Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Một chuyến Tây Giang


(15/10/2009 16:10:42)

Đời phóng viên là những chuyến đi xa. Mỗi chuyến đi là một câu chuyện, buồn có, vui có. Có những chuyện ta muốn quên đi cho thật nhanh, nhưng cũng có những chuyện dẫu không cố níu kéo nhưng mãi mãi trở thành kỉ niệm đẹp theo suốt cả cuộc đời. Ví như chuyến đi công tác ở Tây Giang (Quảng Nam) hồi cuối tháng Tư trong năm. Chuyến đi cho tôi biết thế nào là những cung đường Hồ Chí Minh lịch sử, và đó cũng là chuyến đi làm chuyên đề nhanh nhất, thú vị nhất trong năm nay của tôi.

            Theo kế hoạch thì chuyến ấy, anh Nguyễn Thắng, Phó Tổng biên tập, vào Đà Nẵng để bàn với Cơ quan đại diện Đà Nẵng về việc mở Văn phòng đại diện của Báo ảnh Việt Nam ở miền Trung. Tôi và Phùng Nam Sương, phóng viên ảnh tập sự, được cử đi cùng để làm chuyên đề về đường Hồ Chí Minh, chuẩn bị cho số báo đặc biệt kỉ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn lịch sử.

            Vào đến Đà Nẵng, chúng tôi đón thêm anh Vũ Công Điền (lúc ấy vẫn là phóng viên của Ban BT-SX ảnh báo chí) và anh Lê Hải cùng đi.

            Tháng Tư, đường lên Tây Giang thật đẹp, quanh co theo các sườn núi. Những cánh rừng trảu nở hoa trắng lưng trời. Khi xe còn cách thị trấn Tây Giang chừng 20 cây số, anh em dừng lại nghỉ trên đường Hồ Chí Minh, chụp mấy bức ảnh rừng hoa trảu. Gặp một gia đình Cờ-Tu sống bên đường, nhìn cảnh hai vợ chồng trẻ lấm lem xốc nách đứa con nhỏ oặt ẹo trên tay, anh em lục ví tặng họ chút tiền mua gạo cho con. 5 giờ chiều thì đến Tây Giang, nhận phòng, tắm rửa vừa xong trời đã tối mù. Ngồi nghỉ độ dăm phút đã thấy mấy anh bên Huyện uỷ sang gọi đi ăn cơm.

            Bữa gặp mặt đầu tiên, anh em chúng tôi tuy cũng thuộc vào hàng "hảo tửu", nhưng gặp các bác ở Tây Giang thì cứ gọi là ngả mũ chào thua. Thứ rượu ba kích đặc sản của vùng này nhàn nhạt dễ uống nhưng ngấm lâu nên say tợn. Đêm về mệt quá, cứ tưởng không dậy nổi, vậy mà mới 5 giờ rưỡi sáng hôm sau đã thấy "ông trưởng đoàn" Thắng kéo chăn gọi. Suốt mấy hôm, cái điệp khúc ngày đội nắng leo núi, tối về lại bị các bác Cờ-Tu phục rượu ba kích cứ thế đều đặn diễn ra. Biết là chịu không thấu nhưng cũng đành, cái tục ở Tây Giang nó thế, bà con có thương mới mời uống rượu, mình mà chối thì mất lòng, không khéo lại hỏng cả việc.

            Có một chuyện cũng đáng nhớ, đó là cái hôm chúng tôi đi với anh Nguyễn Hữu Sáng, Bí thư Huyện uỷ Tây Giang, lên thôn P’ning thăm già Clâu Nâm, một ông già Cờ-Tu đánh giặc có tiếng thời chống Mỹ (nghe nói tỉnh đang đề nghị Trung ương phong cho ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang). Mới ngồi được một chút, chưa kịp hỏi han gì ông đã sai cậu con trai đi lấy rượu đãi khách. May mà anh Sáng can kịp chứ không bữa ấy anh em chúng tôi hết đường về. Lúc chia tay bịn rịn vô cùng, ai ông cũng ôm, cũng vỗ về như thể tiễn đưa những đứa con của núi rừng về với xuôi.

