Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Rèn luyện kỹ năng làm báo hiện đại để khắc phục độ vênh giữa dạy & học, học & hành


(10/07/2009 08:33:26)

Được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan, trong ba ngày cuối tháng 5 vừa qua, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn mở một lớp rèn luyện kỹ năng làm báo hiện đại và kỹ năng biên tập. Lớp có 20 học viên, là các phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) đến từ các ban biên tập, tòa soạn báo ở Tổng xã. Giảng viên của lớp là PGS.TS Vũ Quang Hào, khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

            Theo giảng viên Vũ Quang Hào, ngày nay, trước xu thế phát triển mới của báo chí thế giới thì chuẩn 5W + 1H không còn hoàn toàn phù hợp nữa và đặt ra cho phóng viên, biên tập viên những thách thức mới. Và mục đích hướng tới của lớp này là trang bị cho học viên những cách tiếp cận mới trong xử lý thông tin. Để lớp học thuận lợi và hiệu quả, việc bố trí 20 học viên là phù hợp, hơn nữa, đây cũng là "chuẩn" quốc tế của một lớp học.

           

            Phải lẩy ra được điểm "nóng" nhất của tin

            Đầu ngày làm việc thứ nhất, giảng viên phát những mảnh giấy nhỏ yêu cầu mỗi học viên nêu khó-khăn-lớn-nhất trong công việc biên tập hiện nay của họ. Theo đa số, các khó khăn gặp phải là tin không chính xác, tin thiếu tính thông tin, tin không logic, tin trùng lặp, số liệu và chi tiết lộn xộn, thiếu "chuẩn" cú pháp... Mỗi người đem đến lớp 2 sản phẩm (tin, bài) của chính mình và trên "nền" chất liệu đó, trong suốt ba ngày, thầy và trò cùng cắt lớp, mổ xẻ để  rút ra kỹ năng làm báo phù hợp nhất trong xu thế báo chí hiện nay.

            Theo đó, biên tập phải được hiểu theo hai nghĩa: Biên soạn lại tin tức trên nền thông tin mà các PV mang lại; Làm nổi bật vấn đề đưa ra trong tin, nêu các vấn đề bị bỏ sót, chọn góc tiếp cận tốt hơn, "lẩy" ra điểm nóng nhất của tin, sửa lỗi,.v..v. Chính vì vậy, đòi hỏi BTV ở các cơ quan báo chí phải có năng lực đánh giá, thẩm định, phân tích thông tin, sau đó đưa ra phương án, giải pháp biên tập chứ không phải cứ đọc đến đâu biên tập đến đó.

            Ngoài phần lý thuyết và phân tích các tin, bài riêng lẻ, giảng viên dành khá nhiều thời gian cho việc thực hành biên tập trên quy mô một trang báo. Công việc này đòi hỏi học viên phải động não nhiều. Trong 45 phút, học viên khai thác một tin, dàn các dữ liệu vào nhiều "cửa" trên trang báo: Tít; sapo (tít dẫn); bài chính + ảnh lớn; các phỏng vấn ngắn kèm ảnh chân dung người được phỏng vấn; hộp dữ liệu (box); đồ hình (biểu đồ, bản đồ, sơ đồ, bảng, đồ thị...). Tám bài tập được dán lên bảng để cùng chữa tập thể.

           Thông điệp mà PGS.TS Vũ Quang Hào nhắm tới trở nên rõ ràng vào buổi kết thúc lớp học. Ngoài bài tập "đinh" kể trên, ông đưa ra rất nhiều ví dụ về biên tập hiện đại với nội dung: Gia tăng kênh thông tin đồ hình, giảm kênh thông tin văn tự. Mục đích: ngắn, gọn, tốn ít thời gian đọc, hiệu quả thông tin cao.

            Phương pháp làm báo hiện đại này hiện rất phổ biến trên thế giới. Nhiều tờ báo Việt Nam đã áp dụng cách làm này trong đó có Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam, Tin tức... Phương pháp này đòi hỏi PV, BTV có phông kiến thức tốt, biết cách làm báo hiện đại trên tinh thần đồng đội, rành công nghệ tin học với các phần mềm xử lý ảnh, đồ hình, tư liệu... Đối với các Ban BT tin Trong nước, Kinh tế, Thế giới... vì công việc hiện nay chưa đòi hỏi (và cũng chưa cho phép) cách biên tập "tung hoành" như vậy nên việc áp dụng phương pháp làm báo này mới ở mức độ nhất định. Theo PGS.TS Vũ Quang Hào, riêng các tòa soạn báo thì nên áp dụng càng nhiều càng tốt phương pháp này để tăng tính hấp dẫn, dễ tiếp cận của công chúng đối với tờ báo.

