Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Giải thưởng Cống hiến:

Khác biệt làm nên thành công


(05/08/2010 15:21:39)

Cho đến nay, giải thưởng Cống Hiến đã có một tiếng vang lớn trong công luận đối với giới âm nhạc đại chúng và được xem là giải thưởng âm nhạc "danh giá" nhất hiện nay so với các giải thưởng khác như Mai vàng, Làn sóng xanh, HTV Awards... Để có được điều này, chúng ta có thể đề cập đến một số yếu tố giúp nó thành công:

Tính công khai, minh bạch

Đây có thể nói là một trong những yếu tố chính làm nên uy tín của giải. Trong lúc khá nhiều giải thưởng khác có nhiều "lùm xùm" nghi ngờ về sự minh bạch thì giải Cống hiến công khai số phiếu làm tất cả mọi người từ đề cử cho tới phóng viên báo đài và những người quan tâm hài lòng. Đây thực sự là một cuộc chơi công bằng và có trách nhiệm (công khai tên tuổi và kết quả bầu chọn của cả người bầu chọn - phóng viên). Yếu tố công khai này được thể hiện qua cuộc họp báo kiểm phiếu với khoảng hơn 50 phóng viên tham dự (ban kiểm phiếu là những đại diện do buổi họp báo này cử ra). Yếu tố công khai, minh bạch này được xác định ngay từ năm đầu tiên của Giải.

 

Tính bất ngờ

Sự bất ngờ ở đây là muốn nói đến kết quả bầu chọn cuối cùng, ngay cả Ban tổ chức cũng không biết trước, bởi các phiếu bầu được niêm phong cho đến giờ họp báo kiểm phiếu. Buổi họp báo kiểm phiếu chỉ diễn ra khoảng 3 tiếng trước lúc trao giải. Vì vậy mà phóng viên văn hoá văn nghệ cả nước cùng với ca sĩ, nhạc sĩ, người hâm mộ tỏ ra háo hức. Điều đó đã tạo nên sự trông đợi của nhiều người và làm cho Cống hiến trở thành một sự kiện quan trọng hàng năm đối với âm nhạc đại chúng.

Tính bất ngờ này không phải có ngay từ đầu mà được rút kinh nghiệm và "cải tiến" từ năm thứ ba của Giải, trên thực tế nó đã giúp tăng phần hấp dẫn đáng kể.

 

Cơ sở chuyên môn

Để giải thưởng làm cho mọi người "tâm phục khẩu phục", không thể không kể đến vai trò của nhà tổ chức - báo Thể thao&Văn hóa. Đối với giới ca sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn âm nhạc, phóng viên báo bạn cùng độc giả, Thể thao&Văn hóa đã xây dựng được những phóng viên chuyên về mảng âm nhạc có uy tín với những bài viết xuất sắc về phê bình, nhận định đời sống âm nhạc (với 4 lĩnh vực chủ yếu và cũng là 4 hạng mục của giải Cống hiến: album, chương trình, nhạc sĩ và ca sĩ).

 

Tạo ra sự khác biệt

Trong lúc có rất nhiều giải thưởng âm nhạc đang hiện hành, giải Cống hiến được xem là "sinh sau đẻ muộn", nhưng nhà tổ chức đã tạo ra được một giải thưởng mới lạ và độc đáo.

Mới lạ bởi Cống hiến là một giải thưởng chuyên về âm nhạc, khác với các giải khác, âm nhạc chỉ là một phần của giải thưởng.

Độc đáo bởi nó là giải thưởng âm nhạc duy nhất do toàn bộ phóng viên văn hóa nghệ thuật các báo, đài trên toàn quốc tham gia bầu chọn. Trong lúc các giải khác thì do công chúng bầu chọn (đôi lúc thiếu sự chính xác do sự chi phối của các fanclub), hoặc do ban giám khảo chuyên môn chấm (đôi khi không mang tính thực tiễn của đời sống. Ví dụ như các giải thưởng ca khúc của hội âm nhạc các tỉnh, thành phố).

Giải thưởng Cống hiến được xem là sự dung hòa giữa tính chuyên môn và tính thực tiễn đại chúng. Vừa có những đóng góp về nghệ thuật vừa mang tính báo chí, góp phần thiết thực vào việc phát triển của nghệ thuật âm nhạc đại chúng.

 

Vững vàng trước những sóng gíó

Giải Cống hiến cũng như các giải thưởng khác phải đối mặt với hiện trạng "xin rút lui" của một số đề cử, một ví dụ cụ thể là chương trình Duyên dáng Việt Nam trong danh sách đề cử của Cống hiến năm 2007. Phát ngôn đại diện cho Ban tổ chức trong buổi họp báo tại Hà Nội khẳng định rằng: Không có chuyện xin rút lui, bởi tất cả các đề cử là sự ghi nhận của công luận về việc đóng góp cho âm nhạc trong năm qua của đề cử đó. Một khi các album, hoặc chương trình, việc làm của ca sĩ, nhạc sĩ đã mang tính xã hội (nghĩa là được công bố rộng rãi với công chúng) thì nó phải được sự đánh giá, phán xét của công luận. Các đề cử không "xin vào", nên cũng không có chuyện "xin rút".

