Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

VietnamPlus Mobile sau hai tháng hoạt động:

LƯỢNG THUÊ BAO TUY CHƯA NHIỀU NHƯNG RẤT KHẢ QUAN


(08/04/2010 10:09:55)

Mobile News, tương lai của truyền thông

            Khi Johann Carolus ra tờ "Relation aller Furnemmen und gedenckwurdigen Historien" bằng tiếng Đức - thường được coi là tờ nhật báo đầu tiên trên thế giới - vào năm 1605 ở Strasbourg, ông không thể nghĩ rằng đến một ngày ông có thể biết đích xác ai là độc giả của mình với tờ báo in. Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, khi các kênh truyền hình 24/24h chiếm lĩnh vị trí thống trị của báo in, trước khi nó lại bị chính Internet soán ngôi, mặc dù công nghệ đã tiến một bước dài nhưng không một cơ quan báo chí nào có thể xác định rõ những "Thượng đế" mà họ đang phục vụ. Những thiết bị gắn vào máy thu hình mà các công ty chuyên khảo sát sử dụng để theo dõi thói quen của khán giả có xác suất dung sai không nhỏ.

            Ngay cả Internet, với những bước phát triển diệu kỳ, cũng không làm được điều đó. Một hệ thống quản trị nội dung (CMS) tiên tiến có thể thống kê chi tiết số lượng người xem (unique vistor), số trang xem (pageview), thời lượng người dùng ở trên mạng, sự trung thành của họ với mỗi website và thậm chí những loại tin nào, những tin bài cụ thể nào được xem bao nhiêu lượt. Nó có thể biết người lướt web dùng trình duyệt gì, hệ điều hành gì, loại màn hình có độ phân giải bao nhiêu. Nhưng Internet đành bó tay với việc nêu danh tính, tìm hiểu thói quen, sở thích, nhu cầu của người dùng. Internet cũng đầu hàng nếu người dùng cố tình "lừa" hoặc khai thông tin sai.

            Nhưng thực tế trên đã thay đổi khi nội dung được đưa lên hệ thống viễn thông, và đến với người dùng thông qua những chiếc máy điện thoại di động. Điện thoại di động giờ đây được gọi là "Màn hình thứ Tư" (nếu coi màn hình của rạp chiếu phim, màn hình TV và màn hình máy tính là ba màn hình đầu tiên) hoặc "Màn hình thứ Ba" (nếu chỉ tính màn hình TV và màn hình máy tính). Nó cũng được gọi là "Phương tiện truyền thông đại chúng thứ Bảy (sau báo in, ghi âm, điện ảnh, phát thanh, truyền hình và Internet).

            Với sự ra đời của mạng 3G, sắp tới thậm chí là 4G hay những nền tảng công nghệ tiên tiến hơn, điện thoại di động ngày càng hiện đại với nhiều tính năng và màn hình lớn trong khi giá thành ngày càng giảm, việc điện thoại trở thành phương tiện ấn hành và tiếp nhận thông tin không là điều phải tranh cãi. Điều đáng bàn hơn chỉ là việc các bên hữu quan- từ các cơ quan báo chí, các nhà cung cấp nội dung đến các nhà mạng- có khai thác hiệu quả phương tiện này hay không mà thôi.

            Có thể nói điện thoại di động là phương tiện "hiểu rõ" người dùng nhất. Tuy thông tin cá nhân của người dùng thuộc loại thông tin nhạy cảm và các hãng điện thoại phải giữ kín, song thông qua điện thoại di động, các nhà cung cấp nội dung hoàn toàn có thể tranh thủ những lợi thế mà các phương tiện thông tin khác không thể nào có được. Điện thoại di động là phương tiện gần như không được chia sẻ với nhiều người, mỗi người đều sử dụng thiết bị riêng của mình và nhiều trường hợp bật máy liên tục. Nó khác với báo in, truyền hình, phát thanh, và thậm chí cả máy tính tuy có "số hiệu" (IP) riêng, nhưng ở công sở thì trường hợp nhiều người dùng chung một máy tính là bình thường.

            Vì mỗi người sử dụng một máy điện thoại riêng nên dựa trên thói quen sử dụng dịch vụ của mỗi cá nhân, các nhà cung cấp dịch vụ có thể phân tích cụ thể về vị trí địa lý của người đó, độ tuổi hoặc giới tính, khả năng tài chính, sở thích đọc các loại tin-dịch vụ nào, người này thường truy cập vào thời điểm nào trong ngày. Những điểm này càng dễ nhận biết nếu người dùng tương tác liên tục với máy chủ, thay vì nhận thông tin kiểu thụ động như kiểu tin nhắn. Đặc biệt, điện thoại di động là phương tiện thanh toán vô cùng tin cậy. Nhấn một nút là khoản thanh toán đã hoàn tất, cả công ty dịch vụ lẫn người sử dụng không lo bị trộm thông tin thẻ.

