Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Một số nhà báo tuổi Canh Dần


(08/02/2010 15:39:33)

Năm 2010 đã đến. Những nhà báo sinh năm Canh Dần (1950) với trải nghiệm trên dưới 40 năm trong nghề, đã cùng với các thế hệ đi trước góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của TTXVN. NSTT có cuộc trò chuyện với một số nhà báo bước vào tuổi lục tuần trước thềm Xuân.

            VIỆC GÌ CŨNG CÓ DỄ, CÓ KHÓ

            Nguyễn Các từng giữ nhiều cương vị ở các đơn vị thông tin khác nhau. Anh chia xẻ với bạn đọc NSTT về những khó khăn, thuận lợi trong điều hành tác nghiệp, đáp ứng nhu cầu thông tin cho bạn đọc trong quá trình công tác của mình:

          

Không có việc gì là dễ dàng, cũng chẳng có việc gì toàn là khó khăn cả, ai cũng biết thế. Nhưng ở mỗi cương vị, mỗi cá nhân với từng công việc nhất định, nếu thấy được lợi thế, lường hết khó khăn để có cách xử lý thích hợp thì vẫn có thể thu được kết quả và hiệu quả nhất định. Với tôi cũng vậy, qua 40 năm làm báo với những công việc phóng viên, biên tập viên, quản lý lãnh đạo các tờ báo Tin tức Buổi chiều, Tin tức rồi bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi, tôi cũng trải qua nhiều khó khăn, thuận lợi và đã tìm được cách xử lý thích hợp trong từng hoàn cảnh, công việc cụ thể để có được thành công.

            Với lợi thế "lấp khoảng trống thông tin" mà các báo buổi sáng không đáp ứng kịp, báo Tin tức Buổi chiều khi tôi làm Tổng biên tập đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, nhất là ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Nhưng cái khó là phải tạo được nguồn tin "nóng", đó cũng là lẽ sống còn của tờ báo. Với sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan, sự ủng hộ của các đơn vị và tổ chức tác nghiệp hợp lý của tòa soạn, tờ báo đã đáp ứng yêu cầu đó và có một thời kỳ "nổi đình đám".

           Khi tôi ở cương vị Tổng biên tập tờ báo Tin tức, khó khăn càng nhiều lên trước sức ép của bạn đọc về yêu cầu thông tin, đòi hỏi của cấp trên về tính hiệu quả thông tin, phát hành, làm sao bán được nhiều báo, giảm bớt sức ép về thu, chi tài chính. Trước những nhiệm vụ đó, tôi và tập thể Ban biên tập đã chủ động đề ra các biện pháp cụ thể, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát huy lợi thế tờ báo chính thống của ngành. Tôi còn nhớ thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh hoặc vụ tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001, bạn đọc đổ xô đi tìm đọc Tin tức, số lượng phát hành có ngày lên đến gần 300.000 bản.

            Hiện nay tôi làm Tổng biên tập bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi, những thuận lợi, khó khăn trong công tác điều hành tác nghiệp để đáp ứng yêu cầu thông tin cho độc giả đồng bào dân tộc thiểu số vẫn song hành. Tuy sức ép về bán báo, về lỗ lãi không còn vì báo phát hành miễn phí, khối lượng công việc cũng đã giảm nhiều, nhưng nhiệm vụ chính cũng không hề đơn giản: tuyên truyền để đồng bào nắm bắt kịp thời đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, ngoài thông tin thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thì các gương xóa đói giảm nghèo, làm giàu, các phong tục, tập quán tốt... cần phải có trên báo và viết sao cho thuyết phục và để bà con hiểu và làm theo.

            Để bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi trụ vững và có sức lan tỏa trong lòng bạn đọc thì ngoài việc cần cải tiến nội dung, trang mục, cách trình bày, chọn ảnh đẹp thì phải tăng nhiều nội dung từ cơ sở, từ vùng sâu, vùng xa về những tấm gương điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực: xóa đói giảm nghèo, làm giàu, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa mới, bảo vệ an ninh biên giới... Tòa soạn đặt chỉ tiêu mỗi tháng một chuyến công tác nhưng vẫn khó thực hiện vì lực lượng mỏng, phương tiện có hạn, khó khăn tài chính...

