Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Để TTXVN đoạt giải cao trong các giải báo chí

Suy nghĩ từ một chùm tin đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc


(01/06/2009 09:27:11)

Nếu xét theo thứ tự ưu tiên, theo tôi, một phóng viên thường trú ở nước ngoài, trước hết phải thông thạo tiếng của nước sở tại, sau đó đến ngôn ngữ quốc tế thông dụng ở địa bàn; rồi nếu biết thêm được nhiều thứ tiếng khác càng tốt. Và cũng rất thuận lợi cho tác nghiệp nếu phóng viên thông thạo địa bàn.

            Trong Giải báo chí của Hội nhà báo Việt Nam năm 1997, chùm tin "Sự kiện 5-6/7/1997 tại Vương quốc  Campuchia" của nhóm tác giả Vũ Thế Nùng, Nguyễn Đăng Phát, Trần Chí Hùng được trao giải A (thể loại "tin, bài phản ánh").

       Sự việc này diễn ra đã khá lâu, thực tình tôi rất không muốn nhắc lại, nhưng hiện nay, Nội san Thông tấn đang có chuyên mục "Để TTXVN đoạt giải cao trong các giải báo chí" đang thu hút sự quan tâm của đông đảo phóng viên trong ngành. Hơn nữa, đã khá lâu TTXVN không có tác phẩm báo chí nào viết về vấn đề quốc tế đạt giải quốc gia nên tôi xin kể lại chuyện cũ, vừa chia sẻ băn khoăn với các đồng nghiệp, vừa góp thêm tiếng nói của người trong cuộc vào mục trao đổi nghiệp vụ mà tôi cho là rất bổ ích và thú vị này.

       Như chúng ta đã biết, trong các văn kiện gần đây của cơ quan cũng như các phát biểu của các đồng chí lãnh đạo ngành đã đề cập đến nhiều nội dung về nâng cao chất lượng thông tin. Nhưng tôi nghĩ rằng, tựu trung tiêu chí thông tin của TTXVN vẫn là "nhanh, đúng, trúng, hay". Còn đối với bất kỳ một phóng viên TTXVN nào khi đi thường trú nước ngoài, theo tôi, đều cũng phải thuộc nằm lòng nhiệm vụ: Nếu là những thông tin liên quan đến Việt Nam thì phải đưa về nhanh nhất, không được phép chậm hơn các cơ quan báo chí nước ngoài.

       Tất nhiên, không nên quan niệm máy móc là chỉ những thông tin nào liên quan trực tiếp mới phải tuân thủ nguyên tắc này. Có những sự kiện diễn ra ở nước khác, khu vực khác, nhưng một phóng viên giàu kinh nghiệm, nhạy cảm về chính trị, có tầm nhìn sẽ thấy sự kiện đó có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến Việt Nam tùy thuộc chiều hướng diễn biến của nó.

       Campuchia là quốc gia láng giềng có 1.228km đường biên giới chung với Việt Nam. Thực tế lịch sử cho thấy, hầu như những biến động lớn ở Campuchia đều có ảnh hưởng đến Việt Nam, nhất là khi nước này có sự thay đổi thể chế chính trị. Vì vậy, thông tin về tình hình Campuchia là một nhu cầu thiết yếu trong lĩnh vực thông tin quốc tế của nước ta. Đặc biệt, trong bối cảnh nền chính trị đa đảng ở Campuchia, diễn biến và sự phát triển tình hình ở Campuchia càng được các cấp lãnh đạo và độc giả trong nước quan tâm theo dõi. Đối với địa bàn Campuchia, phóng viên thường trú không chỉ phản ánh sự kiện mà quan trọng hơn là phải dự báo sự phát triển của tình hình. 

