Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Làm báo, đừng ngại hỏi!


(31/08/2009 15:18:46)

Vừa qua, tôi có dịp theo các phóng viên (PV) trẻ của Lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về thông tin của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn đi thực tế làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội) để lấy tư liệu, làm một bài tập thực hành về viết tin hoặc bài. Chủ đề do học viên tự chọn.

          Tiếp đoàn PV là ông Lê Văn Cảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gốm sứ Bát Tràng. Ngoài sự am hiểu tường tận nghệ thuật làm gốm, có thể nói nghệ nhân 70 tuổi này là cuốn từ điển sống về làng gốm Bát Tràng trên nhiều phương diện: lịch sử làng, lịch sử nghề, khó khăn, vướng mắc hiện nay của làng nghề... Trong khoảng một giờ, ông Cảo đã vừa nói chuyện vừa cùng ông Hà Văn Lâm, Giám đốc Xí nghiệp cổ phần gốm sứ Hapro Bát Tràng, giải đáp nhiều câu hỏi trước khi đoàn chia làm hai nhóm đi thăm hai cơ sở sản xuất của dân.

          Quan sát buổi làm việc đó tôi thấy có một số PV rất tích cực đặt câu hỏi cho người đối thoại, nhưng phần lớn thì hỏi vừa phải, đặc biệt có vài bạn gần như chỉ nghe, không hỏi han gì. Là đồng nghiệp đi trước, tôi hiểu các PV trẻ mới vào nghề có tâm lý ngại hỏi. Có nhiều lý do: do bản tính nhút nhát, ngại đám đông, sợ bị "quê" trước mọi người nếu đặt câu hỏi không đáng hỏi hoặc đơn giản chỉ là ngại nói, ngại tư duy...

          Làm thế nào để khắc phục tính ngại hỏi? Theo tôi, có hai loại "tò mò": tò mò đơn thuần và tò mò nghề nghiệp cần phân biệt. Tò mò nghề nghiệp là không thể thiếu cho bất cứ nghề nào nếu chúng ta yêu nghề, muốn phát triển chuyên môn. Có nghề chỉ cần làm trong phòng nghiên cứu, nhưng nghề báo là nghề đi-câu-thông-tin, vì vậy cần phải tăng cường tiếp xúc, hỏi và biết cách hỏi. Hỏi nhiều được nhiều, hỏi ít được ít. Bên cạnh đó phải phát triển khả năng quan sát, phân tích. Mạnh dạn khai thác thông tin, trước hết để cung cấp cho bạn đọc, sau đó làm giàu hiểu biết và tư liệu cá nhân. Đôi khi không phải chúng ta chọn nghề mà là nghề "chọn" chúng ta. Tôi cho rằng nghề báo hợp với những ai có khí chất sôi nổi, chịu suy nghĩ, còn những ai bản tính e dè hay xấu hổ, ngại đám đông mà lại do nghề "chọn" thì cần khắc phục dần dần điểm yếu này.

          Tuy nhiên sự ngại hỏi cũng không hẳn là do nhút nhát. Có thể là PV thấy không có gì đáng hỏi hoặc có nhiều vấn đề để hỏi nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Cũng có thể có PV đã đi thăm làng gốm nhiều lần nên biết nhiều thông tin, cho là không cần hỏi nữa.

 

