Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Quan hệ giữa hình ảnh và lời thoại trong truyền hình


(04/01/2010 11:03:13)

Trình chiếu những con người thực sự tồn tại trong bối cảnh thật - đó là nhiệm vụ của báo chí. Để chuyển tải được ý tưởng, triển khai được chủ đề, không thể chỉ sử dụng hình ảnh. Thành tố quan trọng bậc nhất của các thể loại phim tài liệu truyền hình chính là lời thoại. Trong kịch bản truyền hình, những chức năng quen thuộc của lời nói, sứ mạng của lời nói có sự thay đổi quan trọng so với báo in.

            Lời thoại trên truyền hình, dù là lời nói trước ống kính hoặc sau ống kính, đều có tác dụng làm sống lại và phong phú thêm những sắc thái lời nói của con người. Lời thoại ấy được nhân cách hoá, mang những nét của chính hình tượng xuất hiện trên màn ảnh dù đó là người, đồ vật hay hiện tượng. Tất cả những điều đó đòi hỏi lời thoại phải "sống động", đáp ứng những yêu cầu thẩm mỹ đặc biệt mà các ấn phẩm khác không biết đến, hoặc đơn giản không cần thiết.

 

            So với điện ảnh, truyền hình cần lời thoại nhiều hơn

            Trong điện ảnh và trong truyền hình, lời thoại kết hợp với hình ảnh theo cách thức không giống nhau. Tác động của hình tượng hiển thị trên màn ảnh truyền hình không mạnh bằng tác động của hình tượng trên màn ảnh điện ảnh, do quy mô màn hình và đặc biệt do những điều kiện cảm thụ. Do vậy, hình tượng hiển thị trên truyền hình đòi hỏi phải có lời thoại để củng cố thêm, hiệu quả hơn. Lời thoại tăng cường sự cảm thụ, làm cho cảm thụ thêm sâu sắc, mở rộng ranh giới của cảnh quay, cung cấp chất liệu cho khán giả suy ngẫm.

            Trên truyền hình, mối quan hệ giữa lời thoại và hình ảnh rất phức tạp. Trong một số chương trình truyền hình tài liệu, các sự kiện không cần đến những lời bình luận dài dòng mà tự bản thân đã nói lên gần như tất cả. Trong bài viết của hai tác giả M. và I. Anđrônhicốp có nhắc đến một ví dụ: "Khuôn mặt của nhà du hành vũ trụ hiện lên trong hình ảnh lướt qua thu được từ quỹ đạo bay của nhà du hành ấy đã vượt lên trên mọi lời nói của thời điểm...". Tuy nhiên, cần lưu ý điều đó không xuất phát từ tính đặc thù của truyền hình mà chính từ tính chất đặc biệt của hiện tượng hoặc sự kiện được trình chiếu.

            Cần lưu ý rằng, vấn đề này không đặt ra với một câu trả lời dứt khoát: hình ảnh hay lời thoại, bởi lẽ không có hình ảnh thì không có truyền hình, mà chỉ có phát thanh. Vấn đề đặt ra là tính chất đặc thù của sự kết hợp giữa lời thoại và hình ảnh trong truyền hình so với trong điện ảnh. Rõ ràng khán giả truyền hình ưa cảm thụ lời nói. Phải chăng điều đó đã giải thích sự thành công của những thể loại truyền hình "có lời thoại" -những cuộc tranh luận, những cuộc gặp mặt, giao lưu. Dĩ nhiên, về nguyên tắc, có thể loại phim truyền hình không lời thoại nhưng những tác phẩm như vậy rất hiếm. Trong các bộ phim không lời thì khía cạnh tạo hình có tính chất co giãn và phải được phát triển rất mạnh để chuyển tải ý đồ của người làm phim đến với người xem.

            Tuy nhiên, chính lời thoại lại mở ra những triển vọng to lớn cho truyền hình. Ý nghĩ được diễn đạt bằng lời nói luôn vượt trội các phương tiện diễn đạt khác. Chúng tôi xin nhắc lại câu nói của N.A.Nhecraxốp: "... Không có ý nghĩ nào mà con người lại không thể buộc bản thân mình phải diễn đạt một cách rõ ràng và có sức thuyết phục người khác. Và tôi luôn luôn thấy khó chịu mỗi khi gặp phải câu nói "không có lời nào để nói lên...". Dấu hiệu này được thể hiện rộng rãi trong các chương trình truyền hình nghệ thuật - đó là thủ pháp đưa người kể chuyện vào, trực tiếp giao lưu với khán giả thông qua lời thoại.

