Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Nghệ thuật nhiếp ảnh và cơ chế thị trường


(05/10/2009 10:22:53)

Khi nhìn vào những bức ảnh, chúng ta có thể cảm nhận được không khí của một thời đại đã qua. Không khí đó thấm vào tâm hồn chúng ta. Trong vô vàn cung bậc cảm xúc thì cái đáng giá nhất, ấn tượng nhất, chính là ta đang vượt ra ngoài dòng chảy của thời gian. Và chúng ta có thể nhìn thấy cuộc đời mình đang trôi qua như thế nào, một cách cụ thể và không trừu tượng. Đó chính là sứ mạng của nhiếp ảnh.

            Trong dịp kỷ niệm 140 năm ngày Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, chúng ta lại có dịp nhìn lại nhiếp ảnh như một phương tiện ghi chép và sáng tạo. Nhưng đồng thời chúng ta còn được nhìn nhận nghệ thuật nhiếp ảnh từ góc độ cơ chế thị trường. Nói đúng hơn, chúng ta có thể định giá tác phẩm nhiếp ảnh từ góc độ một sản phẩm hàng hoá. Có thể nếu điều này phát biểu ít năm trước đây sẽ làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng hôm nay nhiếp ảnh là một sản phẩm hàng hoá không còn là điều gì mới.

            Cơ chế thị trường đã làm nghệ thuật nhiếp ảnh hoà nhập vào cuộc sống một cách tự nhiên và phù hợp với thời đại. Nghệ thuật chụp ảnh quảng cáo đã có từ lâu trên thế giới, nhưng với chúng ta thì ảnh quảng cáo là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Rất nhiều người trong chúng ta đang học nó từ những chữ cái đầu tiên. Chúng ta mới làm quen với cách đặt chữ, tìm sự tương phản, tìm sự cân bằng sắc thái, tìm những ý tưởng sáng tạo trong bước đi mầy mò của mình, và trong quá trình tìm tòi đó, nhiều người đã ngộ rằng những tìm tòi kỹ thuật của mình là nghệ thuật. Chúng ta không ngạc nhiên khi nghệ thuật nhiếp ảnh đang chiếm lĩnh những trang quảng cáo của các tờ báo. Nhiếp ảnh đã thật sự chiếm một phần khá quan trọng trong công việc quảng cáo. Và các nhà thiết kế của chúng ta hôm nay sống nhờ nhiếp ảnh cũng khá nhiều.

            Ngoài lĩnh vực ảnh quảng cáo, chúng ta có thể nói tới nhu cầu về ảnh lịch, ảnh bìa cho các tạp chí, các số báo đặc biệt, những tờ gấp phục vụ cho một công chúng đặc thù nào đấy. Thực chất, cơ chế thị trường đã tạo ra những nhà nhiếp ảnh ít nhiều có thể kiếm sống bằng dịch vụ ảnh: săn tin, bán tin, bán các phóng sự cho các tạp chí. Nhưng cũng có thể đó là những nhà nhiếp ảnh chuyên bán ảnh lịch hàng năm. Trong những năm gần đây, dịch vụ ảnh lịch có phần chững lại, nhưng việc bán ảnh gần như không giảm mà còn tăng lên. Và đương nhiên số phóng viên tự do, nhà nhiếp ảnh tự do cũng tăng lên.

            Cơ chế thị trường cũng tạo ra nhu cầu làm an-bum ảnh cưới chất lượng cao. Người chụp phải nâng cao trình độ mới có thể chụp ảnh cưới phù hợp với nhu cầu thị trường. Giờ đây những nhiếp ảnh gia có nghề với trang bị máy móc tốt sẽ có việc nhiều hơn, thu nhập nhiều hơn so với những người tay nghề thấp, không tiếp cận những kỹ thuật dịch vụ mới. Như vậy, người chụp ảnh cũng tự hình thành nhu cầu đổi mới suy nghĩ của mình.

            Nói như vậy để thấy rằng cơ chế thị trường đã tác động rất nhiều tới nghệ thuật nhiếp ảnh, nó không thay đổi bản chất của sự sáng tạo nhưng nó thay đổi quan niệm, cách làm việc, tạo ra sự năng động, đưa ra những đòi hỏi với người chụp ảnh.

