Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Ảnh báo chí Sức căng và sự hấp dẫn


(01/06/2009 09:26:31)

Đất nước trong công cuộc đổi mới đã có những bước chuyển mình có thể ví với những kỳ tích. Nhưng thực trạng ảnh báo chí chưa xứng tầm thời đại. Trên diễn đàn thế giới, ảnh báo chí của chúng ta còn mờ nhạt. Thiếu những bức ảnh có tính độc lập, có tính thuyết phục và truyền cảm cao trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

       Hơn ba phần tư thế kỷ qua, nhiếp ảnh Việt Nam phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hàng ngàn, hàng vạn bức ảnh đã trở thành những tài liệu quí báu, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Nhờ đó mà chúng ta thấy rõ sức mạnh của dân tộc, bản thân mỗi người nhận thức rõ thái độ và có trách nhiệm hơn trong lao động, trong bảo vệ và xây dựng đất nước quê hương. Nhờ đó mà vẻ đẹp, chất anh hùng của con người Việt Nam được lưu danh mãi mãi. Đó là hiện thực, hiện thực của một thời đã qua.

      

Một em bé nạn nhân của nạn đói khủng khiếp ở Xu-đăng đang cố bò về phía trại phân phát lương thực của Liên hợp quốc cách đó chừng 1km. Con chim kền kền phía sau đang chờ đứa bé chết để ăn thịt (tác phẩm đoạt giải Pulitzer năm 1994)
Nói đến Ảnh báo chí (ABC) là nói đến sự kiện. Sự kiện là máu thịt, là sức sống của ABC, mà tiêu chí hàng đầu của nó là tính chân thật. Thành thực mà nói, hầu hết phóng viên nhiếp ảnh của ta vẫn chụp và chụp thật, thế nhưng cái đích của ABC mà chúng ta mong muốn vẫn chưa sờ thấy được. Vì vậy, một vấn đề đặt ra là tính chân thật được hiểu như thế nào dưới cái nhìn báo chí. Có người hiểu chân thật một cách máy móc, cứng nhắc theo chủ nghĩa tự nhiên. Có người hiểu chân thật phải được đào bới, gọt giũa để cho linh hồn chân thật được tôn vinh. Có người hiểu chân thật mà không phân biệt được giữa hiện tượng và bản chất. Do vậy mà nhiều tấm ảnh của chúng ta trên báo chỉ mang tính minh họa, tự nhiên chủ nghĩa hoặc trau chuốt đến nỗi chụp thật mà nhìn như giả.

       Hiểu một cách giản đơn về ABC nên nhiều phóng viên đến hiện trường chỉ chờ sự kiện diễn ra rồi bấm máy, coi là đã hoàn thành nhiệm vụ. Tôi không phải là người lãnh đạo để phán xét điều này. Nhưng ảnh có tiếng nói riêng của nó và bản thân nó đã tự thú nhận. Vì vậy mà những bức ảnh trên báo của ta phần nhiều chỉ có tính minh họa (đôi lúc còn minh họa sai ý tưởng của bài viết), minh chứng cho sự kiện diễn ra, nhưng diễn ra như thế nào, hiệu quả tâm lý đối với đôïc giả ra sao hầu như không được quan tâm.     

       Đối tượng của nhiếp ảnh là cuộc sống con người. Những gì mà phóng viên ghi nhận và phản ánh là những cái tác động sâu sắc đến tâm hồn, tình cảm con người, những cái mang tính thẩm mỹ. Nhưng nhiếp ảnh báo chí của ta hiện nay lại ít quan tâm đến vấn đề thẩm mỹ. Trong cái quan hệ giữa người và hiện thực, có nhiều người lạm dụng tính ghi chép của máy ảnh, coi đó là hiện thực. Không phải vậy. Hiện thực, đối tượng của nhiếp ảnh không phải là sự chồng chất của những hiện tượng ngẫu nhiên, hỗn độn, mà hiện thực phải nêu lên, phản ánh được bản chất, những nét tiêu biểu nhất trong cuộc sống đang diễn ra trước ống kính. Hiện thực không phải trần trụi, ngưng đọng và khô cứng. Người ta phải tìm trong hiện thực sự vận động với những chuyển biến lớn lao của nó. Heghen đã nói "Hiện thực cao hơn tồn tại". Theo đó tồn tại mới chỉ là bề ngoài của hiện thực mà thôi, nhà nhiếp ảnh cần phải lột tả được bản chất bên trong của sự việc.