 

            Một mặt bằng không... phẳng

            TS. Vũ Quang Hào có "tốc độ" giảng bài nhanh. Ông nhận xét học viên TTXVN tỏ ra biết cách đáp ứng với cách dạy của ông và hào hứng làm quen với phương pháp biên tập hiện đại - thực tế là sự lồng ghép công tác phóng viên và biên tập vì ranh giới công việc PV và BT đã bị xóa nhòa tại các tòa soạn báo hiện nay. Có thể hiểu là "biên tập" ý tưởng ngay trong đầu PV - BTV. Ngay trong giao ban thì Tổng biên tập, các trưởng phòng nghiệp vụ, BTV - PV đã thống nhất về các chủ đề thực hiện, và trên đường tác nghiệp PV đã phải "lập trình" việc trình bày sản phẩm của mình trên mặt báo để khi ngồi vào máy tính chỉ việc viết và "lắp" cái nào vào chỗ nấy. Việc thực hiện các chuyên đề dài hơi cũng tương tự... Nghe qua thì đơn giản nhưng thực ra đây là công việc vô cùng phức tạp và tốn nơron thần kinh. Chính vì vậy nên sĩ số 20 lớp này chỉ "chuẩn" về số lượng người học, còn mặt bằng trình độ không hề... phẳng cho việc học phương pháp làm báo hiện đại trên. Các học viên còn khác nhau về nhiệm vụ, tuổi tác. Nhìn chung, đa số nghiêm túc tiếp thu bài giảng, nhưng cũng còn ít nhất là hai "khách du lịch" học chơi chơi, ghi chép sơ sài và làm bài tập một cách "chật chưỡng". Nguyên nhân của hiện tượng này chính là một số đơn vị trong ngành chưa thật sự thiết tha, có trách nhiệm khi cử người tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nội bộ; đồng thời bản thân không ít cán bộ cũng thiếu sự hợp tác và ý thức, trách nhiệm khi được cử tham dự các lớp học.

            Vì vậy, việc hạn chế "độ vênh" giữa nội dung giảng dạy - yêu cầu của các đơn vị thông tin và "độ vênh" giữa chính các học viên trong lớp, là nhiệm vụ và sự cộng đồng trách nhiệm của nhiều phía mà Trung tâm BDNVTT chỉ là một trong số các bên. 

            Các phiếu điều tra thực hiện vào thời gian cuối của lớp học cho thấy: 19/20 học viên đánh giá chương trình là phù hợp, giúp người học chắc cả nghề biên tập và phóng viên. Giảng viên làm chủ được lớp học, có phương pháp sư phạm tốt, mở ra nhiều vấn đề lôi cuốn sự quan tâm của người học; bài giảng "đầy ắp thông tin về kỹ năng biên tập". Một ý kiến cho rằng giảng viên còn thiên về lý thuyết, chưa thật sự hiểu việc bếp núc biên tập ở TTXVN. Hai ý kiến cho rằng "rất khó áp dụng vào thời điểm hiện nay" vì đơn vị không có yêu cầu. Một số khẳng định sẽ áp dụng được khoảng 50% vào thực tế công tác. Số khác nói sẵn sàng áp dụng nhưng trở ngại có thể gặp từ hiệu đính, vì vẫn còn cán bộ hiệu đính ngồi lâu một chỗ, ít cập nhật nghiệp vụ mới nên hay biên tập kiểu "lối cũ ta về", do đó cần mời cả những "bác" đó đi học để tạo "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu".

            Giảng viên Vũ Quang Hào rất hy vọng các học viên với cái nền hiện có, cộng thêm kiến thức từ khóa đào tạo sẽ tạo một lực tác động dần làm thay đổi tư duy thông tin của mỗi người. Về phía đơn vị tổ chức lớp học cũng nên quan tâm hơn đến khâu lựa chọn học viên, hạn chế tối đa sự có mặt của "khách du lịch" trong lớp, tránh lãng phí ngân sách đào tạo của TTXVN.

            Thực tế thời gian vừa qua, Trung tâm BDNVTT đã mở được khá nhiều lớp bồi dưỡng, khóa đào tạo về nhiều lĩnh vực khác nhau, song việc áp dụng của các học viên sau mỗi lớp học là cả một vấn đề không đơn giản. Qua sự phân tích nhiều chiều: người dạy, người học, công tác tổ chức một lớp học cụ thể như trên, chúng tôi muốn các đồng nghiệp trong ngành có thêm những thông tin trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng để từ đó có sự chia sẻ và phối hợp một cách có trách nhiệm với đơn vị đào tạo, từ cách tổ chức khóa học, xây dựng chương trình và lựa chọn học viên... với mong muốn cao nhất là cùng chung sức thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thông tin của TTXVN.

            Để có một lớp học hiệu quả, chương trình tốt, giảng viên giỏi chưa đủ mà rất cần phải có các học viên phù hợp để có thể lắng nghe, tiếp thu và thẩm thấu được những nội dung của khóa học. Sau nữa mới là công tác tổ chức và cơ sở vật chất phục vụ lớp học.

Thanh Trang
Theo NSTT số 6/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Suy nghĩ từ Giải báo chí quốc gia 2008:Cần đầu tư theo chiều sâu, đi vào những vấn đề lớn, nâng cao khả năng phát hiện, dự báo của thông tin (10/07/2009 08:14:38)

Vinh dự và trách nhiệm (10/07/2009 08:08:13)

Không nên "nhảy cóc" lập luận kinh tế (02/06/2009 09:23:31)

Lối thoát nào cho ngành báo in Mỹ? (02/06/2009 08:58:31)

Gương sáng ở quanh ta (01/06/2009 09:27:24)

Suy nghĩ từ một chùm tin đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc (01/06/2009 09:27:11)

Phóng viên tâm huyết sẽ có tác phẩm hay (01/06/2009 09:27:03)

Ảnh báo chí Sức căng và sự hấp dẫn (01/06/2009 09:26:31)

Phát hành báo chí - việc không mới nhưng khó (01/06/2009 09:26:24)

Những bất cập trong việc phát hành ảnh TTXVN (01/06/2009 09:26:12)