            Mấy ngày ở Tây Giang rồi cũng nhanh chóng qua đi. Hôm ra về, mấy anh em tôi ai nấy đều bơ phờ, rã rời vì mệt. Mệt vì cái nắng cái gió như thiêu như đốt của Tây Giang, mệt vì những cuộc leo núi thở ra đằng tai, và cũng mệt vì hơi men ba kích của đồng bào Cờ-Tu... Nhưng bù lại chuyến ấy chúng tôi thu được kết quả khá mĩ mãn, và thấy thật hạnh phúc với tình cảm nồng ấm mà và bà con Tây Giang dành cho mình.

            Cho đến tận giờ tôi vẫn nhớ như in cái buổi chiều chia tay Tây Giang về xuôi. Xe đi đã lâu, ngoái đầu nhìn lại, trong bóng chiều, mấy anh em Tây Giang vẫn đứng đó vẫy tay chào cho đến tận khi không còn nhìn thấy bóng nhau nữa. Cái cảm giác ấy thật lạ, vừa lưu luyến, vừa man mác buồn, lại vừa thấy ấm cúng đến khó quên. Cái tình của con người xem ra thật lạ, chỉ là một chuyến công tác ghé qua ở chơi với nhau dăm ba ngày ngắn ngủi chứ có phải ăn đời ở kiếp với nhau đâu, ấy vậy mà lưu luyến đến lạ kỳ. Thế mới biết, anh em Báo ảnh thời nào cũng thế, đi đến đâu cũng được dân quý, dân thương.

            Về đến nhà, cảm hứng trào dâng tôi viết liền một mạch xong luôn chuyên đề "Đường về phố núi Tây Giang". Nay ngẫm lại thấy đó là cái chuyên đề tuy so ra thì chẳng bằng ai nhưng tự mình thấy ưng ý nhất và làm nhanh kỷ lục, mất có một tuần, trong khi những chuyên đề khác thường phải cày đi xới lại cả tháng, thậm chí có cái phải mấy tháng trời mới xong. Chuyên đề "Đường về phố núi Tây Giang" vừa viết xong, các anh trong Ban Biên tập giao thêm cho tôi hai cái nữa, đó là bài "Huyền thoại một con đường" và bài "Vị tướng mang bí số 601". Cả ba bài gộp lại thành một chuyên đề đầy đặn về câu chuyện một con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh. Chùm ba bài này được chọn gửi dự thi Giải báo chí TTXVN 2009 và may mắn đoạt giải C thể loại tin-bài Đối ngoại. Vậy là thêm một kỷ niệm đáng nhớ.

            Thế mới biết, đời người là những chuyến đi, mỗi chuyến đi là một câu chuyện, chẳng chuyện nào giống với chuyện nào, nhưng tất cả đều để lại trong lòng mỗi người những kỉ niệm đẹp và cả những trải nghiệm đáng quý. Âu đó cũng là cái diễm phúc của những người làm báo, nhất là cánh phóng viên Báo ảnh Việt Nam như anh em chúng tôi.

Thanh Hoà
Theo Nội san Thông tấn, số 10-2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

"ThÃƠng tin ẢỔáỪỔi ngoáỨắi cáỨận mang hẳắi tháỪỲ cuáỪỎc sáỪỔng ẢỔẳồẳắng ẢỔáỨắi" (15/10/2009 16:01:03)

Báo Thể thao&Văn hoá: "Trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ hai" (05/10/2009 11:03:04)

Sử dụng chất liệu văn học trong tác phẩm báo chí (05/10/2009 10:30:37)

Tôi đi phát hành báo Tin Tức (05/10/2009 10:25:36)

Nghệ thuật nhiếp ảnh và cơ chế thị trường  (05/10/2009 10:22:53)

Giải báo chí TTXVN năm 2009 Có giải cao, nhưng... (05/10/2009 10:08:17)

Một tác phẩm mang đậm tính nhân văn (05/10/2009 09:57:36)

Thời cơ và thách thức! (05/10/2009 09:44:09)

Philip Jones Griffiths, người bạn lớn của các nạn nhân da cam Việt Nam (31/08/2009 15:37:20)

Kiến thức thông thường giúp bạn phòng chống cúm A(H1N1) (31/08/2009 15:34:52)