 

"Dũng cảm", "vận dụng sáng tạo":

Sự "dũng cảm" của BTC có thể nói là việc chuyển đổi danh sách đề cử từ sự đề cử của độc giả sang BTC tự lựa chọn. Lý do thứ nhất đó là do có nhiều than phiền rằng, phóng viên chỉ bầu cái mà công chúng đề cử và có vài ý kiến đề xuất để cho phóng viên được bầu ra danh sách đề cử. Năm 2007, BTC "dũng cảm" tuyên bố đây là danh sách do BTC đưa ra và BTC chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng đề cử để tạo ra một "gu" riêng cho giải thưởng, loại hẳn yếu tố "khán giả" ra khỏi giải thưởng, làm cho giải thưởng "thuần chất" hơn. Không để phóng viên bầu ra danh sách đề cử, vì như vậy là bầu hai lần: lần thứ nhất bầu 4 hoặc 5 đề cử; lần hai bầu lại 1 đề cử từ 4-5 đề cử đó, như vậy là không có ý nghĩa về khía cạnh bầu chọn. Tuy nhiên, trước khi đưa ra danh sách đề cử, từ năm 2008, BTC đã thêm vào phần tham khảo ý kiến của phóng viên. Danh sách đề cử dự kiến sẽ được gởi bằng E-mail đến tất cả các phóng viên sẽ tham gia bầu chọn (như năm 2009 vừa qua, mỗi hạng mục có 4 đề cử thì danh sách dự kiến sẽ là 6, 7 hoặc 8). Trong danh sách dự kiến này, nếu chọn ra 4 đề cử thì phóng viên chọn ai và họ gọi lại danh sách họ chọn (cũng bằng E-mail). Phóng viên cũng có thể tự đề cử thêm ngoài danh sách này. Điều này tạo ra sự dân chủ và nhờ "tai mắt" của nhiều phóng viên mà đôi lúc có một số trường hợp BTC không bao quát được hết. Và đây cũng chỉ là một "kênh" để BTC tham khảo. Cho đến nay, cách làm này đã được sự đồng thuận của hầu hết phóng viên.

Vận dụng, sáng tạo: Cũng không ít lời ra tiếng vào cho rằng những nhân tố mới trong danh sách đề cử hàng năm là chưa xứng đáng. Tuy nhiên chính việc nâng niu những nhân tố mới đã tạo một động lực phấn đấu mạnh mẽ đối với những sáng tạo nghệ thuật. Ban tổ chức đã giải thích (thông qua loạt bài tuyên truyền cho giải) là: Giải thưởng Cống hiến là một giải của báo chí, và giải báo chí thì phải đặt tính báo chí lên hàng đầu. Tính báo chí trong giải thưởng này đang dựa trên hai yếu tố cơ bản: công luận và phát hiện. Ngoài việc những giá trị âm nhạc tạo được tiếng vang lớn trên công luận, giải thưởng còn có trách nhiệm phát hiện ra những giá trị khác để giới thiệu đến công luận, những nhân tố mới nằm trong trường hợp này. Tùng Dương, Đỗ Bảo, Hồ Hoài Anh là những ví dụ cụ thể. Khi BTC có những cơ sở lập luận logic như thế đã thuyết phục được công luận, không còn tiếng ra, tiếng vào nữa.

Ngoài ra để có được thành công, cũng không thể không kể đến năng lực của BTC, của nhà đồng tổ chức đêm trao giải, sự tôn trọng của nhà tài trợ, không can thiệp vào chuyên môn...

Mặc dù giải Cống hiến được xem là rất thành công trên công luận (hàng năm có hàng trăm tin, bài viết về giải Cống hiến, hầu như tất cả các báo, tạp chí, truyền hình TP.HCM, TW, Hà Nội đều có tin, bài về giải này), nhưng giải Cống hiến cũng còn nhiều việc cần phải làm như: khắc phục để chủ động trao giải sớm hơn, hoàn thiện về điều lệ để phù hợp với tình hình thực tiễn (như ca sĩ ngoại quốc nếu hát nhạc Việt và có đóng góp cho sự phát triển nhạc đại chúng Việt thì có được đề cử...), tăng cường sự bất ngờ với việc các phóng viên cử ra ban đại diện 4-5 người trong buổi kiểm phiếu thì sự bí mật kết quả đến giờ trao giải đễ đạt được. Hiện nay, sau khi có kết quả kiểm phiếu, khoảng 1-2 tiếng trước giờ trao giải, thông tin về kết quả bị "xì" ra ngoài do hơn 50 phóng viên biết được kết quả và không phải ai cũng giữ bí mật đến phút cuối cùng. Ngoài việc xây dựng "thương hiệu" cho Thể thao&Văn hóa cần biến giải thưởng thành một sự kiện có thể đem lại thu nhập cho tòa soạn...

Trịnh - Thủy
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những ngày đầu vào cuộc (05/08/2010 15:18:07)

Phóng viên "3 trong 1" (05/08/2010 15:15:28)

Chuýằ‡n làm tin truýằn hÃơnh cỏằĐa phóng viÃên phÃÂn xÃÊ (05/08/2010 15:12:55)

TTXVN đoạt 4 giải C, 4 giải khuyến khích (06/07/2010 13:38:23)

2009 - năm đẫm máu với ngành truyền thông quốc tế (06/07/2010 13:12:12)

Vài "kinh nghiệm" mọn (06/07/2010 13:06:03)

Bước bứt phá lên mô hình Tập đoàn truyền thông quốc gia (06/07/2010 13:04:12)

Tiếp lửa truyền thống anh hùng (08/06/2010 09:49:22)

Danh sách Ban chấp hành Liên chi hội nhà báo ttxvn khóa vi (2010 - 2015) (08/06/2010 09:19:35)

Vì mục tiêu xây dựng TTXVN trở thành tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh (12/05/2010 11:42:56)