Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

10 giờ tác nghiệp cho 2 phút tivi


(27/11/2009 09:16:43)

            - Alô, chào chị. Ngày mai có việc ở Rennes đấy. Chị có đi được không?

            - Ok, đi được chứ, mai nhé. Tôi háo hức trả lời Laurent ở đầu dây bên kia.

            8 giờ rưỡi sáng hôm sau, tôi bước vào phòng làm việc của Laurent ở trạm truyền hình Ouest-France ở Nantes. Anh bạn đang chồm chồm trên chiếc ghế xoay. Lắc đầu, nhăn mặt, ngồi thừ ra, rồi lại chồm lên chiếc điện thoại bàn, bấm hết số này đến số khác. Alô, alô. Alô, alô... "Đợi một tẹo nhá", Laurent an ủi tôi.

            "Một tẹo" của Laurent là khoảng 2 tiếng đồng hồ gọi điện tứ tung tìm kiếm những địa chỉ cần. "Đi thôi", cuối cùng Laurent bảo tôi. 11h30’. Chúng tôi quơ áo khoác, lao xuống tầng một kiếm Bob. Người bạn thứ hai có dáng dấp một người Mỹ chính cống. Chắc cái tên Bob từ đó mà ra.

            Ba chúng tôi lên đường. Bob lái. Laurent ngồi cạnh. Cái lạnh tháng Tư tiêu vèo bữa sáng trong bụng. Đã đói thì lại rét, tôi ngồi thu lu dưới băng ghế rộng phía sau, chẳng buồn nhìn ngắm cảnh vật hai bên đường.

            Rennes là thủ phủ của vùng Bretagne miền Tây nước Pháp, cách Nantes chừng một giờ xe hơi. Sau một tháng rưỡi viết báo tại toà soạn Nantes của Ouest-France - một tập đoàn báo chí mạnh của nước Pháp-, tôi đề nghị muốn được "làm một số thứ khác nữa". Những người bạn Pháp vô cùng nhiệt tình, đã tổ chức cho tôi được làm báo ngày, báo tuần, thăm toàn bộ dây chuyền sản xuất báo in, và bây giờ là truyền hình. Ouest-France có giao kèo với kênh truyền hình trung ương France-Inter, cung cấp tin thời sự vùng cho chương trình 20h hàng ngày, thời lượng 1-2 phút.

            Trên đường đi, Laurent giải thích cho tôi: tháng trước, tại Rennes có tổ chức kỳ thi tuyển giáo viên dạy toán cấp trung học cho toàn vùng. Một xe chở giấy làm bài thi, mà là giấy kẻ ô vuông để thí sinh vẽ môn hình học, đến muộn nên một số phòng thi phải thi chậm lại và thí sinh được bù giờ làm bài. Nhưng sau đó Viện Hàn lâm Rennes bị kiện, các thí sinh khác cho rằng do thời gian làm bài không bằng nhau nên không công bằng, đòi huỷ kết quả chấm thi. Bây giờ chúng ta đến xem họ tổ chức lại kỳ thi đó như thế nào.

            Rennes giờ nghỉ trưa thưa vắng. Xe dừng lại trên phố, Laurent vào một của hiệu mua cho mỗi người một ổ bánh mì và một lon Coca-Cola. Tôi ngán ngẩm nhìn ổ bánh nguội nhưng vẫn hì hụi gặm. Để lấy sức làm buổi chiều. Làm gì còn sự lựa chọn nào tốt hơn, Rennes chứ có phải Hà Nội đâu mà ngã vào chỗ nào cũng có cái khoái khẩu. Cám ơn Laurent.

            1giờ20’. Bob lùi xe khỏi bãi điệu nghệ như trong phim Hollywood, rồ ga tiến thẳng về phía Viện Hàn lâm Rennes. Chúng tôi đến gặp một người theo hẹn. Trần đời chưa bao giờ tôi nhìn thấy ai tiếp phóng viên như cái ông ở Viện Hàn lâm Rennes này. Thượng nguyên đôi giày da trên bàn làm việc, ông ta trả lời phỏng vấn. Không phản ứng gì, cứ tự nhiên như không, Bob quay phim và Laurent ghi chép lời ông ta nói. Tôi cũng hý hoáy ghi chép theo. Sau đó ông ta dẫn đi gặp một vài người khác. Hỏi, quay phim, ghi chép. Hỏi, quay phim, ghi chép. Liên tục như vậy trong một căn phòng dài thun thút có nhiều người khẩn trương nhét giấy triệu tập thi vào những chiếc phong bì khổ rộng. Cho 3.000 thí sinh.