          Không nên ỷ vào Internet

          Khi xem lại tin, bài các PV viết sau buổi đi thực tế đó, tôi thấy có sự tương ứng giữa việc hỏi và viết. Có người hỏi nhiều, bài tuy nhiều chi tiết nhưng thiếu gắn kết. Với tò mò nghề nghiệp cần phát triển các câu hỏi trọng tâm, nếu không thì có hỏi nhiều cũng sẽ lan man. Ai ít hỏi mà cậy vào tư liệu "kều" trên mạng internet thì bài viết và chuyến đi  là "ngó đằng Đông, trông đằng Tây". Thông tin trên mạng rất phong phú, khai thác là chuyện bình thường, nhưng không nên ỷ vào internet để lười hỏi. Nhiều bài đề cập lịch sử, tình hình sản xuất kinh doanh, nặn vẽ gốm của Bát Tràng - những điều đã được nói tới nhiều trên mặt báo. Một số bài thừa tư liệu mạng trong khi còn nhiều chi tiết, theo tôi, ở thực địa rất đáng khai thác lại bị bỏ qua, ví dụ: 1/ Niềm tự hào lớn của làng mà ông Lê Văn Cảo nhấn mạnh là cả nước ta, từ thời Lý Công Uẩn lập đô Thăng Long thì từ cung vua phủ chúa, đền chùa, đường làng, giếng nước, dinh thự quan lại, nhà khá giảû... nhiều nơi đều dùng gạch Bát Tràng xây lát. Vậy tại sao chợ Gốm làng hiện nay chỉ thấy chén, bát, lọ bình, thậm chí cả đồ lai căng tứ phương mà mà không thấy bán loại gạch Bát Tràng cứng như đá, không cho rêu phong bám? Thứ gạch cổ truyền trứ danh được lưu truyền trong thơ ca ấy đang được sản xuất thế nào trước nhu cầu trùng tu di tích vô cùng lớn hiện nay? 2/ Mấy hôm trước mưa kinh khủng mà đường làng khô ráo, trừ mấy ngõ nhỏ ở xa, phải chăng có hệ thống thoát nước tốt? Ô nhiễm nơi đây chủ yếu là khói lò, nhưng liệu gió sông Hồng có phải cái quạt trời giúp dân giảm thiểu tệ nạn này?

          Tất nhiên không thể kỳ vọng nhiều vào một buổi "cưỡi ngựa xem hoa" trong một buổi chiều, nhưng điều đáng nói là trong thời gian ngắn đó vẫn có nhiều cái đáng nói đã bị bỏ qua và PV phải dùng nhiều tới nguồn tư liệu mạng chung chung. Giảng viên cũng không đòi hỏi phải làm tin-bài thật bề thế, dày dặn mà chủ yếu muốn xem PV dùng kỹ năng đã học để xử lý ra sao những dữ liệu thu được từ buổi tác nghiệp đó.

            Thực tiễn giống như một đoàn tàu không ngừng lăn bánh mà những sự kiện điểm nhịp tựa tiếng "xịch xình xịch" đều đều trên đường ray, không phải lúc nào cũng có những điều mới mẻ dễ nhìn ra. Điều mới mẻ phụ thuộc vào góc độ nhìn, cách nghe của chúng ta. Thật sung sướng nếu phát hiện ra được cái mới dù nhỏ, vì tính phát hiện quyết định tới 50% thành công của bài báo. Nếu vì nhút nhát, sợ "quê" hay gì khác nữa mà ngại hỏi thì bạn hãy nhủ thầm trong bụng: "Mình đang "xài" tò mò nghề nghiệp, không phải tò mò bình thường đâu!" và biến tin-bài của bạn thành một tiếng còi tàu báo hiệu thay cho tiếng động đơn thuần của bánh xe nhé. Chúc các bạn thành công!

Minh Trang
Theo NSTT số 8/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phối hợp để nâng cao chất lượng và cạnh tranh thông tin (31/08/2009 15:04:54)

Kết quả bước đầu thực hiện dự kiến đưa tin hàng ngày (31/08/2009 15:03:35)

Đào tạo phóng viên ảnh báo chí hiện nay (31/08/2009 14:58:36)

Để có chỗ đứng trong dòng sự kiện (11/08/2009 09:04:32)

Cái tôi trong nghệ thuật nhiếp ảnh (11/08/2009 08:55:21)

Cần nuôi dưỡng và nhân rộng những tài năng  (11/08/2009 08:31:49)

Nỗi day dứt khôn nguôi (10/08/2009 14:50:08)

Báo Tin Tức: Tổ chức tọa đàm "Báo chí & Doanh nghiệp" (10/07/2009 11:08:01)

Hội khoẻ Hội Nhà báo Hà Nội: TTXVN đoạt 3 Vàng, 3 Bạc và 4 Đồng (10/07/2009 10:49:02)

Hoạt động kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (10/07/2009 10:33:47)