Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Bạn có sợ viết không?


(19/01/2009 10:23:20)

 

Sợ viết, đó là điều có thật!
     Sợ viết, nỗi sợ hãi trước trang giấy trắng là hiện tượng xảy ra thường xuyên hơn rất nhiều so với điều người ta vẫn hình dung. Nhưng nó nằm trong số những đề tài cấm kỵ của nghề báo: người ta tránh nói đến nó. Tuy nhiên, người ta cố phủ nhận bao nhiêu thì tâm trạng sợ hãi này càng hiện hữu bấy nhiêu.
     Một số nhà báo nổi tiếng đã thừa nhận điều đó:
Claude Sarraute: "Đó là nỗi sợ hãi! Trước hết, tôi cố viết ra câu đầu tiên trên một cuốn vở học trò..."
Jeanne Folly: "Viết là một điều cơ cực. Tôi luôn viết trong một tâm trạng hoàn toàn lo sợ, một nỗi lo sợ tuyệt đối..."
Dominique Jemet: "Tôi chờ nước đến chân mới nhảy vì tôi cần để cho mình bị thời gian gây sức ép..."
Jaques Renoux: "Khi có một bài báo phải viết, tôi trì hoãn bằng cách làm bất cứ điều gì khác. Chính vào lúc đó, tôi gọi điện thoại khẩn cấp đến các nơi..."
   Những người khác thì ăn sôcôla, uống một cốc nước, hoặc một cốc rượu, đi vệ sinh 5 phút một lần, dọn dẹp nhà cửa, quyết định sắp xếp tủ sách, bút, hoặc máy vi tính, tóm lại kéo dài thời gian cho đến khi bị dồn vào chân tường.
     Sau đây là một câu chuyện có thật. Ông P... 50 tuổi, có 25 năm làm báo thể thao, rời tờ France Soir sau 20 năm làm việc để đầu quân cho một tờ báo tuần. Khi bài phóng sự đầu tiên của ông từ nước ngoài gửi về bị tổng biên tập chê là quá dài và yêu cầu viết lại cô đọng hơn. Vậy là, nỗi kinh hoàng ập tới và... đương sự biến mất. Tám ngày sau, người ta tìm thấy ông trong một bệnh viện ở Creteil. Sau 2.000km phóng xe hơi bạt mạng, ông ta đã đâm xe vào cây và không viết được một dòng nào!

Sợ viết, điều đó sửa chữa được!
     Sợ viết là điều bình thường. Mọi công việc sáng tạo, đổi mới, mọi trách nhiệm đều tạo ra một nỗi lo sợ không thể tránh được.
     Chỉ những người nhắm mắt chấp hành mệnh lệnh hay những người quen làm những công việc nhàm chán hằng ngày mới không biết lo sợ.
     Hơn nữa, nhà báo biết rằng anh ta sắp bị những thế lực khác nhau phán xét. Trước hết là độc giả, họ sẽ thích hay không thích bài viết của anh ta; tiếp đó nguồn tin sẽ kiểm chứng sự trung thực của anh ta, cuối cùng cấp trên và các đồng nghiệp sẽ đánh giá bài viết của anh ta bằng con mắt nghề nghiệp. Anh ta luôn ở trong hoàn cảnh bị soi xét, trong sự đơn độc, một mình trước trang giấy trắng.
     Làm thế nào để hạn chế nỗi lo lắng này? Trước hết ta phải thừa nhận nó và xác định nó để tìm ra những nguyên nhân. Đó có thể là do bài phóng sự chưa được chuẩn bị đầy đủ, một cuộc phỏng vấn thực hiện vụng về, một sự sắp xếp thời gian không hợp lý. Điều đó có thể sửa chữa được.
     Sau đây là một vài thủ thuật có thể giúp bạn trong hoàn cảnh này:
+ Thông qua viết: ta chỉ có 5 dòng thì sao? Và nếu như ta dựng trước một bố cục?
+ Thông qua trò chuyện: kể lại cho các đồng nghiệp, cho người thân điều bạn đã nhìn và nghe được. Một ý tưởng khởi đầu cho bài viết có thể sẽ được nảy sinh.
+ Thông qua những trò chơi đố chữ bằng cách viết lên giấy tất cả những từ đặc trưng của bài báo mà bạn sẽ viết.
+ Chuyển sang hành động: viết bất cứ điều gì bạn thoạt nghĩ tới, dù lộn xộn, nhưng xác định rằng vẫn còn có thể thay đổi điều vừa viết.
+ Chuyển sang đặt câu hỏi. Đâu là những câu trả lời cho những câu hỏi truyền thống: "Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Vì sao? Như thế nào?"
+ Bằng cách gián tiếp. Tìm trong tin thời sự một sự việc mà bạn có thể gắn với ý tưởng bài báo. Hoặc tìm một tình tiết nào đó có thể gợi ý cho bạn viết được một câu mở đầu hay.
Và nếu như tất cả những thủ thuật đó vẫn không giúp được gì cho bạn thì bạn hãy tự an ủi rằng có những người khác còn lo lắng tệ hại hơn bạn, chẳng hạn nhạc sỹ, ca sỹ nổi tiếng người Bỉ Jacques Brel bị nôn mửa mỗi tối trước khi lên sàn diễn.
Thế còn bạn, bạn có nỗi sợ hãi này không?

TK. (Theo cuốn Hướng dẫn cách biên tập, tác giả Michel Voirol, Nxb Thông tấn)
Theo Nội san Thông tấn, số 1&2/2009.