            Một vấn đề quan trọng trong chuyển tải thông tin là phải dùng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc. Đến nay, Tòa soạn có 7 ấn phẩm thì 5 xuất bản bằng tiếng dân tộc, cụ thể là phục vụ cộng đồng Khơ-me Nam bộ, các dân tộc Ê-đê, Gia-rai, Ba-na ở Tây Nguyên, người Chăm ở Bình Thuận, Ninh Thuận. Làm được việc này cũng là phát huy lợi thế của tòa soạn và của cả ngành. Như vậy, ngoài việc chuyển tải thông tin có hiệu quả, lan tỏa sâu rộng trong bạn đọc, còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa chữ viết của đồng bào theo Nghị quyết 5 (khóa 8) của Đảng.


 

            GẦN 40 NĂM GẮN BÓ VỚI NGHIỆP ẢNH THÔNG TẤN

            Hà Mùi, nguyên Trưởng ban Biên tập - Sản xuất (BT-SX) ảnh báo chí, đã có 21 năm làm phóng viên ảnh, 15 năm trên cương vị quản lý điều hành Ban ảnh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1972, anh được tuyển dụng vào TTXVN. Anh trải lòng mình với những tháng năm gắn bó với nghiệp ảnh thông tấn:     


            Chỉ được đào tạo nghiệp vụ báo chí trong 6 tháng và rèn luyện thể lực, quân sự trong vòng hai tháng, chúng tôi hành quân vào chiến trường miền Nam. Tôi được phân công theo các chiến dịch Đắkpét (Kon Tum), Nông Sơn - Trung Phước (Quảng Nam). Chiến công nối tiếp chiến công, vùng giải phóng ngày càng mở rộng, tạo sức mạnh cho Tổng tiến công mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

            Với bản lĩnh quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện, học tập để nâng cao năng lực nghề nghiệp, tu dưỡng đạo đức, tác phong, tôi đã trưởng thành nhiều. Trong 21 năm làm phóng viên ảnh, tôi cóù 3 năm tham gia chiến trường, 5 năm thường trú tại Quảng Nam- Đà Nẵng, 9 năm theo dõi công trình xây dựng thủy điện Hòa Bình, 4 năm là phóng viên chuyên đề. Hầu như tôi đã đi hết mọi miền đất nước.

            Đang lúc hăng say với nghề phóng viên và dự định bao chuyến đi sáng tác mới thì tôi "bị" bổ nhiệm làm Ủy viên Ban biên tập ảnh báo chí vào năm 1993. Những ngày đầu tôi miên man suy nghĩ, định lên trình bày xin chỉ làm phóng viên, nhưng rồi lại thôi vì sợ vi phạm nhiệm vụ đảng viên và thoái thác trách nhiệm cấp trên giao phó. Tôi phải làm một công việc mới, công việc mà trước đây tôi chỉ biết đó là của người lãnh đạo mình. Mầy mò học hỏi, tự rút kinh nghiệm, dần dần tôi cũng đảm nhận được các phần việc do Trưởng ban giao. Hai năm sau tôi được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban BT - SX ảnh báo chí, 9 năm sau làm Trưởng ban, được 6 năm thì tôi lại nhận nhiệm vụ mới vào đầu năm 2010.

            15 năm làm công tác quản lý tại đây, tôi luôn luôn cố gắng chỉ đạo, điều hành để sản phẩm ảnh của TTXVN là dòng chủ lưu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công việc càng ngày càng khó khăn, cơ quan truyền thông, báo chí phát triển rất nhanh, canh tranh gay gắt. Máy ảnh kỹ thuật số phát triển rất mạnh, nhiều chức năng được tự động hóa, người cầm máy chỉ cần chọn khung hình hợp lý, bấm máy đúng lúc là có được một bức ảnh đăng báo. Phóng viên tin chụp ảnh, nhiếp ảnh gia chụp ảnh, cộng tác viên gửi ảnh về; các tòa soạn có số lượng ảnh phong phú đã tác động rất lớn đến việc cung cấp thông tin ảnh vốn là thế mạnh độc tôn của TTXVN từ trước đến nay. Thách thức mới này rất lớn, thêm vào đó là một thách thức nữa đến từ quá khứ: Các thế hệ đàn anh đã tạo ra một thương hiệu ảnh uy tín, độc tôn trong bối cảnh của cuộc chiến tranh chính nghĩa chống đế quốc, giải phóng dân tộc, được nhân dân cả nước đồng lòng, thế giới ủng hộ.

            Xuân Canh Dần đang đến, những người sinh năm Canh Dần (1950) đã đến tuổi 60, theo thuyết tâm linh sẽ là một năm đổi mới của họ. Sự đổi mới sẽ tuỳ vào sự cố gắng vươn lên của mỗi người chúng ta.


