Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Để TTXVN đạt giải cao

Phóng viên tâm huyết sẽ có tác phẩm hay


(01/06/2009 09:27:03)

Phóng viên trẻ hãy đừng băn khoăn nghĩ rằng mình còn "non" mà ngại ngần. Nên thể hiện mình với sự đam mê nghề nghiệp, dám lăn xả vào cuộc sống để tìm tòi, phát hiện. Chỉ có vậy mới có được những tác phẩm chất lượng, đủ tự tin tham dự các giải báo chí của Ngành và của Quốc gia.

        TTXVN có đội ngũ phóng viên khắp trong và ngoài nước, do đó rất có thuận lợi để phát huy viết các đề tài lớn. Gần đây, những tác phẩm đoạt giải báo chí đều là sản phẩm của những tập thể phóng viên-biên tập. Những đề tài lớn do tập thể thực hiện thường chuyển tải một lượng thông tin sâu rộng, có sức lay động xã hội cao. Có lẽ TTXVN chưa mặn mà với các giải báo chí, chưa tập trung chỉ đạo các đơn vị thông tin và PV đầu tư cho việc này một cách bài bản chứ không phải không đủ khả năng đoạt giải cao trong các giải báo chí uy tín trong nước và quốc tế.

 

      Loạt phóng sự điều tra: "Mỏ đá Thường Tân và hệ thống làm ăn phi pháp" được trao giải A Giải báo chí Trẻ TTXVN năm 2009 quả là niềm khích lệ đối với một phóng viên trẻ như tôi. Với tôi, viết phóng sự như một thử thách, trải nghiệm, bổ ích cho nghề. Là phóng viên thường trú ở phân xã, trước đây, tôi chỉ viết tin, còn nói đến viết phóng sự thì hầu như trong tôi chưa có đủ sự tự tin. Loạt bài "Mỏ đá Thường Tân và hệ thống làm ăn phi pháp" là phóng sự điều tra đầu tiên sau vài năm tôi vào nghề.

       Tôi còn nhớ lần đầu đặt chân đến huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), một người dân ở đây nói ngay: "Ông muốn viết về mỏ đá hả, coi chừng bọn khai thác, nhất là "hung thần xe Ben" rất hung hăng, nếu biết ông là nhà báo, nó dùng xe cán chết, bỏ mạng như chơi!". Lời cảnh báo quá rợn gáy, tôi cũng run thiệt. Tuy nhiên, tôi vẫn đánh liều vì đề tài này đã ấp ủ khá lâu.

       Để thực hiện bài phóng sự, tôi chọn UBND xã Thường Tân để làm "bệ phóng". Ngay trong lần đầu tiếp cận thu thập thông tin, tôi  được cán bộ xã cho biết một vài thông tin "thô" nhưng thật sự cần thiết. Bước đầu đã có thuận lợi.

       Qua tìm hiểu, việc khai thác đá của các công ty nơi đây đã gây ra nhiều hậu quả với địa phương như ô nhiễm môi trường, xe Ben cày nát đường thôn, xóm, đường quốc lộ DT746... gây bức xúc, phẫn nộ trong dân. Sau khi nắm đầy đủ tên các công ty khai thác đá, vị trí mỏ... tôi bắt đầu tiến sâu vào vùng mỏ tìm hiểu đại công trường khai thác đá và những hậu quả của nó. Tôi tìm đến gõ cửa các nhà dân để tìm hiểu việc khai thác đá ảnh hưởng đến cuộc sống của họ ra sao. Như đụng vào sự chịu đựng khá lâu, hàng chục hộ dân đã cung cấp cho tôi những lá đơn khiếu nại, phản đối cách làm của mỏ đá Thường Tân gây ô nhiễm cả một thời gian dài. Có gia đình chịu không nổi ô nhiễm bụi đá đã phải bán nhà chuyển chỗ ở. Ruộng lúa, hoa màu, cây cối... bụi bám trắng xóa, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

       Một buổi trưa, khi tôi đang ngồi nghỉ tại quán nước, bỗng có tiếng nổ lớn. Bà chủ quán bảo đó là tiếng nổ mìn phá đá và những tiếng nổ ấy là thủ phạm làm nứt nhà của bao hộ dân.

       Sau nhiều ngày khai thác tìm kiếm tư liệu ngoài hiện trường, thấy chưa đủ thông tin đắt giá, tôi chuyển sang điều tra hệ thống vận chuyển đá xà lan trên sông Đồng Nai và hệ thống xe Ben trên đường DT746. Tôi lao vào  tìm hiểu mánh khóe làm ăn của các chủ xà lan, nhưng rất khó. Họ không chịu ra mặt nên phải nhờ người giúp đỡ. Tôi có quen một người dân ở Thường Tân chơi với các tay "trùm" xà lan. Với lý do có một người em đã rất lâu không gặp, ở thị xã Thủ Dầu Một vừa lên chơi, nên mời anh em đi nhậu. Nhờ cuộc nhậu đó, tôi  đã tiếp cận các trùm xà lan, để moi thông tin và tôi cũng được họ kể cho nghe những chiêu thức "lót tay" lực lượng Cảng vụ đường sông khu vực III và Cảnh sát giao thông đường thủy. Anh Hải, nhân viên của Công ty khai thác đá Phan Thanh tiết lộ: "Mỗi chuyến xà lan từ Thường Tân xuôi về miền Tây mất đứt 2 triệu đồng chung chi cho CSGT, Cảng vụ, vì nếu không "lót tay" coi chừng xà lan nằm phơi nắng". Các thông tin quý tôi đều bí mật ghi âm lại phòng khi cần thiết.

