Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tìm hiểu báo chí

Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2009) SPOUTNIK, cuốn giáo khoa của tôi


(27/11/2009 09:21:04)

Mỗi năm cứ tới độ này, những cơn gió heo may lại thổi lên một nỗi nhớ trong tôi. Nhớ Thu Vàng của tranh Lê-vi-tan, nhớ những bài hát Nga đắm say lòng người:

Trở về nơi đây ngoại ô Mát-xcơ-va

Cỏ dại đưa hương bay theo làn gió.

Nơi đây trời mây như lên tiếng nói cười

Tiếng nói thân thương đắm say bao người.

Ôi nước Nga, ôi nước Nga

Dạt dào cạnh bờ từng cơn sóng vỗ.

Ôi nước Nga, ôi nước Nga

Sông núi thắm tươi, nước Nga của ta!

            Và nhớ tới Cách mạng tháng Muời Nga. Hải đăng của cách mạng thế giới thắp sáng Cách mạng thu tháng Tám 1945 Việt Nam.

            Viết gì cho nỗi nhớ của mình năm nay nhỉ, tôi tự hỏi. Sự lãng mạn không còn nhiều khi bước vào tuổi tóc tiêu muối từ mấy năm nay. Bỗng như có một sự mách bảo, tôi nhìn lên giá sách ở nhà, và mắt dừng lại chỗ những cuốn tạp chí Spoutnik nhỏ bé, khiêm tốn đứng nép sát nhau bên những cuốn sách kềnh càng. Lọc đi lọc lại, tôi đã giữ lại chừng chục số xuất bản rải rác trong những năm 1985-1990. Nghĩa là chúng nằm ở đó một phần tư thế kỷ rồi.

            Spoutnik cho hiểu biết

            Khó có thể nói hết sự gắn bó của tôi với tờ tạp chí nhỏ bé này (13 x 18cm), chừng bằng nửa khổ của tờ Báo ảnh Việt Nam của Thông tấn xã mà thôi. Bạn thử nghĩ mà xem, khi nước ta xếp hàng dài mua thực phẩm bằng tem phiếu thì đời sống tinh thần bị thu nhỏ đến chừng nào, lấy đâu ra nhiều sách vở cùng với internet bùng nổ như bây giờ. Tôi đặt mua Spoutnik bản tiếng Pháp, đều đặn suốt những năm 80 qua hệ thống phát hành Xunhasaba tại Hà Nội. Thuộc quyền quản lý của hãng APN, Spoutnik ra bằng 7 thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha, Hinđi và Nga. Và Spoutnik đã đồng hành cùng tôi, giúp tôi tiếp tục học tiếng Pháp sau khi ra trường. Có thể nói toà soạn Spoutnik có những người biên dịch tiếng Pháp thật là cừ. Điều này cũng dễ hiểu, tôi thích thú ngầm giải thích, có lẽ họ là hậu duệ của những nhà quý tộc Nga xưa kia, quý tộc phải nói tiếng Nga chêm tiếng Pháp thì mới quý tộc. Văn học Nga đã chẳng cho ta thấy triều đình của Pi-ốt Đại đế, Nữ hoàng Ê-ka-tê-ri-na II... là phản chiếu phong cách của giới thượng lưu Pa-ri hoa lệ đó sao?!

            Với Spoutnik, tôi có 3 cái "được": Học tiếng Pháp- một thứ tiếng Pháp chuẩn mực mang hương vị Nga-la-tư, nuôi dưỡng tình yêu nước Nga và cập nhật những từ vựng thời sự chính trị-xã hội chưa được học ở trường, phục vụ thiết thực những năm tháng làm biên dịch tại Tiểu ban tiếng Pháp- Ban đối ngoại TTXVN. Thật thú vị đôi khi bắt gặp trong Spoutnik những cách chơi chữ rất Pháp, tỉ dụ như câu : L’habit ne fait pas le moine, trong tiếng Việt nghĩa đen là "quần áo không làm nên thầy tu", nghĩa bóng là "hình thức chưa chắc đã thể hiện bản chất" thì một bài xã luận hẳn hoi trong số tháng 12/1988 có cái tít: L’avis ne fait pas le moine, phê bình những người làm ra vẻ dân chủ mà không hề thực hiện dân chủ, lời nói không đi đôi với việc làm. Hai câu trên chỉ khác nhau từ habit (quần áo) và avis (ý kiến), gần như đồng âm khi đọc. Cái tít hay lôi ngay ta vào bài.

            Spoutnik có những chuyên mục Xã luận của Tổng biên tập; Cải cách, Dân chủ; Nhân vật, Thời cuộc và Sự kiện; Mở cửa sổ nhìn ra thế giới; Khám phá đất nước; Giáo dục; Văn hoá-Nghệ thuật; Văn học; Ẩm thực..., thay đổi tuỳ mỗi số. Mục nào cũng đặc sắc, hấp dẫn, xứng với dòng chữ chạy ngang dưới tên báo trên bìa Một: Digest de la presse soviétique, tức là những chắt lọc hay của báo chí Liên Xô. Bài vở, tin, ảnh in ấn đẹp, chất lượng, bổ sung cho nhau. Tôi theo Spoutnik đến cảng Au-xtra-khan bên bờ biển Cát-xpi, lên cực Bắc, theo đoàn tàu nhanh "Rossiia" đến thăm viễn Đông Kha-ba-rốp xa xôi...

