Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Philip Jones Griffiths, người bạn lớn của các nạn nhân da cam Việt Nam


(31/08/2009 15:37:20)

Những bức ảnh của ông đã góp phần đánh thức dư luận Mỹ và các nước phương Tây khác về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Sau khi chiến tranh chấm dứt, sự nghiệp của Griffiths vẫn tiếp tục gắn bó với Việt Nam... Ông quan tâm đến nỗi đau nơi các nạn nhân chất độc da cam và nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc xây dựng lại đất nước".

          Trên đây là một đoạn trích trong tin của đồng nghiệp của chúng ta, anh Bùi Ngọc Hải, Trưởng phân xã TTXVN tại Mỹ, viết về cuộc triển lãm mang tên "Philip Jones Griffiths - những bức ảnh qua 5 thập kỷ trên tuyến đầu lịch sử" tổ chức tại trường Đại học Briarcliff,  New York,  tháng Tư vừa qua nhân một năm ngày mất của Griffiths (19/3/2008).

          Tháng 8 - tháng của nạn nhân chất độc da cam, chúng ta lại nhớ tới- mà thực ra là chưa bao giờ lãng quên - nhà nhiếp ảnh đầu tiên đã đưa những hình ảnh về cuộc chiến tranh và hậu quả của của chất độc da cam/điôxin ở Việt Nam đến với thế giới.

          Philip Jones Griffiths sinh ngày 18/12/1936 tại xứ Wales. Tiểu sử vắn tắt ghi: Học nhiếp ảnh từ thuở nhỏ; năm 16 tuổi rời xứ Wales sang Anh học tập; tốt nghiệp ngành hoá dược Đại học Liverpool năm 1959. Năm 1961, Griffiths khởi nghiệp phóng viên ảnh tự do cho báo Người quan sát của Anh. Sau đó ông gia nhập Hãng thông tấn ảnh quốc tế Magnum và đến Đông Nam Á làm phóng viên ảnh chiến trường. Từ năm 1980, Griffiths là chủ tịch hãng Magnum trong suốt 5 năm sau đó.

          Trong cuộc đời làm báo, Griffiths đã đặt chân đến hơn 120 nước, tới nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới. Dù có một sự nghiệp ảnh đồ sộ về thế giới thứ ba - từ châu Phi, Mỹ Latinh đến chiến tranh Trung Đông - nhưng có thể nói Việt Nam là mảng đề tài lớn và quan trọng bậc nhất của ông. Giai đoạn 1966-1971, Griffiths khắc họa sống động hình ảnh cuộc chiến Việt Nam với nỗi thống khổ và đau thương của người dân, khơi dậy phong trào phản chiến rầm rộ đòi chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam. Gần 230 tác phẩm đen trắng thời kỳ này của ông được xuất bản thành cuốn sách Vietnam Inc tại Mỹ tháng 1/1971, đã gây một tiếng vang lớn. Cũng năm 1971, Griffiths bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trục xuất  khỏi Việt Nam khi ông đang tìm cách chụp ảnh thai nhi dị dạng, bằng chứng về tội ác Mỹ rải chất độc da cam xuống Việt Nam. Được tái bản tại Mỹ năm 2001, Vietnam Inc được coi là cuốn sách kinh điển cho các phóng viên ảnh.

          Năm 2003 và 2005, Griffiths lần lượt cho xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng khác. Cuốn Agent Orange: "Collateral Damage" in Vietnam (Chất độc da cam: những tổn thất bị lãng quên ở Việt Nam) lên án Mỹ sử dụng chất độc này làm ảnh hưởng nặng nề lên nhiều thế hệ người Việt Nam. Cuốn sách dày 178 trang với gần 100 bức ảnh đã được ông viết lời tựa: "Những bức ảnh vượt qua sức chịu đựng của chúng ta. Việc ngoảnh mặt đi và từ chối nhìn các bức ảnh là một tội lỗi".

          Cuốn Vietnam At Peace (Việt Nam thời hoà bình) xuất bản tháng 4/2005 gồm 300 bức ảnh đen trắng. Đây là biên niên sử về chiến tranh và hoà bình ở Việt Nam, cũng là công trình nghiên cứu suốt 25 năm về hậu quả lâu dài của cuộc chiến Việt Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, Griffiths còn 26 lần đến với Việt Nam, đi khắp từ Bắc chí Nam chứng kiến công cuộc hàn gắn vết thương và tái thiết đất nước. Ông thành lập website http://agentorangevietnam.net làm cầu nối dẫn dắt những trái tim nhân hậu đến với các nạn nhân Việt Nam.

          Các tác phẩm của Griffiths  được triển lãm khắp thế giới, đặc biệt là triển lãm "Chất độc da cam" tại Anh năm 2004 và triển lãm "Philip Jones Griffiths: 50 năm trên chiến tuyến năm tại Mỹ"õ. Một lần, trả lời phỏng vấn đài BBC, Griffiths nói: "Tôi muốn chứng tỏ rằng Mỹ nên cạnh tranh cùng người Việt Nam chứ không nên tàn phá họ". Khi hướng ống kính về Việt Nam, ông đã thể hiện một cách nhân bản và đầy truyền cảm hình ảnh một đất nước bị thương nặng nề trong chiến tranh và vươn lên mạnh mẽ trong thời bình.

          Philip Jones Griffiths có vợ và hai con, sống ở Mỹ. Ông qua đời ngày 13/8/2008 do ung thư ruột kết. Bị bệnh tật giày vò suốt 8 năm trời nhưng Griffiths vẫn không quên hướng tới các nạn nhân da cam Việt Nam. Năm 2006, sau một đợt điều trị, ông đã bay ngay tới New York, tới phiên điều trần vụ kiện của các nạn nhân chống các công ty Mỹ sản xuất chất da cam/điôxin, gặp gỡ bạn bè có mặt tại đó để chuẩn bị triển lãm ở Mỹ và châu Âu.

            Trong lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí, Philip Jones Griffiths là bậc thầy, là tấm gương lớn cho các nhà báo chúng ta về sự đam mê, lòng dũng cảm dấn thân, tâm hồn đạo đức... Với những gì đã làm cho Việt Nam trong chiến tranh và hoà bình, Philip Jones Griffiths là một người bạn thân thiết và gần gũi của nhân dân Việt Nam.

Tử Khôi (tổng hợp)
Theo NSTT số 8/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nghệ sĩ Phạm Thính và bức ảnh "Cầu Người" (31/08/2009 15:27:27)

Chuýằ‡n bÃĂo chÃư thỏº¿ giỏằ›i (10/07/2009 09:36:57)

Lối thoát nào cho ngành báo in Mỹ? (02/06/2009 08:58:31)

Truýằn thông Mỏằạ lao Ä‘ao trong khỏằĐng húºÊng tài chÃưnh (11/05/2009 14:54:31)

Giải Ảnh báo chí thế giới 2009 đã có chủ (16/04/2009 14:51:00)

Thắp nén tâm nhang tiễn nhà báo Ba Đỗ - Nguyễn Văn Hạng (08/04/2009 09:37:07)

Một số địa chỉ báo chí Nga trên mạng (30/12/2008 19:28:56)

Nhà báo Đặng Kiên hơn 50 năm miệt mài (30/12/2008 18:58:37)

Ba Dân - Nhà báo của chiến trường (30/12/2008 18:55:34)

RIA Novosti - Một cỗ máy truyền thông hùng mạnh của nước Nga (03/12/2008 13:14:12)