Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Bao máu mắt để làm ra tác phẩm!


(19/01/2009 09:52:15)

Tôi chưa được gặp Thông Thiện và Lê Hoài Phương, nhưng có quen Xuân Trường. Gặp anh, nhìn anh gãi gãi mái tóc ngắn cứng queo, đầu lúc la lúc lắc trên chiếc cổ áo sơ mi trứng sáo bạc màu, da sạm nắng gió, tôi nghĩ trước mặt mình là một con người miền Tây Bắc, chắc anh ta vừa mới trút bộ thổ cẩm màu chàm xuống núi về Thủ đô. "Chị hỏi gì ạ? Em chả có gì để nói đâu", Xuân Trường cười hì hì, mắt vẫn không rời màn hình laptop đặt trên bàn nước, bấm chọn ảnh cho một đồng nghiệp vừa xin qua chú dế cứ mươi phút lại réo chuông. Trường bảo không có gì để nói, thế nhưng chỉ cần biết khơi đúng mạch là "Ục", không khác gì một cơn lũ ống, "cục" xúc cảm trong anh tuôn ra ào ạt, cuốn phăng ta vào lòng câu chuyện của đại ngàn Tây Bắc mùa lũ. Tôi xin trích một vài câu trong phóng sự của anh thực hiện chung với PV Công Hải, giải A Giải báo chí TTXVN 2008: "12 giờ trưa ngày 16/7, chúng tôi lại có mặt trên cầu Lai Hà, điểm đầu tiên của tuyến đường 127, với quyết tâm vượt qua toàn bộ 91 km của con đường khủng khiếp này, để đến kỳ được thị trấn Mường Tè - cái rốn của trận đại hồng thủy... đất, đá, cây cối, hết điểm nọ đến điểm kia như bảo nhau chắn mặt con người... Vách đá dựng đứng, đá mồ côi rơi ngổn ngang trên đường. Đang đi nghe lách cách, rào rạo đá rơi, trước xe, sau xe cũng rơi, lạnh gáy! Hai anh em nghiến răng mà đi, không dừng lại một lần nào... Suốt dọc đường, không một ai dám nói đến từ "sợ", bây giờ thoải mái mà nói đến cái sự sợ (khi đã đến Mường Tè). Sợ mà vẫn cứ đi. Bao máu mắt để làm ra tác phẩm.

Phùng Minh Trang
Theo Nội san Thông tấn, số 1&2/2009