Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Những ngày đầu vào cuộc


(05/08/2010 15:18:07)

Ngày nhận máy quay (camera) do Ngành trang bị, toàn thể anh chị em phóng viên phân xã Nghệ An đều rất vui. Không vui sao được khi Phân xã (PX) Nghệ An là một trong số các PX đầu tiên trong nước được làm truyền hình và được trang bị ngay máy quay loại lớn, mới coóng và rất hiện đại.

Còn nhớ khoảng 5 tháng trước đây, khi được Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn triệu tập về Hà Nội học làm thông tin truyền hình, tôi cũng như các phóng viên phân xã khác không khỏi băn khoăn, lo lắng. Lần đầu tiếp xúc với máy quay chúng tôi đều lúng túng, cho dù trước đó chúng tôi đều là những tay chụp ảnh, thường xuyên cộng tác với Ban Biên tập-Sản xuất ảnh báo chí. Được sự giúp đỡ tận tình của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn, Trung tâm Truyền hình thông tấn và các giảng viên, dần dần những thao tác trong việc quay, dựng hình, viết lời và các nghiệp vụ liên quan khác đã trở nên quen thuộc. Tuy còn phải học hỏi nhiều, nhưng đến nay phóng viên PX đã có thể "tự tin" để làm được tin hoặc phóng sự truyền hình về các sự kiện diễn ra tại địa phương. Thực tế, từ khi học và nhận máy quay trở về PX, đến nay, PX Nghệ An đã làm được trên 14 tin và phóng sự truyền hình, được Trung tâm Truyền hình thông tấn sử dụng, là một trong những PX trong nước có số lượng tin truyền hình nhiều nhất.

Việc các PX tham gia làm truyền hình đang tạo một bước tiến quan trọng trong công tác thông tin, góp phần nâng cao vị thế của phóng viên TTXVN và của các PX. Giờ đây, phóng viên thường trú tại các địa phương không chỉ đơn thuần viết tin, bài, chụp ảnh cung cấp cho các ban biên tập tin, ảnh và cho các báo trong ngành mà cùng một lúc, trong cùng một sự kiện còn làm tin truyền hình cung cấp cho Trung tâm Truyền hình Thông tấn. Tôi nghĩ đây chính là "điểm mạnh" của phóng viên PX so với phóng viên của các cơ quan báo chí khác tại địa phương nên cần phải cố gắng phát huy.

Tuy nhiên bên cạnh những lợi thế cạnh tranh như trên, làm thông tin truyền hình cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong tình hình mình mới "chân ướt chân ráo" bước vào lĩnh vực này và điều kiện phân xã còn rất nhiều khó khăn. Ở đây, tôi chưa tính đến khó khăn về nhân lực, về sức lực của phóng viên phải bỏ ra nhiều hơn khi làm tin hình mà chỉ mạn phép nêu một khó khăn nhất của PX Nghệ An là về phương tiện đi lại.

Địa bàn tỉnh Nghệ An rộng, từ trụ sở PX ở thành phố Vinh lên các huyện miền núi cách xa hàng trăm km. Riêng huyện Kỳ Sơn phải đi gần 300 km - bằng từ Nghệ An ra Hà Nội. Đây lại là địa phương thường xuyên xảy ra các sự kiện đột xuất, bất ngờ (như cháy nổ, tai nạn giao thông, bão lũ, cháy rừng...). Và cũng ở vị trí "trung tâm" của các tỉnh Bắc Trung bộ nên Nghệ An thường có các cuộc hội nghị, hội thảo do các cơ quan Trung ương tổ chức. Không phải như Hà Nội hoặc các thành phố lớn khác, ra đường là có ngay xe tắc xi hoặc xe khách chạy đến nhiều địa phương, ở Nghệ An, khi cần, muốn bắt được xe khách đến hiện trường để ghi hình (thường không nằm ở trung tâm huyện lỵ) là rất khó khăn, thậm chí không có.

Đối với Đài Truyền hình tỉnh và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (thường trú tại Nghệ An), trước một sự kiện diễn ra, kể cả ngay trong địa bàn thành phố, họ đều có ô tô đưa đón ê kíp phóng viên đến hiện trường, vừa nhanh chóng cho phóng viên tác nghiệp, vừa để bảo vệ máy quay, chân máy và tránh để phóng viên vận chuyển bằng xe máy cồng kềnh, khó khăn trong đi lại. Nhưng với PX, do chưa có ô tô nên rất khó khăn trong việc chủ động đi lại. Có những sự kiện xảy ra đáng lý ghi được hình thì rất tốt, nhưng phóng viên PX "bất lực" không thể đem theo túi máy và chân máy để ghi hình được, vì máy quay loại to rất nặng và cồng kềnh, bao gồm một túi đựng máy và một túi đựng chân máy, đành chỉ đem theo máy chụp ảnh nhỏ gọn và máy tính xách tay đến hiện trường để làm tin, chụp ảnh. Nhiều lúc cũng muốn "đánh liều" dùng xe máy hoặc bắt ô tô khách, rồi bắt xe ôm để chở máy đến hiện trường, nhưng lại sợ không an toàn cho máy quay (vì máy có giá trị lớn) nên lại thôi.

Hiện nay, phóng viên PX Nghệ An đã tự lái được ô tô nên nếu được cơ quan trang bị hoặc cho mượn tạm một ô tô cũ cũng được, PX sẽ thuận tiện và chủ động hơn trong việc đi lại để làm thông tin truyền hình. Trước đây, chúng tôi chưa lần nào đề cập đến chuyện này, nhưng nay làm truyền hình, do những đặc thù riêng nên PX mạnh dạn nêu vấn đề này ra.

Nguyện vọng là như thế, nhưng cho dù chưa có ô tô để đi lại thì với trách nhiệm nghề nghiệp, phóng viên PX vẫn phải vượt lên để khắc phục những khó khăn nhằm làm tốt việc cung cấp thông tin cho kênh Truyền hình thông tấn, góp phần nhỏ bé vào việc quảng bá thương hiệu cho TTXVN.

Nguyễn Văn Nhật (Phân xã Nghệ An)
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phóng viên "3 trong 1" (05/08/2010 15:15:28)

Chuýằ‡n làm tin truýằn hÃơnh cỏằĐa phóng viÃên phÃÂn xÃÊ (05/08/2010 15:12:55)

TTXVN đoạt 4 giải C, 4 giải khuyến khích (06/07/2010 13:38:23)

2009 - năm đẫm máu với ngành truyền thông quốc tế (06/07/2010 13:12:12)

Vài "kinh nghiệm" mọn (06/07/2010 13:06:03)

Bước bứt phá lên mô hình Tập đoàn truyền thông quốc gia (06/07/2010 13:04:12)

Tiếp lửa truyền thống anh hùng (08/06/2010 09:49:22)

Danh sách Ban chấp hành Liên chi hội nhà báo ttxvn khóa vi (2010 - 2015) (08/06/2010 09:19:35)

Vì mục tiêu xây dựng TTXVN trở thành tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh (12/05/2010 11:42:56)

Cả 4 thể loại đều có giải A (08/04/2010 10:44:03)