Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Những bất cập trong việc phát hành ảnh TTXVN


(01/06/2009 09:26:12)

Thời gian gần đây, sức ép phải tăng lượng truy cập ảnh trên trang dịch vụ của TTXVN ngày càng lớn. Có rất nhiều lý do khiến lượng truy cập ảnh ngày một giảm và cũng còn rất nhiều việc để nâng cao chất lượng ảnh báo chí TTXVN. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin bàn đến khía cạnh phát hành ảnh.

      Hiện tại, Ban Biên tập-Sản xuất (BT-SX) ảnh báo chí đang phát hành ảnh theo ba cách sau: Phát ảnh trên trang thông tin điện tử của cơ quan; phát hành ảnh theo nhu cầu của khách hàng tại kho lưu trữ ảnh và một số ít bán hàng theo địa chỉ. Vẫn biết phát hành là khâu quan trọng để ảnh báo chí TTXVN đến với khách hàng một cách rộng rãi hơn nhưng trên thực tế, cả 3 cách trên đều đang bộc lộ những bất cập cần sớm khắc phục.

       Thứ nhất là việc phát hành ảnh trên trang dịch vụ của cơ quan. Hàng ngày, Ban BT-SX ảnh phát lên internet gần 100 ảnh thời sự, ảnh chuyên đề trong nước và quốc tế. Nhiều ảnh có chất lượng cao, mang đậm tính thời sự và hình thức tốt, nhưng lượng truy cập chỉ tập trung nhiều vào những ảnh chính trị - ngoại giao mà phần lớn là ảnh hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Phần ít còn lại là những ảnh văn hóa - xã hội hay ảnh kinh tế. Thời gian qua, Ban BT-SX ảnh cũng đã có nhiều cố gắng trong việc đa dạng hóa mặt hàng như phát thêm ảnh nhóm, phóng sự ảnh... nhưng lượng truy cập vẫn không tăng.

       Cuộc khảo sát phạm vi nhỏ của người viết, với đối tượng là một số báo có định hộ mua ảnh của cơ quan qua internet, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là:

       - Chỉ có những báo và tạp chí có định hộ mới có thể mua được ảnh mạng. Điều kiện này vô hình chung đã hạn chế phần nào lượng khách hàng có thể tiếp cận được nguồn ảnh phong phú của TTXVN.

       - Ảnh chính trị - ngoại giao có lượng truy cập nhiều vì báo, tạp chí không có, trong khi cần phải đăng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng phàn nàn rằng ảnh phát chậm, hình thức khuôn mẫu, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của các báo.

       - Giá bán ảnh đơn còn cao, trong khi ở nhiều báo có quy định mức giá trần. Hơn nữa, cùng một nội dung ảnh, nhưng nếu là ảnh của phóng viên bản báo, người đó sẽ được thêm tiền. Còn nếu là ảnh của TTXVN thì sẽ mất tiền mua. Chính điều này dẫn đến tình trạng nhiều báo ưu tiên dùng ảnh "cây nhà lá vườn" (dù chất lượng không bằng) hơn là ảnh đi mua.

       - Khách hàng không mua nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh vì thứ nhất, giá bán một nhóm ảnh quá cao do tính theo kiểu giá ảnh đơn nhân với số lượng ảnh trong nhóm. Thứ hai là quan niệm dùng nhóm ảnh, phóng sự ảnh của mỗi báo khác nhau.

       - Giá bán ảnh đồng nhất, không tính theo nội dung, dung lượng hay đối tượng khách hàng (báo in, báo điện tử, tạp chí, các nhà xuất bản...) khiến ảnh TTXVN trở nên vừa đắt đỏ, vừa lãng phí. Chúng ta nên định giá bán ảnh theo dung lượng, nội dung, mức độ quý hiếm... sẽ hợp lý hơn.

       - Giao diện trang ảnh dịch vụ của TTXVN bị đánh giá là xấu, ảnh bé, khó xem. Mở trang bán ảnh, nhưng người mua chỉ có thể thấy rõ... chú thích. Đó là chưa kể đến việc tốc độ truy cập trang này chậm, thiếu những tiện ích tìm kiếm chủ đề ảnh một cách thuận lợi nhất cho khách hàng.

       - Rất khó tiếp cận nguồn ảnh tư liệu của TTXVN qua internet, trừ những ảnh phát trong thời điểm gần ngày khách hàng truy cập.

       Ngoài ra, việc phát hành ảnh qua internet của TTXVN hiện còn đang bỏ qua đối tượng khách hàng là các trang báo, trang thông tin điện tử, vốn dùng rất nhiều ảnh. Nhanh, hay và... nhẹ là những tiêu chuẩn rất cần thiết cho ảnh đăng trên báo mạng. Ảnh TTXVN chưa đáp ứng được những yêu cầu này. Thứ nhất là vì thói quen phục vụ báo in ra ngày hôm sau khiến tốc độ phát ảnh, cập nhật ảnh sự kiện theo giờ chậm. Thứ hai là việc đổi mới hình thức thể hiện sự kiện, vấn đề bằng ảnh, kể cả cách viết chú thích ảnh sao cho hấp dẫn hơn vẫn chưa được chú ý đúng mức. Thứ ba là chưa có chuẩn dung lượng ảnh riêng (không cần ảnh lớn, chỉ khoảng 40k là đủ) cho báo mạng. Thứ tư là cần áp dụng một mức giá riêng cho báo mạng, thấp hơn nhiều so với báo in. Những điều này dẫn đến một thực tế là ảnh của TTXVN được một báo định hộ khai thác và đăng tải trên trang web. Ngay lập tức, có rất nhiều trang web khác lấy lại ảnh đó và đề nguồn...không phải của TTXVN.

