Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Tìm hiểu báo chí Thế giới

Lối thoát nào cho ngành báo in Mỹ?


(02/06/2009 08:58:31)

Hầu hết giới lãnh đạo ngành công nghiệp báo in Mỹ đều nhận thức được rằng "con quái vật" khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu và sự bành trướng ngày càng mạnh của internet là hai nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều tờ báo in nổi tiếng biến mất trên thị trường, trong khi những tờ khác đang phải vật lộn để tìm kiếm cơ hội tồn tại. Dẫu biết như vậy, nhưng cuộc chiến giải cứu báo in không phải chuyện đơn giản như thò tay vào túi. Đến nay, giới lãnh đạo báo in Mỹ vẫn đang loay hoay tìm lối thoát.

        (Kỳ 2, tiếp theo số tháng 4 và hết)

        Vì sao báo in Mỹ "chết" dần?

        Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp và chưa thấy dấu hiệu dừng lại, báo in Mỹ đã và đang chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt tên tuổi lớn. Dù không nằm trong danh sách 10 tờ báo có nguy cơ biến mất trên thị trường Mỹ, nhưng Rocky Moutain News, tờ báo đầu tiên của bang Colorado, đã tuyên bố chính thức ngừng hoạt động hoàn toàn sau khi xuất bản số cuối cùng vào ngày 27/2 vừa qua, "hưởng thọ" 150 tuổi. Đây là vụ đổ vỡ mới nhất và lớn nhất của ngành báo in Mỹ trong đợt suy thoái này. Trước đó, hàng loạt tờ báo đã phải đóng cửa, đình bản, hoặc chuyển thành báo điện tử, trong khi nhiều tờ báo khác đang được rao bán với giá rẻ. Những dòng tít thể hiện tương lai xám xịt và đầy bi quan của báo in tràn ngập trên các mặt báo. Tương lai tăm tối của các tờ báo in ở Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung, xét cho cùng đều bắt nguồn từ sự tụt dốc không phanh về lượng phát hành và thất thu quảng cáo nghiêm trọng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế-tài chính và vai trò ngày càng lớn của internet.

       Thế nhưng không thể phủ nhận thực tế là báo in Mỹ ngày càng yếu thế so với truyền hình, phát thanh và báo điện tử. Đặc biệt là khi báo in bị thương mại hóa và dấn sâu vào sân chơi kinh tế thị trường. Khủng hoảng kinh tế-tài chính và internet chỉ là hai giọt nước làm tràn ly, đẩy nhanh và làm trầm trọng thêm quá trình suy thoái của báo in Mỹ. Truyền thông Mỹ không ngừng hô hào, kêu gọi giải cứu báo in, song chưa hẳn vì báo in nhất định phải được giải cứu, mà chủ yếu do nó gục ngã quá nhanh, nên gây sốc cho những ai ảo tưởng về vị thế độc tôn của nó hoặc đã coi nó như một người bạn tinh thần không thể thiếu. Vì sao nhu cầu về báo in ở Mỹ lại trở nên ảm đạm? Theo nhiều nhà báo kỳ cựu, đó là vì báo in Mỹ đã "tầm thường hóa" hay "lá cải hóa" chính mình, tự làm mất "cá tính" về mặt nội dung. Vì mục đích thương mại, các tờ báo Mỹ đua nhau tăng lượng thông tin giải trí bằng những thông tin giật gân, câu khách về đời tư của những người nổi tiếng. Họ lấn sân sang tất cả các lĩnh vực, từ điện ảnh, ca nhạc cho đến văn học... nghĩa là dần tự biến mình thành một "thợ học việc" nghiệp dư. Một bộ phận không nhỏ các nhà báo đua nhau rút tít giật gân, xào xáo những tin "hot" hoặc bịa đặt một cách vội vàng để chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả. Điều này khiến phần đông độc giả dần cảm thấy nhàm chán và đến một thời điểm nhất định, những tờ báo chạy theo xu hướng này bị mất độc giả, âu cũng là điều dễ hiểu.

            Giải pháp trước mắt

       Để có thể tồn tại trong tình hình khó khăn hiện nay, một số tờ báo in ở Mỹ đã thực hiện những biện pháp khẩn cấp, từ cắt giảm việc làm, siết chặt quản lý tài chính, tiết kiệm chi phí in ấn, thay đổi nội dung, cho đến chuyển sang phiên bản điện tử. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những giải pháp tình thế chứ chưa phải là hướng đi thực sự mang lại hiệu quả lâu dài cho toàn ngành báo in Mỹ.

        Hiện nay, hầu hết các tờ báo in Mỹ đều có các trang web riêng dành cho những độc giả thân thiết. Steve Brill, nhà sáng lập kênh truyền hình Court TV, cho rằng giải pháp bắt độc giả trả tiền là khuôn mẫu kinh doanh mới để cứu báo in. Ông nhận định: "Kể cả báo in, báo mạng và truyền hình đều chưa có tiền lệ cho không sản phẩm báo chí với nội dung có chất lượng". Trong khi đó, T.J. Sullivan, một blogger nổi tiếng ở Los Angeles, tung lên website Los Angeles Observed lời kêu gọi báo chí Mỹ đóng cửa các trang web miễn phí trong vòng một tuần và trong thời gian này chỉ đăng thông tin trên báo in. Theo ông, hiện đã đến lúc báo chí phải đi tiên phong làm một điều gì đó, để cho thấy cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu báo in.