 

            NGHỀ LÀM BÁO, ĐI NHIỀU LÀ CÁCH ĐẦU TƯ TỐT NHẤT

            Nguyễn Bá Hưng có thâm niên thường trú hàng chục năm tại các tỉnh Sơn La, Phú Yên. Là Trưởng phân xã Khánh Hòa hiện nay, anh liên tục là một trong số phóng viên thực hiện vượt định mức tin, bài vào loại cao nhất, nhì khu vực. Được hỏi có kinh nghiệm gì truyền lại cho lớp PV trẻ, anh tâm sự:        


            Những thập niên 70-80 của thế kỷ trước, đi lại khó khăn, số đầu báo còn ít, báo mạng chưa có, hệ thống thông tin điện tử chưa phát triển nên làm báo không đòi hỏi "nhanh, đúng, trúng, hay" như bây giờ. Lúc đó chỉ cần viết đúng, hay thì lúc nào cũng cần, còn nhanh thì chưa phải tiêu chí số một, vì áp lực cạnh tranh giữa các báo chưa nhiều. Còn nhớ, những năm đầu thập kỷ 70, thời kỳ tôi thường trú ở Tây Bắc, từ Hà Nội lên Sơn La đi ô tô khách mất đúng hai ngày, phải ngủ lại một đêm ở cao nguyên Mộc Châu, tối hôm sau mới lên đến tỉnh lỵ. Còn bây giờ, chỉ nửa ngày đường đã đến do đường sá được mở rộng và rút ngắn lại nhiều. Dạo ấy, báo Sơn La mỗi tuần ra 1 kỳ, rồi lên 2 kỳ nên tính thời sự (nhanh) không được coi trọng. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ nên mới có chuyện chụp ảnh vụ đông xuân lại đăng cho vụ hè thu, thậm chí ảnh chụp năm nay, năm sau đăng cũng chẳng sao. Bây giờ thì khác xa rồi. Báo tỉnh ít nhất cũng 3 - 4 kỳ mỗi tuần, có báo ra hàng ngày. Cả nước có tới 7- 8 trăm đầu báo và hàng trăm báo mạng nên tính cạnh tranh rất gay gắt. Ngay ở TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, nơi tôi thường trú hiện nay có 29 tờ báo lập văn phòng đại diện và phóng viên thường trú nên áp lực cạnh tranh về thời gian của tin, bài là số một. Nếu không bám sát ngành, địa phương, chỉ cần lơ là tí chút là tin ôi, tin thiu ngay. Đối với tin TTXVN không thể hôm nay đưa ngày mai cải chính được. Tin TTXVN nhanh nhưng phải chính xác. Đó là mục tiêu số một của phân xã. Tin TTXVN cũng không thể chạy theo các báo được. Tin chậm sẽ bị trên nhắc nhở, đó là áp lực lớn nhất của người làm báo TTXVN hiện nay.

            Làm báo thời @ hôm nay dễ mà khó. Với công nghệ thông tin phát triển, nhiều phóng viên chẳng cần đi lại nhiều, chỉ ngồi một chỗ, nhờ quan hệ bạn bè, đồng nghiệp trao đổi qua hộp thư điện tử cá nhân là có tin, bài rất nhanh. Theo tôi, lối tác nghiệp này rất nguy hiểm nếu không thẩm tra nguồn tin một cách nghiêm túc. Hiện nay, tình trạng này vẫn xảy ra ở một số phóng viên. Còn thời kỳ làm báo của chúng tôi ở những thập niên 70-80 thì không đi không thể viết tin được. Còn nhớ, thời kỳ thường trú ở Sơn La, đường rừng núi đi lại khó khăn là vậy nhưng khi nghe có máy bay Mỹ bị bắn rơi, giặc lái bị bắt ở xã vùng cao Chiềng Tương thuộc huyện Mộc Châu cách thị xã Sơn La cả trăm cây số đường rừng, tôi vẫn tìm mọi cách đến tận nơi viết tin, chụp ảnh. Sau này đi thường trú ở tỉnh Phú Khánh, được phân công viết về nông nghiệp, tôi thường xuyên về Tuy Hoà-vựa lúa của tỉnh (nay thuộc tỉnh Phú Yên) cách phân xã hơn 120 cây số, để viết tin, bài. Quần đảo Trường Sa (thuộc địa phận Khánh Hoà) xa xôi, cách trở là vậy nhưng tôi vẫn cố gắng đến tận nơi, tiếp cận với các chiến sĩ Trường Sa ngay từ những năm đầu thường trú.

