Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Trùng điệp từ trùng lặp


(30/12/2008 16:21:00)

Bài thứ nhất:

"Sản xuất sạch - Hướng phát triển bền vững cây thanh long Bình Thuận

Để thanh long phát triển bền vững và mở rộng được thị trường xuất khẩu, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch thanh long theo hướng an toàn đến từng hộ nông dân theo tiêu chuẩn VietGap...

Mở đường cho thanh long vào Mỹ

Mới đây, hai doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Bình Thuận gồm: Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu và Hợp tác xã thanh long Hàm Minh đã được trao chứng chỉ đạt chuẩn đóng gói trái cây vào thị trường Mỹ và hai doanh nghiệp này đang tiến hành các công đoạn để chuẩn xuất khẩu thanh long vào thị trường này, sau lô hàng 8 tấn quả thanh long của doanh nghiệp Duy Lan, Hàm Minh (Bình Thuận) dự kiến ngày 25/10 có mặt tại Mỹ. Đây là những tín hiệu vui của nhà vườn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thanh longBình Thuận. Mở ra hướng đi bền vững cho sản xuất, thu mua và xuất khẩu thanh long theo hướng an toàn. Hiện đã có hơn 90% nông hộ và 100% doanh nghiệp trồng, thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh đã cam kết không lạm dụng hóa chất trên quả thanh long, bốn doanh nghiệp đã được sử dụng chỉ dẫn địa lý "Bình Thuận" dùng cho sản phẩm quả thanh long...

Tuy nhiên, việc trồng, chăm sóc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... đối với cây thanh long vẫn còn nhiều bất cập. Ngoài các doanh nghiệp tầm cỡ như: Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, HTX thanh long Hàm Minh, trang trại thanh long Duy Lan đã có "giấy thông hành" đưa quả thanh long Bình Thuận vào những thị trường khó tính;

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 400 ha thanh long được khoanh vùng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, trong đó có 123 ha thanh long đạt tiêu chuẩn EurepGAP và là cơ sở để thanh long Bình Thuận có điều kiện vào Mỹ. So với gần 10.000 ha thanh long hiện có, diện tích sản xuất thanh long sạch của tỉnh còn quá khiêm tốn đối với việc đầu tư và sự sống còn của hơn 20.000 hộ nông dân trồng thanh long trong tỉnh. Bên cạnh đó, cái khó hiện nay cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thanh long của tỉnh là còn lệ thuộc rất nhiều vào khâu thời gian, vận chuyển và công đoạn cuối cùng là chiếu xạ xử lý quả thanh long trước khi xuất khẩu.

Đường đi của quả thanh long Bình Thuận vào Mỹ đã mở, các doanh nghiệp như Công ty TNHH thanh long Hòang Hậu, HTX thanh long theo tiêu chuẩn Châu Âu và trang trại thanh long Duy Lan đã được nhiều đối tác Mỹ đặt hàng. Nhưng để quả thanh long vào thị trường Mỹ, cái khó vẫn ở trước mắt...

Theo ông Nguyễn Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: Việc xuất khẩu thanh long vào thị trường Mỹ phải được tiến hành đồng bộ...;... giữ uy tín, thương hiệu của thanh long Bình Thuận là điều cấp thiết nhất hiện nay...; Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp thanh long... cùng hợp tác, liên kết với nông dân đưa thương hiệu thanh long Bình Thuận đứng vững trên thị trường Mỹ. Việc xuất khẩu thanh long vào thị trường Mỹ còn nhiều việc phải làm như xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư máy chiếu xạ... song việc sản xuất thanh long sạch vẫn là vấn đề quyết định cho hướng phát triển bền vững của thanh long Bình Thuận. Theo đó, các doanh nghiệp, trang trại trồng xuất khẩu thanh long có uy tín trong tỉnh tích cực hướng dẫn, giúp đỡ về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, liên kết thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất thanh long sạch, đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ chế biến xuất khẩu... để cây thanh long phát triển theo xu hướng bền vững trong tương lai, là vấn đề sống còn của gần 20.000 hộ trồng thanh long của tỉnh".

 

Bài thứ hai:

"Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cả và thị trường tiêu thụ trái cây vẫn bấp bênh

Sau khi trái Thanh Long được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ (hiện mới có lô hàng 8 tấn quả Thanh Long đầu tiên của tỉnh Bình Thuận đang trên đường đến Mỹ) và tiếp theo hai loại trái cây khác là Nhãnchôm chôm...; Nhưng với điều kiện trái cây ĐBSCL phải đạt tiêu chuẩn GAP và có đủ lượng trái cây cung ứng cho thị trường...; Thật vậy, ĐBSCL là vùng trồng và sản xuất trái cây lớn nhất cả nước, hiện có khoảng 280.000ha đất trồng cây ăn trái với sản lượng trái cây đạt từ 2,5 đến 2,7 triệu tấnmỗi năm, chiếm khoảng 70% sản lượng trái cây của cả nước với nhiều loại trái cây ngon nổi tiếng như bưởi năm roi, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn...; Tiền Giang có khoảng 65.400ha cây ăn trái với tổng sản lượng trên 700.000 tấn trái cây mỗi năm, trong đó 50% là các loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, Vĩnh Long có 40.000ha cây ăn trái ,mỗi năm cho trên dưới 500.000 tấn trái cây các loại, Đồng Tháp có trên 20.000ha cây ăn trái...;  cả nước mới có vài mô hình sản xuất trái cây đạt tiêu chuẩn GAP là: trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh kim (Tiền Giang), Thanh long Bình Thuận, Xoài cát Hòa Lộc...".

Trên đây là một số câu  trích của hai bài trên với trùng trùng điệp điệp từ trùng lặp. Bài thứ nhất mang một chủ đề duy nhất: trái thanh long của tỉnh Bình Thuận. Ngữ cảnh được xác định rõ ràng, không thể lầm lẫn với bất cứ thứ gì khác, thiết nghĩ phóng viên cần gì phải dùng từ "thanh long" nhiều đến mức độ như trên!

Bài thứ hai thì "lúc lỉu" từ "trái cây". Không lẽ tác giả các tin trên nghèo vốn từ đến vậy? Và còn nhiều vấn đề đáng bàn khác trong hai bài trên, chẳng hạn các tiêu chuẩn GAP, VietGap và EurepGAP, nội dung, mức độ khác biệt giữa chúng không được giải thích; nhiều ý, câu trùng lặp; thiếu nhất quán: các loại trái không được "đối xử" bình đẳng, loại được "tôn vinh" tên viết hoa, loại không. Từ "ha" khi thì "thân mật" dính vào con số diện tích, lúc thì  "hờn dỗi" nhích ra xa...  Người Dọn Vườn băn khoăn quá, sản phẩm của phóng viên như vậy sao vẫn dễ dàng "lọt" qua cửa các ban biên tập.

Đồng Nghiệp
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2008