            Chúng tôi ra sân. Có nhiều toán sinh viên ở đó. Chắc họ là người ở Rennes hoặc gần đó. Ngoại trừ vài sắp xếp nho nhỏ tạo cảnh cho quay ngoài trời, ví dụ mời một toán sinh viên đi 2 lần từ cổng vào sân trong, còn mọi việc khác đều diễn ra tự nhiên như vốn có. Bob quay, Laurent ghi chép. Tôi cố gắng xem họ làm việc, giúp được cái gì là làm liền. "Nghĩ đến việc ôn thi lại là tôi thấy ớn cả người", một cô gái nhăn nhó. "Cả năm có mỗi kỳ nghỉ hè là dịp để kiếm ít tiền tiêu thêm thì lần này toi rồi", anh khác phàn nàn. "Bọn tôi còn đỡ chứ những người ở xa vất hơn, tiền tàu xe đến đây thi lại có ít đâu", các cô sinh viên phụ họa nhau trả lời. Bob hùng hục vác máy chạy khắp nơi. Laurent ghi kín một quyển vở học trò.

            Chừng 5 giờ chiều thì xong việc ở Rennes. Xe lao vù về Nantes. Vào studio dựng phim, làm việc tiếp. Chúng tôi xem lại những thước phim đã quay. Bob chọn, cắt. Chọn, cắt. Cảnh các nhân vật trực tiếp nói, cảnh với lời bình của Laurent xen kẽ nhau. Bob biên tập cảnh phim kỹ kinh khủng. Ở ngoài, Laurent nói nhỏ nhẹ, có lúc rè rè, ấy thế mà vào ca-bin lồng tiếng bỗng nhiên giọng trở nên chuẩn lạ. Bảo đảm 100% đài từ truyền hình. Phục quá!

            Mất đến hơn một tiếng đồng hồ dựng phim. Xem lại lần cuối cùng. Mở đầu phóng sự của chúng tôi là cận cảnh những chiếc phong bì to đang được nhồi giấy triệu tập thi lại. Bob nhấn nút. Púp! Tin đã lên vệ tinh. Xong thật rồi.

            Laurent lái xe đưa tôi ra tàu điện. Chúng tôi im lặng, thảnh thơi mệt. Sắp xuống bến tàu điện về nhà tôi mới rụt rè hỏi Laurent một thắc mắc giữ trong đầu từ nãy:

            - Laurent à, sao ta không nói đến thiệt hại tiền của Nhà nước cho việc tổ chức thi lại?

            - Cái đó đã có báo khác làm, hoặc làm lúc khác. Laurent trả lời.

            Tôi ngộ ra. 1-2 phút trên truyền hình không thể nói tất cả. Hôm nay, truyền hình Ouest-France đứng về phía người dân, phàn nàn những tắc trách của bộ máy hành chính. Truyền hình cũng như báo in, mỗi tin chỉ nói một góc độ, chỉ một góc độ vấn đề mà thôi.

            Sáng hôm sau tôi được nghỉ, chiều mới đi tiếp cùng Laurent và Bob một vụ việc mới. Tôi nằm trên giường không nhúc nhích, chân cẳng mỏi nhừ vì sải theo Laurent và Bob chiều qua. Với hai anh bạn thì đó là chuyện cơm bữa không nhằm nhò gì, còn với vóc tạng châu Á lại tập tọng học làm truyền hình như tôi thì quả là bở hơi tai, ấy là mới đi gần, làm việc dễ chứ đã phải trèo đèo lội suối gì cho cam. Lan man nghĩ, tôi bỗng thích thú nhớ lại những sinh viên Toán gặëp chiều qua, 3h chiều họ còn đứng trước mặt chúng tôi ở Rennes, thế rồi sau đó sau mặt mũi, chân tay họ biến thành ô vuông số hoá và bị "bắn" phi thiên lên vệ tinh quỹ đạo để rồi 8h tối "lộn nhào" xuống đài thu ở Pa-ri, ra mắt khán giả trên France-Inter 20h. Từ sáng đến tối, 10 giờ làm việc chỉ cho 1-2 phút trên tivi!

Phùng Minh Trang
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

ĐỊNH HÌNH MỘT HƯỚNG ĐI (27/11/2009 09:05:39)

Học nghề và rèn nghề (27/11/2009 08:49:14)

Phát động cuộc thi viết "Người Việt yêu hàng Việt" (15/10/2009 16:40:54)

Văn hóa công sở (15/10/2009 16:24:37)

Là phụ nữ có thiệt thòi chăng? (15/10/2009 16:22:37)

Bản tiếng Nhật, một trong các bản báo được truy cập nhiều nhất (15/10/2009 16:19:11)

Chất xúc tác giao lưu văn hóa và gắn kết các dân tộc trên thế giới (15/10/2009 16:17:11)

Viết cho độc giả nước ngoài còn khó hơn (15/10/2009 16:15:24)

Một chuyến Tây Giang (15/10/2009 16:10:42)

"ThÃƠng tin ẢỔáỪỔi ngoáỨắi cáỨận mang hẳắi tháỪỲ cuáỪỎc sáỪỔng ẢỔẳồẳắng ẢỔáỨắi" (15/10/2009 16:01:03)