       Sau một thời gian nắm tình hình về mỏ đá Thường Tân, tôi biết thêm thông tin Thanh tra Cục thuế Bình Dương vừa kiểm tra một số công ty khai thác đá và đã phát hiện hàng loạt vi phạm về thuế, kinh doanh không đưa vào sổ sách kế toán. Như vớ được vàng, tôi sang ngay Cục thuế Bình Dương xin được gặp Cục trưởng. Đợi mãi hơn một tuần sau, Cục thuế Bình Dương mới xếp lịch làm việc với phóng viên TTXVN. Tại buổi làm việc này, tôi đã có thêm thông tin để bổ sung cho bài phóng sự nhiều tình tiết thuyết phục.

       Tháng 9 năm 2008, loạt phóng sự khởi đăng. Ngay lập tức, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương thành lập đoàn thanh tra các công ty khai thác đá ở Thường Tân. Hơn hai tháng sau, Sở thông báo kết quả thanh tra kết luận về mức độ sai phạm của các công ty khai thác đá vượt quá số lượng, khai thác nằm ngoài quy hoạch, nhiều máy móc  hành nghề sai phép đã bị tịch thu. Sở còn ra quyết định xử phạt rất nặng và chấn chỉnh lại hoạt động của các công ty khai thác đá.

       Tuy loạt phóng sự này được đánh giá cao và được trao giải, nhưng người viết vẫn chưa thấy thỏa mãn bởi phóng sự vẫn còn thiếu nhiều chi tiết chưa khai thác được. Chẳng hạn như trong quá trình điều tra thu thập thông tin, một tài xế xe Ben tiết lộ với tôi: Các xe Ben chạy lẻ thường bị Thanh tra giao thông bắt lại tháo biển số xe. Sau đó, yêu cầu họ tới quán nhậu chuộc lại. Mặt khác, xà lan vận chuyển đá trên sông Đồng Nai đã bị các lực lượng Cảng vụ, Cảnh sát giao thông đường thủy hạch sách để ăn tiền mãi lộ. Hai thông tin nóng nhưng thời gian, điều kiện không cho phép nên tôi chưa điều tra được. Tôi nghĩ lần sau mình sẽ phải chuẩn bị kỹ càng hơn khi tác nghiệp để có những bài viết tốt hơn.

       Theo tôi, một phóng viên TTXVN, ngoài việc rèn luyện viết tin cho tốt, cũng nên dành thời gian để viết bài, phóng sự. Nhưng khi đã có đề tài hay, có thể đầu tư sâu vào viết, thì phóng viên phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, cơ quan cần có chính sách ưu đãi những phóng viên có đề tài viết phóng sự, phóng sự điều tra nhiều kỳ... Ban biên tập có thể cho điểm hợp lý để phóng viên không quá lo lắng mình không đạt định mức. Vì nếu tập trung vào viết một đề tài cho có đầu có cuối thì chắc chắn tháng đó phóng viên sẽ rất ít tin. Nếu bài bị chấm điểm quá thấp, hụt định mức, sa sút về "cơm áo gạo tiền" trong tháng là điều hiển nhiên.       

       Hơn 6 năm vào nghề đối với một nhà báo là khoảng thời gian trải nghiệm chưa dài, song cũng đủ cho một phóng viên trẻ thể hiện mình. Trên diễn đàn Nội san Thông tấn đang tập trung bàn luận sôi nổi: "Làm thế nào để TTXVN đoạt giải cao trong các giải báo chí quốc gia", tôi xin mạo muội bày tỏ suy nghĩ của mình: TTXVN là một cơ quan báo chí có truyền thống, có đội ngũ phóng viên khắp trong và ngoài nước, do đó rất thuận lợi để phát huy viết các đề tài lớn. Gần đây, những tác phẩm đoạt giải báo chí đều là sản phẩm của những tập thể phóng viên-biên tập. Trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay cho thấy, những đề tài lớn do tập thể thực hiện, chuyển tải thông tin sâu rộng có sức lay động xã hội thì sẽ chiếm giải cao. Tôi nghĩ TTXVN chưa mặn mà với các giải báo chí, chưa tập trung chỉ đạo các đơn vị thông tin và phóng viên đầu tư cho việc này chứ không phải không đủ khả năng đạt giải cao trong các giải báo chí uy tín trong nước và quốc tế.

Dương Chí Tưởng
Theo NSTT số 5/2009