Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Đào tạo phóng viên ảnh báo chí hiện nay


(31/08/2009 14:58:36)

Ảnh báo chí là một loại hình thông tin đặc biệt, sinh động, dễ gây ấn tượng với độc giả và hơn tất cả, ảnh báo chí sử dụng một ngôn ngữ mà mọi người xem đều hiểu, không như thông tin bằng lời nói, chữ viết. Ảnh báo chí có thể vượt qua mọi ngôn ngữ để đến với độc giả một cách dễ dàng nhất. Hơn 100 năm qua, thực tiễn ảnh báo chí đã không ngừng phát triển và hoàn thiện với đúng nghĩa của nó.

          Vai trò của ảnh báo chí ngày một quan trọng hơn đối với xã hội nói chung và bạn đọc nói riêng. "Trăm nghe không bằng một thấy" đã khẳng định được vị trí không thể thiếu của ảnh báo chí trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều học giả và giới báo chí cũng cho rằng "Một bức ảnh có giá trị hơn một bài diễn văn dài và sự hấp dẫn của tờ báo, trang báo, bài báo bao giờ cũng bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên - đó là hình ảnh".

          Một vấn đề được đặt ra là làm thế nào để chúng ta nâng cao chất lượng ảnh báo chí hiện nay và trong tương lai? Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí, do chưa thật coi trọng giá trị ảnh báo chí, nên khâu tuyển dụng phóng viên ảnh còn thiếu tính nguyên tắc nghề nghiệp; cách sử dụng ảnh trên mặt báo còn dễ dãi; thiếu hoặc không có biên tập viên ảnh đủ năng lực thực sự để "gác cửa" cho thể loại thông tin này nên ảnh báo chí của chúng ta còn yếu so với các thể loại báo chí khác, chưa xứng tầm với giá trị đích thực của nó. Chính vì vậy, một trong nhiều giải pháp cần thực hiện, công tác đào tạo các phóng viên ảnh báo chí một cách thật căn bản và chuyên nghiệp cần được đặt ra, vì chúng ta mong muốn được sử dụng những thông tin hình ảnh giá trị về các sự kiện quan trọng đang xảy ra trong cuộc sống. Những tác phẩm báo chí như vậy chỉ có thể được thể hiện bởi những nhà báo - nhiếp ảnh rất chuyên nghiệp.   

 

          Phóng viên ảnh báo chí trước hết phải là một nhà nhiếp ảnh thực thụ

          Ảnh báo chí không phải cái gì khác hơn một tác phẩm nhiếp ảnh được đăng tải trên trang báo nhằm phục vụ sự quan tâm của xã hội đối với một sự kiện, một hoạt động nào đó của cuộc sống, nên nó phải được thể hiện theo đúng yêu cầu về nội dung và hình thức của một tác phẩm ảnh. Ở đây, ảnh báo chí phải hội tụ được những yếu tố cần thiết để tạo thành một bức ảnh như bố cục, tạo hình, ánh sáng. Nếu thiếu đi sự tối thiểu này của kỹ thuật nhiếp ảnh, chúng ta không thể có được một tấm ảnh báo chí bình thường, chứ chưa nói đến bức ảnh tốt để sử dụng cho báo.

          Chúng ta biết, nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật của nhận thức và tư duy sáng tạo, đòi hỏi sự quan sát, phát hiện và cả dự báo về những tình huống xảy ra trong không gian và thời gian của sự kiện để tạo dựng một bức ảnh mang tính biểu trưng, khái quát cao. Điều đó chẳng dễ chút nào đối với những tay máy "nghiệp dư". Người học nhiếp ảnh không chỉ cần những kiến thức văn hóa chuẩn theo yêu cầu mà phải có thêm năng khiếu nghệ thuật, và am hiểu những kỹ năng khác về máy móc, thiết bị để tác nghiệp. Ngoài ra, nhiếp ảnh còn đòi hỏi sự say mê nghề nghiệp của con người, không phải ai cũng học được nghề nhiếp ảnh và cũng không phải ai học xong nghề này đều có thể thành công trong nghề nghiệp. Mọi người đều có thể chụp được một tấm ảnh, nhưng nhiều nhà nhiếp ảnh cả đời không có nổi một tác phẩm nhiếp ảnh đáng nhớ. Nói như vậy để chúng ta nhận thức được để trở thành chuyên nghiệp, cần phải đào tạo một cách nghiêm túc, bài bản thế nào? Xin hãy tránh những kiểu làm "nghiệp dư" trong nhiếp ảnh báo chí chuyên nghiệp, kể cả với công tác đào tạo.

 

          Phóng viên ảnh chuyên nghiệp phải được đào tạo kiến thức báo chí

          Ảnh báo chí không chỉ là một tác phẩm nhiếp ảnh, mà còn là một hình thức thông tin của báo chí phản ánh các sự kiện, các hoạt động của đời sống xã hội một cách cụ thể, chân thực và sinh động nhằm mang lại cho độc giả một nội dung giá trị tư tưởng nhất định. Ảnh báo chí phải đạt được các yêu cầu về nội dung thông tin của một tác phẩm báo chí. Không được đào tạo kiến thức báo chí, nhà nhiếp ảnh không thể trở thành một phóng viên ảnh chuyên nghiệp. 