 

            Lợi thế đa ngôn ngữ

            Năm 2003, khi tôi soạn thảo đề án đầu tiên cho báo điện tử của TTXVN, dịch vụ Mobile News đã được đề cập tới. Nhưng lúc đó, phương thức duy nhất mà tôi có thể nghĩ đến chỉ là kiểu nhắn tin văn bản (SMS) với sự hạn chế đến khó chịu về độ dài của tin nhắn và mặt khác lại sử dụng tiếng Việt không dấu. Do những lý do khách quan, dự án báo điện tử tổng thể lẫn phần tin mobile không thể thực hiện trong mấy năm tiếp theo, nhưng niềm tin với loại hình thông tin này của tôi càng được củng cố khi một lãnh đạo của hãng thông tấn Bernama sang thăm TTXVN cho biết tin nhắn SMS là phương thức thông tin hiệu quả duy nhất khi xảy ra trận động đất 9,2 độ Richter ngày 26/12/2004 làm nước biển dâng và tàn phá nhiều khu vực ở châu Á, trong đó có Indonesia và Malaysia.

            Tuy nhiên, ngay cả khi ý tưởng Mobile News liên tục được nâng cấp trong các lần bổ sung nội dung dự án sau đó, bám theo sự phát triển của công nghệ, ngay cả khi tôi được giao triển khai dự án báo điện tử vào giữa năm 2008 cùng cam kết với lãnh đạo TTXVN về việc sẽ cung cấp tin cho điện thoại di động, "món tin di động" hoành tráng nhất lúc đó cũng chỉ là các trang wap thông tin - một công nghệ mà thế giới đã đi trước mấy năm, chỉ có điều nó đã được nâng lên một bước mới để giả lập thành chương trình trong điện thoại di động với kiểu truy nhập trực tiếp bằng biểu tượng ứng dụng (icon) trên màn hình.

            Bước ngoặt về chiến lược đưa tin tức lên điện thoại di động xảy ra vào một buổi chiều tháng 4/2009 khi tôi được làm quen với một phần mềm đọc tin mới được phát triển, cho phép đọc tin tiếng Việt có dấu. Ngay lập tức tôi biết đây là con đường mình phải đi. Một tháng sau, nhờ những cộng tác viên đắc lực, tôi đã có trong tay bản demo đầu tiên.

            Việc triển khai dịch vụ mobile news cho VietnamPlus được thực hiển rất bài bản, từ việc sắp xếp trật tự và logic thông tin, bổ sung hoặc nhập chuyên mục tin cho phù hợp với đa số đối tượng đọc báo là người dùng điện thoại di động với độ tuổi khá trẻ, cho đến việc chọn tông màu, vẽ logo riêng, thiết kế tờ rơi, website giới thiệu dịch vụ và hướng dẫn cài đặt. Dự án phải đầu tư mua đến cả trăm loại điện thoại, từ loại vài trăm ngàn đồng đến cả chục triệu đồng, để thử nghiệm. Khác với việc truy nhập qua trình duyệt Internet, sẽ chỉ có vài phiên bản trình duyệt của vài hãng khác nhau, ứng dụng trên điện thoại gặp khó khăn ở chỗ mỗi loại điện thoại dùng một nền tảng công nghệ (Symbian, Windows Mobile, Android...) hoặc những phiên bản hệ điều hành khác nhau, nên việc dùng một ứng dụng cho mọi loại điện thoại là điều bất khả thi. Chúng tôi còn phát 10 chiếc điện thoại cho 10 người tình nguyện để họ dùng thử và có phản hồi về những điểm chưa ổn, nhất là về thói quen người dùng và vấn đề kỹ thuật.

            Ngày 23/6, bản demo đầu tiên của VietnamPlus Mobile ra đời. Ngày 11/7, cuộc họp với đối tác trong dự án này nhất trí về mô hình phát triển không thu phí, kèm theo đó là quyết định bắt tay phát triển giải pháp quảng cáo mobile chưa từng thấy tại Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện nay, trừ vài trang wap có quảng cáo giống như website, cách quảng cáo phổ biến mà các nhà mạng cũng như các công ty dịch vụ áp dụng là nhắn tin đến hàng loạt máy điện thoại ngoài ý muốn chủ quan của người dùng - một cách thức gây khó chịu cho người sử dụng điện thoại và đang có ý kiến cho rằng cần ngăn chặn vì nó giống một dạng thư rác (spam).

 

 

Người sử dụng chỉ cần có điện thoại kết nối GPRS, download phiên bản này từ trình duyệt (browser) trong điện thoại di động hoặc nhắn tin theo cú pháp VNP gửi 6789. Đây là ứng dụng hoàn toàn được miễn phí sử dụng. Người dùng chỉ mất chi phí kết nối GPRS nhưng do công nghệ thông minh của ứng dụng, tự động ngắt kết nối sau khi tải thông tin, nên để đọc hết toàn bộ số tin mỗi ngày của VietnamPlus chỉ mất khoảng 1.000 đồng.