       Nhớ lại, sáng 5/7/1997, tờ Tia sáng Campuchia (nhật báo tiếng Khmer lớn nhất ở Campuchia) chạy một tít lớn trên đầu trang nhất: "Phnôm Pênh đang ở trong tình trạng bùng nổ", cho hay Chính phủ Hoàng gia Campuchia không có người đứng đầu khi Thủ tướng thứ hai Hun Sen đi nghỉ ở nước ngoài vào ngày thứ Ba, trong khi Thủ tướng thứ nhất, Hoàng thân Norodom Ranaridh đã âm thầm sang Pháp ngày thứ Tư để  thăm ái nữ đang theo học ở Paris, nhưng đều không ủy quyền cho một vị Phó thủ tướng nào. Tiếp đó, báo này đề cập đến một số hoạt động quân sự bất thường trong 24 giờ Campuchia có khoảng trống quyền lực.

       Do nắm được bối cảnh chính trị và những diễn biến đang xảy ra trên đất nước Campuchia, Trưởng phân xã Vũ Thế Nùng và các thành viên Phân xã đã họp, cùng phối hợp kiểm tra thông tin trên tờ Tia sáng Campuchia với một số nguồn đáng tin cậy ở Phnôm Pênh và nhận định sự kiện này là nghiêm trọng. Tin trên được  Phân xã phát về Tổng xã kèm theo dự báo tình hình có thể sẽ còn xấu hơn trong những ngày tới.

       Tin thứ hai, và có lẽ là quan trọng nhất, được Phân xã phát về Tổng xã, là sự kiện chạm súng đã thực sự nổ ra vào trưa ngày 5/7 khi quân Chính phủ tiến hành trấn áp lực lượng cực đoan Khmer Đỏ, câu kết với một số phần tử do Hoàng thân Ranaridh chủ mưu, hòng lật đổ Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

       Khi đang làm tin thứ nhất thì nhà báo Pen Samitthy, Tổng biên tập Tia sáng Campuchia điện thoại cho biết là sẽ có một cuộc họp báo quan trọng của Thủ tướng thứ hai Hun Sen tại căn cứ "hang cọp" của ông ở Ta Khmau, tỉnh Con Đan, vào 8 giờ sáng. Sau khi hoàn thành và giao lại tin thứ nhất cho Trưởng Phân xã duyệt và phát về, tôi và phóng viên Kiều Cao Khoát vội vàng phóng xe ôtô xuống căn cứ này, cách Phân xã khoảng 15 km. Phải qua đến 4 vọng gác, chúng tôi mới vào được trong căn cứ. Nhưng rồi, cùng với nhiều nhà báo ngoại quốc và Campuchia khác, chúng tôi đã phải trở ra vì chỉ có Truyền hình quốc gia Campuchia (TVK), truyền hình Apsara và Radio FM97 (được coi là của đảng CPP) được ở lại.

       Trước khi rời khỏi căn cứ, chúng tôi đã tiếp cận phóng viên gạo cội của TVK là ông Kam Kunnarot (nay là Tổng Giám đốc của TVK) và được ông này rỉ tai là chính ông Hun Sen đã chỉ thị như vậy nên chắc chắn ông sắp tuyên bố một điều gì đó "bất thường nhưng tối quan trọng". Nhìn các binh sĩ nét mặt rất căng thẳng, vũ khí lăm lăm trong tay, cạnh đó là gần chục chiếc xe tăng, máy bay lên thẳng đều ở tư thế sẵn sàng cho một cuộc đụng độ lớn, chúng tôi cho rằng tiết lộ của bạn đồng nghiệp địa phương là không thể bỏ qua.

       Về đến Phân xã, chúng tôi đã sẵn sàng chờ tuyên bố của ông Hun Sen trên đài phát thanh FM97 (do thường xuyên theo dõi nên biết đài này sẽ phát lúc 11 giờ trưa, nếu đợi TVK và Apsara thì 12 giờ mới có). Nhờ vậy, đến khoảng 13 giờ 30 phút chúng tôi đã làm xong tin thứ hai.

