Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Cái tôi trong nghệ thuật nhiếp ảnh


(11/08/2009 08:55:21)

Từ khi hội nhập quốc tế, nhiếp ảnh đương đại Việt Nam đã có những đổi thay. Tuy nhiên, sự đổi thay đó chưa nhiều, chưa tương xứng với đà phát triển mạnh mẽ của đất nước, của cuộc sống mới.

           

Tác phẩm "Người mẹ và hai con sinh đôi dính liền thân". Bức ảnh bằng cả ngàn trang sách nói về tình mẫu tử. Nhà nhiếp ảnh Carol Guzy đã chộp được giây phút người mẹ mắt rưng rưng, hôn tạm biệt các con trước khi trao cho bác sỹ đưa vào phòng mổ để phẫu thuật tách đôi.

Một thời gian dài chúng ta lấy tiêu chí là cái đẹp. Cái đẹp được đánh giá cao nhất, còn cá tính, phong cách riêng hay những tố chất thuộc về cá nhân thì không được coi trọng. Vì vậy mà nhiều bức ảnh sinh ra na ná giống nhau theo một khuôn mẫu. Một nhà phê bình người Mỹ khi xem một triển lãm ảnh chân dung các bà mẹ Việt Nam, đã nhận định: Ảnh của các bạn đẹp về hình thức, nhưng xem xong tôi có cảm giác rằng các bạn có một bà mẹ chung chia đều cho tất cả các bà mẹ. Ngược lại ở đất nước chúng tôi, có rất nhiều bà mẹ khác nhau làm lên chân dung một bà mẹ.

            Điều này phần nào nói lên rằng nhiếp ảnh của chúng ta chưa có cái tôi, cái riêng biệt. Hầu hết các nhà nhiếp ảnh làm theo, gắn chặt với những gì được thừa nhận hơn là tìm cách diễn tả và khám phá. Họ say sưa đi tìm hình mẫu, lo lắng sắp xếp, tạo hình trong những bố cục được các nhà thẩm định ưa chuộng. Người xem ảnh thường nhận ngay ra một điều là nhiều bức ảnh chụp thật mà xem ra như không thật. Một cảm nhận về sự sắp xếp luôn hiện hữu trong ảnh. Một trào lưu như vậy tạo ra hàng loạt những bức ảnh trùng lặp và thiếu cá tính.

            Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều nhà nhiếp ảnh trẻ (tôi nói nhà nhiếp ảnh trẻ chứ không phải người chụp ảnh ít tuổi) đã xa rời và không lệ thuộc vào những giải thưởng để giữ phong cách và cái tôi trong nghề. Họ xa rời những giải thưởng thiếu tính chuyên nghiệp, đi tìm cái riêng biệt của mình trong cách thể hiện. Ai cũng hiểu rằng nhiếp ảnh là nghệ thuật của khoảnh khắc. Một cú bấm máy là cố định một giây lát thoáng qua, nắm bắt cái hiện tại để biến nó thành vĩnh cửu. Hơn thế nữa, nhiếp ảnh còn là nghệ thuật của cái nhìn, mỗi khoảnh khắc trong cái nhìn là một riêng tư, chứa đựng cái chủ quan hay cái tôi của tác giả.

            Ai cũng biết rằng nhiếp ảnh liên quan tới khoa học nên nó đòi hỏi tính tỉ mỉ và nghiêm túc. Mặt khác, nhiếp ảnh là một môn nghệ thuật nên nó phụ thuộc rất nhiều vào tư duy sáng tạo của người cầm máy. Vì vậy nó mang trong mình cái tôi cá tính. Lĩnh hội điều này, những nhà nhiếp ảnh đương đại không hoàn toàn sống trong sự ràng buộc cứng nhắc của chủ nghĩa hiện thực, bởi nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo. Việc thể hiện chính xác các chi tiết hiện thực bây giờ không phải là những tiêu chí duy nhất, mà cái nhìn hướng theo sở thích, óc tưởng tượng của người cầm máy. Cũng chính vì thế mà các chủ đề được thể hiện một cách phong phú hơn và giàu chất trí tuệ hơn. Bằng sự sáng tạo và tâm hồn nhạy cảm, người nghệ sỹ đã tìm ra "sức hấp dẫn lạ kỳ của những búp non trên thân cây già cỗi" để nói lên "tính bi kịch của cây cổ thụ và tính trữ tình của búp non xanh".