            Liên Xô là một cường quốc hàng đầu về chinh phục vũ trụ. Vào dịp này cách đây 52 năm, ngày 4/10/1957, lần đầu tiên con người bước vào công cuộc chinh phục vũ trụ với vệ tinh nhân tạo Spoutnik của Liên Xô. Mang tên Vệ tinh, tạp chí cho tôi những hiểu biết sơ lược về vận hành tên lửa, việc huỷ các hệ thống tên lửa theo các Công ước quốc tế ký kết giữa các cường quốc quân sự, bảo vệ hoà bình thế giới. Tạp chí chính là một cuốn giáo khoa giúp tôi mở mang đầu óc và tích luỹ từ vựng cho tin, bài thông tấn, lúc đó và cả những năm gần đây khi nói về xây dựng nhà máy điện nguyên tử tương lai ở nước ta.

            Spoutnik cho kinh nghiệm làm báo

            Bây giờ, khi cầm lại những tờ Spoutnik cũ vàng trên tay, tôi bỗng nhận ra đó chính là những số báo hiệu mùa thu - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng-, của cuộc đời Liên bang Xô-viết trước khi bị sụp đổ vào năm 1991. Spoutnik phản chiếu những biến chuyển to lớn đến tận gốc rễ của chế độ liên bang đa sắc tộc. Tạp chí có khoảng 180 trang đổ lại, nhưng các chuyên mục về cải tổ, công khai, dân chủ mang tên Perestroika, Glasnost, Démocratie (những từ ngữ đó mặc nhiên được Việt hoá, đi vào đời sống xã hội-chính trị của nước ta và các bản tin TTXVN những năm đó cũng dùng rất nhiều) chiếm tới gần nửa số trang trong nhiều số báo, thể hiện quá trình dân chủ hoá diễn ra mạnh mẽ ở Liên Xô dưới thời tổng thống Góc-ba-chốp. Đặc biệt, các số những năm 1988-1990 đã lật lại nhiều trang lịch sử của đất nước này theo một cách hoàn toàn khác với các mà tôi, cũng như nhiều người Việt Nam khác, được biết về nước Nga và Liên Xô trước đó, thậm chí làm tôi hoang mang, ví dụ việc "hạ bệ Sta-lin, công khai những hồ sơ mật của Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB), những diễn thuyết phản biện xã hội cực sốc, v.v. Đọc lại một số bài của Spoutnik dưới góc độ người làm báo, tôi rút ra một bài học về tính phát hiện và định hướng thông tin mà khi còn trẻ tôi chưa thể nhận ra (thực ra hồi đó vấn đề định hướng thông tin chưa đặt ra cho từng cá nhân phóng viên, biên tập viên cao như bây giờ). Tôi cho rằng những người làm báo Liên Xô nói chung, làm Spoutnik nói riêng thời đó đưa tin cải tổ, mở rộng dân chủ một cách rất đa dạng, nhiều chiều nhưng quá đà về liều lượng thông tin, xử lý cũng không phù hợp. Một thông tin mang tính phát hiện quá sớm, quá mới hoặc quá lạ lùng, nếu đưa ngay, đưa dưới dạng thô, cho một xã hội chưa được chuẩn bị đón nhận thì có thể gây sốc, làm xáo trộn và thậm chí gây hỗn loạn xã hội. Và cả những người làm báo, nếu chưa được chuẩn bị cũng sẽ viết những bài góp phần vào sự rối ren, làm công chúng hoang mang trước những mũi tên thông tin bay loạn xạ. Và Liên Xô sụp đổ.

            Mùa thu tháng Mười lại đến. Tôi viết để hoà cảm xúc của mình vào dàn đồng ca tình yêu quê hương Cách mạng tháng Mười ở TTXVN. Trái tim vẫn ấm nóng, nhưng cái đầu làm báo thì phải "lạnh", tỉnh táo để làm ra những véc-tơ thông tin tốt lành cho xã hội, Spoutnik hôm nay nhắc tôi thêm như vậy.

Minh Trang
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Philip Jones Griffiths, người bạn lớn của các nạn nhân da cam Việt Nam (31/08/2009 15:37:20)

Nghệ sĩ Phạm Thính và bức ảnh "Cầu Người" (31/08/2009 15:27:27)

Chuýằ‡n bÃĂo chÃư thỏº¿ giỏằ›i (10/07/2009 09:36:57)

Lối thoát nào cho ngành báo in Mỹ? (02/06/2009 08:58:31)

Truýằn thông Mỏằạ lao Ä‘ao trong khỏằĐng húºÊng tài chÃưnh (11/05/2009 14:54:31)

Giải Ảnh báo chí thế giới 2009 đã có chủ (16/04/2009 14:51:00)

Thắp nén tâm nhang tiễn nhà báo Ba Đỗ - Nguyễn Văn Hạng (08/04/2009 09:37:07)

Một số địa chỉ báo chí Nga trên mạng (30/12/2008 19:28:56)

Nhà báo Đặng Kiên hơn 50 năm miệt mài (30/12/2008 18:58:37)

Ba Dân - Nhà báo của chiến trường (30/12/2008 18:55:34)