       Vào khoảng 14 giờ, khi tin của Phân xã phát chưa xong, tuyên bố được phát lại của ông Hun Sen còn chưa dứt trên đài phát thanh thì tiếng ì ầm của trọng pháo đã nổ ra dồn dập, kéo dài trong khoảng nửa giờ tại một vị trí gần sân bay quốc tế Pochentong, cách trung tâm thủ đô chừng 10 km về phía Tây, mở màn cho cuộc chạm súng.

       Chi tiết đắt giá này đã được chúng tôi đưa vào tin tuyên bố của ông Hun Sen về đụng độ quân sự và thêm các chi tiết quốc lộ số 4 đã bị cấm lưu thông. Sân bay Pochentong đã bị phong tỏa, máy bay từ Bangkok sang đã phải quay trở lại. Một Phó Tổng biên tập của tờ Cambodia Today điện thoại cho biết: Đụng độ quân sự đã nổ ra ở một số vùng lân cận ở Phnôm Pênh do. Hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của tình hình nên chúng tôi không chia ra làm tin nhanh, phổ biến hay tham khảo như thường ngày mà tất các tin đều được đề "khẩn, khẩn, khẩn" gửi về Tổng xã. Như vậy, tin dự báo về đụng độ cũng như tin báo đụng độ nổ ra kèm những chi tiết khá đắt đã nằm trong hai tin này.

       Khi tiếng súng vừa dứt, các phóng viên Phân xã đã phân công nhau đi quan sát các khu trung tâm trong thủ đô và nhận thấy công sở, trường học, chợ búa đều đã đóng cửa, dân tình dáo dác, hoảng loạn. Ai nấy đều vội vã chạy về nhà, đường phố vắng tanh. Lệnh giới nghiêm được ban hành khiến cả thủ đô bỗng trở nên vắng lạnh tưởng chừng như nghẹt thở.

      Tối ngày 5/7, khi các thành viên Phân xã đang tiếc rẻ vì không phát được tin trên do không thể liên lạc được với Tổng xã, thì Trưởng Ban Biên tập tin Thế giới lúc đó là đồng chí Hà Minh Huệ điện thoại sang (sau này chúng tôi được biết trong những ngày nổ ra chiến sự, liên lạc viễn thông từ Campuchia ra ngoài bị cắt, nhưng từ ngoài gọi vào thì vẫn có thể được). Nhờ cuộc điện thoại này, chúng tôi thông báo ngay diễn biến tình hình trong ngày. Đặc biệt, thêm được chi tiết về lệnh giới nghiêm vừa mới được ban hành. Qua điện thoại, anh Huệ cho biết tin Phân xã chuyển về rất kịp thời, trong đó có hai tin nhanh hơn cả các hãng thông tấn phương Tây. Như vậy, các tin quan trọng trong ngày 5/7 đều đã được chuyển về kịp thời và đầy đủ.

       Những ngày tiếp theo, Phân xã tiếp tục theo dõi sát tình hình để thông tin về việc Chính phủ đã kiểm soát được tình hình vào tối 6/7, các hoạt động vãn hồi trật tự, bầu Thủ tướng mới, phản ứng của dư luận ở Campuchia... Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn vì liên lạc hai chiều giữa Phân xã và Tổng xã vẫn chưa thông suốt. Vì vậy, Phân xã phải phát tin nhờ qua moóc của Sứ quán Việt Nam và qua đại diện Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ở Phnôm Pênh về Tổng xã.

       Dầu vậy, có thể nói rằng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, Phân xã đã đáp ứng được yêu cầu đầu tiên của nghiệp vụ đưa tin là phải nhanh. Nhưng vấn đề quan trọng nữa là phải đúng và trúng. Lưu ý rằng trong tuyên bố ngày 5/7, ông Hun Sen nhấn mạnh: Đây không phải là một cuộc đảo chính hay nội chiến mà là hành động tối cần thiết nhằm trấn áp các tội phạm có tính chất chính trị, quân sự và an ninh quốc gia.