            Con đường của nhiếp ảnh là con đường không ngừng tìm kiếm. Mặc dù môn nghệ thuật nào cũng có lề luật của nó, nhưng nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật luôn luôn phát triển, những gì là tiêu chuẩn của ngày hôm nay thì ngày mai có thể đã trở thành lạc hậu, trở thành quá khứ. Nghệ thuật nhiếp ảnh phải tự giải thoát mình khỏi các quy ước, các luật lệ bó buộc và giới hạn nó, giành lấy sự tự do thể hiện mà bất cứ bộ môn nghệ thuật nào cũng cần có để tồn tại và đi lên.

            Nhà nhiếp ảnh nổi tiếng H.C.Brét-xong có một quan niệm vừa có tính tổng kết vừa có tính gợi mở: Nhiếp ảnh là một hình thức thể hiện của ý thức và trí tuệ nhằm diễn đạt Thế giới khách quan thành những khái niệm nhìn thấy được. Bởi vậy, nhà nhiếp ảnh phải khám phá, phát hiện chứ không thể đơn giản là người sao chép hiện thực, nhà sản xuất ảnh. Bố cục là một vấn đề quan trọng. Trong giới nhiếp ảnh người ta quan tâm nhiều tới bố cục, đến những đường nét chủ đạo, điểm vàng, tam giác mạnh, điểm nhấn, cả sức căng... Nhưng với bố cục chúng ta chỉ nhìn thấy được hình thức của sự vật, điều quan trọng của nghệ thuật lại là nội dung bên trong. Mà nội dung bên trong lại phụ thuộc vào cái nhìn, tức là phụ thuộc vào kiến thức và tình cảm của người cầm máy.

           

Tác phẩm "Nghĩa địa bên sông". Do môi trường bị hủy hoại, nạn lở đất đã ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đến những người đang sống mà cả những người đã chết. Trong ảnh: Chúa, con người và chiếc quan tài sắp rơi là bao tầng lớp nghĩa của vấn đề, tạo một ấn tượng rất mạnh mà tác giả Eduardo Verdugo muốn gửi đến người xem.

Hiểu được bản chất của cái tôi trong nhiếp ảnh không đơn giản, để có được cái tôi trong nhiếp ảnh lại càng khó khăn hơn nhiều. Cái tôi ở đây không phải là cái cá nhân, cái bảo thủ, mà là cá tính, tâm hồn, tài năng và bản lĩnh riêng của mỗi nhà cầm máy. Muốn có được cái tôi, trước hết  người cầm máy phải có chính kiến, có bản lĩnh, kiến thức và phương pháp tiếp cận riêng với cuộc sống. Không phải là một kẻ a dua, càng không phải là một người đi sao chép lại thực tế trần trụi. Thể hiện cái tôi trong nghệ thuật là thể hiện lòng tự tin, sự hiểu biết và dám chịu trách nhiệm với chính mình. Vì vậy, cái tôi rất cần thiết trong nhiếp ảnh, bởi cũng giống như hội họa, nhiếp ảnh được coi như một cách nhìn nhận thế giới xung quanh một cách sáng tạo, sinh động và độc đáo của một cá nhân hay một tập thể, một cách hướng con người tới cái đẹp hoàn mỹ của tâm hồn.

            Nhưng dường như tính sáng tạo trong nhiếp ảnh khác với tính sáng tạo trong hội họa, bởi nhiếp ảnh sáng tạo nhưng vẫn trung thành với hiện thực. Người ta không hoàn toàn hài lòng với việc lạm dụng phần mềm Photoshop trong quá trình tạo ảnh. Đồng thời người ta vẫn muốn giãi bày lòng mình một cách riêng, không như những cái nhìn thông thường. Để đáp ứng nguyện vọng này, một khuynh hướng nhiếp ảnh mới ra đời mang đậm dấu ấn cái tôi, đó  là dòng nhiếp ảnh ý niệm: nhìn và diễn tả thế giới theo ý niệm riêng của người cầm máy.