       Dù vậy, các chuyên gia trong ngành công nghiệp báo chí Mỹ không đồng tình với giải pháp này. Họ cho rằng độc giả đã quen với việc đọc tin miễn phí trên internet nên sẽ rất khó bắt họ móc hầu bao ra mua một tờ báo. Nhà báo Steve Outing là một trong những người cho rằng ý tưởng bắt độc giả trả tiền để đọc báo mạng chỉ đẩy báo chí đến chỗ chết dần chết mòn. Theo ông, phần nội dung thông tin được đặt phía sau "rào chắn" trả tiền sẽ không được tìm thấy và không được chia sẻ qua các công cụ tìm kiếm như Google. Điều đó cũng có nghĩa là tờ báo đó không tồn tại trên mạng và bị loại ra khỏi hoạt động kinh doanh. Ý kiến này có vẻ có lý, bởi đến nay ở Mỹ mới chỉ có nhật báo The Wall Street Journal là báo duy nhất thành công trong việc bắt độc giả trả tiền để được đọc toàn bộ nội dung thông tin trên website của mình.

       Trong khi đó, ông trùm truyền thông Mỹ Rupert Murdoch lại dự đoán những công cụ kỹ thuật số trong tương lai sẽ là trợ thủ đắc lực giúp các tờ báo thu về các khoản lợi nhuận kếch xù. Theo Murdoch, thiết bị đó chính là một chiếc máy mới rất tuyệt vời, mang tên Kindle. Với thiết bị này, độc giả có thể đặt mua dài hạn một tờ báo in và sẽ có được mọi thông tin trên tờ báo đó tùy thuộc vào cấp độ họ đặt mua. Hơn hết, nó là một công cụ rất linh hoạt, độc giả không cần tới phích cắm mà vẫn có được thông tin cần thiết bởi tất cả sẽ được kết nối qua sóng radio.

           Dẫu gặp nhiều khó khăn, song giới chuyên môn nhận định trong tương lai gần, các tờ báo in của Mỹ sẽ vẫn tồn tại. Theo New York Times, hiện tại tới 90% doanh thu từ phát hành và quảng cáo của các tờ báo Mỹ vẫn xuất phát từ báo in, trong khi doanh thu trên mạng còn "rất nhiều năm nữa" mới có thể đuổi kịp báo in. Tuy nhiên, trong bối cảnh trình độ công nghệ thông tin của độc giả ngày càng cao, cộng thêm nhịp sống công nghiệp hiện đại, báo in Mỹ khó có thể đủ sức chạy đua với báo điện tử về mặt tốc độ phân phối và cập nhật. Nhiều ý kiến cho rằng, không còn cách nào khác là báo in Mỹ phải trở lại với chính mình: chậm nhưng chắc, đạo đức, cá tính, khách quan và trung thực. Cái "hot" trong nội dung của nó phải là những vấn đề lớn, chuyên sâu, dài lâu, chính xác về bản chất chứ không phải chạy theo thói hiếu kỳ tầm thường về hiện tượng. Báo in càng có sức nặng khi nó phản ánh một cách khoa học, dễ hiểu, thuyết phục những vấn đề gắn với nhu cầu không thể thiếu của độc giả. Đó là mưu sinh và các giá trị nhân văn - những vấn đề dễ đạt được sự quan tâm và đồng thuận rộng rãi. Chỉ có làm được như vậy, báo in Mỹ mới có hi vọng tìm được lối thoát khỏi cơn bĩ cực hiện nay.

Tiến Trung (Tổng hợp)
Theo NSTT số 5/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Truýằn thông Mỏằạ lao Ä‘ao trong khỏằĐng húºÊng tài chÃưnh (11/05/2009 14:54:31)

Giải Ảnh báo chí thế giới 2009 đã có chủ (16/04/2009 14:51:00)

Thắp nén tâm nhang tiễn nhà báo Ba Đỗ - Nguyễn Văn Hạng (08/04/2009 09:37:07)

Một số địa chỉ báo chí Nga trên mạng (30/12/2008 19:28:56)

Nhà báo Đặng Kiên hơn 50 năm miệt mài (30/12/2008 18:58:37)

Ba Dân - Nhà báo của chiến trường (30/12/2008 18:55:34)

RIA Novosti - Một cỗ máy truyền thông hùng mạnh của nước Nga (03/12/2008 13:14:12)

Tôi đã chớp được "Khoảnh khắc Vàng" (03/12/2008 13:03:49)

Tác phẩm ấn tượng của một tay máy có nghề (04/11/2008 09:59:00)

Yomiuri Shimbun nhật báo lớn nhất thế giới (01/08/2008 11:01:55)