dù trẻ và ý kiến có thể còn "non nớt", nhưng một lần nữa trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi xin được mạnh dạn trình bày rõ hơn quan điểm của mình.

Trên thực tế, mạng lưới các PX trong nước hiện đang được đóng khung trong một ranh giới hành chính "cứng". Sự phối hợp giữa các PX để giải quyết các vấn đề thông tin mang tính chất vùng, miền hầu như chưa được phát huy. Lâu nay, thông tin hầu hết thực hiện theo sự chỉ đạo (qua giao ban hàng ngày hay chỉ đạo đột xuất) của Tổng xã, mà cụ thể là Ban Biên tập tin Trong nước (TTN). Điều này là đúng đắn vì sự chỉ đạo thông tin từ Tổng xã luôn mang tính bao quát và rộng lớn hơn, đặc biệt về quan điểm thông tin là chính xác hơn. Nhưng chính điều này cũng bộc lộ hạn chế trong việc tổ chức các "vệt" tin, bài mang tính chất quy mô vùng, miền. Đơn cử, những khi ở Tây Nguyên xảy ra các diễn biến phức tạp về an ninh, chính trị, Ban TTN luôn có những chỉ đạo kịp thời cho các PX trong vùng tổ chức tuyên truyền và sau đó sản phẩm của các PX được xử lý, tập hợp thành chủ đề chung. Nhưng điều này đã thể hiện hạn chế rõ ràng là chùm tin, bài chung đó luôn luôn thiếu sự thống nhất về phong cách thể hiện, ý đồ tuyên truyền chung (dù đã được chỉ đạo), vẫn thiếu những điểm nhấn cần thiết... Tóm lại, những yếu tố thu hút bạn đọc vẫn rất khó có được từ sự tổng hợp những sản phẩm độc lập (độc lập là về cách nhìn nhận, bao quát, chọn vấn đề và thể loại, phong cách thể hiện). Nên chăng, với những sự kiện nóng hoặc những chủ đề cần tuyên truyền đậm nét, chúng ta tổ chức tổ phóng viên tác nghiệp gắn kết. Tổ phóng viên cơ động này có thể tổ chức ở hình thức "động" (là phóng viên của các PX, chỉ điều động tập trung khi có sự kiện cần tuyên truyền đậm nét).

Ranh giới "mềm" trong phạm vi tác nghiệp cũng có thể "mở" ra cho từng cá nhân phóng viên thường trú. Cụ thể, khi phóng viên mạnh dạn xây dựng những đề cương (loạt bài) mang tính chất xuyên suốt vùng, miền, có tính chất khả thi, thể hiện rõ khả năng hoàn thành và hiệu quả thông tin thì cơ quan nên đầu tư cho thực hiện. Tính chất vùng, miền này có thể mở ra giữa B2 và B1 hoặc rộng hơn nữa. Nội dung này, nếu được chấp nhận sẽ giúp phóng viên "thay đổi khẩu vị", phát huy được khả năng sáng tạo và chắc chắn TTXVN sẽ có những sản phẩm "đầy đặn" hơn. Đây cũng là lối đi để phóng viên thường trú có cơ sở "mơ" đến những sản phẩm "ra tấm ra món" hơn. Trước đây, trong  bài viết  "Làm thế nào để đoạt giải báo chí quốc gia?" đăng trên Nội san Thông tấn sau Giải báo chí quốc gia lần thứ hai, đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TTXVN cũng đã đề cập đến các "dạng tác phẩm" có tầm kiểu này. Thực tế, nhiều phóng viên thường trú ở các PX là những người giỏi nghề (có những người liên tục đoạt giải nhất, nhì ở các cuộc thi báo chí tỉnh trong những năm gần đây) nhưng vẫn rất khó vươn tới thành công ở Giải báo chí quốc gia. Vấn đề được lý giải đơn giản là những nội dung phản ánh "tầm của những chuyện địa phương" rất khó tạo nên sự chú ý của dư luận cả nước, hiệu quả thông tin khó mà vượt qua ranh giới "tỉnh lẻ".

 

Và cơ chế mở cho "đơn đặt hàng"

Trong lần sửa đổi Quy chế định mức đối với phóng viên PX vừa qua có quy định: Mỗi phóng viên thường trú ở các PX phải viết ít nhất 1 bài/tháng cho báo Tin TứcThể thao&Văn hóa. Hầu hết các phóng viên đã thực hiện nghiêm túc quy chế này, lượng bài thông tấn dồn dập đổ về các tòa soạn nói trên. Nhưng mới đây, ông Lê Duy Truyền, Tổng biên tập báo Tin Tức cho biết: Trang phóng sự của báo vẫn rất khan hiếm bài. Đó là một nghịch lý! Nguyên nhân là lượng bài trong nước gửi về tới trên 120 bài mỗi tháng vẫn chưa đa phong cách, chưa phong phú và còn rất nặng "tính thông tấn", khó sử dụng cho các báo.

Trong hội thảo tại Cà Mau vừa qua, nhiều ý kiến đã không còn đồng tình với quy định viết bài nói trên. Cá nhân tôi ủng hộ xu hướng này, bởi các báo Tin TứcThể thao&Văn hóa đều nằm trong "đại gia đình TTXVN". Tôi nghĩ đơn giản, mình là một phóng viên thường trú, hưởng đầy đủ các chế độ của cơ quan, tự thấy phải có trách nhiệm cung cấp tin, bài cho các tờ báo của ngành. Nhưng nếu tất cả các phóng viên PX đều thực hiện nghiêm túc quy chế như hiện nay thì báo Tin Tức sẽ "đói trong sự bội thực", bài đổ về hàng loạt nhưng vẫn thiếu vì không phải cứ có bài là dùng được. Nên chăng, các tòa soạn thực hiện "đặt hàng" cụ thể cho PV thường trú ở các PX theo từng chủ đề cụ thể. Khi có "đơn đặt hàng" thì cơ quan tạo điều kiện để phóng viên hoàn thành, kể cả phải mở rộng biên độ tác nghiệp.

Lâu nay, xuất phát từ trách nhiệm và hơn nữa là lòng đam mê, yêu thích tờ báo Thể thao&Văn hóa, cá nhân tôi đã có một số chuyến tác nghiệp "lấn sân" như thế. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn chung của các báo ngành như hiện nay thì sự lấn sân và cả "dấn thân" theo đam mê quả là một sự mạo hiểm. Nếu không có sự hỗ trợ về việc đi lại, một phần công tác phí từ phía cơ quan thì những chuyến đi như thế quả là không dễ dàng. Trong tháng 10/2008, khi "lấn sân" sang đất Ninh Thuận để thực hiện loạt phóng sự "Tìm lại tuyến đường sắt độc nhất vô nhị ở Việt Nam" cho báo Thể thao&Văn hóa Cuối tuần, chỉ riêng tiền thuê người dẫn đường đi xuyên 16 km trong rừng, tôi đã phải chi gần bằng 1 kỳ nhuận bút của loạt bài nói trên. Nếu những chuyến đi như thế này được chấp nhận và được cơ quan hỗ trợ về cơ chế thì chắc chắn sản phẩm sẽ hoàn thiện hơn.

Bài viết nhỏ này mạo muội được nêu vài ý kiến hoàn toàn mang tính chất cá nhân nhưng vẫn rất mong được lưu tâm. Vĩ thanh của những điều này vẫn là một lời xin lỗi đi kèm những khát vọng chung về sự lớn mạnh của Đại gia đình TTXVN.

Sơn Tùng
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2008