       Do nắm được thực chất của sự kiện, trong tin của Phân xã gửi về không hề dùng các từ cụm như "đảo chính quân sự", "nội chiến"... đối với sự kiện 5-6/7 như các tuyên bố của ông Ranariddh hay Chủ tịch đảng đối lập Sam Rainsy, được lặp lại trên các phương tiện truyền thông phương Tây. Vào thời điểm đó, Campuchia là một điểm nóng, nên nhiều hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới có đại diện ở đây. Nhưng không phải tất cả thông tin của họ về Campuchia đều trung thực, chưa kể những thông tin kém phần lương thiện. Do đó, đối với Phân xã Phnôm Pênh việc đưa tin trung thực về Campuchia cũng là một phần của cuộc đấu tranh thông tin. Phải làm cho độc giả hiểu đúng thực chất của tình hình, không bị thông tin của các hãng thông tấn phương Tây chi phối. Đây cũng là một thước đo sự nhạy cảm của phóng viên ở một địa bàn phức tạp như Campuchia. Chúng tôi cũng được biết rằng, dưới sự chỉ đạo của Bộ biên tập, Ban Biên tập tin Thế giới đã coi đây là một chiến dịch thông tin quan trọng, các thành viên thay nhau trực chiến, nên ngoài nguồn tin của Phân xã, tin của các hãng thông tấn nước ngoài vẫn được khai thác hiệu quả để cho vào các loại bản tin, trong đó có chùm tin phổ biến về sự kiện 5-6/7 ở Campuchia . 

       Qua phương thức săn tin và thông tin sự kiện 5-6/7 của các phóng viên TTXVN tại Phnôm Pênh, có thể thấy rằng, để làm tốt công tác ở địa bàn này cần phải thông thạo về tình hình và nhân vật, càng sâu, càng chi tiết càng tốt để khi có bất kỳ sự kiện nào xảy ra, phóng viên không bị rơi vào thế bị động mà nắm được chiều hướng phát triển của sự kiện để làm chủ thông tin. Phóng viên phải gây dựng được một số nguồn thật tin cậy để khi động sự người ta có thể giúp mình. Kinh nghiệm cho thấy, trước hết nên kết thân với các nhà báo nước sở tại vì khác với các phóng viên của các hãng nước ngoài, họ không phải cạnh tranh thông tin với ta. Hơn nữa, chắc chắn các phóng viên nước sở tại thông thạo tình hình nước họ hơn là các phóng viên ngoại quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ với các phóng viên ngoại quốc vẫn rất cần, trường hợp phóng viên Phân xã phát nhờ tin qua đài VOA tại Phnôm Pênh là một thí dụ.

            Chìa khóa quan trọng, đầu tiên là phải thông thạo tiếng của nước mình đang thường trú. Ở Campuchia là tiếng Khmer, nếu không, trong trường hợp cấp bách, dù có kinh nghiệm nghề nghiệp đầy mình, nhiệt tình làm việc có thừa cũng sẽ phải bất lực bó tay. Ở Campuchia, kể từ sau cuộc bầu cử 5/1993 do Liên hợp quốc bảo trợ, rồi đến khi nước này gia nhập ASEAN vào năm 1999 cho đến nay, tiếng Anh là ngoại ngữ thông dụng. Tuy nhiên, nếu một phóng viên của TTXVN thường trú ở Campuchia biết thêm được tiếng Pháp hoặc tiếng Hoa thì càng thuận lợi. Ngoài ra, một phóng viên được coi là năng động khi công tác ở nước ngoài cần thành thạo các kỹ năng khác như tự lái xe ô-tô, sử dụng vi tính, thông thuộc đường đi lối lại trong thành phố và đến các địa phương...

Trần Chí Hùng
Theo NSTT số 5/2009