 

 

            Giữa tháng 8, bước đi đầu tiên nhằm kiểm nghiệm phản ứng của người dùng quy mô lớn được thực hiện bằng cách trình diễn thẳng cho hai hãng điện thoại di động là Mobifone và Viettel. Đại diện hai nhà mạng này đều thích ứng dụng độc đáo của VietnamPlus, chỉ có điều họ muốn phát triển như một dịch vụ riêng của mỗi mạng, nhưng đó lại không phải là chủ trương của TTXVN cũng như VietnamPlus là nhằm đến đông đảo người dùng, bất kể họ sử dụng mạng nào. Trong một đợt đi công tác It-xra-en vào cuối tháng 10, tôi cũng đã giới thiệu dịch vụ này với một số công ty phần mềm cho điện thoại di động của It-xra-en. Họ ngạc nhiên nhất là việc ứng dụng này không chỉ chạy tốt trên smartphone mà cả điện thoại giá thấp. Và tốc độ rất nhanh, chi phí siêu rẻ.

            Mọi chuyện tưởng chừng suôn sẻ nhưng rốt cục không thể tung ra vào tháng 9 như dự kiến. Đến cuối tháng 11, "tin nội bộ" cho biết VietNamNet chuẩn bị tung ra bản đọc báo trên mobile vào đầu tháng 12. Một kế hoạch chớp nhoáng để VietnamPlus trở thành cơ quan báo chí đầu tiên tại Việt Nam ra mắt dịch vụ này vào đầu tháng 12 được hoạch định và đã được lãnh đạo cơ quan chấp thuận. Song, quá trình xin tổ chức họp báo mới phát hiện ra rằng cần phải có loại giấy phép đặc biệt của Bộ Thông tin - Truyền thông cho dịch vụ này. TTXVN thì không thể làm điều gì không hợp pháp! Vậy là ngày 6/12, quá trình chuẩn bị suốt 5 tháng bị đối thủ vượt mặt. Chúng tôi phải "xoay" sang đối sách khác mà không ai cạnh tranh được: ra luôn phiên bản các ngữ Anh, Pháp, Tây Ban Nha.

            Ngày 11/1/2010, báo điện tử VietnamPlus ra mắt phiên bản VietnamPlus Mobile. Có một điều "an ủi": VietnamPlus của TTXVN là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ tin tức trên mạng thông tin viễn thông. Và tất nhiên còn cái "nhất" về số lượng ngôn ngữ. VietnamPlus Mobile cũng là dịch vụ duy nhất có giải pháp quảng cáo hình ảnh. Khác với các nước phát triển thường chỉ nhắm đến các dòng điện thoại hiện đại và đắt tiền, VietnamPlus Mobile là giải pháp nhắm đến số đông người dùng, kể cả với những người dùng điện thoại rẻ tiền. Quá trình chạy thử nghiệm từ tháng 8/2009 đến khi khai trương chính thức cho thấy VietnamPlus Mobile hỗ trợ tới 500 loại điện thoại di động khác nhau trên thị trường Việt Nam và chạy tốt trên các máy chỉ có giá trị khoảng 700.000 đồng cho đến các máy trị giá cả trăm triệu đồng.

            Điểm mạnh nhất của VietnamPlus Mobile còn ở chỗ, đây là một ứng dụng rất nhỏ (chỉ khoảng 150kb, nhỏ hơn cả một phần mềm trò chơi) được cài trên máy điện thoại di động với bộ font tiếng Việt gắn kèm, vì thế có thể đọc được tin tiếng Việt có dấu với độ dài không hạn chế và có hiển thị ảnh kèm theo.

            Hai tháng kể từ khi chào đời, VietnamPlus Mobile đã có gần 14.000 người sử dụng, và con số này đang tăng ổn định ở mức khoảng 150-170 người đăng ký thêm mỗi ngày. Nếu so với tổng số thuê bao điện thoại di động trên thị trường Việt Nam là khoảng 120 triệu, hoặc với con số thuê bao thực ước chừng 40 triệu máy thì con số này còn quá nhỏ. Nhưng nếu so với nhiều tờ báo in hiện nay, đây thực sự là một sự khởi đầu khả quan. Đương nhiên, con số này chưa nói lên điều gì khi chưa xác định được cả hiệu quả xã hội của phương tiện truyền thông mới cũng như hiệu quả thương mại của nó, song chúng tôi tin tưởng rằng TTXVN nói chung và VietnamPlus nói riêng đã chọn con đường đi phù hợp với sự phát triển của thời đại. Mobile News chắc chắn là tương lai của truyền thông thế giới.

Lê Quốc Minh (Tổng biên tập báo VietnamPlus)
Theo Nội san Thông tấn, số 3-2010