Thứ hai, ngày 29/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Ba Dân - Nhà báo của chiến trường


(30/12/2008 18:55:34)

Ông là Phạm Dân (tên khai sinh là Phạm Thận) - nguyên Phó Tổng Giám đốc TTXVN, nhưng mọi người thường gọi ông với cái tên thân mật: Ba Dân. Ông sinh năm Canh Thân - 1920, tại thôn Phúc Chỉnh, xã Trực Độ, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ba tuổi đã mồ côi mẹ phải ở với bác ruột, chín tuổi mới được đi học nên phải khai rút 2 năm để được vào học ở trường tiểu học thị xã Ninh Bình. Ông nổi tiếng thông minh, sáng dạ từ nhỏ, đọc đâu nhớ đó. Chẳng thế mà bằng con đường tự học, ông đã thông thạo tiếng Pháp.

Năm 1940, ông bắt đầu viết cho báo Tin mới (do bác sĩ Nguyễn Tấn Di Trọng làm chủ bút) và báo La Volonte’ Indochinoise. Đến năm 1944, Phạm Dân bắt được liên lạc với Việt minh và ngày 20/8/1945 tham gia cướp chính quyền ở thị xã Ninh Bình.

Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, được đồng chí Văn Tiến Dũng, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng tỉnh Ninh Bình giới thiệu đi học tại Trường Quân chính (tiền thân của Trường sĩ quan Lục quân Việt Nam). Ông là học viên khoá I, được Bác Hồ, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đến giảng về kiến thức quân sự và chính trị. Do yêu cầu của cách mạng, ngày 1/10/1945, khoá học kết thúc, ông cùng 25 sĩ quan ra trường theo đoàn quân Nam tiến vào thẳng Xuân Lộc, Biên Hoà tham gia chỉ huy chiến đấu. Trong số này, nhiều người đã trở thành tướng lĩnh quân đội như: Thượng tướng Hoàng Trà, Trung tướng Phạm Hồng Sơn, Trung tướng Nguyễn Nghiên...

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Phạm Dân (thứ hai bên phải) làm việc với Phân xã Lạng Sơn ở mặt trận biên giới phía Bắc (1979). (Ảnh: Tư liệu).

Về đến Nam Bộ, ông được giao làm chính trị viên Đài Vô tuyến điện VMB, liên lạc với Trung ương và Đài VMA ở Tây Nam Bộ, sau đó được điều ra Trung ương làm Chánh văn phòng Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.

Đầu năm 1948, một lần nữa ông Phạm Dân lại vào Nam nhận nhiệm vụ mới. Phải hai tháng trời ròng rã đi bộ theo đường Đông Trường Sơn, mới đến đất Tam Kỳ, Quảng Nam. Tại vùng giải phóng khu V, ông tham gia tổ chức cơ quan Hoa kiều vận ở các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... Đến cuối năm, dời miền Trung vào Xứ uỷ Nam Bộ ở chiến khu Đồng Tháp Mười, ông đảm nhiệm Trưởng ban Hoa kiều vận thay Giáo sư Phạm Thiều cho đến năm 1954. Cũng trong thời gian này, đôi uyên ương Lê Đoan - Phạm Dân được các đồng chí: Nguyễn Văn Kỉnh và Lê Duẩn tác thành. Chị Lê Đoan kém ông 5 tuổi, quê Mỏ Cầy, tỉnh Bến Tre, đang làm Trưởng ban Tuyên huấn, kiêm Tổng biên tập báo Phụ Nữ cứu quốc Nam Bộ.

Tháng 7/1954, đồng chí Lê Duẩn đến thăm gia đình ông, khi đó đang ở Huyện Sử, tỉnh Cà Mau, trong lúc mọi người chuẩn bị tập kết ra Bắc. Anh Ba thân mật nói: "Hai cháu Hương, Trực con anh chị còn nhỏ, sống trong bưng biền đau yếu luôn, chị Đoan ra tập kết ở miền Bắc, vừa đóng góp vào phong trào phụ nữ, vừa nuôi dạy hai cháu nên người... Còn anh Phạm Dân ở lại với tôi làm công tác tuyên huấn..." (trích trong cuốn Một vạn ngày đêm của ông Phạm Dân) .

Ra miền Bắc, chị Lê Đoan được giao làm công tác Tuyên huấn và Đối ngoại của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, kiêm Thư ký tòa soạn báo Phụ nữ Việt Nam. Những tưởng ra Bắc tập kết hai năm, không ngờ thời cuộc đã "rẽ thúy chia uyên" họ hàng chục năm dài đằng đẵng.

