Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Một tác phẩm mang đậm tính nhân văn


(05/10/2009 09:57:36)

Tác phẩm "Một nỗi đau chung-một khát vọng chung" đã lấy được số phiếu gần như tuyệt đối của 9 vị giám khảo vòng chung khảo. Đây là giải Nhất ảnh đơn.

            Bức ảnh còn được gọi với chú thích "Cuộc gặp gỡ lương tri"- tôi thấy chú thích này ý nghĩa hơn - thoạt nhìn chắc nhiều người sẽ thấy thường thôi. Nhưng nếu xem kỹ lại sẽ thấy có cái gì đó, và nếu đọc chú thích ảnh thì sẽ thấy đây là một tác phẩm ảnh báo chí tốt, mang tính nhân văn cao cả. Tôi cũng đã bị tác phẩm này đánh lừa đôi chút.

            Có tác phẩm ảnh báo chí do chủ đề sự kiện rõ ràng và sự thể hiện của tác giả hoàn hảo nên chúng ta có thể hiểu và thấy ngay vấn đề của sự kiện mà tác phẩm phản ánh. Ngược lại, có những tác phẩm đòi hỏi khi xem chúng ta phải suy ngẫm, phải phân tích và đừng quên một phần của tác phẩm là chú thích ảnh. "Cuộc gặp gỡ lương tri" của Văn Sơn (Đà Nẵng) là như vậy. Nhìn vào bức ảnh, một bà mẹ già ôm lấy con khóc, cô con gái mặt chẳng hề biểu cảm gì ngoài chút có vẻ hơi sợ sệt. Nếu chỉ xem qua có thế thì tác phẩm rõ ràng chẳng để lại ấn tượng gì. Nhưng xem kỹ lại, suy ngẫm và phân tích thì chúng ta thấy cô con gái có vẻ không bình thường?, còn bà mẹ thì trông có vẻ sự đau khổ thể hiện sâu lắng trong phần nội tâm nhiều hơn? Và nếu lật xem chú thích của tác giả: Bà Yunko nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima, Nhật Bản, nghẹn ngào ôm cháu Lê Thị Hà nạn nhân chất độc da cam/điôxin ở Việt Nam. Chắc chắn rằng đến đây tất cả chúng ta đều thấy rõ tính sự kiện và tính nhân văn của tác phẩm.

            Tháng 10/2008, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra một cuộc gặp gỡ cảm động giữa 102 nạn nhân còn sống sót sau thảm họa bom nguyên tử mà 63 năm trước quân đội Mỹ đã ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, với những nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam mà đa số là các em nhỏ. Tác giả Văn Sơn - một nhà báo có kinh nghiệm - đã biết có cuộc gặp gỡ này và đã bám sát những nạn nhân người Nhật Bản đến từ Hiroshima. Văn Sơn kể lại: khi gặp những nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam, nhiều nạn nhận bom nguyên tử đến từ Nhật đã buông cây gậy chống để ôm các nạn nhân Việt Nam vào lòng trong những tiếng khóc nghẹn ngào, nhưng nhiều nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam thì ngây ngô, có khi còn mỉm cười đón khách lạ.

            Một phụ nữ đã nhiều tuổi người Nhật Bản từng chứng kiến và chịu đựng thảm họa của bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945, lúc đó bà còn rất nhỏ tuổi. Đến nay, bà vẫn mang những di chứng của thảm họa này. Bà rất hiểu nỗi đau mình đã và vẫn đang phải chịu đựng, nhưng bà hiểu hơn và đau xót hơn khi thấy cái vẻ ngây ngô không bình thường của em bé gái Việt Nam. Bà biết em gái đó chẳng có tội gì, em cũng không phải tiếp xúc trực tiếp với cái thứ chất độc giết người quân đội Mỹ đã rải xuống làng mạc Việt Nam. Nhưng chất độc ấy đã thấm vào cha mẹ em để khi em được sinh ra trên đời thì thứ chất độc ấy làm em ngây dại như thế. Bức ảnh đã làm cho tất cả những ai có lương tri phải động lòng trắc ẩn.

            Nhiều giám khảo đã bắt lỗi tác phẩm này ở bố cục, trong đó có tôi. Giá như Văn Sơn lấy thêm một chút nữa khuôn hình ở phần dưới thì bức ảnh sẽ hoàn chỉnh hơn. Nhưng tôi biết hôm đó chắc chắn Văn Sơn vừa chạy, vừa chụp lại còn phải chen vai với các phóng viên khác nữa chứ. Thế thì việc anh chụp được bức ảnh ở khoảnh khắc cảm động như thế, tôi cho đã là một thành công rồi. Cái từ "giá như" mà tôi nói ở trên đã mờ đi so với hiệu quả mà nội dung tác phẩm mang lại: TÍNH NHÂN VĂN CAO CẢ.

Nguyễn Thắng
Theo Nội san Thông tấn số 9/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thời cơ và thách thức! (05/10/2009 09:44:09)

Philip Jones Griffiths, người bạn lớn của các nạn nhân da cam Việt Nam (31/08/2009 15:37:20)

Kiến thức thông thường giúp bạn phòng chống cúm A(H1N1) (31/08/2009 15:34:52)

Nghệ sĩ Phạm Thính và bức ảnh "Cầu Người" (31/08/2009 15:27:27)

Làm báo, đừng ngại hỏi! (31/08/2009 15:18:46)

Phối hợp để nâng cao chất lượng và cạnh tranh thông tin (31/08/2009 15:04:54)

Kết quả bước đầu thực hiện dự kiến đưa tin hàng ngày (31/08/2009 15:03:35)

Đào tạo phóng viên ảnh báo chí hiện nay (31/08/2009 14:58:36)

Để có chỗ đứng trong dòng sự kiện (11/08/2009 09:04:32)

Cái tôi trong nghệ thuật nhiếp ảnh (11/08/2009 08:55:21)