            Khi nói đến quan hệ giữa lời thoại với hình ảnh trong truyền hình, cần đề cập một khía cạnh nữa của vấn đề. Chức năng diễn tả của lời thoại trong lĩnh vực phát thanh có ý nghĩa hàng đầu nhưng trong thể loại truyền hình trực tiếp lại bằng số không. Hậu quả của việc áp dụng những thủ pháp đầu tiên của ngành phát thanh và của báo chí vào truyền hình trong trường hợp này là sự cố gắng dùng lời thoại để mô tả những gì đang diễn ra để trút lên khán giả những dòng thác lời thoại đã cản trở khán giả xem truyền hình. Thật ra, người xem cũng tìm ra lối thoát khỏi tình thế này: tuỳ theo ý mình, khán giả tắt âm thanh đi, chỉ để lại hình ảnh.

 

            Đối thoại truyền hình: Phải thoải mái, thật tự nhiên  

            Nhờ có khả năng đến với mọi nhà nên truyền hình có một tính chất giao tiếp đặc biệt - từ màn ảnh truyền hình phát ra lời nói sống động. Tuy chúng ta không thể trả lời người đang có mặt trên truyền hình, song người ấy vẫn là người đối thoại của chúng ta ở mức độ lớn hơn là một người xuất hiện trên màn ảnh điện ảnh.

            Ngoài ra, những điều kiện xem truyền hình cũng quyết định mức độ tác động của truyền hình lên con người, quyết định cả giọng điệu lời thoại. Đặc thù của việc cảm thụ các chương trình truyền hình là khán giả được xem tại nhà, chính yếu tố này quyết định tính chất đặc biệt của lời thoại vang ra từ màn ảnh. Người nói trên màn ảnh truyền hình phải nói chuyện với khán giả, đối thoại với họ chứ không đơn giản làm công việc phát thanh. Cần thu hút đến truyền hình tất cả những ai có khả năng đối thoại thoải mái, tự nhiên, sinh động. Ngữ điệu, cử chỉ, điệu bộ đều có tác dụng nhấn mạnh và tăng cường tác động của lời thoại. "Tất cả cử chỉ của người nói - sự ngừng lại, những câu buông thõng, nụ cười, tiếng cười... có tác dụng mở rộng dung tích của lời thoại, phát huy được những sáng tạo mới về nội dung, khiến cho lời thoại rõ ràng, có sức truyền cảm", đó là ý kiến của I. Anđrốpnhicốp, một nghệ sĩ lớn trong lĩnh vực lời thoại.

            Lời thoại trên màn ảnh truyền hình nhất thiết phải đậm chất tâm tình, thiết thực (đặc tính này không phải luôn có trong lĩnh vực điện ảnh). Đồng thời, văn của lời thoại truyền hình cũng phải mang tính chất chính luận, tính công dân. Việc tuân thủ những điều kiện này hoàn toàn không đơn giản, nhưng nếu không thì chương trình truyền hình sẽ mất tính thuyết phục đi rất nhiều.

            Sự mô tả những phương tiện tạo hình và biểu cảm chủ yếu của truyền hình không nên xem là một giáo luật nào đó mà nếu bị vi phạm sẽ dẫn đến thất bại trong sáng tạo. Đây chỉ là sự giải thích và là bằng chứng về một sự thật: trong tay nhà báo truyền hình có một kho phương tiện diễn đạt tuyệt vời, hết sức phong phú mà các lĩnh vực văn học và cũng như phát thanh không thể có.

(Theo cuốn Báo chí Truyền hình, tập I của G.V.Cudơnhetxốp, X.L. Xvích và A.Ia.Iurốpxki, Nxb Thông tấn)

Theo Nội san Thông tấn, số 12-2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chúng tôi làm tinâẠẩ di động (04/01/2010 11:01:31)

Cải cách công tác tham mưu và tổng hợp, một đòi hỏi cấp thiết (04/01/2010 10:57:26)

Phân xã Kiên Giang thông tin tốt, nhưng chưa ấn tượng (04/01/2010 10:55:59)

PHÁT ĐỘNG GIẢI BIẾM HỌA BÁO CHÍ VIỆT NAM LẦN 2- CÚP RỒNG TRE (27/11/2009 10:19:56)

TRAO GIẢI CUỘC THI ẢNH "VIỆT NAM - ĐẤT NƯỚC - CON NGƯỜI" (27/11/2009 10:17:32)

Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2009) SPOUTNIK, cuốn giáo khoa của tôi  (27/11/2009 09:21:04)

10 giờ tác nghiệp cho 2 phút tivi (27/11/2009 09:16:43)

ĐỊNH HÌNH MỘT HƯỚNG ĐI (27/11/2009 09:05:39)

Học nghề và rèn nghề (27/11/2009 08:49:14)

Phát động cuộc thi viết "Người Việt yêu hàng Việt" (15/10/2009 16:40:54)