Ở lại miền Nam, ông Phạm Dân nằm vùng ở Sài Gòn, được phân công phụ trách công tác tuyên truyền của Xứ uỷ Nam Bộ và được cấp hai đài bí mật  có nhiệm vụ thu tin tức của VNTTX cung cấp cho Ban Tuyên huấn Xứ ủy. Thời gian nằm vùng ở Sài Gòn, ông đã dịch cuốn "Một người chân chính" của Boris Polevoy và cuốn "Tấm kiếng giết người của kỹ sư Garin" của tác giả Alexei Tolstoy, hai nhà văn Nga nổi tiếng qua bản tiếng Pháp. Bản dịch được đăng trên báo "Sống chung", báo "Hòa bình" ở Phnôm Pênh sau đó gửi cho Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành ở Hà Nội với số lượng trên 50.000 bản. Ông thường xuyên viết bài đăng trên các báo Dân chúng, Tiếng chung, Nhân loại, Bình dân, Sài Gòn mới... với các bút danh Minh Độ, Minh Tuấn, Võ Hồng, Điền Minh...

Khi cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, binh vận theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương, đầu năm 1960, ông được điều về làm Trưởng ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Chợ Lớn với bí danh Ba Hương.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh, ông cùng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, lúc đó là Trưởng ban Dân vận - Mặt trận, mở các lớp học "Rừng già", "Rừng xanh", "Đại Tây Dương"... mà học viên là những cán bộ nòng cốt của phong trào công vận, phụ vận, thanh vận, trí vận, hoa vận... góp phần đáng kể vào cuộc đấu tranh sục sôi chống Mỹ, ngụy của các giới đồng bào ở  Sài Gòn.

Đến năm 1965, cách mạng miền Nam chuyển từ "chiến tranh đặc biệt" sang "chiến tranh cục bộ", ông Ba Hương lại được điều về "R" làm Trưởng ban đấu tranh chính trị các đô thị miền Nam. Thật tình cờ, giữa năm đó, chị Lê Đoan, người vợ thân yêu của ông được trở về "R" công tác và được giao nhiệm vụ Trưởng ban phụ vận Trung ương cục miền Nam. Về "R" được vài tháng, chị Lê Đoan được tắm mình trong phong trào đấu tranh của đội quân tóc dài đồng bằng sông Cửu Long vào mùa nước nổi 1966. Trong chuyến công tác tại tỉnh hội phụ nữ Mỹ Tho đóng ở Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, một quả bom tọa độ định mệnh của kẻ thù đêm 2/11/1966 đã làm nát tan thi thể của nhà báo Lê Đoan. Chị ra đi ở tuổi 41 khi cả sự nghiệp và gia đình còn dang dở.

Ở "R", với những cơn sốt rừng thường xuyên hành hạ, lại nhận được tin vợ mất, ông cố nén đau thương để làm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ buộc phải rút quân ra khỏi miền Nam, ông Phạm Dân được đi điều dưỡng ở K5 Hà Nội một thời gian, sau đó sang Cộng hòa dân chủ Đức (cũ) chữa bệnh. Về nước, ông được Trung ương cử làm Phó Tổng giám đốc TTXVN từ năm 1977 cho đến khi nghỉ hưu.

Trần Ấm
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

RIA Novosti - Một cỗ máy truyền thông hùng mạnh của nước Nga (03/12/2008 13:14:12)

Tôi đã chớp được "Khoảnh khắc Vàng" (03/12/2008 13:03:49)

Tác phẩm ấn tượng của một tay máy có nghề (04/11/2008 09:59:00)

Yomiuri Shimbun nhật báo lớn nhất thế giới (01/08/2008 11:01:55)

Những kỷ lục thế giới về Báo chí (07/07/2008 09:51:32)

2007 năm có nhiều nhà báo bị thiệt mạng (07/07/2008 09:50:22)

Tác nghiệp của phóng viên ngoài nước trong các sự kiện ngoại giao (02/06/2008 09:58:19)

Sôi động giải Ảnh báo chí thế giới  (13/05/2008 11:01:07)

Blog trong cỳằ™c sỏằ‘ng hiỏằ‡n Ä‘ỏºĂi (09/01/2008 10:04:12)

Báo chí hiện đại và xu hướng "co" khổ báo (06/12/2007 16:11:58)