Thứ năm, ngày 28/03/2024

Tìm hiểu báo chí

2009 - năm đẫm máu với ngành truyền thông quốc tế


(06/07/2010 13:12:12)

Liên đoàn Nhà báo quốc tế (International Federation of Journalists-IFJ) cùng Viện An toàn thông tin quốc tế (International News Safety Institute-INSI) vừa công bố: năm 2009 vừa qua có 137 người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông thiệt mạng, tăng 26% so với năm 2008 (109 nhà báo thiệt mạng).

            Vụ thảm sát con tin trước bầu cử vào ngày 23/11 ở tỉnh Maguidano khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có tới 31 nhà báo và các nhân viên truyền thông đã biến Philippin trở thành quốc gia kinh hoàng nhất đối với giới truyền thông trong năm 2009. Tổng số nhà báo bị thiệt hại tại Philippin trong năm qua lên tới 38 người.

            Sự hy sinh của 38 nhà báo khi tác nghiệp tại Phillipin cùng làn sóng bạo lực chống lại các đồng nghiệp của chúng ta ở Mêhicô và Xômali đã khiến năm 2009 trở thành một năm đẫm máu với ngành truyền thông.

            Irắc, nơi vẫn được mệnh danh là vùng nguy hiểm của các nhà báo, tưởng như đã bình yên thì bất ngờ xảy ra vụ sát hại 4 nhà báo tại thành phố Mosul trong ngày 13/9/2009. Bốn nhà báo làm việc cho đài truyền hình Irắc Al-Sharqiya đã bị bắt và giết hại trong khi đang quay phim về những hoạt động của người Irắc trong tháng lễ hội Ramadan của người Hồi giáo. Vụ việc đã đưa con số nhà báo bị sát hại ở Irắc kể từ năm 2003 tới nay lên tới 136 người

            Cuộc chiến đẫm máu tại Gaza đầu năm 2009 đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Ixraen lại vẫn tiếp tục từ chối không cho phóng viên quốc tế vào dải Gaza, dù Toà án tối cao nước này đã ra phán quyết cho phép một số lượng giới hạn các ký giả tới đưa tin. Quân đội Ixraen cũng không cho phép xây dựng các khu nhà dành cho giới truyền thông, vi phạm nghiêm trọng luật nhân quyền quốc tế. Trong các vụ giao tranh đẫm máu tại vùng đất lửa này, đã có hai phóng viên thiệt mạng. 

            Các vụ bắt cóc ngày một gia tăng ở những điểm nóng như Ápganistan, Mêhicô và Xômali. Hồi cuối 2008, nhà báo David Rohde của New York Times đã bị quân Taliban bắt cóc nhưng anh may mắn vượt ngục thành công. Còn trong năm 2009, lính đặc nhiệm Anh đã tiến hành một cuộc giải cứu đầy kịch tính nhà báo Stephen Farrell (cũng là phóng viên tờ New York Times). Có tới bốn người thiệt mạng trong cuộc giải cứu này, trong đó có nhà báo Sultan Munadi (Ápganistan) sau khi hứng nhiều phát súng từ phe nổi loạn Taliban. 

            Chiến tranh và bầu cử là hai mối đe dọa chính, gây nguy hiểm cho các nhà báo và nhân viên truyền thông trong năm 2009. Bạo lực gia tăng xung quanh cuộc bầu cử ở một số quốc gia là một mối lo ngại hàng đầu đối với các nhà báo. Số lượng phóng viên bị hành hung đã tăng lên tới 30% so với năm ngoái (năm 2008 có 929 trường hợp nhưng con số này trong năm 2009 là 1456).

            Mối đe dọa tiếp theo là các vụ hành hung, bắt cóc với nhà báo khi họ tham gia khám phá các đường dây buôn bán ma tuý hoặc điều tra các vụ tai tiếng ở địa phương. Riêng khía cạnh này, châu Mỹ trở thành vùng đất bạo lực nhất với 501 trường hợp. Châu Á đứng thứ hai với 364 trường hợp, dẫn đầu là Pakistan, Sri Lanka và Nêpan.

            Nhà báo bị sát hại đầu tiên trong năm 2010 cũng vì lý do trên. Đó là nhà văn kiêm người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Bungaria Boris Tsankov, 30 tuổi, đã bị những kẻ lạ mặt bắn chết giữa trung tâm thủ đô Xôphia. Trước đó, tháng 11/2009, Tsankov đã ra mắt bạn đọc quyển sách viết về những tên trùm mafia Bungaria mang tựa đề "Bí mật của những kẻ cướp" (The Secrets of the Mobsters), phơi bày những chi tiết trong cuộc sống của "thế giới ngầm" ở nước này, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến tên trùm mafia kiêm buôn bán ma túy Anton Miltenov.

Phan Tam
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Toàn cảnh về một thế giới bất ổn (08/04/2010 10:21:16)

Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông Trung Quốc (09/02/2010 08:53:57)

Nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2009) SPOUTNIK, cuốn giáo khoa của tôi  (27/11/2009 09:21:04)

Philip Jones Griffiths, người bạn lớn của các nạn nhân da cam Việt Nam (31/08/2009 15:37:20)

Nghệ sĩ Phạm Thính và bức ảnh "Cầu Người" (31/08/2009 15:27:27)

Chuýằ‡n bÃĂo chÃư thỏº¿ giỏằ›i (10/07/2009 09:36:57)

Lối thoát nào cho ngành báo in Mỹ? (02/06/2009 08:58:31)

Truýằn thông Mỏằạ lao Ä‘ao trong khỏằĐng húºÊng tài chÃưnh (11/05/2009 14:54:31)

Giải Ảnh báo chí thế giới 2009 đã có chủ (16/04/2009 14:51:00)

Thắp nén tâm nhang tiễn nhà báo Ba Đỗ - Nguyễn Văn Hạng (08/04/2009 09:37:07)