            Cơ chế thị trường đi vào nghệ thuật nhiếp ảnh một cách tự nhiên và phù hợp với thời đại. Nói tới cơ chế thị trường thường thì chúng ta nghĩ tới tác động của đồng tiền với nghệ thuật. Điều này có phần đúng. Nhưng kinh nghiệm hoạt động nhiều năm cũng chỉ cho chúng ta thấy rằng tài năng trong nghệ thuật nói chung và trong nhiếp ảnh nói riêng không chỉ phụ thuộc vào đồng tiền. Một cái duyên với nhiếp ảnh không chỉ phụ thuộc vào người Mạnh Thường Quân đỡ đầu cho nghệ thuật hoặc cá nhân nào đó. Đồng tiền quả là có sức mạnh ghê gớm trong việc tạo ra hoặc kích hoạt một cái gì đó. Nhưng tài năng thì lại nằm ở quyết định của những cá nhân nghệ thuật. Định hướng, sự lựa chọn, phần may mắn, ngẫu nhiên cũng như những cơ hội được tận dụng. Những hội hoặc hiệp hội có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng, nhưng quyết định của một cá nhân có thể làm thui chột hoặc nảy nở thêm một tài năng.

            Mọi chuẩn mực đối với nghệ thuật đều có tính tương đối. Và với một công chúng luôn thay đổi, nghệ thuật cũng phải tuân theo những quy luật nhất định. Những tác phẩm nằm ở vùng an toàn chưa chắc đã là tác phẩm hay, nhưng chúng có ý nghĩa với sự chuyển tiếp. Sáng tạo nghệ thuật trong cơ chế thị trường cũng phụ thuộc nhiều vào thị hiếu công chúng và cá tính sáng tạo. Nghệ thuật tạo ra công chúng và đến lượt mình công chúng lại đòi hỏi nghệ thuật. Sự lặp lại trong nhiếp ảnh cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào và với bất cứ ai. Tính đại chúng của nhiếp ảnh cũng dễ tạo ra sự nhàm chán. Trong khi đó quy luật của sáng tạo luôn nằm trong vòng bí ẩn. Mỗi người bán ảnh cũng có những đối tượng riêng của mình và có những lúc họ trở nên kẻ bán hàng tẻ nhạt. Chính cơ chế thị trường lại có cái tiềm ẩn ấy. Để có tiền, nghệ sĩ có lúc trở thành con thiêu thân và sự cám dỗ là rất lớn.

            Trong nghệ thuật chúng ta cũng phải chú trọng tới vai trò của các cơ quan có tính chất Nhà nước. Tiêu đồng tiền của nhân dân, chúng ta đang tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và thẩm mỹ của công chúng. Nhân dân đòi hỏi những tác phẩm phải xứng đáng với đồng tiền, bát gạo bỏ ra. Dù tiền đầu tư cho nghệ thuật chưa thực là lớn, chúng ta cũng đều thấy sự ưu việt ấy trong quá trình phát triển của nhiếp ảnh. Sự nghiệp nhiếp ảnh trở thành một phần công việc giáo dục thẩm mỹ của Nhà nước với sự hợp tác của các nhà nghệ thuật.

            Nhân kỷ niệm 140 năm ngày Đặng Huy Trứ đưa nghệ thuật nhiếp ảnh vào Việt Nam, những phát biểu này của chúng tôi cũng là nhằm đánh giá đúng hơn những đóng góp thầm lặng, vô tư của bao nhiêu nhà nhiếp ảnh với sự nghiệp xây dựng văn hoá của nhân dân ta. Nhìn nhận được tính ưu việt cũng như sự hạn chế của cơ chế thị trường sẽ giúp chúng ta có được niềm tin vào công việc, khắc phục được những khó khăn và tìm cách vượt qua những định kiến để hoạt động nghệ thuật một cách lành mạnh và hữu hiệu hơn. Đồng thời, chúng ta cũng hy vọng rằng giới nhiếp ảnh sẽ để lại những dấu ấn lịch sử và nghệ thuật thực sự trong sự phát triển của văn hoá và sẽ có sự đóng góp xứng đáng với nền văn hoá Việt Nam.

Vũ Đức Tân (Trưởng ban lý luận phê bình Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam)
Theo Nội san Thông tấn số 9/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải báo chí TTXVN năm 2009 Có giải cao, nhưng... (05/10/2009 10:08:17)

Một tác phẩm mang đậm tính nhân văn (05/10/2009 09:57:36)

Thời cơ và thách thức! (05/10/2009 09:44:09)

Philip Jones Griffiths, người bạn lớn của các nạn nhân da cam Việt Nam (31/08/2009 15:37:20)

Kiến thức thông thường giúp bạn phòng chống cúm A(H1N1) (31/08/2009 15:34:52)

Nghệ sĩ Phạm Thính và bức ảnh "Cầu Người" (31/08/2009 15:27:27)

Làm báo, đừng ngại hỏi! (31/08/2009 15:18:46)

Phối hợp để nâng cao chất lượng và cạnh tranh thông tin (31/08/2009 15:04:54)

Kết quả bước đầu thực hiện dự kiến đưa tin hàng ngày (31/08/2009 15:03:35)

Đào tạo phóng viên ảnh báo chí hiện nay (31/08/2009 14:58:36)