            Theo tôi, nghề làm báo, đi nhiều là cách đầu tư cho nghề nghiệp tốt nhất. Nhờ đi nhiều mà vốn sống được tích luỹ, hiểu và quen biết nhiều rất cần cho nghiệp vụ làm báo. Bây giờ đã lớn tuổi rồi, đi lại đường xa có phần hạn chế, nhưng hàng ngày tôi vẫn dành nửa buổi tiếp cận cơ sở, nắm bắt các đầu mối thông tin, nếu không họp thì cũng đến các cơ quan, đơn vị tìm hiểu tình hình, giúp ích cho mình rất nhiều trong công việc. Ngoài kế hoạch chung của phân xã, bản thân tôi tháng nào cũng xây dựng kế hoạch đưa tin cho riêng mình. Nếu ngày nào không có hội họp, tôi viết tin, bài theo kế hoạch riêng, nhờ vậy mà tháng nào tôi cũng vượt định mức cao. Đấy không biết có phải là kinh nghiệm hay không, nhưng tôi cứ mạnh dạn nói về những việc mình đã làm và kết quả đã đạt được trong suốt hơn 40 năm trong nghề thông tấn của mình.

 


             NGHĨA TÌNH CÒN MÃI...

            Cùng chung tâm tư với các nhà báo tuổi Canh Dần là Đàm Dũng, Trưởng phân xã Bắc Ninh. Bước vào tuổi 60, anh ngẫm nghĩ về nghề nghiệp với cảm xúc trào dâng và niềm tự hào đã gắn bó và trưởng thành trong ngành thông tấn: 

           

Quá nửa đời người, thế hệ chúng tôi (lớp người cao tuổi nhất hiện đang công tác ở TTXVN hiện nay) gắn bó với sự nghiệp của một đơn vị là trung tâm thông tin chiến lược Quốc gia của Đảng và Nhà nước. Điều này khiến chúng tôi rất đỗi tự hào, coi đó là niềm hạnh phúc bởi lẽ trong thời gian ấy chúng tôi đã sống và làm việc, phục vụ cho nhiệm vụ chung giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, bằng hoạt động thực tiễn, chúng tôi không ngừng trưởng thành về mọi mặt và có những đóng góp nhất định cho ngành thông tấn và cho nền thông tin đại chúng - một lĩnh vực công tác luôn đặt ra yêu cầu nhanh nhạy, chính xác, mới mẻ, mang tư tưởng và định hướng chính trị đúng đắn. Tôi đã cùng đồng đội là những phóng viên khóa GP10 của VNTTX hành quân suốt chiều dài đất nước, tham gia vào chiến trường Nam Bộ rồi về công tác tại phân xã Hà Bắc (cũ), rồi phân xã Bắc Ninh. Tại đâu tôi cũng luôn phấn đấu để hoàn thành tốt công việc và chức trách được giao. Tôi hiểu, sự chăm sóc, giúp đỡ của cơ quan, của các vị thuộc nhiều thế hệ lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp... đã tạo cho mình có được ý chí, niềm tin cũng như những tiêu chí cần thiết thuộc về lẽ sống, nhân cách làm người. Tôi luôn ghi nhận điều này và coi đây là nghĩa tình còn mãi...

             Mùa xuân Canh Dần đang đến. Đây là mùa xuân cuối cùng thế hệ chúng tôi được trực tiếp sống và làm việc trong đại gia đình TTXVN. Chúng tôi rất tin tuởng vào sự trưởng thành, lớn mạnh của cơ quan với định hướng tới là một Tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh trong tương lai.

Nguyễn Văn Hải (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

15 khuôn hình của truyền hình (04/01/2010 11:10:06)

Quan hệ giữa hình ảnh và lời thoại trong truyền hình (04/01/2010 11:03:13)

Chúng tôi làm tinâẠẩ di động (04/01/2010 11:01:31)

Cải cách công tác tham mưu và tổng hợp, một đòi hỏi cấp thiết (04/01/2010 10:57:26)

Phân xã Kiên Giang thông tin tốt, nhưng chưa ấn tượng (04/01/2010 10:55:59)

PHÁT ĐỘNG GIẢI BIẾM HỌA BÁO CHÍ VIỆT NAM LẦN 2- CÚP RỒNG TRE (27/11/2009 10:19:56)

TRAO GIẢI CUỘC THI ẢNH "VIỆT NAM - ĐẤT NƯỚC - CON NGƯỜI" (27/11/2009 10:17:32)

Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2009) SPOUTNIK, cuốn giáo khoa của tôi  (27/11/2009 09:21:04)

10 giờ tác nghiệp cho 2 phút tivi (27/11/2009 09:16:43)

ĐỊNH HÌNH MỘT HƯỚNG ĐI (27/11/2009 09:05:39)