Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Một số thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí


(01/06/2009 09:24:48)

Chức năng quan trọng hàng đầu của báo chí là thông tin. Nhưng nếu trong ngôn ngữ báo chí người viết chỉ dùng các từ ngữ, cách diễn đạt có tính chất khuôn mẫu để phản ánh các sự việc, hiện tượng, vấn đề,... thì thông tin khó tránh khỏi khô cứng, đơn điệu, thậm chí tẻ nhạt. Để khắc phục các nhược điểm này, các tác giả đã sử dụng khá nhiều những thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm khác nhau và nhờ đó, thông tin của họ trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ đọc và dễ tiếp thu hơn đối với độc giả. (Phần I)

       Qua khảo sát sơ bộ, các thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm cho ngôn ngữ báo chí có thể chia thành một số loại chính như sau:

       Dùng từ ngữ hội thoại

       Từ "hội thoại" ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, tức là nó không chỉ bao hàm các từ thuộc vốn từ vựng của ngôn ngữ văn hoá được dùng đặc biệt trong lời nói miệng, trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn gồm cả một số từ thông tục và từ lóng, vì những từ thuộc hai loại sau này cũng chỉ được chuyên dùng trong khẩu ngữ. Ví dụ:

        "Bằng cấp đầy người, anh vẫn chỉ là một nhân viên quèn" (Hà Nội mới chủ nhật, 22/11/1998);

       "Đã qua ngày rằm mà nhiều công sở vẫn còn vắng hoe. Điện thoại réo mệt nghỉ vẫn không có ai trả lời " (Nhà báo và Công luận số 10/1998);

       "Vòng đấu thứ 17 là vòng đấu "bốc mùi" nhất kể từ đầu giải. Những quan sát viên khẳng định rằng cách mà Thừa Thiên - Huế "chết" trên sân Hà Nội còn "thô" hơn so với cách mà Công an Hà Nội đã "nằm" trên sân Tự Do - trận đấu mà BTC giải đã lôi hai đội ra "chém", và bị dư luận phản ứng về cách "chém" nửa vời". (Lao động, 25/ 5/2001 );

       "Thực tế thì Tú chẳng có xu gỉ nào để góp vốn" (An ninh thế giới, 6/3/1998);

       "Tôi... vội nháy anh bạn đồng nghiệp uống một hơi hết cốc cà phê đen, hấp tấp nổ xe máy, dông thẳng" (Lao động, 4/3/1998 );...

       Hiện nay, xu hướng chung trên thế giới là hội thoại hoá ngôn ngữ báo chí để nó đơn giản hơn, gần gũi hơn với cuộc sống thường ngày. Chính vì thế, từ ngữ (và thậm chí cả cú pháp) của ngôn ngữ hội thoại được dùng để tăng cường tính biểu cảm trong các bài viết ngày càng phong phú và đa dạng.

       Tuy nhiên, hội thoại hoá ngôn ngữ báo chí không có nghĩa là chúng ta được phép bê nguyên xi ngôn ngữ đời thường với tất cả cái dáng vẻ thô ráp, xù xì, gai góc của nó vào trong tác phẩm báo chí. Vì dù thế nào đi chăng nữa, ngôn ngữ trên trang báo phải là một thứ ngôn ngữ đã được gọt giũa, được trải qua sự nhào nặn của tác giả và phải đạt tới một sự chuẩn mực nhất định về văn hoá. Vì thế, tình trạng lạm dụng quá mức các từ ngữ thuộc tiếng lóng hay các từ ngữ thô tục đang diễn ra ở một số nhà báo và ở một số tờ báo (nhất là các tờ báo dành cho thiếu niên, nhi đồng) là rất đáng lo ngại, cần được quan tâm đúng mức và không chậm trễ.

            Dùng từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài

       Những từ ngữ dược vay mượn từ các ngôn ngữ Ấn - Âu có thể được giữ nguyên dạng hay phiên âm. Ví dụ:

       "Hơn một chút... họ sẽ là "Speaker" (Văn hoá, 18/1/1998);

       "Tôi thấy không ít người giản dị mang những bộ đồ rất đẹp nhưng quả thực đó không phải là cái đẹp modern hiện đại mà một nét đẹp rất riêng, cái đẹp của một phong cách giản dị ..." (Văn hoá- Tết 1999);

       "...Ông ta không làm cho một tờ báo cụ thể nào mà chỉ hợp tác làm những chuyên san về đời tư nghệ sỹ, thậm chí còn bới móc hay lăng xê vô tội vạ cho một ai đó với mục đích chỉ là để... có tiền" (Tiền phong, 21/5/2002);

       "Tôi vốn không thích táo nhưng thấy táo ngon mua vài quả dùng làm đét xe cho bữa cơm chiều" (Lao động, Xuân Mậu Dần, 1998);...