       Nói đến ảnh phóng sự, chúng ta cần phân tích để hiểu thật đúng khái niệm này. Thường khi xem ảnh, nhiều người hay nhận xét ảnh này có tính phóng sự, ảnh kia chất phóng sự yếu... Nói như vậy đồng nghĩa với việc nhận xét rằng bức ảnh này chụp thật, còn bức ảnh kia bày vẽ chụp không thật, hoặc cách chụp không diễn tả sự thật. Nhưng tính phóng sự chỉ là một phần, một tiêu chí của ABC mà thôi. Nó chỉ có nghĩa là người chụp không thêm thắt hư cấu, nhưng những bức ảnh như vậy không mang một ý nghĩa gì, mà chỉ có tính sao chép thực tế mà thôi. Chúng ta thừa hiểu rằng không phải tất cả những gì diễn ra trước ống kính phóng viên cũng đều có tính báo chí cả. Còn khi đã lên mặt báo trước hết phải là những bức ảnh phải có tính thông tin. Mà đã mang tính thông tin thì ảnh phải mang trong mình sự kiện mới, vấn đề mới. Nếu là sự kiện cũ thì cũng phải có nội hàm, có thông tin mới... Không ít phóng viên, biên tập viên nhầm lẫn khái niệm này. Vì vậy mà việc dùng ảnh trên báo có phần cẩu thả, coi nhẹ hoặc chưa được quan tâm đúng mức.

       Tuy ra đời muộn, nhưng nhiếp ảnh đã tự tạo cho mình một chỗ đứng hết sức vững chắc. Từ thuở ban đầu, nhiếp ảnh chỉ có tính sao chép hiện thực về cuộc sống con người, sự vật và các hiện tượng xung quanh. Nhưng dường như chính tính sao chép đó đã mang lại cho nhiếp ảnh một sức mạnh để chiếm giữ lòng tin. Tuy nhiên ngày nay, sự vội vàng bởi sức nóng của thông tin, cộng với sự cẩu thả của người cầm máy và sự dễ dãi trong khâu biên tập ảnh ở một số tờ báo đã làm cho chất lượng ảnh báo chí giảm đi sức mạnh. Đành rằng thời gian là một vấn đề trong thông tin, nhưng nếu thông tin đó thiếu đi sự rung cảm và một phương pháp thể hiện ấn tượng thì sức nóng sẽ nguội dần làm cho sức mạnh của thông tin giảm đi đáng kể.

       Đội ngũ những người cầm máy ngày một đông đảo. Nhưng không vì thế mà diện mạo nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều đổi thay lớn lao. Nhìn lại, dòng ảnh Việt Nam của chúng ta lại dường như tĩnh lặng hơn so với cái vẻ ồn ào của cái số đông đó, như nhận xét của một nhà nhiếp ảnh nước ngoài: "Nhiếp ảnh Việât Nam ồn ào mà kiệm lời". Nhiếp ảnh của chúng ta không có nhiều những bức ảnh có chiều sâu của nội dung và sự sáng tạo của hình ảnh.

       Ảnh của chúng ta còn dễ dãi và thiếu chuyên nghiệp. Tư duy giản đơn và phương pháp tiếp cận đơn tuyến, làm cho ảnh trở thành tẻ nhạt, khó đứng độc lập. Nhìn nhận trên thực tế, nhiều bức ảnh thiếu tiêu điểm, trong khi đó tiêu điểm lại là cái tạo ra sức hút hay còn gọi là điểm nhìn, là cái trụ của mỗi bức ảnh. Nhiều tay máy của chúng ta đi chụp về, làm ra ảnh, nhìn mà không biết cái đích của bức ảnh là gì, chỉ thấy ống kính hướng ra với một cái nhìn vu vơ, bế tắc. Làm thế nào để dễ dàng nhận ra tiêu điểm của mỗi diễn biến trong từng sự kiện là vấn đề cần được đào tạo bài bản. Tôi lấy một ví dụ khi mô tả cảnh tắc đường - một vấn nạn giao thông ở các đô thị lớn của Việt Nam - một phóng viên nước ngoài đã chọn  ngã tư  Cửa Nam (Hà Nội) để chụp. Tiêu điểm của bức ảnh là anh công an đứng trên bục, tay cầm chiếc gậy chỉ đường buông xuôi, bất lực trước dòng xe cộ đi lại lộn xộn, chen chúc không thể nào lấy lại trật tự được. Bức ảnh không những hấp dẫn mà còn toát lên toàn bộ ý tưởng của người thể hiện. Trong nghề nghiệp người ta gọi đó là thủ pháp "tìm cái trật tự trong cái mất trật tự" làm tiêu điểm là vậy.