       Lý tưởng nhất là ta có một bộ phận riêng phát hành ảnh cho các báo điện tử. Bộ phận này cần có trang web riêng, kết hợp đội ngũ biên tập các phòng chức năng để biên tập, phát ảnh cập nhật sự kiện trong nước và quốc tế theo giờ hay theo từng chủ đề cụ thể, sao cho ở bất cứ đâu, khách hàng cũng có thể tiếp cận và lấy ảnh. Vấn đề bản quyền ảnh cần được đảm bảo thực thi ngiêm chỉnh, đầy đủ. Trên thực tế, nhiều khi Ban BT-SX ảnh có những bức ảnh rất quý về các sự kiện vừa xảy ra trong nước và quốc tế, nhưng sự "phát nhanh" đôi khi không được chú ý vì họ quan niệm rằng ảnh Thông tấn chủ yếu phục vụ báo in ra ngày hôm sau. Vì thế, các báo mạng, với những lý do nêu trên, sẽ không lấy ảnh TTXVN mà tự khai thác theo các nguồn khác, nhanh và ít tốn kém hơn. Thiết nghĩ, ta có thể phát ảnh miễn phí cho các báo mạng, chỉ yêu cầu đề nguồn đầy đủ, đôi khi còn đem lại hiệu quả truyền thông lớn hơn nhiều việc bán ảnh tính tiền. Đây là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc và giải quyết kịp thời.

       Cách phát hành ảnh tại kho tư liệu cũng còn nhiều bất cập. Tại trụ sở 79 Lý Thường Kiệt, nhiều khách hàng tỏ ra ngại ngần khi phải có người của Ban Ảnh xuống đón mới có thể lên tầng 2 khai thác ảnh. Việc đảm bảo an ninh cho cơ quan là điều tối cần thiết, nhưng sẽ tốt hơn nếu phòng phát hành ảnh nằm ngay tầng 1, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng.

       Tiếp cận với kho ảnh tư liệu đồ sộ, nhiều khách hàng thấy choáng và nản. Choáng vì có quá nhiều ảnh, không biết sẽ lựa chọn thế nào. Nản vì việc cứ phải dùng tay mở hết quyển ảnh này tới quyển ảnh khác để tìm theo phương pháp thủ công, vốn chỉ phù hợp cho... 10 năm trước. Việc số hóa ảnh tư liệu diễn ra chậm chạp cộng với việc chưa có hạ tầng kỹ thuật lưu trữ, khai thác ảnh tư liệu qua máy tính khiến nhiều khách hàng cảm thấy bất tiện mỗi khi đến mua hàng. Đó là còn chưa kể đến việc nếu khách hàng cần tư vấn chọn ảnh sẽ không có nhiều cán bộ, nhân viên lưu trữ ảnh đáp ứng được yêu cầu này.

       Cơ quan đang sử dụng phần mềm Photo VNA Editor cho mạng nội bộ. Đây là phần mềm rất tiện ích cho việc khai thác ảnh. Sẽ rất tốt và tiết kiệm nếu ta đẩy mạnh công tác số hóa ảnh tư liệu và dùng phần mềm này phục vụ khách hàng khai thác ảnh qua hệ thống máy tính.

       Cuối cùng là việc bán ảnh theo địa chỉ khách hàng chưa được chú trọng. Ban Ảnh có những nguồn ảnh, như ảnh tư liệu và ảnh thời sự quốc tế rất quý hiếm, nhưng do chưa thật sự chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng để bán hàng theo địa chỉ nên số ảnh này chưa phát huy được những sức mạnh vốn có của nó.

         Có thể nói, cùng với việc nâng cao chất lượng ảnh báo chí, việc chú trọng phát hành hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh báo chí TTXVN ngày càng có vai trò lớn hơn, không chỉ riêng trong làng báo mà còn trong xã hội Việt Nam.

Tùng Lâm
Theo NSTT số 5/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Một số thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí (01/06/2009 09:24:48)

Giao lưu trực tuyến giữa Ban lãnh đạo với tuổi trẻ TTXVN (14/05/2009 10:37:50)

Nhận cờ Thi đua xuất sắc của Hội Nhà báo Việt Nam (11/05/2009 15:38:24)

Truýằn thông Mỏằạ lao Ä‘ao trong khỏằĐng húºÊng tài chÃưnh (11/05/2009 14:54:31)

Những điểm đáng chú ý của ảnh báo chí Việt Nam trong quá trình hội nhập (11/05/2009 10:43:44)

Sự "đa chiều" trong một tác phẩm lớn (11/05/2009 10:08:21)

"CÃỠ máỪỎt tháỪŨi phÃỠng viÃến nhẳồ tháỨƯ!"(*) (11/05/2009 09:55:28)

Giải Ảnh báo chí thế giới 2009 đã có chủ (16/04/2009 14:51:00)

Phát động cuộc thi viết "Một chuyến đi" (08/04/2009 10:27:25)

Tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của Liên chi Hội nhà báo (08/04/2009 10:00:27)