            Bít Pre-xơ, nhà nhiếp ảnh Thụy Sỹ với chủ đề "Ốc đảo tĩnh lặng của tôi", đã khuyến khích người tham gia mở rộng tâm trí và con tim để nhìn thế giới bằng một thứ ánh sáng khác, với những ý tưởng và dưới nhiều góc độ khác nhau, dù đó là thế giới của sự chuyển động hay sự tĩnh lặng của chính mình. Một phút tĩnh lặng đủ để ta cảm nhận được vẻ đẹp và sự cao cả từ cuộc sống của những người khác, cũng như sự kỳ vĩ của thế giới đầy sức mạnh. Điều này cũng dễ hiểu: có những lúc ta đứng giữa đám đông mà vẫn cảm thấy cô đơn, vì có những lúc chỉ một mình mà ta vẫn thấy thế giới tràn đầy hương vị và sắc màu. Người cầm máy đương đại đang nỗ lực để phát hiện những ẩn ý nằm khuất sâu dưới khía cạnh hữu hình. Nhãn quan mới mang lại khả năng nhận biết thế giới đa chiều và bí ẩn, giúp ta phát hiện ra những hình thái và biến đổi đa dạng của nó, dưới tác động của tình cảm hay cảm xúc, để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh.

            Nhà phê bình mỹ thuật Đức, giáo sư Kơ-phơ có nói: Trong một xã hội phát triển cao, đa tầng, đa cấp thì những trường phái nghệ thuật cũ như hiện thực và ấn tượng không thể đáp ứng được nữa và đã nhường mảnh đất màu mỡ cho trừu tượng cũng như siêu thực. Hơn một trăm năm trước, nhiếp ảnh "khiêu chiến" với hội hoạ về ghi thực. Một trăm năm sau hội hoạ lại "khiêu chiến" với nhiếp ảnh về siêu thực. Bởi vậy giữa Hội họa và Nhiếp ảnh luôn có sự chuyển hoán: Đối với nhiếp ảnh cổ mà nói, bản chất nhiếp ảnh là "ghi thực". Vậy đối với nhiếp ảnh hiện đại mà nói, phải chăng bản chất của nhiếp ảnh là "cá tính hoá sáng tạo hình tượng"? Còn đối với nhiếp ảnh hậu hiện đại, bản chất của nhiếp ảnh phải là "kết cấu tổng hợp hoá hình tượng, vừa thực vừa hư". Một khi phương thức sinh tồn của nhân loại đổi mới, phương pháp tư duy cũng đổi mới thì quan niệm nhiếp ảnh cũng không thể không đổi mới theo. Đương nhiên, đổi mới không phải là vứt bỏ cái cũ mà là ứng biến tính kế thừa giữa cũ và mới.

            Tôi hoàn toàn đồng tình với ông Trưởng ban Lý luận phê bình của Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam khi nói rằng: Phát huy sáng tạo cá nhân trong nhiếp ảnh là một nhu cầu thực sự. Chấp nhận đa phong cách là chấp nhận những dấu ấn mạnh mẽ của cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu không có những cá tính trong nhiếp ảnh thì không thể phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh một cách thực sự. Bởi lẽ "cái tôi" mang tính chủ động và năng động trong thời đại mới. Cái tôi giàu cá tính và đa dạng cách nhìn. Phát huy được cái tôi là khơi dậy cả một tiềm năng sáng tạo của người nghệ sỹ cầm máy ảnh.

Nguyễn Thành
Theo NSTT số 7/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cần nuôi dưỡng và nhân rộng những tài năng  (11/08/2009 08:31:49)

Nỗi day dứt khôn nguôi (10/08/2009 14:50:08)

Báo Tin Tức: Tổ chức tọa đàm "Báo chí & Doanh nghiệp" (10/07/2009 11:08:01)

Hội khoẻ Hội Nhà báo Hà Nội: TTXVN đoạt 3 Vàng, 3 Bạc và 4 Đồng (10/07/2009 10:49:02)

Hoạt động kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (10/07/2009 10:33:47)

Chuýằ‡n bÃĂo chÃư thỏº¿ giỏằ›i (10/07/2009 09:36:57)

Kênh truyền hình Thông tấn ước mơ và hiện thực (10/07/2009 09:20:54)

Ỷªu cầu dá»± kiến thông tin hằng ngày - Đôi Ä‘iều trăn trở (10/07/2009 08:39:57)

Rèn luyện kỹ năng làm báo hiện đại để khắc phục độ vênh giữa dạy & học, học & hành (10/07/2009 08:33:26)

Suy nghĩ từ Giải báo chí quốc gia 2008:Cần đầu tư theo chiều sâu, đi vào những vấn đề lớn, nâng cao khả năng phát hiện, dự báo của thông tin (10/07/2009 08:14:38)