       Năm 1939, một phóng viên người Pháp đã chụp được một bức ảnh ba người lính phát xít Đức trên bãi tập. Đó là ba người lính trẻ hiền lành, khỏe mạnh, mặc trang phục mới, được trang bị đầy đủ. Ảnh chụp trong lúc giải lao đứng hút thuốc, súng chống vào thắt lưng da to bản phía sau lưng ở thế kiềng ba chân. Những băng đạn vắt ngang vai vàng chóe. Bức ảnh đẹp trong một khung cảnh thanh bình. Thế nhưng dưới bức ảnh chỉ một dòng chú thích đã lột tả tất cả: "Chủ nghĩa phát xít". Nếu bỏ đi những cây súng sau lưng những người lính kia thì họ sẽ đổ ngay, càng to khỏe bao nhiêu càng đổ nhanh bấy nhiêu. Có thể nói một bức ảnh đã lột tả cả bản chất của một thứ chủ nghĩa vô nhân tính, chỉ dựa vào bạo lực.

       Hơn nữa, ảnh của chúng ta còn thiếu sức căng. Điều này làm cho ảnh không gây được ấn tượng, sức lan tỏa yếu. Tôi xin lấy một ví dụ về bức ảnh của phóng viên người Nam Phi Kevin Carter chụp về nạn đói ở Xu-đăng: Một chú bé sắp chết đói đang nằm phủ phục ở phía trước và con chim kền kền, là loài chim ăn xác thối, đang đứng chờ ở phía sau. Bức ảnh đã làm cả thế giới phải bàng hoàng trước nỗi đau này. Ấn tượng và sức căng của nó đã vượt qua mọi giới tuyến.

        Đã đến lúc chúng ta phải đề cao tính chuyên nghiệp của ảnh báo chí, để ảnh báo chí của chúng ta có tiếng nói, có tầm nhìn và tạo ra được ấn tượng mạnh mẽ, trả lại sức mạnh vốn có của nó. Nói đến tính chuyên nghiệp đương nhiên phải đòi hỏi một đội ngũ những người cầm máy được đào tạo và đào tạo cơ bản.

Nguyễn Thành
Theo NSTT số 5/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phát hành báo chí - việc không mới nhưng khó (01/06/2009 09:26:24)

Những bất cập trong việc phát hành ảnh TTXVN (01/06/2009 09:26:12)

Một số thủ pháp nhằm tăng cường tính biểu cảm trong ngôn ngữ báo chí (01/06/2009 09:24:48)

Giao lưu trực tuyến giữa Ban lãnh đạo với tuổi trẻ TTXVN (14/05/2009 10:37:50)

Nhận cờ Thi đua xuất sắc của Hội Nhà báo Việt Nam (11/05/2009 15:38:24)

Truýằn thông Mỏằạ lao Ä‘ao trong khỏằĐng húºÊng tài chÃưnh (11/05/2009 14:54:31)

Những điểm đáng chú ý của ảnh báo chí Việt Nam trong quá trình hội nhập (11/05/2009 10:43:44)

Sự "đa chiều" trong một tác phẩm lớn (11/05/2009 10:08:21)

"CÃỠ máỪỎt tháỪŨi phÃỠng viÃến nhẳồ tháỨƯ!"(*) (11/05/2009 09:55:28)

Giải Ảnh báo chí thế giới 2009 đã có chủ (16/04/2009 14:51:00)