          Đây chính là sự khác biệt giữa ảnh báo chí với các thể loại nhiếp ảnh khác. Vì xuất phát từ mục đích của việc phản ánh, ảnh báo chí trong mọi hoàn cảnh phải tôn trọng sự thật, thể hiện trung thực các sự kiện, tuyệt đối không được phép dàn dựng hay sắp đặt.

          Phóng viên ảnh được trang bị kiến thức báo chí sẽ hiểu nghề báo, có khả năng tác nghiệp đúng và hiệu quả hơn. Kiến thức báo chí sẽ giúp phóng viên ảnh nhận thức được bản chất và những ảnh hưởng của sự kiện quan trọng trong xã hội. Đó là cơ sở để phóng viên ảnh có bức ảnh báo chí tầm cao.

          Hiện nay, phóng viên ảnh ở một số cơ quan báo chí còn chưa xác định được rõ bản chất đích thực của ảnh báo chí, nên chưa tận dụng thế mạnh của thông tin bằng ảnh. Ảnh báo chí nhưng tính báo chí không cao. Ảnh báo chí của chúng ta thiếu "độ nóng" khi lựa chọn sự kiện, lại quá "hiền lành" ở khâu thể hiện. Những thiếu sót đó cho thấy tính không chuyên nghiệp của phóng viên ảnh báo chí. Công tác đào tạo bài bản ở hai nghề nhiếp ảnh và báo chí sẽ giúp người "cầm máy - làm báo" nâng cao chất lượng ảnh báo chí.

 

          Chuyên nghiệp hóa phóng viên ảnh báo chí

          Việc phân công phóng viên ảnh phụ trách các ngành nghề, lĩnh vực là thể hiện tính chuyên nghiệp của các cơ quan báo chí. Ảnh báo chí cũng như các hoạt động thông tin khác có phạm vi hoạt động rất rộng, và bản chất sự kiện của mỗi đối tượng báo chí cũng khác nhau, nên việc phân công, chuyên môn hóa sẽ tập trung khả năng theo dõi, tác nghiệp của từng phóng viên ảnh. Đây cũng nên là định hướng cho mỗi phóng viên ảnh khi còn ngồi trên ghế nhà trường để họ chuẩn bị hành trang kiến thức nhiếp ảnh và báo chí về lĩnh vực mình sẽ tác nghiệp sau này. Một phóng viên ảnh chính trị - thời sự không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ ở lĩnh vực ảnh thời trang hay có thể mang về những bức ảnh báo chí thể thao hoàn hảo... Bởi mỗi lĩnh vực đòi hỏi người phóng viên có những kiến thức chuyên ngành cũng như kỹ năng thể hiện ảnh riêng biệt. Nếu có điều kiện, việc đào tạo nhiếp ảnh chuyên ngành đối với từng lĩnh vực ảnh báo chí là một việc cũng nên làm, nhưng có thể là những khóa đào tạo ngắn hạn nhằm bổ sung kiến thức cho các phóng viên ảnh.

 

          Chương trình đào tạo nâng cao cho phóng viên ảnh báo chí.

          Ảnh báo chí ngày nay đã có một vị trí quan trọng trên mỗi trang báo, nên yêu cầu chất lượng của thông tin ảnh ngày càng cao. Việc đào tạo nâng cao, đào tạo lại là một nhu cầu cần thiết cho các phóng viên ảnh. Các chương trình đào tạo bổ sung cần phải được đặt ra trong kế hoạch nâng cao trình độ nghiệp vụ của những người làm ảnh báo chí - đó là những chương trình đào tạo ngắn hạn để cập nhật kiến thức mới nhất cho phóng viên ảnh, là chương trình đào tạo cơ bản dài hạn cho phóng viên ảnh chưa qua trường lớp cũng như đào tạo trên đại học và đào tạo biên tập ảnh cho những phóng viên ảnh báo chí có năng lực và kinh nghiệm công tác để đảm nhiệm công việc thẩm định, biên tập các bức ảnh báo chí được sử dụng trên báo. Công việc đào tạo lại, đào tạo nâng cao không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi các trường đại học báo chí, nhiếp ảnh của chúng ta, mà có thể mở rộng liên kết với các trung tâm đào tạo báo chí của quốc tế.

Vũ Khánh
Theo NSTT số 8/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Để có chỗ đứng trong dòng sự kiện (11/08/2009 09:04:32)

Cái tôi trong nghệ thuật nhiếp ảnh (11/08/2009 08:55:21)

Cần nuôi dưỡng và nhân rộng những tài năng  (11/08/2009 08:31:49)

Nỗi day dứt khôn nguôi (10/08/2009 14:50:08)

Báo Tin Tức: Tổ chức tọa đàm "Báo chí & Doanh nghiệp" (10/07/2009 11:08:01)

Hội khoẻ Hội Nhà báo Hà Nội: TTXVN đoạt 3 Vàng, 3 Bạc và 4 Đồng (10/07/2009 10:49:02)

Hoạt động kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (10/07/2009 10:33:47)

Chuýằ‡n bÃĂo chÃư thỏº¿ giỏằ›i (10/07/2009 09:36:57)

Kênh truyền hình Thông tấn ước mơ và hiện thực (10/07/2009 09:20:54)

Ỷªu cầu dá»± kiến thông tin hằng ngày - Đôi Ä‘iều trăn trở (10/07/2009 08:39:57)