       Trong số các từ được vay mượn từ các ngôn ngữ Ấn - Âu, có khá nhiều từ đã phần nào thích nghi với chuẩn mực của tiếng Việt cho nên được sử dụng khá rộng rãi. Tuy nhiên, người ta vẫn dễ dàng nhận thấy cái nguồn gốc ngoại lai của chúng, chẳng hạn như: apphe, xêmina, makettinh, kiôt...

       Còn các từ Hán - Việt thì được dùng quá phổ cập và đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của tiếng Việt. Song, không vì thế mà người ta không nhận thấy khả năng tăng cường tính biểu cảm của chúng. Ví dụ:

       "Quý hồ tinh bất quý hồ đa". (Văn hoá, 25/ 2/1998);

      "Về phía chủ quan, cũng nên thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, bất cập của ta trong lĩnh vực này ..." (Tuổi trẻ Thủ đô, số 6/1998);...

       Việc sử dụng các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài cần có chừng mực để tránh gây phản c   ảm cho người đọc, vì sự xuất hiện quá nhiều các từ không thuần Việt trong một văn bản báo chí  không chỉ làm cho ngôn ngữ của nó có vẻ không trong sáng mà còn tạo ấn tượng rằng người viết muốn "khoe chữ". Bên cạnh đó, những từ ngữ được lựa chọn phải có những ưu thế thật sự nổi trội so với các từ hoặc những cách diễn đạt tương đương trong tiếng Việt (chẳng hạn như diễn đạt khái niệm rõ ràng, đầy đủ, chính xác hơn, hoặc có vỏ âm thanh nghe gợi cảm hơn) và đồng thời phải tương đối quen thuộc đối với công chúng (tức được dùng thường xuyên trong giao tiếp) để không gây cản trở gì đáng kể cho quá trình nhận thức của độc giả.

            Dùng thuật ngữ

       Các thuật ngữ, xét theo tự thân, là những từ trung tính, tức không mang sắc thái biểu cảm. Thế nhưng, khi được kết hợp hài hoà với các từ khuôn mẫu, chúng lại có khả năng tăng cường tính biểu cảm rất đáng kể. Ví dụ:

       "Với biểu tượng về sức mạnh vô song, hổ là hình ảnh để nói sự đứng đầu xuất chúng: Chúa sơn lâm; Bằng tư duy, bằng hành động thực tiễn, con người luôn văn hoá hoá thế giới xung quanh" (Ngôn ngữ và Đời sống, số 2/1998);

       "Sự thành công của những hạng mục đầu tiên sẽ tạo nên sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư vào liên doanh, liên kết để có thể triển khai dự án" (Nhân Dân hằng tháng, số 5/1998);

       "Ít thích lý luận trừu tượng, tự biện, kinh viện, giàu óc thực tế, nắm bắt nhanh kỹ thuật, gắn lý luận với tình cảm, về gần cái chân chất, bình dị... đó cũng là nét khu biệt của văn hoá Nam Bộ" (Thể thao & Văn hoá, Xuân Mậu Dần 1998);

       "Đây là một bước ngoặt vì từ trước đến nay đảng LDP cầm quyền vẫn chủ trương cắt giảm thâm thủng ngân sách bằng mọi giá" (Hà Nội mới cuối tuần, 21/2/1998);...

       Hiện nay, do khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, nhiều lĩnh vực nghiên cứu mới ra đời, cho nên số lượng thuật ngữ gia tăng nhanh chóng và chúng xuất hiện với mật độ ngày càng dày trên các báo.

            Dùng từ ngữ địa phương

       Các từ ngữ địa phương luôn mang đậm dấu ấn riêng về lời ăn tiếng nói của một cộng đồng người gắn liền với một vùng đất, vì thế chúng làm cho câu văn có sắc thái mới lạ, đôi khi khá giàu sức gợi cảm.

       Các từ ngữ địa phương có thể gặp trong ngôn ngữ của tác giả cũng như trong ngôn ngữ nhân vật. Ví dụ:

       "Ước mong sao đến đâu ta cũng gặp những cái chạnh (xóm, tiếng Nghệ An) như ở Liên Trì, bắt gặp những con người từ chạnh ra đi" (Lao động, 4/4/2002);

       "Huế ơi, biết về mô bây chừ?" (Gia đình, số 5/2000);

       "Bà Ngô Thị Của (67 tuổi)- Hội trưởng Hội Phụ nữ làng cố giấu sự xấu hổ: "Đúng là có chuyện đó thiệt, cũng là do đời sống mà ra cả. Nói mô xa, chỉ nhìn sang mấy làng bên tê núi là đêm nằm tủi thân muốn khóc hết nước mắt. Nhưng nói gì thì nói, mấy chục năm giải phóng lên, làng Cổ Dù đã thay đổi nhiều lắm rồi. Trước phần vì đói, phải ăn độn, phần vì uống nước đục, gái trai, già trẻ làng ni đều bụng phình to như bụng chửa, mặt bủng, da chì" (Lao động, 20/3/2003);...

       Dễ dàng nhận thấy là trong ngôn ngữ nhân vật, từ ngữ địa phương xuất hiện một cách tự nhiên như là sự phản ánh chân xác lời ăn tiếng nói của họ, vì thế tính biểu cảm của chúng có vẻ như không được cao bằng so với các từ ngữ địa phương được chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi phương diện trong ngôn ngữ tác giả.      

            Sử dụng chất liệu văn học

       Các chất liệu văn học có mặt rộng rãi trong hầu hết các thể loại báo chí, theo nhiều cách thức khác nhau. Nhưng những cách thức thường gặp nhất là  vay mượn cốt truyện, hình ảnh hay từ ngữ, cách diễn đạt từ các tác phẩm văn học. Ví dụ:

       "Trong tiểu thuyết "Đất vỡ hoang" của nhà văn Xô Viết Sôlôkhôp có miêu tả một ông chủ tịch nông trang Nagunôp không chịu được tiếng gáy của con gà nhà một mụ hàng xóm. Cứ đúng lúc ông ngủ say thì phải bừng thức vì con gà nhà nọ cất tiếng gáy. Nó gáy mới oai vệ, mới thách thức, mới trêu ngươi. Không chịu nổi tiếng con gà, ông chủ tịch mới dùng quyền hành tìm đến nhà nọ bóp chết con gà.

       Với ông bạn tôi thì lại khác, ông lại mang con gà nhà mình đến gáy ở thiên hạ. Thói đời vẫn vậy, con gà tức nhau tiếng gáy tất sinh lắm chuyện, trước hết là chuyện sĩ diện, sau đến hao tiền tốn của. Ông bạn tôi là chủ một công ty nhỏ. Người ta tán ông nên đưa hàng đi triển lãm quốc gia, hàng của ông phải nổi tiếng cả nước. Nổi tiếng trong nhà coi như vứt, như áo gấm đi đêm..." (Nông nghiệp Việt Nam, 10/4/2002);

       "Cảng Sài Gòn: Đâu là gót chân A-sin?" (Tuổi trẻ, 27/ 5/2001);

       "Bản quyền âm nhạc: - cuộc chiến của chàng Đôn Kihôtê chống lại cối xay gió" (Gia đình và Xã hội, số 34/2002);

       "Ngày 15/5 Leverkusen sẽ chơi trận chung kết tranh cúp Đức với Schaltre 04 trước khi gặp Real Madrid trong trận tranh cúp C1. Không biết câu lạc bộ này thi đấu ra sao. Cầu chúc cho ước mơ ban đầu của học không trở thành "miếng da lừa" (Tiền phong, 12/ 5/2002);

       "Buồn vui cũng một hội này chùa Hương"; "Lời vui có một khúc này" (Hà Nội mới cuối tuần, 21/2/1998);

       "Nghề chơi cũng lắm công phu" (Đầu tư, 9/3/1998 );

       "Điều lệ bảo hiểm có những quy định theo kiểu "sống chết mặc bay " (Gia đình và Xã hội, số 68/2001);

       ...Với đội bóng Liverpool: Không có nơi nào đẹp như Rôma" (Thể thao & Văn hoá, 20/2/2001);..

                        (Mời bạn đọc xem tiếp phần II ở số sau)

Ts. Hồng Anh
Theo NSTT số 5/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giao lưu trực tuyến giữa Ban lãnh đạo với tuổi trẻ TTXVN (14/05/2009 10:37:50)

Nhận cờ Thi đua xuất sắc của Hội Nhà báo Việt Nam (11/05/2009 15:38:24)

Truýằn thông Mỏằạ lao Ä‘ao trong khỏằĐng húºÊng tài chÃưnh (11/05/2009 14:54:31)

Những điểm đáng chú ý của ảnh báo chí Việt Nam trong quá trình hội nhập (11/05/2009 10:43:44)

Sự "đa chiều" trong một tác phẩm lớn (11/05/2009 10:08:21)

"CÃỠ máỪỎt tháỪŨi phÃỠng viÃến nhẳồ tháỨƯ!"(*) (11/05/2009 09:55:28)

Giải Ảnh báo chí thế giới 2009 đã có chủ (16/04/2009 14:51:00)

Phát động cuộc thi viết "Một chuyến đi" (08/04/2009 10:27:25)

Tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của Liên chi Hội nhà báo (08/04/2009 10:00:27)

Sự đan xen khuôn mẫu và biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí (08/04/2009 09:41:03)